"Món nợ ân tình" - TG: Nguyễn Hữu Quý

Ngày đăng: 10:33 27/02/2021 Lượt xem: 299
         Nhân kỷ niệm 66 ngày "Thầy thuốc Việt Nam" (27-02) . Số đặc biệt của Báo Sức khỏa & Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế ra hôm nay có đăng bài viết bàn về y đức của Đại tá, Nhà thơ, Phó Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam.
         Trường Sơn xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc.

 
MÓN NỢ ÂN TÌNH
Nguyễn Hữu Quý


 
         Sự tử tế chính là cốt lõi của đạo đức con người. Là con người đích thực, con người viết hoa như ta hay nói thì bất cứ ở đâu, làm công việc gì cũng đều hướng tới sự tử tế. Với các thầy thuốc thì đó là điều không thể không có; tử tế là nền tảng, là ánh sáng của nghề y. Từ xưa đến nay các danh y luôn được mọi người yêu quý trân trọng. Ai đã từng được thầy thuốc chữa bệnh, chăm sóc đều biết ơn họ, sự tri ân không chỉ tính bằng ngày, bằng tháng mà bằng năm có khi bằng cả cuộc đời mình. Tôi nhớ tới câu này: "Người ta trả tiền cho công sức của Bác sỹ, còn sự tử tế của Bác sỹ vẫn là món nợ ân tình."
         Bố tôi chỉ là một y tá ở xã. Thời bé, tôi nghe người lớn trong làng gọi tên bố tôi kèm theo hai tiếng y tá. Xã có mấy người tên giống bố tôi duy chỉ có mỗi mình ông được dân làng tặng thêm hai tiếng đó. Y tá. Có lẽ đây là bậc gần thấp nhất trong ngành y nhưng vốn được đào tạo bài bản từ thời Pháp, ông là một mẫu thầy thuốc tử tế và giỏi giang. Làng tôi, nhiều người dân được bố tôi chữa khỏi bệnh, nhiều đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời trên đôi bàn tay ông. Khi những cơn gió buốt lạnh của tháng chạp ta thông thốc thổi qua làng, vào những ngày áp Tết, bố tôi thường nhận được quà biếu của người dân. Quà quê, một con cá ngon, một trái bưởi đẹp, một lạng trà, một gói mứt…Không nhận không được. Những người dân chân chất vừa trao quà cho ông vừa khẩn khoản: “Có chi mô hè. Ơn bác chữa bệnh cho nhà tui trả khi mô hết được…”. Bố mẹ của những thằng cu, con bẹp do ông đỡ đẻ hay nhắc tên bố tôi với chúng nó. Từ hồi còn bé tí ấy, tôi đã không giấu diếm niềm tự hào về bố, đến bây giờ khi đã thành người thiên cổ ông vẫn được nhắc tới với sự kính trọng chân thành. Tôi vẫn lâng lâng tự hào khi cái tên gắn hai tiếng y tá đằng sau của bố vẫn chưa mất đi trong ký ức của những người lớn tuổi ở quê mình.
         Cứ nghĩ mình sẽ theo nghề của bố dẫu rằng khi học xong cấp ba tôi đã ghi danh thi vào Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhập ngũ, về Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn tôi được cử đi học lớp y tá. Bất ngờ lắm nhưng không thể từ chối bởi Quân lệnh như sơn. Thế là tôi có 5 năm làm y tá. 5 năm “tiêm mông và bôi thuốc hắc lào” cho đồng đội bất kể nam hay nữ như tôi từng tếu táo kể với bạn bè sau này. Bộ đội Trường Sơn dạo ấy nhiều người bị sốt rét rừng và hắc lào. Thời gian làm y tá không nhiều lắm nhưng tôi cũng đủ biết sự tử tế của thầy thuốc được trả ơn như thế nào. Tôi được nhiều cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị yêu mến. Nhưng có lẽ cuộc đời như được lập trình sẵn, biết tôi có viết báo, làm thơ, Ban Chính trị Trung đoàn rút lên bộ phận tuyên huấn, sau cho đi học sĩ quan và dần dà trở thành người cầm bút như bây giờ. Có khi ngẩn ngơ ngồi trước “pháp trường trắng”, không viết được câu nào tôi miên man nghĩ tới thời trai trẻ và có chút ân hận sao không theo đuổi nghề y.
         Viết văn lâu lâu rồi nên sự lan man đã trở thành thuộc tính. Đang nói về ngành y lại ngẫu hứng chuyển làn qua văn chương, vậy xin trở lại bàn chuyện y đức thầy thuốc. Y đức bao giờ chẳng là mối quan tâm của xã hội. Lời cổ nhân: "Lương y như từ mẫu". Bác Hồ cũng từng căn dặn: "Người thầy thuốc giỏi đồng thời là người mẹ hiền". Lòng mẹ ra sao ta đều biết. "Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"…(Ca dao). Khi ta ốm mệt, lòng mẹ rối bời, lo âu gợn sóng trên gương mặt, yêu thương hiện rõ trong đôi mắt đượm buồn của người. Mẹ dỗ dành ta ăn uống từng muỗng cháo, viên thuốc. Chính sự chăm sóc tận tình đó làm cho ta dịu vợi nỗi đau, tiếp thêm năng lượng chống chọi bệnh tật. Tấm lòng của thầy thuốc được ví như tấm lòng của mẹ. Tình lương y và tình mẫu tử sánh ngang nhau. Cái tình sinh dưỡng và cái tình cứu sinh đẹp biết mấy. Nói thầy thuốc như mẹ hiền là nói tới cái tâm sáng đẹp của người làm nghề trị bệnh cứu người. Điều trị không chỉ bằng thuốc men, bằng dao kéo mà còn chữa bệnh bằng tâm đức; bằng sự ân cần, dịu dàng, tận tình, cẩn trọng…Thầy thuốc làm dịu sự đau đớn của người bệnh bằng nhân đức cao cả của mình. Vẫn còn đó những căn bệnh y học đang bó tay. Ngày nối ngày, người bệnh tiến dần tới cái chết, đau đớn và vô vọng, chán nản và bế tắc…Họ cần, cần lắm một điểm tựa để tin cậy, một chấm sáng để ngước trông, một lý do để cân bằng. Người thân, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp có thể làm được nhiều điều nhưng không thể nào thay thế được thầy thuốc. Tình thương yêu của thầy thuốc sẽ truyền dẫn năng lượng, truyền cảm hứng sống lạc quan không nhỏ cho người bệnh, đó là điều không khó lý giải. Thật có lý khi trước đây người ta gọi bệnh viện, bệnh xá là nhà thương. Thương đây là thương yêu, thương cảm, thương người như thể thương thân.
         Chữa bệnh là một nghệ thuật, ẩn tàng trong đó cái đẹp bình dị của cuộc sống. Đấy là nghệ thuật của khoa học, nghệ thuật của kỹ thuật, nghệ thuật của đạo đức. Nghệ thuật cao cả ấy thường lấp lánh giữa hai bờ sáng - tối, vui - buồn, sinh - tử của con người. Nghệ thuật được ánh xạ từ tâm đức thầy thuốc, sáng tỏa mà không chói chang, ngân rung mà không ồn ã, “tác phẩm” được dựng nên bởi sự thầm lặng đặc trưng của nghề y. Chữa bệnh cho người trên cả phần xác lẫn phần hồn, đích thực là như thế, nên thầy thuốc xứng danh là nghệ sỹ, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài như cụ Nguyễn Du viết. Có người nói, nghệ thuật y khoa là việc làm bệnh nhân vui vẻ trong khi tự nhiên chữa bệnh. Dân gian cho rằng, người sống đống vàng. Sinh mạng con người, sức khỏe con người là cái quý nhất trong cõi đời này. Thầy thuốc liên quan tới cái quý nhất, cái số 1 đó. Thật có lý khi người ta cho rằng, không gì khiến con người tiến gần tới thánh thần hơn là trao sức khỏe cho con người.
         Hiện nay, vẫn còn những xì xèo, ca thán về đạo đức của ngành y. Ở bệnh viện này, ở trạm xá nọ còn có những mảng tối làm phiền lòng người dân. Sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của bác sỹ, y tá đôi khi gây ra những hậu quả xót xa cho người bệnh và gia đình họ. Thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị tung ra thị trường, tuồn vào bệnh viện. Vào bệnh viện, người ta buộc phải thuộc lòng câu “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” để biết cách ứng xử. Đến nỗi muốn tiêm chích cho khỏi đau cũng phải có tiền lót tay y tá…Tuy nhiên, trong cảm nhận của tôi, những biểu hiện tiêu cực ấy không phải là cái phổ biến, là bức tranh toàn cảnh của ngành y nước ta. Còn nhiều lắm những tấm gương sáng trong ngành y; họ là nhà khoa học, là bác sỹ, là y tá, là điều dưỡng viên, là hộ lý tận tâm phục vụ người bệnh. Họ cũng dám chấp nhận khó khăn, nguy hiểm và cả xa cách người thân nữa để làm tròn chức phận của mình. Một minh chứng rõ nhất là những thầy thuốc có mặt trên tuyến đầu chống đại dịch Covid 19 trong thời gian qua. Họ là những chiến sĩ, dũng sĩ ở tuyến đầu chống dịch như chống giặc. Không chỉ trong nước đâu mà các thầy thuốc của chúng ta còn xung phong có mặt trên các chuyến bay ra nước ngoài đưa công dân Việt Nam về Tổ quốc.
         Y đức mãi mãi là cái đẹp của cuộc sống. Chẳng bao giờ hết những người mẹ hiền cũng như bao giờ cũng có những thầy thuốc tốt. Và sự tri ân thầy thuốc cũng là đạo lý làm người. Món nợ ân tình ấy chỉ làm tốt đẹp hơn cho cuộc sống mà thôi. Tôi chưa bao giờ đánh mất niềm tin ấy. Niềm tin được định ngôn "Lương y như từ mẫu".
 

tin tức liên quan