Ông Lê Thành Long - Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - vừa có văn bản gửi các Tỉnh ủy, Thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Trong đó, Ban Bí thư giao Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 04; định kỳ báo cáo Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Vì thế, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đề nghị tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung Chỉ thị số 04 đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị này.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 04 tại cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương thuộc thẩm quyền quản lý; định kỳ hàng năm xây dựng báo cáo kết quả triển khai thực hiện.
Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư đánh giá, nhận thức và trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn hạn chế. Cơ chế, chính sách, pháp luật trong công tác này còn bất cập.
Trong khi đó, năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ làm công tác thi hành án dân sự chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và cơ quan thi hành án có lúc, có việc chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt còn thấp...
Ban Bí thư yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; cơ chế xử lý tài sản bị kê biên, phong tỏa.
Hoàn thiện cơ chế tương trợ tư pháp về hình sự để thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý tài sản do phạm tội mà có ở nước ngoài. Khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ, hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp thức hóa tài sản do phạm tội mà có, tạo thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng…
Thế Kha
(PS st Theo Dân trí)