"Chuyện đời thường miền quê" - Hoàng Kiền

Ngày đăng: 07:11 10/02/2021 Lượt xem: 367
--------------------------------------------------------------------
 
CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG MIỀN QUÊ

         Năm nào cũng thế, cứ gần tết Nguyên Đán tôi về làng thăm chúc tết người thân nội ngoại bốn bên. Trưa nay ra thăm chị tôi, vừa là chị vừa là bạn vừa là vợ của đồng đội Trường Sơn năm xưa.
         Chị hỏi:
- Cậu mừng thọ chưa?
- Em được các hội mừng rồi, gia đình không tổ chức.
- Sao không mừng cho các chị đến chúc mừng cậu.
- Thôi, chờ nếu trời cho sống đến 80 sẽ mừng.
- Chị có mừng không?
- Có được đâu mà mừng, năm ngoái tìm mãi không thấy chứng minh thư, đem nộp sổ hộ khẩu sinh năm 1951 họ bảo chưa đến tuổi nên không cấp giấy cũng không được tiền. Năm nay tìm thấy chứng minh thư sinh năm 1950 nộp cho ông phụ trách Hội người cao tuổi của xóm, chờ mãi thấy họ bảo quá tuổi rồi không được mừng .
- Sao lại khai thế?
- Chị có biết gì đâu, học hết lớp 3 cùng với cậu, thi lên lớp 4 trượt rồi nghỉ, bây giờ có biết cái thổ tả gì đâu, họ ghi cho thế nào thì là thế chứ chị có biết đâu.
- Thế mừng thọ được những gì?
- Được cái bằng Mừng Thọ và 200 nghìn, có cái bằng treo ở nhà nhìn thôi, chứ chị cũng chẳng có tiền mà tổ chức cỗ bàn gì cả.
         Nghe chị nói mà mủi lòng.
        Tôi điện cho ông Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi xã, phụ trách thôn có ý kiến liền nêu vấn đề. Ông ấy hứa sẽ họp BCH Hội người cao tuổi xã có ý kiến giải quyết ngay chiều nay.
- Chị kể tiếp, số nhà chị nó đen cậu ạ. Anh đi Bộ đội vào Trường Sơn về, gần mười năm đi đánh Mỹ mà chẳng có chế độ gì cả. Bị ung thư, cậu xin cho giấy xác nhận ở Trường Sơn, về làm hồ sơ. Cũng vướng mắc hết chỗ này đến chỗ khác nên không được.
         Cậu biết cả rồi đấy. Bố mẹ anh ấy mất sớm, ở với ông bà ngoại, chăn trâu cắt cỏ, mù chữ rồi đi Bộ đội. Khi làm hồ sơ chỗ thì Trần Văn Vọng, chỗ thì Trần Bình Vọng, thế là cứ lằng nhằng mãi chả được.
- Em biết rồi, hai anh em cùng chăn trâu cắt cỏ mà, anh hơn vài ba tuổi cầm đầu lũ trẻ trâu trong làng, chăn con trâu đực cổ vại hung dữ lắm, thế rồi anh đi Bộ đội rất sớm. Vào Bộ đội được đi học bổ túc văn hoá thoát nạn mù chữ, thắng Mỹ trở về quê làm đội trưởng đội sản xuất, nhưng văn hoá có hạn nên cũng xin nghỉ.
         Năm nào về quê tôi cũng đến nhà thăm anh chị, hai anh em ngồi tâm sự, anh cứ phàn nàn về việc đi Bộ đội Trường Sơn gần chục năm về mà chẳng có chế độ gì.
        Tôi vào Trường Sơn sau anh, gặp anh là Chiến sĩ Đường ống Xăng dầu Trường Sơn, góp phần làm nên "Con đường huyền thoại trong Trường Sơn huyền thoại ".
         Anh kể, nhà đông con giai mà khó khăn quá. Anh chị sinh ra toàn con trai, đặt tên cho là Vượt, Lên, Mãi, Trên, Bạn, Ơi, mới đến thằng Bạn là hết, thiếu thằng Ơi nên vẫn cứ nghèo khó, hai con trai lại ra đi sớm để lại đàn cháu nên càng khó khăn hơn.
         Xem lại giấy tờ và là người trực tiếp biết về anh, tôi lên Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 gặp Thiếu tướng Đỗ Giang Nam - Tư lệnh Binh đoàn trình bày, anh Nam xem hồ sơ, chỉ đạo cơ quan làm giấy xác nhận có thời gian hoạt động trong khu vực quân đội Mỹ rải chất độc hoá học.
         Cậu về quê hướng dẫn các cháu đi làm chế độ cho bố. Hồ sơ không khớp, giấy này là Trần Bình Vọng, giấy kia là Trần Văn Vọng, lên đến huyện là hết đường đi. Tôi lên gặp các anh lãnh đạo của huyện Giao Thuỷ, và Phòng Lao động Thương binh Xã Hội của huyện nhờ giúp đỡ, vẫn vướng cái tên đệm Văn với Bình.
         Tôi nhờ người quen đưa đến gặp anh Hoàng Đức Trọng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội của tỉnh Nam Định nhờ giúp giải quyết, anh ấy đi vắng, gặp qua điện thoại, trình bày cụ thể, anh Trọng hướng dẫn về làm công văn từ xã xác nhận ông Trần Văn Vọng và ông Trần Bình Vọng là một, Phòng tư pháp của huyện xác nhận là được, tôi điện thoại nhờ phòng Tư pháp, được ủng hộ ngay, nhưng thủ tục các bước lâu quá. Hồ sơ lên đến tỉnh, phải qua Hội đồng giám định y khoa, tôi hướng dẫn cháu lên gặp hội đồng trình bày hoàn cảnh bố cháu bị ung thư nằm liệt không lên được. Hội đồng về tận nhà xác minh thì anh ấy vừa đưa ra đồng xong, thế là hết, cũng chẳng được gì.
- Chị nói, cả làng, cả xã ai cũng bảo anh là người thiệt nhất, cống hiến mà chẳng được tí chế độ gì, giá họ quan tâm giúp đỡ tích cực thì có chế độ giờ chị cũng được mỗi tháng mấy trăm. Tôi cũng nghe bà con làng xóm nói như thế, mà đúng như thế thật .
- Chị than phiền thêm, chó cắn áo rách. Đã không được tiền lại còn mất 15 triệu nữa chứ.
- Sao lại mất?
- Chó nó ăn mất.
- Chó nào?
- Trước đây mấy thằng nó bảo đưa tiền nó chạy cho, chạy không được, đòi nó trơ mắt ếch ra, có thằng đi tù như con chó trong chuồng rồi. Ngày ấy giá nghe Cậu thì không mất, Anh vay tiền cậu chạy chế độ, cậu nói vay làm gì thì cậu giúp, chứ vay mà chạy chọt cậu không giúp. Thế là mất thật . Bây giờ ung thư được chế độ thì họ không tận tình giúp đỡ.
         Nghĩ rằng nghành Lao động Thương binh Xã hội các cấp chưa làm tròn trách nhiệm với dân với nước, phát hiện, tìm biện pháp giải quyết mới là đạo lý của nghành. Nghĩ mà thương chị tôi, cùng tuổi chơi với nhau từ bé.
- Thế bây giờ làm gì? - Tôi hỏi...
- Chị nấu rượu đi bán hàng ngày.
- Đi xa không?
- Đi dăm sáu cây số!
- Đi xe gì?
- Đi bộ chứ xe cộ gì.
- Thôi đi bộ cho khoẻ, không bị tiểu đường, mỡ máu, gút, thận, huyết áp.
         Nhìn khuôn mặt nhăn nhúm hết cả mà thương chị tôi quá đi.

 
         ...
- Chị cám ơn cậu năm nào cũng quan tâm đến chị và các cháu.
- Chúc chị ăn tết vui khoẻ nhé.
         Buổi chiều, BCH Hội người cao tuổi xã đã họp, điện thoại cho tôi thông báo, có một số trường hợp như thế, chứng minh thư và sổ hộ khẩu không khớp nhau là ngành Thương binh xã hội không công nhận tuổi để mừng thọ.
Thế thì suốt đời không được mừng thọ à.
- Qui định như vậy ạ.
- Các ông máy móc quá, người trần mắt thịt sống sờ sờ ra ngay trong xóm làng xã chứ có đâu xa lạ.
- Nhưng là qui định của ngành Lao động, Thương binh, Xã hội Thiếu tướng ạ.
         Tôi điện thoại trao đổi nửa tiếng đồng hồ, ông tổ trưởng của xóm, ông phụ trách thôn, ông Chủ tịch Hội người cao tuổi của xã, tất cả đều trả lời : không thể thay đổi được quyết định của nghành xã hội quê ta.
         Mãi hôm sau, nhận được điện thoại : Cuối cùng Hội người cao tuổi quyết định cấp bằng chứng nhận người cao tuổi cho bà ấy, nhưng không được tiền tặng 20.000 đồng của Nhà nước.
         Nghĩ mà trăn trở, mà ngao ngán quá đi thôi…
 
Quê 27 tháng chạp Canh tý
Hoàng Kiền

 
tin tức liên quan