"Giải phóng Trường Sa" - TG: Hoàng Kiền

Ngày đăng: 08:37 29/04/2021 Lượt xem: 353
 
-----------------------------------------------------------------------------------------------
 
GIẢI PHÓNG TRƯỜNG SA

         Kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng Trường Sa 29/4/1975 - 2 9/4/2021. Xin giới thiệu bài viết trích trong bản thảo cuốn sách của tôi – Cuốn sách mang tên “CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO VIỆT NAM”.
(Hoàng Kiền)


 
           QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM
         Quần đảo Trường Sa nằm ở khu vực giữa Biển Đông, nơi có đường hàng hải rất quan trọng, khoảng non một nửa hàng hoá giao thương quốc tế qua đây. Biển Đông là biển lớn thứ 4 trên tổng số 40 biển của các đại dương trên thế giới, nó có vị trí quan trọng về quân sự với các nước trong khu vực và một số cường quốc.
          Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đã được xác lập từ các triều đại phong kiến trước đây mà gần nhất là Nhà Nguyễn. Hiện nay đang có sự tranh chấp của năm nước, sáu bên. Năm nước gồm: Brunei, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Việt Nam và một bên là Đài Loan. Đài Loan và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo, nhưng khái niệm quần đảo Nam Sa trong nhận thức của họ là bao hàm toàn bộ các thực thể địa lý nằm bên trong phần phía nam của đường lưỡi bò chín khúc do Quốc dân đảng vẽ ra. Đối với Philippines, phạm vi tuyên bố chủ quyền của nước này bao trùm hầu hết quần đảo và được gọi là Nhóm đảo Kalayaan. Malaysia đòi hỏi một số thực thể ở phía nam của quần đảo. Brunei chỉ đưa ra yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà trong vùng đó có vài thực thể thuộc Biển Đông.
         Đến năm 1954 chưa nước ngoài nào có mặt trên quần đảo Trường Sa, mà hoàn toàn do Việt Nam quản lý
Đài Loan:
        Năm 1954 sau hiệp định Giơ ne vơ, Liên hiệp Pháp bàn giao việc quản lý quần đảo Trường Sa cho Việt Nam. Khi ấy Việt Nam tạm thời chia cắt làm hai miền, chờ tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7 năm 1956. Chính phủ "Quốc gia Việt Nam" do Pháp lập ra năm 1948 và dựng Bảo Đại lên làm quốc trưởng để làm tay sai cho Pháp, toàn bộ quần đảo Trường Sa ở phía Nam vĩ tuyến 17 từ đất liền kéo ra biển do chính quyền Quốc gia Việt Nam quản lý.
        Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Trung Hoa dân quốc do Quốc dân đảng cầm quyền, với danh nghĩa quân đồng minh vào Đông Dương giải giáp quân đội Nhật Bản bại trận. Theo hòa ước San Francisco buộc Nhật từ bỏ sự chiếm đóng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Quân đội của Tưởng Giới Thạch đã ra giải giáp quân Nhật, chiếm đóng đảo Ba Bình của Việt Nam.
        Năm 1949, cánh mạng Trung Quốc do Đảng cộng sản lãnh đạo thắng lợi, Quốc dân đảng chạy khỏi lục địa Trung Hoa, năm 1950 Trung Hoa Dân Quốc đã rút khỏi đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
        Tháng 10 năm 1955 Ngô Đình Diệm lật đổ Bảo Đại, lên nắm quyền tự xưng là tổng thống, đổi tên Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam cộng hoà. Sau đó Ngô Đình Diệm điên cuồng tiến hành chiến dịch tố cộng, diệt cộng; lợi dụng lúc này Đài Loan tái chiếm đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào năm 1956.
Phi-líp-pin:
        Phí líp pin bắt đầu tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa bằng sự kiện Tổng thống Quirino tuyên bố rằng: quần đảo Trường Sa phải thuộc về Phi-líp-pin vì nó ở gần Phi-líp-pin.
       Từ năm 1971 đến năm 1973, Phi-líp-pin đưa quân xâm chiếm các đảo mà không gặp sự chống đối nào cả, khi ấy quân nguỵ Sài Gòn không đóng giữ. Năm 1979, Phi líp pin công bố Sắc lệnh của Tổng thống Marcos ký ngày 11 tháng 6 năm 1979 gộp toàn bộ quần đảo Trường Sa, trừ đảo Trường Sa, vào trong một đơn vị hành chính, gọi là Kalayaan, thuộc lãnh thổ Phi-líp-pin.
