7h tối, Nguyễn Ninh và Nguyễn Mai đỗ chiếc xe tải trước cửa nhà ở thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên. Mồ hôi ướt sũng, hai người vừa thở vừa uống nước cho thỏa cơn khát rồi quay sang bảo nhau: Mệt quá, mai nghỉ thôi!.
Nhưng áo chưa kịp ráo mồ hôi, họ lại chúi đầu vào chiếc điện thoại đang livestream cảnh một doanh nghiệp Hà Nội chở hàng cứu trợ vào tâm dịch Bắc Giang. Nhìn cảnh quay trong video, chị Mai, 43 tuổi, nhận định đoàn xe đang đi qua huyện Hiệp Hòa. "Mình đón đoàn xin một ít mai phát cho công nhân", chị nói rồi leo lên cabin chiếc xe tải do Ninh - cô hàng xóm kém 5 tuổi cầm lái, chạy thẳng về phía Hiệp Hòa.
Đến ngã tư Đình Trám, chiếc xe của hai chị tiếp cận đoàn xe thiện nguyện. Đi theo đoàn qua mấy chốt kiểm soát mà hai người vẫn không biết bắt chuyện, "xin hàng" thế nào cho hợp lý. Khi đoàn xe cứu trợ dừng lại tìm chỗ ăn tối, Ninh và Mai mới tiến lại, mời họ về UBND thị trấn Nếnh trao quà từ thiện. Biết chiếc xe tải biển số Bắc Giang theo mình suôt mấy giờ đồng hồ, trưởng đoàn đồng ý giao một xe hàng cho các chị.
Được tặng hơn 1,3 tấn gạo và 3 tạ bí, xe không đủ chở, chị Ninh bấm máy gọi chồng, con chạy thêm xe đến. "Gần 1 giờ đêm mới về đến nhà mà mừng quá, cứ tỉnh như sáo", chị Ninh nói. Họ quên mất chuyện "ngày mai nghỉ" như đã bàn.
Hôm 25/5 đó, họ xin được 273 suất quà tặng cho công nhân đang ở trọ khắp ba tổ dân phố Hoàng Mai của thị trấn Nếnh. Ngày 1/6, đoàn thiện nguyện của doanh nghiệp trên lại chủ động kết nối, chuyển 30 tấn nhu yếu phẩm đến xưởng sản xuất của gia đình chị Mai và chị Ninh, nhờ trao đến tay người cần.
Hôm 16/5, ba tổ dân phố Hoàng Mai 1, 2, 3, nơi chị Mai sống, bị phong tỏa, kèm theo đó là hơn 30.000 công nhân đang trọ ở Việt Yên bị mắc kẹt trong các vùng cách ly. Nhiều người nhờ chị đứng ra tiếp nhận hàng cứu trợ. Chỉ có một chiếc ôtô bốn chỗ, không thể chở được nhiều hàng, bà chủ xưởng sản xuất hàng công nghiệp chạy sang rủ cô hàng xóm đi cùng.
Chị Ninh, vốn cũng là chủ xưởng sản xuất linh kiện điện tử đang thất nghiệp vì dịch lập tức gật đầu. Mỗi chuyến giao, nhận hàng cứu trợ, các chị đều quay lại, công khai trên mạng xã hội. Cũng từ đó, cái tên Nguyễn Mai - Nguyễn Ninh được nhiều mạnh thường quân tìm đến, khi muốn tặng quà cho tâm dịch.
Hôm thì xe 0,5 tấn, hôm thì xe 1,2 tấn, hai chị lao đi khắp huyện Việt Yên. Chuyến xe đầu tiên của họ chỉ được mấy tạ bí với bắp cải. Chị Mai bảo hàng xóm đánh thẳng xe ra xóm trọ có đông công nhân để phát. Ban đầu họ tính mỗi quả bí chặt làm đôi, bắp cải tặng mỗi người một cái. Nhưng ngẩng lên, hai người đã thấy công nhân xếp hàng dài. Chị Ninh bảo với người bên cạnh: "Vậy bí ta cắt làm ba, bắp cải bổ làm đôi, mỗi nhà có bữa rau là được", chị Mai đáp.
"Hôm đó chỉ nhận nửa cái bắp cải thôi mà ai cũng nhận bằng hai tay rồi cúi đầu cảm ơn. Họ bảo 'hai hôm rồi không được ăn rau'. Chúng tôi đang mệt rã rời, nhưng thấy họ vậy, không giúp không được", chị Mai kể.
