Vaccine và tôi Thứ bảy, 29/5/2021, 12:16 (GMT+7) Anh trai tôi kể, người ở căn hộ đối diện nhà anh chết vì Covid-19. ''Chính quyền có phong tỏa chung cư không?'', tôi hỏi bằng giọng sợ hãi. ''Tất nhiên là không'', anh điềm nhiên đáp. Nhưng anh tôi tự giác phun khử trùng ở thang máy và thang bộ. Anh đang sống trong một chung cư ở Serbia. Riêng tòa nhà anh ở đã có mấy người chết vì dịch. Song mọi người vẫn ra vào bình thường, chỉ cẩn thận hơn. Theo thống kê chính thức của chính phủ Serbia, hơn 6.400 người đã tử vong vì virus. Nhưng hầu hết dân chúng, gồm gia đình tôi, đều tin rằng con số đó không phản ánh đúng thực tế khi nhà nhà đều có ít nhất vài người quen chết vì virus. Có lẽ vì rất nhiều người mắc virus không bao giờ làm xét nghiệm, và cũng có lẽ vì chính phủ giấu con số thật. Đến bây giờ, khoảng một phần năm dân số Serbia đã tiêm vaccine. Không giống như nhiều quốc gia tây Âu, Serbia không hề thiếu vaccine. Người dân có thể chọn một trong bốn loại: Pfizer, AstraZeneca, Sputnik và Sinopharm của Trung Quốc. Người muốn tiêm chủng không cần đăng ký trước, chỉ đến cơ sở y tế sẽ được tiêm ngay lập tức và miễn phí. Thế nhưng, chiến dịch tiêm chủng đang gặp khó khăn vì rất nhiều người từ chối. Bốn tuần trước, tôi nhận được cuộc gọi từ cha mẹ. Họ bảo rằng cháu tôi mới một tuổi phải nhập viện vì sốt cao, kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính. Cháu còn quá nhỏ để tiêm vaccine và nhiều khả năng đã mắc virus trong khi đi khám ở bệnh viện. Sau khi bị nhiễm, cháu lây cho chị dâu và anh trai tôi. ''Nhưng anh trai và chị dâu đã tiêm chủng đầy đủ từ tháng hai rồi mà'', tôi hét lên. Không chỉ thế, bố tôi nói thêm rằng cả gia đình sẽ sum họp để ăn lễ Phục sinh. Tôi giật mình sợ hãi, trách họ vô trách nhiệm và thiếu nhận thức, dù biết anh trai tôi và chị dâu mới bị nhiễm mà vẫn muốn gặp nhau, thật rất nguy hiểm vì bố mẹ đã 70 tuổi rồi. Bố trấn an tôi rằng sức khỏe cháu tôi đã ổn trở lại. "Chuyện không có gì nghiêm trọng đâu", bố nói, "mọi người đều đã tiêm chủng". Tôi cũng phải nói rằng gia đình tôi đã tiêm vaccine Trung Quốc, một loại được cho là kém hiệu quả hơn so với vaccine Mỹ. Việc quần đảo Seychelles mới đây tái bùng phát dịch bệnh dù là một trong những quốc gia tiêm chủng sớm và nhiều nhất thế giới cũng dấy lên quan ngại về hiệu quả của vaccine Trung Quốc. Tất nhiên, tỷ lệ bảo vệ không bao giờ là tuyệt đối 100% và người đã tiêm vẫn có thể mắc virus. Như chuyên gia nói, họ có thể không bị quá nguy hiểm hoặc các triệu chứng rất nhẹ. Vì vaccine không thể hoàn toàn kháng dịch nên tôi chưa ủng hộ cha mẹ tôi thoải mái tự do tụ họp hay đi khắp nơi. Ba tuần qua, tôi làm việc tại nhà, dạy học trực tuyến vì Hà Nội tạm ngưng các trường học để chống dịch. Tôi không ra ngoài trong nhiều ngày liền, không hẹn với bạn bè dù thấy không thoải mái khi nhìn một số hàng quán vẫn đông khách. Bạn bè tôi ở Hà Nội đang tranh luận về vấn đề tự cách ly tại nhà hay tại cơ sở y tế thì hơn. Tình hình ca nhiễm đang tăng, nhiều người đã chuẩn bị tinh thần rất có thể mình sẽ rơi vào diện F mấy. Mỗi lần tôi trao đổi tin tức với gia đình ở châu Âu, cả hai bên đều rất ngạc nhiên khi biết tình hình của nhau. Cha mẹ đã tròn mắt bởi tôi dùng từ ''bùng phát'' khi nhắc về đợt dịch mới nhất. ''Vậy hôm nay bao nhiêu ca mới?'', họ hỏi. ''Mấy chục'', tôi lo lắng nói. ''Bên đây mỗi ngày hàng nghìn ca mà'', cha mẹ tôi kinh ngạc khi nghe kể về phương thức truy vết các ca bệnh, và các phản ứng phong tỏa thần tốc. Họ "không thể tin nổi" khi tôi kể rằng ở Việt Nam, cả một đoạn phố, khu dân cư và thị xã có thể bị phong tỏa vì ''duy nhất'' một ca F1. Cách tiếp cận như vậy thật xa lạ với nhiều nước. Theo nhiều khảo sát, châu Âu có tỷ lệ người từ chối vaccine cao nhất thế giới. Những người này hoài nghi về tác dụng của vaccine, tin vào những thông tin sai lệch và thuyết âm mưu tràn lan trên mạng. Tôi cảm thấy buồn vì thế giới vẫn rạn nứt. Nhiều nơi không có vaccine mà tiêm trong khi nhiều nơi thì ngược lại. Chính phủ và người dân Việt Nam đang dồn hy vọng vào vaccine. Tất nhiên vaccine là vũ khí rất quan trọng, nhưng tôi cho rằng, sự đồng lòng, ý thức tự giác của mỗi người có ý nghĩa quyết định không kém gì vaccine. Bởi, hôm nay, tất cả chúng ta đang rất gần với virus, không ai biết trước mình sẽ là F mấy. Chỉ cần hồn nhiên phát tán một giọt bắn trong thang máy, ở siêu thị, chúng ta thành người góp phần lây lan bệnh. Trong khi chờ có đủ vaccine cho mọi người, tôi vẫn ủng hộ phương án cách ly tại cơ sở y tế và tự giác cao độ với quy tắc phòng dịch. Trái lại với nhiều nước phương Tây đã có vaccine, tôi và bạn bè nước ngoài vẫn cảm thấy may mắn vì được sống ở Việt Nam thời điểm này. Marko Nikolic (Nguyên tác tiếng Việt) (PS st Theo VnExpress)