Kì vọng và thất vọng. TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 05:50 23/03/2021 Lượt xem: 270
Kì vọng và thất vọng.
Hoàng Văn Kính


 
          Sau khi ông Chu Ngọc Anh được trên điều động và sau đó được HĐND Thành phố bầu giữ chức Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, hầu hết người dân đều kì vọng tân Chủ tịch có cái nhìn mới mẻ,  có cách làm mới mẻ tạo được bước đột phá đưa Thành phố thoát khỏi những bê bối, trì trệ do người tiền nhiệm để lại.
 Nhưng sự kì vọng ấy ngắn chẳng tầy gang. Việc không nghiêm túc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ ( TTCP ) theo đơn tố cáo của ông Lương Xuân Bình về những khuất tất của tuyến đường sắt trên cao Nhổn – Ga Hà Nội  khiến dư luận nghi ngờ và thật sự thất vọng.
Nghi ngờ và thất vọng là hoàn toàn có cơ sở.
          Ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó trưởng Ban Quản lí đường sắt đô thị Hà Nội ( MRB ) là người đã ròng rã 6 năm liền gánh đơn tố caó những sai phạm tại dự án đường Metro Nhổn - Ga Hà Nội và hậu quả ông nhận được là sự trù dập thẳng tay.
          Chỉ vì giám chống tiêu cực mà ông Bình bị MRB hạ cấp, đưa vào diện dôi dư để loại khỏi biên chế, giảm thu nhập, phải chịu kỉ luật ( lương đang từ 20 triệu / tháng bị tụt xuống còn 7 triệu đồng /tháng trong nhiều năm ). TTCP kết luận có dấu hiệu trù dập ông Lương Xuân Bình. Cụ thể : MRB đã ban hành Quyết định số: 150/QĐ-ĐSĐT-VP về việc thành lập Hội đồng kỉ luật viên chức đối với ông Lương Xuân Bình có dấu hiệu vi phạm pháp luật; từ năm 2019-2020 tiếp tục ban hành nhiều quyết định, văn bản thông báo về việc thi hành kỉ luật đối với ông Bình. 
         Trong khi đó để bảo vệ người tố cáo, Luật Tố cáo sửa đổi năm 2018 ghi rõ: trách nhiệm của cơ quan quản lí nhà nước là phải bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo, đồng thời phải bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo. Nếu ai để lọt thông tin người tố cáo đến người bị tố cáo, để người bị tố cáo phát hiện, từ đó trù dập, xử lí người tố cáo là vi phạm pháp luật. Chiểu theo quy định này thì rành rành hành vi trù dập với ông Lương Xuân Bình của lãnh đạo MRB Hà Nội đã vi phạm pháp luật.
        Tháng 6/2014 ông Bình viết lá đơn đầu tiên gửi lãnh đạo MRB, nhưng  “ những báo cáo đó không được xem xét thấu đáo ” nên ông buộc phải gửi tố cáo lên cấp cao hơn. Ông Bình cho biết: Trong 6 năm qua tôi không nhớ rõ mình đã viết bao nhiêu đơn tố cáo, bao nhiêu bản báo cáo vì số lượng quá nhiều. Ông cho rằng: Lẽ ra những sai phạm ở MRB đã bị ngăn chặn từ rất sớm, nhưng 6 năm trời bị rơi vào im lặng khiến ông và gia đình rơi vào cảnh kiệt quệ cả tinh thần lẫn vật chất. Ông Bình tâm sự: Quá trình đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng điều tôi sợ nhất là sự im lặng.
         Công bằng mà nói đơn thư của ông cũng đã được cơ quan chức năng TP.Hà Nội  xem xét nhưng không thấu đáo nên ông Bình phải gửi  lên TW. Cuối năm 2020 TTCP ban hành kết luận thanh tra số 2234 cho biết nhiều nội dung tố cáo của ông Bình là “ có cơ sở” và đã có văn bản yêu cầu UBND TP.Hà Nội thực hiện ngay nhiều biện pháp nhằm tránh nguy cơ thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.
