Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ giảm cấp phó, bỏ cấp hàm

Ngày đăng: 07:42 15/06/2021 Lượt xem: 167

  Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ giảm cấp phó, bỏ cấp hàm


                                       Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Thanh tra Chính phủ rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, giảm đầu mối, cắt giảm cấp trung gian, giảm cấp phó, bỏ cấp hàm


 

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Thanh tra Chính phủ.

Theo đó, Thủ tướng ghi nhận thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình tiến hành thanh tra.

Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm, kiên quyết kiến nghị xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Trong đó có những vụ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mang tính đột phá trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, thu hồi nhiều tiền, tài sản lớn cho Nhà nước.

Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí

Bên cạnh kết quả, Thủ tướng chỉ rõ, ngành thanh tra còn một số bất cập, tồn tại, hạn chế như việc xử lý sau thanh tra và tỉ lệ thu hồi tiền, tài sản có chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra.

Tình hình khiếu nại, tố cáo giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là lĩnh vực đất đai. Tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số lĩnh vực như: Đất đai, đầu tư công, tài nguyên, khoáng sản, xây dựng, ngân hàng…

 
Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ giảm cấp phó, bỏ cấp hàm
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, Thanh tra Chính phủ cần phải quyết tâm cao trong thời gian tới, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Thanh tra Chính phủ phải coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra.

Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, giảm đầu mối bên trong, cắt giảm cơ quan, đơn vị trung gian, giảm cấp phó, bỏ cấp hàm. Cùng với đó là củng cố, xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, có bản lĩnh.

Thanh tra Chính phủ cũng được lưu ý chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhất là ở cấp cơ sở.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, xử lý sau thanh tra, nâng cao hiệu quả chất lượng các cuộc thanh tra; đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định, xử lý sau thanh tra.

Không để có tình trạng xuê xoa, né tránh trong nội bộ

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, nhiệm vụ của ngành thanh tra rất nặng nề, phức tạp, nhạy cảm. Đặc biệt, việc thanh tra không chỉ để phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, mà còn phát hiện những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị biện pháp khắc phục.

Thanh tra để phục vụ cho việc phát triển và để phòng ngừa, răn đe, bảo đảm công bằng trước pháp luật nên phải giữ đúng các nguyên tắc: Nắm chắc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tiễn.

Đối với cán bộ thanh tra, Thủ tướng nhấn mạnh, phải có tư tưởng chính trị vững vàng, bản lĩnh, kiên trì trong công tác, biết đặt lợi ích chung lên trên hết, công tâm, khách quan, đúng pháp luật khi thực thi công vụ.

Thủ tướng cũng lưu ý việc đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Đồng thời đặc biệt coi trọng công tác giám sát, kiểm tra nội bộ, không để xảy ra tình trạng xuê xoa, dễ dãi, nể nang, né tránh khi xử lý các vấn đề vi phạm của nội bộ.

Nhấn mạnh con người là yếu tố quyết định, quan trọng nhất trong các nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu phải chăm lo, xây dựng và phát huy đội ngũ cán bộ. Trong đó, phải công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan trong tuyển dụng, thi tuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và thực hiện chính sách cán bộ...

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, năm 2021 tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đồng thời có các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra; nâng cao chất lượng thanh tra và hiệu quả thực hiện kết luận thanh tra…

Thủ tướng cũng yêu cầu, Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc xử lý các vụ việc phức tạp, không để phát sinh thành “điểm nóng”; tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài.

Trong tập trung thanh tra chuyên đề diện rộng, Thủ tướng lưu ý, phải có trọng tâm, trọng điểm; xử lý nghiêm và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương chỉ đạo kết thúc các cuộc thanh tra đã kéo dài quá thời hạn quy định và sớm ban hành kết luận thanh tra. Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có biểu hiện cố tình trì hoãn, không thực hiện kết luận thanh tra, phải kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý đối với việc thu hồi tài sản, đất đai có vi phạm, nhất là đối với các kết luận thanh tra phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; khẩn trương hoàn thiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 8/2021.
Khẩn trương kiện toàn Tổ soạn thảo Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; đồng thời, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Quy chế phối hợp, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ trong tháng 7/2021.

( C. H sưu tầm)
tin tức liên quan