Điều đặc biệt trong vận động bầu cử thời Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Để có biện pháp phù hợp với trình độ văn hóa hồi ấy, nhiều địa phương đã có những sáng kiến rất hay, như đặt các câu vè tên ứng cử viên ĐBQH cho dễ nhớ.
Ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 76-SL về việc ấn định lại ngày tổng tuyển cử và hạn nộp đơn ứng cử vào ngày chủ nhật 6/1/1946 nhằm tạo bầu không khí ổn định, có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị tổng tuyển cử, nhất là cho các nhân sĩ có đủ thời gian để nộp đơn và vận động tranh cử sau khi Hội đồng Chính phủ đồng ý.
|
Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960. Ảnh tư liệu |
Đứng trước sự chống đối của Việt Quốc, Việt Cách, cuộc tổng tuyển cử được chuẩn bị rất khẩn trương trong khắp cả nước và với tinh thần cảnh giác rất cao, trong đó công tác vận động cử tri yên tâm, tin tưởng đi đến các thùng phiếu có ý nghĩa sống còn đối với chính quyền cách mạng.
Thơ, vè nhân sự
Ngày 6/12/1945, báo Cứu quốc đăng một thông báo, đóng khung rõ ràng, cẩn thận ở ngay giữa trang một, đọc lên như một lời hiệu triệu, thúc giục:
“Cấp tốc! Cấp tốc!
Mồng tám tháng 12 đã gần đến,
Hạn nộp đơn ứng cử sắp hết.
Ai là người có tài có đức
Ai là người có thể giúp ích quốc gia
Hãy mau ứng cử vào Quốc hội”.
Ngày 31/12/1945, cũng trên báo Cứu quốc, đăng bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ý nghĩa tổng tuyển cử. Người chỉ rõ: “Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.
Như vậy, tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Tổng tuyển cử là một sự kiện chính trị - xã hội mang tính chất "tự do, bình đẳng", "dân chủ, đoàn kết", là công việc của mọi người, cho nên tham gia bầu cử Quốc hội - cơ quan đại diện cho quyền lực tối cao của toàn dân tộc, vì lợi ích của dân tộc, không chỉ là việc thực hiện quyền dân chủ của công dân, đó còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người dân yêu nước.
Một ngày trước ngày tổng tuyển cử 6/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu đăng trên báo Cứu quốc, bày tỏ niềm vui sướng khi đồng bào được chứng tỏ quyền lợi của một người dân độc lập, tự do:
"Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử".
Để có biện pháp phù hợp với trình độ văn hóa hồi ấy, nhiều địa phương đã có những sáng kiến rất hay, như đặt các câu vè tên ứng cử viên cho dễ nhớ.
Ví dụ trước ngày bầu cử, ở Thừa Thiên lan truyền câu ca như khẩu hiệu rằng: “Chính trị - Hoàng Anh. Tu hành - Mật Thể. Y tế - Kinh Chi. Lúa mỳ - Trọng Truyến. Nước điện - Đăng Khoa”. Còn ở Huế có câu: “Dực - Phiệt!”. Tức là các nhân sự: Hoàng Anh; Kinh Chi là Nguyễn Kinh Chi, Đăng Khoa là Trần Đăng Khoa, Trọng Truyến là Đoàn Trọng Truyến, Mật Thể là nhà sư Thích Mật Thể; Dực là Trần Hữu Dực; Phiệt là Tôn Quang Phiệt.
|
Nhân dân đi bỏ phiếu trong ngày tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa 1 năm 1946. Ảnh tư liệu |
Đặc biệt hơn, tại tỉnh Quảng Nam, Tỉnh ủy chủ trương cho sáng tác nhiều bài thơ, hò vè, câu đối để động viên cử tri đi bầu cử và cần bầu những người nào, đại diện cho quyền lợi của dân. Ở vùng Duy Xuyên, Điện Bàn lưu truyền bài vè như sau:
“Tổng tuyển cử đã tới rồi/ Vì quyền, vì lợi mấy lời xin ghi: Trung Bộ có anh Trần Đình Tri/ Anh Lê Văn Hiến vậy thì đồng song/ Phan Bôi một dạ một lòng/ Anh Huỳnh Ngọc Huệ cũng dòng đấu tranh/ Cứu tế có chị Phan Thanh/ Anh Nguyễn Thế Kỷ cùng anh Phạm Bằng/ Trần Tống tuổi trẻ sức hăng/ Phan Thao, Võ Sạ từng quen ta nhiều/ Quế Sơn đồng chí Phan Diêu/ Cùng Nguyễn Xuân Nhĩ đủ điều kinh luân/ Trần Viện gian khổ đã từng/ Anh Lâm Quang Thự lẫy lừng tiếng tăm”.
