Nỗi buồn Sài Sơn B. TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 09:30 13/04/2021 Lượt xem: 275
Nỗi buồn Sài Sơn B.
Hoàng Văn Kính
                                                                                                                                                           
         Thời gian gần đây dư luận lại rộ lên chuyện cô Nguyễn Thị Tuất giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B thuộc huyện Quốc Oai Hà Nội có đơn tố cáo  những sai phạm của BGH nhà trường, liên quan đến thu chi tài chính, chất lượng bữa ăn bán trú, chuyên môn của Hiệu trưởng kém mà vẫn được xếp hoàn thành tốt nhiệm vụ, tự sửa học bạ lớp thầy Phan Viết Nhân ( chồng cô Tuất) vì thế mà cô bị trù dập, không được đứng lớp và phải làm nhiều việc trái với chuyên môn. Không những thế BGH còn gây khó dễ cho cả chồng cô là thầy Phan Viết Nhân ( cũng là giáo viên của trường ). Ngược lại về phía BGH nhà trường họ khảng định “ không có chuyện trù dập cô Tuất”
          Hiện nay đang có 2 luồng ý kiến khác nhau về sự đúng sai quanh vụ việc này, họ lôi cả phụ huynh và các em học sinh vào cuộc đấu đá.. Chẳng ai chịu ai đã buộc lãnh đạo UBND TP.Hà Nội, Bộ GD-ĐT phải xắn tay áo vào cuộc. Chuyện tưởng đơn giản bởi không khó để xem xét, xử lí nhưng không ngờ lại phức tạp, rối rắm đến thế.
          Không bàn đến chuyện đúng sai, việc ấy thuộc thẩm quyền của Thanh tra. Người viết bài này có cái nhìn như sau:
          -Về cô giáo Nguyễn Thị Tuất. Là một giáo viên đã có gần 30 năm đứng trên bục giảng, 6 năm liền là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dậy giỏi cấp huyện, ngoài một số phụ huynh có lời chê bai  còn lại số đông đều khen cô Tuất. Chỉ như thế thôi đã đủ nói lên: cô Tuất là một Nhà giáo có tâm huyết với nghề; là một Giáo viên có trình độ và có đóng góp cho ngành Giáo dục ở địa phương. Việc cô Tuất phản ảnh hay tố cáo những việc làm sai trái của lãnh đạo Sài Sơn B là quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và cô phải hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về những nội dung mình đã tố cáo. Nhìn chung dư luận đều cho rằng: việc  cô giáo Tuất dám chống tiêu cực ở ngay nơi vợ chồng mình đang làm việc là sự dũng cảm rất ít giáo viên làm được và rất đáng hoan nghênh, cần phải được khuyến khích để làm trong sạch môi trường Giáo dục vốn cũng đang có nhiều lùm xùm. Đấy là mặt được của cô Tuất.
          Nhưng việc cô Tuất “ còn có những hành vi thiếu chuẩn mực, thiếu gương mẫu trong lời nói, việc làm, trong các mối quan hệ với đồng nghiệp, với phụ huynh học sinh, với công việc, nhất là đối với học sinh làm ảnh hưởng uy tín Nhà giáo” ( nhận xét của ông Trưởng phòng GD-ĐT Quốc Oai sau khi Thanh tra kết luận. Những  kết luận này  đang bị thanh tra lại). Như vậy việc học sinh “ phá phách” là do cô giáo không quản lí được lớp,  không giảng bài, để cho học sinh không tập trung học tập, quậy phá, có những lời nói, cử chỉ và hành động vô lễ…trách nhiệm ấy trước hết thuộc về cô Tuất. Cũng có thể nói cô giáo Tuất đã không làm tròn trách nhiệm được giao. Là môt giáo viên được đào tạo bài bản, lại có bề dầy kinh nghiệm,  chắc chắn cô Tuất không thiếu kiến thức, kĩ năng sư phạm, phương pháp giáo dục cảm hóa học sinh. Vậy tại sao cô lại buông lỏng để học sinh “ phá phách”. Nếu chỉ vì mải “đấu tố ”, tự ái mà buông bỏ trách nhiệm thì cô Tuất đã sai hoàn toàn.
          -về phia nhà trường: Việc thuyên chuyển  vị trí dậy học của một giáo viên trong phạm vi Nhà trường thuộc quyền của Hiệu trưởng, đấy là việc làm bình thường, chẳng có gì phải ầm ào cả. Nhưng việc thuyên chuyển ấy lại xẩy ra vào cái lúc cô Tuất đâm đơn tố cáo những sai phạm của Ban giám hiệu thì không còn bình thường nữa. Việc chỉ trong một thời gian ngắn một Giáo viên có kinh nghiệm và bề dầy thành tích như cô Tuất 8 lần bị Nhà trường cho chuyển đổi công việc như: Kê bàn ghế, dọn vệ sinh; làm nhiệm vụ chống dịch; nghỉ việc ở nhà; ngồi phòng chờ để đọc sách; làm Giáo viên dự trữ; làm chân sai vặt trong lúc cô Tuất đang có đơn kiện BGH cũng là một việc không bình thường.
          Đấy có phải là những hành vi trù dập?
