Mùa xuân mới an nhiên Thứ hai, 15/2/2021, 08:01 (GMT+7) Tuần trước, khi đang khám sức khỏe ở bệnh viện trong thành phố, một giọng nói thoảng qua làm tôi giật mình. "Chà cái bill đó coi bộ mắc quá ha Tư. Tết nhất tới nơi mà dịch bệnh vầy làm ăn hông được. Con có tiền để trả hông Tư?". Người đàn ông châu Á tầm bốn mươi tuổi đẩy chiếc xe lăn có cụ bà nhỏ thó, lọt thỏm trong chiếc áo ấm to dày bước qua tôi. "Má đừng có lo. Má nhớ cô phiên dịch cổ nói: bác sĩ dặn má ráng ăn uống, ngủ nghỉ cho khỏe lại đó má thấy hông. Tiền để con lo". Chiếc quần jean sờn và đôi ủng da anh mang nhìn rất giống những công nhân người Việt ở khu vực South Grand thỉnh thoảng tôi vẫn gặp. Chất giọng miền Nam hiền từ gợn lên trong tôi cảm giác khó tả. Lòng tôi bỗng cồn lên một niềm thương. Dù ở nơi đâu, giọng nói Việt đơn sơ, sự trìu mến và quan tâm dành cho nhau bất chấp khó khăn vẫn làm tôi nhớ gia đình và quê nhà khôn xiết. Năm đầu sang Mỹ học cao học, tôi ở thị trấn nhỏ miền Nam Illinois. Một sáng cuối tuần, Natalie - đứa em gái người Mỹ là sinh viên hội họa sống cùng nhà chở tôi vào thành phố mua sắm cho Tết. Con bé trầm trồ hỏi luôn miệng, "những tấm da hình tròn mỏng tang này dùng để làm gì?". Nó không biết đấy là bánh tráng. Và nó chưa bao giờ thấy ai mua nhiều thịt heo có mỡ như tôi. Nếu có một tí mỡ và da, món thịt kho tàu sẽ ngon và bùi miệng hơn. Vào buổi tối, hội bạn người Mỹ mang đến những món ăn khác đóng góp cho tiệc năm mới diễn ra tại nhà hai đứa tôi. Không có bánh chưng, bánh tét, nhưng ai nấy đều ăn sạch tất cả những cuốn chả giò, cơm và thịt kho tàu, cùng món gỏi gà tôi trộn. Natalie mang cả giá vẽ tranh ra giữa phòng khách. Trên đó, tựa vào khung gỗ là bức thư pháp lớn viết chữ "Tết" bằng cọ màu đỏ tươi do chính tay con bé thực hiện. Tôi ấm áp Tết phương xa ở một nơi cách gia đình nửa vòng trái đất. Thoáng đó mà đã năm năm. Sau khi ra trường và lập gia đình, tôi được ăn Tết vui hơn vì chồng tôi cực kỳ thích những sự kiện liên quan đến văn hóa và ẩm thực Việt. Sống và làm việc trong thành phố nơi có hàng tá nhà hàng Việt Nam và nhiều cửa hàng, chợ Á châu giúp tôi quen và kết thân với nhiều bạn bè người Việt khác. Tết Kỷ hợi năm 2019, tôi về Việt Nam thăm nhà sau ba năm đi học. Cả gia đình chồng người Mỹ bao gồm cha mẹ và hai em cũng về Việt Nam cùng vợ chồng tôi. Những ngày tháng ngắn ngủi hai gia đình được gặp gỡ, ăn uống cùng nhau. Sắc mai vàng cùng khung cảnh Tết vui tươi tại Sài Gòn và Hà Nội để lại trong gia đình chồng tôi ấn tượng sâu sắc. Sau chuyến đi đó, cứ năm mới dương lịch vừa sang, ba mẹ và hai em chồng luôn hỏi thăm tôi về kế hoạch cho Tết. Tôi nhận ra, Tết không chỉ là ngày đặc biệt của người Việt, mà những người yêu quý Việt Nam cũng chung vui. Khi tuyết bắt đầu rơi ở vùng trung tây nước Mỹ là lúc tôi bắt đầu hỏi mẹ qua những cuộc gọi video về Sài Gòn: "hôm nay là ngày mấy tháng Chạp?" Nước Mỹ những ngày tháng hai này, nhân viên văn phòng chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc tại nhà trong làn sóng dịch thứ ba. Các hoạt động gặp gỡ theo nhóm bị triệt giảm tối đa. Chúng tôi sẽ không có một Tết Việt đông người và quần họp như những năm trước. Tết năm nay, tôi và bạn bè người Việt sống tại nước ngoài, đặc biệt những nơi đại dịch hoành hành nặng nề như Mỹ và châu Âu phải thu mình khỏi những hoạt động vui vẻ, nhưng vẫn ngóng trông tin tức từ Việt Nam. Lợi thế về tài chính đang giúp các quốc gia như Mỹ và châu Âu có điều kiện mua và tiêm vaccine cho người dân sớm. Với Việt Nam, vaccine chưa thể có ngay và cho tất cả dân chúng. Tôi cảm thấy lo lắng khi nghĩ về mẹ mình bị tiểu đường, những người cô, cậu, dì hoặc hàng xóm ở tuổi trung niên với sức khỏe kém. Tôi mong quê nhà mau vượt qua làn sóng Covid này. Nguyện cầu cho mọi người Việt có một mùa xuân mới an nhiên. Đỗ Thị Ngọc Vũ (PS st Theo VnExpress.net)