Cuối bài vè là lời nhắn nhủ, nêu rõ trách nhiệm của cử tri nên thận trọng khi bỏ phiếu: “Đồng bào thận trọng lá thăm/ Nhớ người định rõ những ai đáng bầu/ Để giành quyền lợi tối cao/ Mới yên số phận đồng bào Việt Nam”.
Ngoài ra, để giúp nhân dân dễ nhớ, một số nơi còn sáng tạo bằng cách ghép tên của 14 ứng cử viên trong hai vế của một câu đối: “Hiến - Bôi - Tống - Nhĩ - Tri - Thanh - Viện/ Thự - Huệ - Diêu - Thao - Kỷ - Sạ - Bằng”.
Những lá phiếu thiêng liêng
Với sách lược mềm dẻo, đối sách khôn khéo và niềm tin vào nhân dân, Đảng ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Ngày 6/1/1946, cuộc bầu cử diễn ra trong một bầu không khí dân chủ thực sự, trong tất cả mọi khâu, từ việc giới thiệu người ra ứng cử đến việc tuyên truyền, tranh cử..., theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu.
Bất chấp sự ngăn trở, quấy phá của bọn đế quốc phản động, thậm chí tại nhiều đô thị như Nha Trang, Sài Gòn, Tân An, hàng chục cán bộ ta đã bị địch sát hại trong lúc tổ chức bầu cử, nhưng có tới 89% cử tri trong cả nước đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%.
Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% đại biểu không đảng phái; 87% là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.
Ở Hà Nội, 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với tỷ lệ cao nhất (98,4%).
Cuộc tổng tuyển cử thắng lợi đánh dấu bước nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước Việt Nam mới với sự ra đời của Nghị viện nhân dân - Quốc hội do dân bầu ra. Đó là một Quốc hội thật sự dân chủ, Quốc hội lập quốc, lập hiến, Quốc hội của đại đoàn kết toàn dân.
Quốc hội đã hội tụ đại biểu của cả ba miền đất nước, đại biểu của tất cả các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp xã hội. Những đại biểu của tư sản như Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà, Ngô Tử Hạ… Những trí thức như Nguyễn Văn Tố, Hoàng Đạo Thúy, Huỳnh Tấn Phát, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Hưởng… Những văn nghệ sĩ như Cù Huy Cận, Ngô Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Đình Thi…
Những đại biểu tôn giáo như linh mục Phạm Bá Trực, linh mục Nguyễn Đức Tín, Chưởng quản Cao Triều Phát, Thượng tọa Thích Mật Thể… Đại biểu của các dân tộc thiểu số như Vương Chí Thành (dân tộc Hmông), Quách Công Chẩm (dân tộc Mường), Nông Kinh Đẩu (dân tộc Tày), Điêu Chính Chân (dân tộc Thái), Y Wang MLô Duôn Du (dân tộc Êđê)…
Đại biểu là thành viên của đảng Dân chủ như Nguyễn Văn Luyện, Vũ Đình Hoè, Nguyễn Thị Thục Viên, Hoàng Minh Giám… Đại biểu là thành viên của đảng Xã hội như Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Phúc Thông… Đại biểu trong tôn thất và giới quan lại cao cấp nhà Nguyễn như Tôn Thất Vỹ, Bùi Bằng Đoàn và cả vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại vừa mới thoái vị với tên gọi công dân là Vĩnh Thuỵ cũng trở thành ĐBQH.
|
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 1, sau tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh tư liệu |
Có thể khẳng định, cuộc tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và dân tộc hết sức gay go, phức tạp và quyết liệt.
Cho nên, những lá phiếu bầu cử đầu tiên của đồng bào ta không chỉ là những lá phiếu để bầu ra những người đại diện xứng đáng của mình, mà còn là những lá phiếu thiêng liêng của tầng lớp nhân dân ta bầu cho cách mạng, nền độc lập, những lá phiếu mang tinh thần kiên quyết kháng chiến và biểu lộ niềm tin tưởng lớn của nhân dân cả nước đối với Đảng, với Bác Hồ.
Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong bài diễn văn khai mạc Quốc hội khóa 1, kỳ họp thứ nhất diễn ra tại Nhà hát lớn, ngày 2/3/1946: “Cuộc tổng tuyển cử lại cái kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.
Ths Vũ Thị Kim Yến
(Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu - Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)
( C. H sưu tầm)