Từ hôm đi vào từng hộ gia đình có người F0, F1 phát đồ tiếp tế, chị Mai và chồng - vốn cũng tham gia canh chốt kiểm dịch gần nhà dọn ra một gian riêng để giữ an toàn cho bố mẹ già. Chị Ninh thì không phải cách ly người nhà vì chồng và các con đều tham gia chống dịch.
Quen chạy xe đường dài nên ngồi trên xe cả ngày không làm họ mệt, nhưng mặc bộ áo mưa kín mít khiến các chị nhanh mất sức. Sau vài ngày đi tình nguyện, cái lưng vốn bị thoát vị đĩa đệm của chị Ninh "giở chứng", khi đang ngồi phải chống tay vào gối mới đứng được lên, chị Mai "đau khắp người như có ai đánh".
Những ngày sau, hai người thường dậy lúc bốn giờ sáng đi chở hàng. Nắng lên cũng là lúc nhu yếu phẩm đã được xếp vào kho. Các chị ngồi ở nhà phân loại, đong đếm xem có thể chia bao nhiêu suất. Đợi khoảng 4h chiều họ bắt đầu chở hàng đến các khu trọ phát.
Thấy hai bà vợ uể oải, chồng và con các chị thường phụ bốc hàng lên, xuống. Nhiều người dân, cán bộ gặp cảnh phụ nữ lúi cúi khênh hàng thiện nguyện cũng hô nhau đến giúp. Hôm nào hàng về nhiều, anh Vũ Văn Đoàn, 43 tuổi, chồng chị Ninh và các con còn đánh xe đến chở về.
"Hai bà này nổi tiếng khắp xóm rồi, việc gì chẳng dám làm. Một tháng trời nay dịch dã, chồng con toàn phải nấu cơm, giặt giũ để các bà ấy yên tâm lái xe đi chở hàng thiện nguyện", anh Đoàn vui nói.
Tám năm trước, người chồng dạy vợ lái xe tải để chủ động trong công việc của xưởng. Anh không ngờ hôm nay, chị còn làm được nhiều hơn, không chỉ cho nhà mình.
Bà Thân Thị Hoa, chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Nếnh ví cặp đôi Nguyễn Mai - Nguyễn Ninh là Trưng Trắc, Trưng Nhị của người dân nơi đây. "Nhiều người lo sợ khi đến các gia đình có người F0, F1, nhưng các bạn ấy luôn sẵn sàng xông pha. Là phụ nữ nhưng họ chạy xe, bốc vác tiếp tế cho dân, cho công nhân chẳng kém anh đàn ông nào", bà Hoa nói.
Từ hôm 16/5 đến nay, ngoài 30 tấn hàng của doanh nghiệp tại Hà Nội vừa cập bến, các chị "xin" được hơn 20 tấn nhu yếu phẩm.
Đi khắp ngõ ngách trong tâm dịch, cứ ba ngày chị Mai và chị Ninh lại xét nghiệm nhanh Covid-19 một lần. Tiếp xúc với các đoàn từ thiện nơi khác về, đôi khi các chị quên mất quy định 5K. "Các chị tránh xa em ra", vài người xua tay khi Mai và Ninh định bước lại gần. Chân họ khựng lại, ngần ngại đáp "OK".
"Tôi chẳng chạnh lòng, ngược lại thấy vui khi mọi người có ý thức giữ gìn như vậy. Lựa chọn ra khỏi vùng an toàn là của chúng tôi và chị em tôi rất vui khi sự mạo hiểm của mình mang lại niềm vui cho những người khó khăn hơn", chị Mai nói.
Sáng nay, hai "Trưng Trắc, Trưng Nhị" của thị trấn Nếnh sẽ dậy muộn hơn một chút vì hôm qua, sau khi cùng mọi người bốc vác 30 tấn hàng, thức đến nửa đêm phân phát, ai cũng mệt nhoài.
"Giờ chúng tôi chỉ việc chia, gọi các đơn vị đến nhận và đợi chiều mát đánh xe đến các ngõ phát cho công nhân", chị Ninh nói, hai tay xoay tròn, làm điệu bộ như đang cầm vô lăng.
Phạm Nga
(PS st Theo VnExpress)