Việc nhà trong giãn cách Thứ sáu, 4/6/2021, 00:05 (GMT+7) Năm người cùng ở nhà, bên nhau toàn thời gian hóa ra không lãng mạn như tôi tưởng. Ngày thứ ba của tuần đầu tiên giãn cách xã hội, tôi bảo chồng: "Hay nhà mình chỉ ăn hai bữa mỗi ngày thôi? Em mệt quá!". Sáng ra, chỉ nghĩ đến việc hôm nay cả nhà sẽ ăn gì và lại ăn gì trong ba bữa đã khiến tôi chán ngán. Vòng quay mỗi ngày là: ăn - làm việc, học - ăn - làm việc, học - ăn - con ngủ, bố mẹ tiếp tục làm việc. Có gia đình còn chế thêm mục "mắng nhau" trong thời gian biểu mùa dịch khiến tôi bật cười. Nhưng thực sự, chúng tôi mau chóng cảm thấy nản. Chưa kể, giữa vòng quay đó là những lần các con léo nhéo khóc đòi ba mẹ làm quan toà; đang họp online thì phải đứng dậy nấu cơm vì con kêu đói; chưa hết giờ làm bị vợ giục đi siêu thị nếu không nó đóng cửa. Trước đây, khi Covid chưa gõ cửa, chúng tôi vẫn than phiền về việc vợ chồng con cái chỉ gặp nhau vài tiếng mỗi ngày. Sau giờ tan trường, bọn trẻ ăn uống tắm rửa rồi đi ngủ sớm. Buổi sáng, đứa lớn ra khỏi nhà khi chúng tôi chưa tỉnh giấc. Tôi cảm thấy thời gian dành cho gia đình không bao giờ đủ. Khi tổng thống Pháp ban hành lệnh phong tỏa vào tháng tư năm ngoái, tôi có chút phấn khích. Đây sẽ là khoảng thời gian lịch sử, cả gia đình tôi sẽ ở bên nhau 24/7, đúng như ao ước. Tôi hào hứng lên kế hoạch chi tiết cho hoạt động của cả nhà, tin tưởng rằng mọi việc sẽ chạy êm ru như con tàu TGV đặc trưng của nước Pháp. Nhưng đời không như là mơ. Mặc dù được ở nhà nhưng vợ chồng tôi vẫn phải làm việc đủ ngày 7 tiếng. Đôi khi sếp cũng thông cảm, cho phép làm bù vào buổi tối nếu việc không quá gấp. Tương tự, ba con tôi dù ở nhà vẫn học trực tuyến, phải lên mạng đúng giờ như ở trường, hàng ngày phải trả bài đầy đủ cho thầy cô. Không chỉ đơn giản là "có mặt" trên mạng, các cháu còn cần người lớn bên cạnh để hỗ trợ các vấn đề kỹ thuật. Vậy là, mang tiếng "được ở nhà", nhưng chúng tôi quay cuồng với những nhiệm vụ cộng dồn: trợ giảng, trông trẻ, chợ búa cơm nước, vệ sinh, lau dọn nhà cửa trong khi vẫn làm việc như đang ở công sở. Vẫn từng đấy công việc nhưng giờ đây khối lượng gấp 3, 4 lần, vì ở nhà cả 24/7, mọi nhu cầu đều tăng lên. Mọi kế hoạch hoạt động thể chất lẫn tinh thần ban đầu tôi hào hứng vạch ra đều đổ bể. "Trò của mẹ chán quá", các con kêu, còn tôi thì quá mệt khi phải chạy theo chúng. Lúc này tôi mới hiểu vì sao người ta ví "trốn như chó mẹ trốn con". Nhiều khi tôi chỉ muốn nhốt mình trong phòng riêng, đóng chặt cửa để có được đôi phút yên tĩnh một mình. Tôi bàn với chồng về việc cắt giảm bữa ăn, đỡ tốn thời gian nấu nướng và ăn uống, dọn rửa, "không hoạt động nhiều thì cần nhiều năng lượng làm gì". Và chúng tôi giảm bữa ăn thật. Một bữa ăn đầu ngày đầy đủ, bữa tối ăn rất ít và chủ yếu là rau. Đại dịch Covid-19 đã khiến không ít gia đình tan vỡ. Những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như Anh, Mỹ và Trung Quốc đều có tỷ lệ ly hôn tăng cao không lâu sau các kỳ phong toả. Có lẽ, Covid-19 không tạo ra những lý do mới để các cặp đôi đệ đơn ly hôn mà chính khoảng thời gian ở cạnh nhau quá nhiều khiến họ nhận ra rõ hơn, rằng họ không thực sự thuộc về nhau, hay có thể bền bỉ cùng nhau vượt qua những trở ngại và khác biệt. Tuy vậy, Kinch - luật sư của văn phòng luật Stewarts, Anh - nhận thấy, đến 76% đơn ly hôn năm ngoái đến từ các bà vợ, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính do phần lớn công việc không được trả lương như chăm sóc con cái, nhà cửa đều dồn lên vai phụ nữ. Nhiều người vợ, khi kỳ phong toả bắt đầu, đều phấn khích nghĩ rằng "a, giờ đây chồng mình sẽ có thêm thời gian để chia sẻ việc nhà, thật tuyệt". Tuy nhiên, thực tế lại không diễn ra như vậy. Và mâu thuẫn sớm muộn đã đến. Bạn tôi, mẹ của ba đứa con trai từ hai đến 13 tuổi tâm sự, dù không có công việc riêng, chỉ đảm nhiệm chăm sóc chồng con mà ngày nào chị cũng quay cuồng. Trước dịch, chồng đi làm, con đi lớp, chị còn có chút thời gian cho riêng mình, "giờ thì không lúc nào ngơi tay, có lúc chị tưởng mình phát điên". Ta vẫn thường bào chữa cho các ông chồng rằng, ai giỏi việc gì phải tập trung cho việc đấy. Chồng lo kinh tế cho gia đình, vợ đảm nhận việc nhà là tất lẽ dĩ ngẫu còn tranh cãi nỗi gì. Các nhà nghiên cứu thuộc Oxford, Cambridge và Zurich đã thực hiện cuộc khảo sát vào tháng ba và tháng tư năm ngoái tại Anh, Đức và Mỹ. Dữ kiện cho thấy, phụ nữ ở ba quốc gia này dành thời gian chăm sóc và giáo dục con cái trong thời gian phong toả nhiều hơn nam giới, mặc dù hai vợ chồng thu nhập bằng nhau. Khi tính về đóng góp kinh tế trong gia đình, chúng ta dường như quên việc tính giờ và cả "lương" trả cho mỗi bà vợ vì họ đã chăm sóc con cái, nấu nướng hay dọn dẹp. Nhưng chúng ta sẵn sàng trả lương cao cho người giúp việc. Nếu các ông chồng phải trả lương cho vợ mình, có ai thử tính mỗi tháng sẽ là bao nhiêu? Chia sẻ việc nhà với vợ là một nhẽ, nhưng có bao nhiêu ông chồng tự giác, hay đợi vợ bảo gì làm nấy, hoặc vợ "nhờ" cũng không làm? Bên cạnh những việc bày ra trước mắt như rửa bát, lau nhà, đi chợ, nấu cơm, còn vô số những đầu việc vô hình: khi nào phải giặt quần áo, giặt thế nào, bao giờ cần đi chợ và mua những gì, mấy giờ con học, mấy giờ chúng phải tắm, có mấy hóa đơn phải thanh toán... Daminger, nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard, nhận thấy các bà vợ chẳng những phải làm việc nhà nhiều hơn mà còn phải lo lắng cắt đặt, suy nghĩ về chúng nhiều hơn. Đây mới là nguyên nhân chính của cãi vã giữa các cặp đôi. Mặt khác, khi rơi vào tình trạng kiệt sức về thể chất, sức khoẻ tinh thần của chúng ta không còn được đảm bảo. Nhà tâm lý học Stan Tatkin cho rằng não bộ ta được cấu trúc để tồn tại trước, tình yêu là thứ đến sau. Để sinh tồn, trung tâm cảnh báo nguy cơ trong não bộ phát triển nhạy bén hơn bất kỳ bộ phận nào. Khi mâu thuẫn xảy ra, con người sẽ tập trung vào những điều đang đe doạ họ nhiều hơn mọi thứ. Việt Nam giãn cách xã hội gần như muộn nhất so với các nước. Đây là tin tốt vì ta có thể rút kinh nghiệm từ vấn đề của các cặp đôi ở các quốc gia khác đã gặp, kể cả những chuyện tưởng vụn vặt như "chia" việc nhà. Phương án tốt nhất chỉ đến khi vợ chồng, con cái cùng thẳng thắn nói ra mong muốn của mình, bàn cách hợp tác. Cứ im lặng rồi trách đối phương sao không tự hiểu là liều thuốc độc với mọi mối quan hệ. Quản trị gia đình cũng cần kiến thức. Để cùng nhau vượt qua đại dịch trong hòa bình, vợ chồng tôi quyết định thỏa hiệp và thả lỏng: không trở thành bố mẹ hoàn hảo, không cần bữa ăn nào cũng phải ngon và đẹp mắt như ảnh "nhà người ta" trên mạng. Và quan trọng hơn, cả nhà cho nhau thời gian riêng tư để nạp lại năng lượng. Có những thứ nhiều quá cũng không tốt, mà thiếu thì lại nguy. Ngô Thị Phương Lê (PS st Theo VnExpress)