          Theo phản ảnh của một em học sinh, trong giờ giảng bài cô Tuất hay làm việc riêng là quay phim, chụp ảnh, việc giảng dậy cô chỉ viết đầu bài rồi yêu cầu học sinh tự đọc sách vì thế mà hết học kì 1 học sinh này không có kiến thức gì về 2 môn Lịch sử và Địa lí.
          Từ phản ảnh này đặt ra vấn đề: 1- Cô Tuất có thật sự là Giáo viên dậy giỏi, hay Hội đồng giám khảo chấm Giáo viên dậy giỏi  có sự nhầm lẫn? Cô có xứng đáng nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua 6 năm liền hay không?. 2- Để sự việc xẩy ra như  phản ảnh của em học sinh trên chẳng lẽ lãnh đạo Nhà trường, tổ chức đoàn thể không hay biết gì, tại sao tổ chuyên môn không thấy gì, cứ để mặc nhiên tồn tại trong suốt thời gian dài đến nỗi cả học kì 1 học sinh không có kiến thức bộ môn?
          Có phải chi bộ Sài Sơn B đã bị tê liệt? Có phải Ban Giám hiệu Nhà trường chỉ là quân cờ của hiệu trưởng? Có phải Hội đồng chuyên môn có chỉ để làm vì? Phụ nữ, công đoàn…chỉ để làm đẹp đội hình?
          Tại Thông tư số: 28/2020/TT-BGDDT ghi rõ:  Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải “ Xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường theo quy định của pháp luật” . Rõ ràng để xẩy ra hiện tượng “ phá phách” như vậy, trách nhiệm đầu tiên thuộc cô Tuất nhưng trách nhiệm lớn nhất phải thuộc về Hiệu trưởng Nguyễn Thị Quyên, Ban giám hiệu Nhà trường và các tổ chức  đoàn thể của trường này. Một Hiệu trưởng giỏi, có tâm với nghề không bao giờ để xẩy ra những chuyện cãi vã lùm xùm như vậy. Nên chăng phải xem lại năng lực và tư cách của Hiệu trưởng trường này.
          -về phía học sinh: “ Tôn sư trọng đạo ” là đạo lí ngàn đời cha ông để lại, là nền tảng Văn hóa trong Giáo dục. Đã là học sinh thì điều đầu tiên là phải biết quý trọng, lễ phép, nghe lời thầy cô bởi vậy mới có câu: “ Không thầy đố mày làm nên”. Nhưng học sinh lớp cô Tuất đã có nhiều hành vi vô đạo đức, trái với truyền thống văn hóa trong giáo dục. Số đông đã không nghe lời cô Tuất, mang bài vào chơi ngay trong lớp học; Có nhiều lời nói và hành động vô lễ với Giáo viên; dùng thước tấn công cô giáo; tự ý lấy đồ của cô giáo; bắn đạn giấy vào người cô giáo. Theo cô Tuất cho biết những hành vi “ chống phá” của học sinh đã được cô nhiều lần báo cáo qua các buổi họp Hội đồng, họp tổ, gửi đơn đến Phòng GD-ĐT huyện, báo cáo cả bằng văn bản nhưng Hiệu trưởng bảo không thấy gì!
          Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu không bị người lớn xúi giục thì các em có dám hành động như vậy? Một em học sinh lớp 5 không cần che dấu danh tính và hình ảnh của mình đã tung lên mạng xã hội đoạn clip ngắn công khai: Cháu đã viêt đơn cho cô Hiệu trưởng, cho bác Phùng Xuân Nhạ để kiến nghị về việc ấy…Khó ai có thể tin được một học sinh lớp 5 lại có thể nói trơn tru, hiên ngang trước camera dùng những từ ngữ như thế, lại dám làm những điều như thế nếu không có người lớn đứng phía sau xúi giục. Liệu em học sinh này có hiểu 2 từ “ Kiến nghị ” là gì nếu không được người lớn viết sẵn cho đọc.
          Việc giữa cô Tuất với Nhà trường là việc của người lớn, nhưng ai đó lại lôi học sinh vào cuộc  là việc làm  không thể chấp nhận được, là sự xỉ nhục trong giáo dục. Và cũng phải nói thẳng : nếu không có cái gật đầu của cô Hiệu trưởng thì không thể có đoạn clip này. Đấy là việc làm xấu, rất phản giáo dục, làm vấy bẩn tâm hồn trong trắng của các em học sinh. Không những thế nó còn vi phạm Luật bảo vệ và chăm sóc Trẻ em.
          Văn hóa đấu đá lẫn nhau là loại kết tội vô nhân đạo, chỉ những kẻ hèn mạt không ra gì mới dùng đến và khi lợi dụng sự ngây thơ của con trẻ để đấu tố thì đó chỉ có thể là  sự bỉ ổi của những kẻ vô lương tâm!
          Cuộc đấu đá này kiểu gì rồi cũng đến hồi kết. Nhưng có một điều chắc chắn rằng : Đây là thất bại không chỉ riêng Sài Sơn B mà còn là thất bại chung của ngành Giáo dục. Chẳng biết lứa học sinh này khi đã đủ khôn lớn chúng sẽ nghĩ gì về mái trường và các thầy cô giáo ở đây.
          Một sự thất bại toàn tập.

 
 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan