Tổng thống Mỹ Joe Biden.
“Chiến tranh đã tạo ra khủng hoảng chiến lược và nhân đạo”, ông nói Biden trong chuyến thăm đầu tiên tới Bộ Ngoại giao Mỹ với tư cách là Tổng thống Mỹ. “Cuộc chiến này phải kết thúc”.
Ông Biden tái khẳng định cam kết bảo vệ đồng minh dù chấm dứt vai trò hỗ trợ của Mỹ trong cuộc chiến ở Yemen. “Ả Rập Saudi đối mặt với các đợt tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái và các mối đe dọa khác từ vũ khí của Iran. Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ Ả Rập Saudi bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
Tuyên bố của ông Biden đồng nghĩa rằng, Mỹ sẽ ngừng bán các vũ khí sát thương để Ả Rập Saudi sử dụng chống lại phe nổi dậy nắm quyền kiểm soát Yemen.
“Bán vũ khí sát thương phục vụ cho cuộc chiến ở Yemen đã dẫn đến thảm họa nhân đạo”, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói, nhấn mạnh các hợp đồng vũ khí được ký trong cuối nhiệm kỳ người tiền nhiệm Donald Trump.
“Chúng tôi đã giải thích với đồng minh Ả Rập Saudi để họ hiểu và không cảm thấy bất ngờ với chính sách mới dưới thời Tổng thống Joe Biden”, ông Sullivan nói thêm.
Mỹ sẽ không thực hiện các chuyến bay trinh sát, tiếp nhiên liệu, hỗ trợ các chiến đấu cơ dội bom phe nổi dậy ở Yemen. Tuy nhiên, Mỹ vẫn sẽ thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố Al-Qaeda hoạt động ở bán đảo Ả Rập, bao gồm ở Yemen, cố vấn Sullivan nói.
Ông Biden cũng chỉ định Timothy Lenderking là người dẫn đầu phái đoàn đặc biệt đến Yemen, đặt mục tiêu chấm dứt cuộc nội chiến ở quốc gia này.
Đảo ngược chiến lược của Mỹ ở Yemen là một trong những chính sách ngoại giao ông Biden đề ra vào ngày 4.2, nhằm điều chỉnh lại các chính sách ngoại giao.
Ả Rập Saudi đứng về phía chính phủ Yemen, phát động cuộc chiến chống phe nổi dậy vào tháng 3.2015 và được chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump hỗ trợ tích cực.
Sau 6 năm, Ả Rập Saudi vẫn không dứt điểm được cuộc chiến, gây ra thảm họa nhân đạo với 80% dân số Yemen trong tổng số 24 triệu người, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc.