Ấn tượng Việt Nam của Đại sứ Palestine từng dự 4 kỳ Đại hội Đảng

Ngày đăng: 11:51 13/02/2021 Lượt xem: 218

Ấn tượng Việt Nam của Đại sứ Palestine từng dự 4 kỳ Đại hội Đảng

Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama - “con rể” của đất nước hình chữ S - đã có 40 năm gắn bó với Việt Nam. Ông nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ và từng 4 lần dự Đại hội Đảng (lần thứ V, VII, XI, XIII).

Đại sứ Saadi Salama gắn bó 40 năm với Việt Nam. Đã 4 lần ông dự Đại hội Đảng với tư cách khách mời. Qua mỗi kỳ Đại hội Đảng,  ông được chứng kiến sự đổi thay và phát triển nhanh chóng ở Việt Nam. 

Có lẽ hiếm có nhà ngoại giao nào được dự 4 kỳ Đại hội Đảng tại Việt Nam. Ấn tượng của ông về những kỳ đại hội đó như thế nào?

Tôi là sinh viên học tập, nghiên cứu tại Việt Nam từ những năm 1980 - 1984. Năm 1982, Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng lần thứ V, đoàn đại biểu Palestines được mời tham dự. Tôi đã đóng góp một phần nhỏ vào thành công của đoàn đại biểu Palestine sang thăm Việt Nam lúc bấy giờ.

Đại hội V lúc đó rất quan trọng, vì diễn ra trong bối cảnh Việt Nam bị phong tỏa về kinh tế. Đại hội đã thu hút sự đoàn kết, ủng hộ mạnh mẽ của các đảng anh em và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Tôi còn nhớ, lãnh tụ từ nhiều nước đến Việt Nam như đại diện Đảng Cộng sản Liên Xô khi đó là ông Heydar Aliyev, người sau này là Tổng thống của Azerbaijan và hiện con trai ông cũng đang là Tổng thống Azerbaijan; ông Kaysone Phomvihane của Lào; ông Heng Samrin của Campuchia...

Sau đó, tôi quay lại Việt Nam trên cương vị Phó Đại sứ. Tôi có dịp dự Đại hội VII của Đảng (năm 1991), khi đó ông Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư. Việt Nam đã thông qua hàng loạt quyết định quan trọng liên quan đến tương lai, đặc biệt là việc áp dụng những chính sách đổi mới khi Việt Nam đã nhận thấy sự thay đổi phức tạp trên thế giới.

Từ Đại hội VI, Việt Nam đã quyết định đường lối đổi mới để phục hồi, phát triển sau chiến tranh, sau thời bao cấp. Việt Nam đã nhìn thấy một tương lai khác, đã quan tâm đến việc làm thế nào để bảo vệ, làm giàu cho dân tộc, để phát triển đất nước. Khi đó, Việt Nam còn nhiều vấn đề liên quan đến tình hình chung khu vực, đã giải quyết một cách rất thông minh, sáng tạo.

Rời Việt Nam vào năm 1992 để qua Lào làm việc, tôi vẫn quan sát Việt Nam với một sự say mê về một đất nước mà tôi từng sống, học tập và làm việc.

 
Ấn tượng Việt Nam của Đại sứ Palestine từng dự 4 kỳ Đại hội Đảng
Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama

Số phận và cái duyên đã đưa tôi quay lại Việt Nam lần nữa vào cuối năm 2009. Trên cương vị Đại sứ Palestines, tôi có cơ hội dự Đại hội XI của Đảng. Lúc đó, cả thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính, ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia. Việt Nam đã xử lý rất thông minh những khó khăn mà cả khu vực và thế giới đang phải đối mặt.

Làm thế nào để đưa đất nước tiếp tục phát triển, để thúc đẩy, cân đối giữa sự phát triển kinh tế và văn hoá để bảo vệ những đặc trưng của dân tộc. Việt Nam đã vượt qua được những thách thức đó, rất đáng khích lệ.

Để đạt được thành quả đó có nhiều việc mà Việt Nam đã làm. Thứ nhất,  đưa ra và thực hiện những chính sách gắn liền với thực tế phát triển của Việt Nam. Thứ hai,  đoàn kết dân tộc. Thứ ba, người dân Việt Nam luôn hướng về tương lai, làm sao để đóng góp cho sự phát triển chung.

Đặc biệt, ở tất cả các Đại hội, tôi đều nhận thấy, chính sách đối ngoại của Việt Nam có sự độc lập. Việt Nam không phải là thành viên của bất cứ liên minh nào. Việt Nam mở rộng quan hệ với các nước trên nguyên tắc rất rõ ràng là không đe doạ, sử dụng vũ lực đe doạ mà sử dụng biện pháp hoà bình để giải quyết các bất đồng, hợp tác cùng có lợi.

Những nguyên tắc đó của Việt Nam nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, Việt Nam ngày càng được sự tôn trọng của các quốc gia và ngày càng có vị trí trên bản đồ chính trị của thế giới. Hình ảnh, uy tín và sự ủng hộ của bạn bè thế giới ngày càng tăng. Tôi nghĩ cần tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại như vậy.

Tôi có thể viết một cuốn sách về những đổi mới ở Việt Nam

Như nói ở trên, Đại sứ đã theo dõi và chứng kiến Việt Nam trong suốt quá trình đổi mới 35 năm qua. Vậy, ông nhận xét như thế nào về sự thay đổi của đất nước chúng tôi trong giai đoạn này?

Nếu nói về vấn đề này thì tôi có thể viết cả một cuốn sách. Tôi đã đến Việt Nam khi đất nước ở vào giai đoạn khó khăn nhất. Những năm 80 của thế kỷ XX, đến Hà Nội, tôi thấy thành phố rất xinh đẹp, hiền hoà, yên bình nhưng người dân sống cực khổ, vất vả. Tất cả người dân Việt Nam khi đó đều như nhau cả. Nam giới thì ai cũng mặc một chiếc quần kaki với sơ mi màu trắng. Phụ nữ thì mặc quần lụa đen với sơ mi và đội một chiếc nón.

Người nào cũng đi xe đạp, đi làm từ sáng và đều mang theo một chiếc cặp lồng đựng thức ăn. Người dân thiếu thốn thuốc men khi ốm đau, thiếu gạo. Du học sinh như chúng tôi lúc đó sinh hoạt còn khá hơn nhiều vị lãnh đạo Việt Nam, vì chúng tôi rất được tạo điều kiện.

Vậy mà giờ Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, là quốc gia xuất khẩu nhiều thủy hải sản, nông sản hàng đầu thế giới như cà phê, hạt điều…

Năm 1980, ở Hà Nội nhà cao nhất không quá 5 tầng, còn giờ có thể nhìn thấy Hà Nội, TP.HCM đã có nhiều toà nhà cao nhất nhì Đông Nam Á.

Chỉ trong vòng 35 năm đổi mới mà Việt Nam đã có những thành quả đó. Nếu so sánh với những quốc gia mà tôi đã từng sống và làm việc thì rõ ràng đó là sự thành công.

Đại hội XIII của Đảng vừa diễn ra, Đại sứ quan tâm đến điều gì nhất và ông nhìn nhận như thế nào về điều đó?

Tôi khác với các Đại sứ khác ở Việt Nam - quan tâm đến nhân sự. Về nguyên tắc, nhân sự luôn luôn đóng một vai trò quan trọng để xác định đường đi của Việt Nam nhưng tôi nghĩ rằng, đây là vấn đề không quan trọng. Vì từ trước đến nay, dù ai lãnh đạo Việt Nam thì lợi ích của dân tộc là thống nhất.

Dù ai đứng đầu, Việt Nam vẫn duy trì chính sách đối ngoại là thúc đẩy các mối quan hệ với các quốc gia, mở rộng quan hệ quốc tế cùng có lợi trên các nguyên tắc đã đặt ra.

Thế giới đang rơi vào tình trạng không ổn định, với mức độ nguy hiểm không thể lường trước được. Đại dịch Covid-19 bùng nổ trên thế giới, GDP của Việt Nam đã tăng gần 3% trong khi các quốc gia lớn của Châu Âu, Châu Mỹ không có được một điểm phát triển nào. Nền sản xuất và hàng hóa của Việt Nam vẫn tiếp tục đảm bảo được cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, người lao động không thất nghiệp….

Là một người bạn của Việt Nam, tôi luôn tự hào về quyết định sang Việt Nam để học tập. Là một người luôn gắn bó, tôi muốn gửi những thông điệp cho bạn bè quốc tế và đất nước Palestines về một Việt Nam đầy hứa hẹn và phát triển.

Thành Nam


tin tức liên quan