Năm 2025 hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía đông ở những nơi thật cần thiết

Ngày đăng: 06:22 05/05/2021 Lượt xem: 228

Năm 2025 hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía đông ở những nơi thật cần thiết

04/05/2021 13:39 GMT+7

TTO - Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo phải căn cứ tính cấp bách, tính hiệu quả và khả năng bố trí nguồn lực để đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông những nơi thật sự cần thiết.


Năm 2025 hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía đông ở những nơi thật cần thiết - Ảnh 1.
 

Thi công đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, một trong những dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 - Ảnh: HÀ MI

Theo thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 26-4 về dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan dự họp để hoàn thiện tờ trình Bộ Chính trị chủ trương triển khai thực hiện mục tiêu "Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc" và chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025. 

Tờ trình này sẽ được lấy ý kiến các bộ ngành liên quan trước khi báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét thông qua để trình Bộ Chính trị cho ý kiến, làm cơ sở trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV vào tháng 7-2021.

Về phạm vi đầu tư, Thủ tướng lưu ý căn cứ sự cần thiết, tính cấp bách, tính hiệu quả và khả năng bố trí nguồn lực để lựa chọn các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía đông cần đầu tư giai đoạn 2021-2025, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến đường cao tốc này ở những nơi thật sự cần thiết.

Với các tuyến cao tốc khác, Thủ tướng đề nghị căn cứ tính hiệu quả để tập trung khẩn trương nghiên cứu, đề xuất triển khai ngay các tuyến có nhu cầu cấp thiết được các địa phương, cử tri và đại biểu Quốc hội đề nghị thời gian qua như: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến kết nối Nam Trung Bộ với Tây Nguyên...; các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM và vành đai 4, vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội, một số tuyến đường ở khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Phương thức thực hiện sẽ ưu tiên PPP, BOT nhằm huy động đa dạng các nguồn lực (ngân sách trung ương, địa phương, tư nhân), có cơ chế bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan (nhà nước, người dân, nhà đầu tư).

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương tổng kết một số mô hình thành công khi giao cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện tốt, báo cáo Thường trực Chính phủ trong quý 2-2021 để đúc rút kinh nghiệm và triển khai ra diện rộng việc phân cấp, ủy quyền; khuyến khích giao UBND các tỉnh có nguồn lực về ngân sách, năng lực, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư để thực hiện nhiệm vụ là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường cao tốc qua địa bàn nhằm chủ động huy động, sử dụng các nguồn lực của địa phương... 

"Nguyên tắc là triển khai đường cao tốc đi qua địa phương nào, địa phương đó phải chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn tự có đã được phân bổ, việc hỗ trợ ngân sách trung ương phải được Chính phủ xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ hỗ trợ một phần", kết luận của Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải rà soát quy định của pháp luật để đề xuất các cơ chế, chính sách về nguồn vốn, các giải pháp tổ chức thực hiện nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư các dự án đường cao tốc, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Cần rút kinh nghiệm các đề xuất trước đây làm bế tắc khi triển khai theo phương thức PPP và BOT.

TUẤN PHÙNG
(PS st Theo Tuổi trẻ) 

tin tức liên quan