        Phi líp pin chiếm 7 đảo bao gồm: đảo Bến Lạc, đảo Bình Nguyên, đảo Loại Ta, đảo Song Tử Đông, đảo Thị Tứ, đảo Vĩnh Viễn, đảo ( bãi ) An Nhơn.
       Như vậy chính quyền Việt Nam cộng hoà ( ngụy quyền ) đã để mất 8 hòn đảo ( 7 đảo và 1 bãi) vào tay Philippines và Đài Loan .
         GIẢI PHÓNG TRƯỜNG SA.
        Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho Hải quân và Quân khu V phối hợp giải phóng quần đảo Trường Sa. Bộ tư lệnh Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Quyết tâm của Đảng uỷ, Bộ tư lệnh là bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng đảo, không để lực lượng nào khác đến đánh chiếm đảo trước ta. Bộ tư lệnh quyết định sử dụng tàu của Đoàn 125 chở lực lượng ra giải phóng đảo, các tàu 673, 674, 675 cấp tốc hành quân từ Hải Phòng vào Đà Nẵng. Đồng chí Trần Phong, quyền Tham mưu trưởng Đoàn 125 đại diện đơn vị bên cạnh đồng chí Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh Hải quân đại diện cho Quân chủng tại Sở chỉ huy mặt trận tại Đà Nẵng theo dõi, thực hiện kế hoạch giải phóng đảo.
        Lúc 4 giờ ngày 11 tháng 4 toàn bộ lực lượng Đoàn C75 gồm 3 tàu 673, 674, 675 của Đoàn 125 chở 1 đại đội của Trung đoàn 126 đặc công Hải quân, 1 phân đội hoả lực của đặc công nước thuộc Tiểu đoàn 471/Quân khu 5 xuất phát từ quân cảng Đà Nẵng đi giải phóng quần đảo Trường Sa. Đồng chí Mai Năng chỉ huy trên tàu 675 chở Phân đội 3 do đồng chí Minh chỉ huy. Tàu 673 chở phân đội 1 do đồng chí Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy. Tàu 674 chở phân đội 2 do đồng chí Đỗ Việt Cường chỉ huy. Vào lúc 4 giờ 30 phút, 2 phát súng B41 mở đầu trận đánh, sau 30 phút chiến đấu ta diệt 6 tên địch, bắt sống 33 tên, trong đó Hạ sĩ Trần Đức Thông mũi trưởng mũi 2 bắt sống tên thiếu uý Phi Hùng đảo trưởng, là con tên chuẩn tướng Phi Long quân nguỵ Sài Gòn. Đến 5 giờ 15 phút ngày 14 tháng 4 năm 1975, ta làm chủ hoàn toàn đảo Song Tử Tây, thu toàn bộ vũ khí trang bị của địch. Lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được chiến sĩ Lê Xuân Phát kéo lên đỉnh cột cờ trên đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa.
        Sau khi rút kinh nghiệm trận chiến đấu giải phóng đảo Song Tử Tây, nắm chắc diễn biến tình hình thực tế, đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân ở Đà Nẵng thống nhất với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 mở đợt tiến công giải phóng các đảo còn lại thuộc quần đảo Trường Sa.
        Đêm 24 tháng 4, tàu 673 do đồng chí Nguyễn Xuân Thơm làm Thuyền trưởng chở Ban chỉ huy chiến đấu và phân đội 3 Đoàn 126 tiến vào gần đảo Sơn Ca. Vào lúc 2 giờ 30 phút trận đánh bắt đầu. Đến 3 giờ ngày 25 tháng 4, trận đánh kết thúc, ta làm chủ hoàn toàn đảo Sơn Ca. Trong đó 2 tên địch bị tiêu diệt, 3 tên khác bị thương, 13 tên vị bắt sống, ta thu toàn bộ vũ khí trang bị. Lá cờ nửa đỏ nửa xanh có ngôi sao vàng 5 cánh được kéo lên cột cờ trên đảo Sơn Ca. Cách đó không xa đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm đóng vẫn yên lặng trong màn đêm của Biển.
         Để chỉ huy kịp thời các lực lượng Hải quân tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, trước đó ngày 23 tháng 4 Quân uỷ Trung ương đã quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Hải quân tiền phương để tiếp quản các cơ sở Hải quân từ Cam Ranh, Nha Trang trở vào Nam Bộ, tổ chức lực lượng giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và tổ chức phòng thủ đảo sau khi giải phóng. Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát và Thiếu tướng Hoàng Trà trở lại tăng cường cho Bộ tư lệnh Hải quân, trong đó Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát là phái viên của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ tư lệnh Hải quân tiền phương; Đại tá Trần Văn Giang, chính ủy Hải quân kiêm chính ủy và Thượng tá Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh Hải quân kiêm Phó tư lệnh Bộ tư lệnh Hải quân tiền phương.
Bộ tư lệnh Hải quân ở Hải Phòng vẫn do Thiếu tướng Đoàn Bá Khánh, Tư lệnh quân chủng và Thiếu tướng Hoàng Trà, phái viên của Bộ phụ trách.
         Từ thông tin của Đại đội 7 trinh sát / Bộ Tham mưu báo cáo, khi biết tin bị mất đảo Sơn Ca, bọn quân nguỵ trên các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa hoang mang tột độ, sau đó chúng rút ra tàu bảo vệ chạy khỏi đảo. Chớp thời cơ, Bộ Tư lệnh Hải quân tiền phương lập tức chỉ thị cho Đoàn trưởng Mai Năng đang trên tàu 673 ở Song Tử Tây: " Khẩn trương cho lực lượng đến các đảo còn lại, quyết không để một lực lượng nào khác lợi dụng cơ hội để chiếm đảo". Vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 27 tháng 4, tàu 673 nhổ neo rời Song Tử Tây tiến về Nam Yết, một bộ phận của Phân đội 3 đổ bộ lên chiếm giữ đảo. Không một tiếng súng nổ do quân địch đã rút chạy hết. Lá cờ của quân giải phóng phấp phới tung bay trên đảo Nam Yết.
         Vào 10 giờ 30 phút ngày 28/4 ta giải phóng, kéo cờ trên đảo Sinh Tồn. Một bộ phận 18 cán bộ chiến sĩ ở lại chốt giữ đảo Sinh Tồn, tàu 673 khẩn trương chở lực lượng đến giải phóng đảo Trường Sa. Lúc 9 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975, phân đội chiến đấu của Trung đoàn 126 đã hoàn thành đổ bộ lên đảo Trường Sa. Cờ giải phóng tung bay trên hòn đảo lớn nhất, hòn đảo thứ 5 và cũng là hòn đảo cuối cùng mà quân nguỵ Sài Gòn đóng giữ ở quần đảo Trường Sa.
         Quân chủng Hài quân cùng lực lượng phối thuộc của Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
          Giải phóng kịp thời các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là một chiến công đặc biệt xuất sắc, có ý nghĩa chiến lược. Chiến công đó khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt kịp thời của Thường trực Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh và Quân chủng Hải quân trên mũi tiến công hướng biển trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
          Chiến công đó cũng khẳng định ý thức tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh, tinh thần khắc phục khó khăn, biết nắm thời cơ, triệt để tận dụng thời cơ, táo bạo, mưu trí, dũng cảm chiến đấu; đặc biệt là ý thức rất cao về chủ quyền, về trách nhiệm quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của bộ đội Hải quân.
         Sau khi hoàn thành giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa, bộ đội Đặc công Hải quân đã bàn giao 5 đảo cho lực lượng của Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 2, Quân khu 5 quản lý, bảo vệ theo chỉ đạo của cấp trên. Cuối tháng 5 năm 1975, các đơn vị này chuyển về trực thuộc Quân chủng Hải quân.
         Còn 4 đảo nổi gồm: Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, An Bang chưa ai đóng giữ.
        Tháng 3 năm 1977 Thiếu tướng Giáp Văn Cương - Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam được điều về làm Tư lệnh Hải Quân thay Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát chuyển ra làm Thứ trưởng Bộ Hải sản. Bộ tư lệnh Hải quân đã báo cáo lên Bộ Quốc phòng, đến năm 1978 Hải quân Việt Nam đóng giữ hết cả 4 đảo nổi còn lại, nâng tổng số lên 9 đảo nổi.
         Quần đảo Trường Sa nằm ở giữa Biển Đông trải trên một khu vực biển khá rộng, chiều ngang từ đông sang tây khoảng 170 hải lý (300 km), chiều dọc từ Bắc xuống nam khoảng 330 hải lý (611 km). Đảo nổi Trường Sa gần nhất cũng cách Cam Ranh 250 hải lý (463 km), đảo Tiên Nữ xa nhất về phía đông cách Cam Ranh 390 hải lý (700 km). Quần đảo bao gồm các đảo, các bãi cạn, bãi đá ngầm với khoảng 140 vị trí.
         Tổng số có 17 đảo nổi, Philippines Pin chiếm 7 đảo, Đài Loan chiếm 1 đảo lớn nhất . Việt Nam hiện quản lý 9 đảo, trong đó có 5 đảo giải phóng từ tay quân ngụy Sài Gòn, 4 đảo đóng mới.
         Cho đến năm 1987 Trung Quốc chưa có mặt ở Trường Sa.

 
( còn nữa )
Hà Nội ngày 28/4/2021
tin tức liên quan