          Cái sai của MRB được TTCP chỉ ra là: Hợp đồng xác định thời gian và tổng giá trị không khả thi. Có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Dấu hiệu trù dập, loại bỏ người có công chống tham nhũng. Điển hình như MRB kí hợp đồng tư vấn với Systra có sự bất cập, thiếu sót, nhiều nội dung không rõ ràng…dẫn tới đội vốn 6,5 triệu USD. Tại gói thầu số 1, việc đánh giá giữa tư vấn Systra và MRB không thống nhất, có sự không minh bạch, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, lựa chọn các nhà thầu theo Luật Đấu thầu…
          Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao thông tin cá nhân, nội dung ông Bình tố cáo MRB Hà Nội lại bị lộ? Ai làm lộ? Cần phải làm rõ để sử lí thật nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
          Được biết TTCP đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo MRB tạm đình chỉ thi hành các quyết định, văn bản trù dập ông Bình, phục hồi vị trí việc làm, xem xét chi trả đầy đủ các khoản lương, thưởng cho ông Bình. Ngoài ra TTCP cũng yêu cầu MRB phải: chấm dứt, không được phép có bất kì hành vi trù dập, kì thị, phân biệt, đối xử bất công với ông Lương Xuân Bình, đồng thời tổ chức xin lỗi công khai  ông Lương Xuân Bình.
Chỉ đạo của TTCP là như thế nhưng từ Chủ tịch UBND Thành phố đến các cơ quan chuyên môn chẳng ai thèm để ý cả, không quan tâm. Họ vẫn “ sát hại”, “ đì” ông xuống làm viên chức văn phòng, thuộc đối tượng dôi dư để loại khỏi  biên chế ( ngay sau khi TTCP có kết luận ), nói gì đến chuyện họ mở mồm ra xin lỗi.
          Quy định đã có và rất rõ ràng. Không thể nói ông Chu Ngọc Anh và các cộng sự không biết gì về kết luận của TTCP. Nhưng tại sao vẫn im lặng để rồi mới đây ngày 9/3/2021 Cục thanh tra-Giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực 1 thuộc TTCP lại phải gửi tiếp văn bản để đôn đốc sử lí vụ việc.
          Để vụ việc kéo dài trách nhiệm trước hết thuộc người đứng đầu, ông Chu Ngọc Anh Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Giải thích về cái sự “ bất cập” này chỉ có thể là:
1) Thiếu quyết tâm chính trị trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; pháp luật của Nhà nước.
 2) Có dính dáng đến lợi ích nhóm. Há mồm mắc quai, không thể và không dám làm.
3) Tắc trách, thiếu trách nhiệm, không toàn tâm toàn ý thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
 4) Kém năng lực, không đủ trình độ để xử lí vụ việc.
          Chính quyền TP. Hà Nội không đứng ra bảo vệ người tố cáo, bảo vệ ông Bình thì ai làm đây?. Nói về việc này, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng: Nếu không bảo vệ được người tố cáo thì không còn ai dám đứng ra tố cáo tiêu cực nữa!
          Thẳng thắn mà nói, đối chiếu với các quy định của Đảng, Nhà nước về trách nhiệm nêu gương và trách nhiệm người đứng đầu thì với trường hợp này cả người tiền nhiệm ông Nguyễn Đức Chung và đương nhiệm ông Chu Ngọc Anh đều thiếu gương mẫu và không hoàn thành trách nhiệm người đứng đầu của mình.
          Luật phòng, chống tham nhũng ( PCTN ) năm 2018 đã quy định rất rõ ràng: người đứng đầu phải gương mẫu, liêm khiết; chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng (PCTN). Phải chỉ đạo các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời kiến nghị sử lí tham nhũng; bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người phản ánh, kiến nghị, tố cáo các hành vi tham nhũng…
Từ kì vọng đến thất vọng, không ít ngưỡi đã phải lắc đầu, ngao ngán: Ối dào, nói đi nói lại cũng chỉ cá mè một lứa cả thôi.
         Quá buồn. Quá thất vọng.
         Đúng như phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020,  Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra nguyên nhân cơ bản của hạn chế trong phòng chống tham những: “ Là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị… chưa thật sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm, thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí bao che…”

Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan