Hai điều ước rưỡi cho Hà Nội Chủ nhật, 21/3/2021, 10:15 (GMT+7) Kể từ khi đến Hà Nội, tôi đã yêu nét đặc sắc và sức sống của “nàng”. Và hai thập kỷ sau, tôi vẫn ngạc nhiên bởi sự pha trộn kiến trúc truyền thống và kiến trúc Pháp, những hồ nước và cây xanh, sức sống văn hóa và đời sống vỉa hè của "cô ấy". Nhưng tôi cũng lo lắng khi bản sắc của "nàng" dần biến mất như hệ quả của phát triển kinh tế chóng vánh, về việc "cô ấy" mất đi sự quyến rũ, trở nên lòe loẹt và nhạt nhẽo một cách vô vọng - như rất nhiều thành phố Đông Á trước đây. Tôi nghĩ về Hà Nội những ngày này, sau chuyến thăm mới đây đến hai thành phố cách Hà Nội nửa vòng trái đất. Charleston và Savannah - những viên ngọc quý thuộc miền Nam nước Mỹ. Kiến trúc khu trung tâm của chúng đã được bảo tồn rất tốt, các tòa nhà cổ và nhà ở được cải tạo duyên dáng. Sự hài hòa với thiên nhiên được duy trì bởi những tán cây che bóng quảng trường và bờ sông xinh đẹp. Trong khi thăm thú, chiêm ngưỡng Charleston và Savannah, tôi tự hỏi tại sao họ đã giữ được bản sắc tốt đến vậy ở một đất nước có rất nhiều thành phố lòe loẹt và nhạt nhẽo một cách vô vọng. Bất chấp sự khác biệt rõ ràng, Việt Nam và Mỹ có nhiều điểm chung. Cả hai quốc gia đều đã trải qua nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế sôi nổi, dân chúng đều có máu kinh doanh, quả quyết chịu trách nhiệm về cuộc sống của họ và đều tin rằng cơ chế thị trường là nguồn gốc của sự thịnh vượng. Xét cho cùng, ngay cả trước khi tiếp xúc với thế giới phương Tây và rất lâu trước Đổi mới, Hà Nội đã là Kẻ Chợ - một cái chợ lớn. Tôi cũng thấy những tương đồng lịch sử nổi bật. Charleston và Savannah từng nằm trong số những đô thị giàu nhất lục địa. Nhưng cả hai đều khổ sở trong cuộc nội chiến bạo tàn đã may mắn kết thúc chế độ nô lệ. Kết quả, chúng đều trở nên khá nghèo và cứ như vậy trong nhiều thập kỷ - như Hà Nội một thời. Tôi đọc về cách Charleston và Savannah đã được bảo vệ, thử rút ra bài học cho Hà Nội. Nỗ lực bảo tồn hai thành phố trên được dẫn dắt bởi nhóm nhỏ những người có tình yêu sâu sắc và tận tụy với di sản. Điều thú vị, người tiên phong đều là phụ nữ. Susan Pringle Frost, một nhà quản lý điền trang, khởi động phong trào bảo tồn Charleston vào những năm 1920. Anna Colquitt Hunter, một nhà báo góa chồng, đã làm điều đó ở Savannah vào những năm 1950. Ngày nay, cả hai thành phố đều đang tận hưởng sự năng động kinh tế phi thường, thu hút nhiều chuyên gia giỏi - những người yêu vẻ xinh đẹp của chúng. Hai phụ nữ đặt ra chiến lược đấu tranh trên ba mặt trận. Đầu tiên là thông tin. Các phong trào bảo tồn đã công bố tư liệu về những gì làm cho thành phố của họ thật đặc biệt như lịch sử quy hoạch đô thị, kiến trúc những ngôi nhà đẹp nhất, các câu chuyện về cư dân... Điều này tạo nên nhận thức mới trong cộng đồng. Mặt trận thứ hai là pháp lý. Nhóm bảo vệ di sản đã vận động các quy định nhằm gây khó khăn hơn cho việc thay đổi bố cục đô thị và phá hủy các công trình giá trị. Những nỗ lực cuối cùng đã nở hoa. Khu thương mại Savannah được chỉ định là khu lịch sử năm 1966, một kế hoạch tổng thể kiểm kê và bảo tồn kiến trúc thành phố Charleston được phê duyệt vào năm 1974. Thứ ba, các nhóm bảo vệ di sản còn phát triển mô hình kinh doanh tương tự một quỹ quay vòng, giúp cho việc bảo tồn có lãi. Ở cả hai thành phố, họ quyên góp đủ tiền, mua những tòa nhà và biệt thự đổ nát, cải tạo đẹp đẽ rồi bán lại với giá cao hơn nhiều, kèm theo các giao ước pháp lý bảo vệ nét đặc sắc của chúng. Khoản doanh thu trên có thể được sử dụng để mua các tòa nhà đổ nát hơn và lặp lại phương sách ấy với quy mô ngày càng phát triển. Nhận thức về di sản, sự bảo vệ bằng pháp lý, các mô hình kinh doanh; trong việc gìn giữ căn tính, Hà Nội hiện đang ở đâu trên ba mặt trận này? Vài năm qua, tôi đã vui mừng ngạc nhiên trước nhận thức ngày càng tăng của người Việt Nam, rằng đặc tính và sự quyến rũ của thành phố là giá trị duy nhất - nếu mất đi sẽ không thể lấy lại - và rất cần được bảo vệ. Một mốc lịch sử là phản ứng của nhiều người với việc chặt cây đồng loạt trên đường Hà Nội vào năm 2015. Những thông điệp về sự thất vọng và buồn đau tràn ngập trên mạng. Kể từ đó, trên khắp đất nước, đã có những đợt vận động bảo tồn quan trọng khác: sân vườn Art Deco của rạp chiếu phim Hanoi Cinematheque, dinh Thượng Thơ ở TP HCM, vùng lõi lịch sử Đà Lạt... Nhưng mặt trận bảo vệ bằng pháp lý lại im ắng hơn. Hà Nội có quy hoạch tổng thể đô thị cũng như danh mục đáng tin cậy về những tòa nhà có giá trị kiến trúc hoặc lịch sử. Nhưng một số quy định rất khó thực thi. Người ta có thể phá hủy một tòa nhà giá trị mà chỉ bị phạt nhẹ. Nhiều công chức để xảy ra việc đó vẫn có thể tiếp tục sự nghiệp của mình mà vẫn tại vị. Không có các biện pháp trừng phạt thực sự kèm theo, các quy định vẫn chỉ mang tính biểu tượng. Ở mặt mô hình kinh doanh, chính quyền thành phố đã khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân nâng cấp các khu tập thể cũ. Được xây dựng trong giai đoạn từ lúc độc lập tới Đổi mới, những công trình thuộc trào lưu kiến trúc hiện đại này là một hợp phần của lịch sử thành phố. Và tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng: tồn tại những mô hình có lợi để cải tạo các khu tập thể mà không phải hy sinh nét đặc sắc của chúng. Nhưng nhà đầu tư tư nhân giờ đây chỉ đưa ra các kế hoạch thay thế chúng bằng những cao ốc nhạt nhẽo trong khi chưa có mô hình kinh doanh nào giúp bảo tồn khu phố cổ hay những biệt thự Pháp của Hà Nội. Hầu hết mọi người trên thế giới, gồm cả tôi, có lẽ đều đang mong ước mối đe dọa cuối cùng của đại dịch chấm dứt ngay lập tức. Song còn những mối đe dọa khác mà chúng ta phải đối mặt. Tuy chúng ít kịch tính hơn, nhưng lại như những căn bệnh gậm nhấm âm ỉ trong lòng đô thị của mình mà ta chỉ nhận thấy cho đến khi quá muộn. Giờ đây, trong công cuộc bảo vệ căn tính của Hà Nội, một nửa của cuộc chiến nâng cao nhận thức cộng đồng có thể đã thắng. Tuy nhiên, tiến bộ trong việc bảo vệ bằng pháp lý và các mô hình kinh doanh hiệu quả gần như bằng 0. Thế nên, tôi vẫn giữ trong mình hai điều ước rưỡi cho Hà Nội. Martin Rama (PS st theo VnExpress)