"Bảo tàng Đồng quê - Nơi lưu giữ một phần hồn quê Việt" - TG: Nguyễn Văn Vỵ

Ngày đăng: 10:25 23/04/2021 Lượt xem: 818
BẢO TÀNG ĐỒNG QUÊ - NƠI LƯU GIỮ MỘT PHẦN HỒN QUÊ VIỆT
 
         Vào một ngày cuối xuân cái nắng bắt đầu oi, nồng đặc trưng vùng khí hậu ven biển, tôi về thăm Bảo tàng Đồng Quê.
         "Vân kỳ thanh" đã lâu, từ Cầu Lạc Quần xuôi về Cốt Lâm - Thích Khóa, giữa cánh đồng mênh mông lúa đang thì con gái là một "phố" nhỏ ven đường, đối diện là BẢO TÀNG ĐỒNG QUÊ thuộc thôn Bỉnh Di - xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.
         Được biết vùng đất Giao Thịnh và huyện Giao Thủy xưa là vùng đầm lầy, sau khi "cửa Ba Lạt sông Hồng phá hội"...; trước nữa, và dưới sự chỉ đạo của Doanh Điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng bao đời cha ông "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" khai khẩn Giao Thủy mới có như ngày nay. Con sông Sò chi lưu của sông Hồng là bầu sữa phù sa tạo nên một vùng quê trù phú Giao Thịnh chạy dọc đến Quất Lâm của huyện Giao Thủy, Hải Hậu.
         Khen thay con mắt tinh đời của Nhà giáo Ngô Thị Khiếu đã có ý tưởng không biết từ bao giờ tạo lập một bảo tàng, mà bất kỳ ai xuất thân từ nông dân đều thấy một phần danh phận mình trong đó. Những người không xuất thân từ nông dân thì cảm nhận được ông cha ta xưa để mưu sinh và làm ra hạt gạo nuôi sống con người thật là gian nan, để có ngày hôm nay với đất trời, biển đảo núi non hùng vĩ đất Việt.
         Khi đến Bảo tàng tôi gặp một cô gái, có lẽ là hướng dẫn viên giới thiệu và hướng dẫn chúng tôi tham quan Bảo tàng. Song để lòng, tâm mình hướng theo dòng chảy mà ý tưởng của nhà trưng bày đã sắp đặt. Tôi lên tầng 3. Nơi đây có lẽ theo ý tưởng của chủ nhân Bảo tàng muốn đưa mọi người tham quan về cội nguồn đất Việt và Người Việt. cũng như một số Bảo tàng dân tộc và Bảo tàng lịch sử cho chúng ta hiểu về cội nguồn, sự tiến hóa của loài người và những công cụ mưu sinh một vùng châu thổ sông Hồng và toàn vùng Bắc bộ.
         Điều làm  mọi người ngỡ ngàng, tại tầng hai của Bảo tàng, nơi chứa đựng, lưu giữ hầu như toàn bộ những công cụ canh tác, đời sống văn hóa vật chất tinh thần của cư dân lúa nước.
         Ở đây ta gặp lại những công cụ lao động từ những ngày xa xưa khi cha ông khẩn đất, những chiếc "cầy 51" thời "công cụ cải tiến" HTX nông nghiệp, đến những chiếc hái, cái liềm xén gặt lúa ngày xưa...mà ngày nay - thời cơ khi hóa nông nghiệp chỉ còn là dĩ vãng.
         Những công cụ mưu sinh khác như chiếc cưa xẻ, ô mực thợ mộc, cối xay, cối giã... những chiếc túm bắt tép, lờ đơm cá ...
         Những thú chơi giải trí tinh thần như những cây diều sáo, bàn tổ tôm...
         Phong phú nhất là các dụng cụ cuộc sống thường nhật: nồi đồng, mâm thau, bát, chén...
         Cùng đi bên cạnh, vợ tôi thốt lên. Hồn quê là đây.
         Tôi đã đứng lặng rất lâu khi tham quan: Nhà Bần cố nông, Trung nông, Địa chủ... những căn nhà hồn cốt tạo nên một vùng quê mái lợp bổi hoặc mũi hài; tường đất, vách nứa của Bần cố nông hoặc tường xây nhà 5 gian cùng nhà ngang của Địa chủ thời xưa; tiện nghi cũng rất đơn sơ mà khu trung tâm tầng hai đã trưng bày.
         Trở về với tầng trệt, với cách trưng bầy sắp đặt hiện đại về quá trình dựng nước và giữ nước từ năm 1945 đến nay của Đảng và Nhân dân ta lồng ghép với cuộc đời hoạt động cách mạng của Phu quân Ngô Thị Khiếu là Thiếu tướng Anh hùng LLVT - giải thưởng Hồ Chí Minh - Hoàng Kiền.
         Những hình ảnh và hiện vật là sự thu nhỏ gắn với cuộc đời hoạt động của Thiếu tướng là những kỳ tích của Đảng, Nhân dân ta. Đây cuộc khởi nghĩa giành Chính quyết năm 1945 tại vùng quê. Kia, một thời cả dân tộc xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Biển Đông - Trường Sa, những hòn đảo nhỏ xinh xinh những cột mốc chủ quyền Quốc gia. Đường tuần tra Biên giới... như một ai đã từng nói " Dấu chân đi qua, dấu đời để lại".
         Cùng tham quan với tôi hôm đó có mấy đoàn tổng cộng trên 50 người. Sau khi tham quan, các đoàn được thưởng thức các món quà quê. Rựơu  nếp "quốc lủi", Bánh gai, bánh Dày... Để thưởng thức quà quê tôi mua một lúc 50 cái bánh khúc. Bánh khúc tại Bảo tàng Đồng quê đúng hương vị mà cách đây hơn nửa thế kỷ một lần ra phố tôi được ăn. Hương vị rất đặc trưng, cái dẻo, mềm của nếp Bắc ăn rồi nhớ mãi.
         Bảo tàng Đồng quê giữa vùng quê lúa của một Nhà giáo rất hồn quê.
         Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tôi ghi lại từ chuyến thăm này.

 

Toàn cảnh Bảo Tàng Đồng quê.


Một số trong nhóm trưng bày công cụ thời tiền sử.



Nhà của Bần cố nông, Trung nông, Địa chủ xưa.(2 ảnh trên)






Một số hình ảnh trong nhóm trưng bày gọi là "hồn quê" (5 ảnh trên).





Một số hình ảnh về công cuộc cách mạng và xây dựng - bảo vệ đất nước hiện nay.
Trong đó có phần gắn với sự nghiệp binh lửa của Thiếu tướng Hoàng Kiền.(5 ảnh trên) 



Một trong số những khâu Dịch vụ sản xuất sản phẩm truyền thống phục vụ khách thăm Bảo tàng 
 
Bài và ảnh Nguyễn Văn Vỵ
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Thừa Thiên Huế

tin tức liên quan