Việt Nam lên tiếng về gần 300 tàu Trung Quốc ở Trường Sa
Nguồn: Báo Điện tử VnExpress
Việt Nam theo dõi sát diễn biến và thực thi chủ quyền trên Biển Đông, trong bối cảnh gần 300 tàu Trung Quốc hiện diện gần quần đảo Trường Sa.
"Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát những diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay, khi được hỏi về thông tin gần 300 tàu Trung Quốc đang hiện diện ở Trường Sa.
Lực lượng tuần tra thuộc nhóm chuyên trách Biển Đông của Philippines cho biết tính tới ngày 9/5, tổng cộng 287 tàu Trung Quốc đang hiện diện gần quần đảo Trường Sa, trong đó các cụm tàu lớn hơn xuất hiện tại các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở khu vực này.
|
Đội tàu cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm trên Biển Đông ngày 7/3. Ảnh: AP. |
Bà Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. "Là quốc gia ven biển và là thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS", bà Hằng nói thêm.
Philippines cho hay các tàu "dân quân biển" của Trung Quốc phân tán tại các thực thể ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng số lượng đã tăng lên đáng kể so với khoảng 200 tàu cách đây hai tháng. Ngoài ra, hai tàu tên lửa lớp Type-022 Trung Quốc cũng xuất hiện bên trong đảo nhân tạo bồi đắp trái phép tại đá Vành Khăn.
Tại bãi Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, lực lượng tuần tra Philippines, bên cũng tuyên bố chủ quyền với thực thể này, phát hiện 34 tàu Trung Quốc đang hiện diện.
Nhóm chuyên trách quốc gia về Biển Đông Philippines cho rằng bãi Ba Đầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Tuy nhiên, Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte, ngày 11/5 nói rằng bãi Ba Đầu là thực thể rất xa xôi nằm ngoài EEZ Philippines và "chưa bao giờ" thuộc sở hữu của nước này.
Hơn 200 tàu Trung Quốc từ ngày 7/3 neo đậu tại bãi Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh phủ nhận đây là các tàu dân quân biển và nói chúng chỉ là "tàu cá" đang neo đậu tránh thời tiết xấu.
Sau khi nhiều nước lên tiếng bày tỏ lo ngại tình hình căng thẳng mới ở khu vực và phản đối động thái mang tính đe dọa của đội tàu Trung Quốc, phần lớn đội tàu này đã rời khỏi bãi Ba Đầu, tỏa ra các thực thể khác ở quần đảo Trường Sa, nhưng vẫn duy trì vài tàu neo đậu tại đây.
( C. H sưu tầm)