Ba thượng đỉnh ở châu Âu và một mục tiêu đối phó với Trung Quốc của ông Biden

Ngày đăng: 07:59 20/06/2021 Lượt xem: 197

Ba thượng đỉnh ở châu Âu và một mục tiêu đối phó với Trung Quốc của ông Biden

                                       Nguồn : Báo Điện tử Dân Trí

Ba Hội nghị Thượng đỉnh vừa diễn ra ở châu Âu, đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Biden nhưng chủ đề xuyên suốt và đáng chú ý nhất trong cả 3 cuộc gặp này chính là nỗ lực đối phó với Trung Quốc.

 

Ba thượng đỉnh -  Một mục tiêu

Từ quan điểm của châu Âu, chuyến công du 1 tuần của Tổng thống Biden dường như đã thành công mỹ mãn. Sau 4 năm hỗn loạn dưới thời cựu Tổng thống Trump, từ vấn đề ngân sách quốc phòng NATO, thặng dư thương mại cho tới những căng thẳng xoay quanh mối quan hệ 2 bên, châu Âu vô cùng kỳ vọng vào chiến lược ngoại giao của ông Biden.

Ba thượng đỉnh ở châu Âu và một mục tiêu đối phó với Trung Quốc của ông Biden - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Tổng thống thứ 46 của Mỹ đã không làm các đồng minh thất vọng. Tình hữu nghị của Mỹ "vững như bàn thạch", ông Biden nhận định, đồng thời khẳng định bảo vệ an ninh châu Âu là một "nghĩa vụ thiêng liêng" của Mỹ. Ngoài việc tái khẳng định các mục tiêu chiến lược, Tổng thống Biden còn dỡ các biện pháp thuế quan của Mỹ với châu Âu và tạm hoãn những tranh cãi về việc trợ giá với Boeing và Airbus.

Cú thở phào của các quan chức châu Âu là điều dễ thấy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã gọi thân thiện gọi Tổng thống Mỹ là "Joe thân mến".

"Ngôn từ và tông giọng của ông Biden là mọi thứ mà châu Âu mong đợi", Jeremy Shapiro, giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu nhận định.

Những khác biệt dài hạn giữa Mỹ và châu Âu vẫn còn, ít nhất là về vấn đề ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, mục đích lớn hơn đằng sau chuyến công du của ông Biden, từ Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở màn ở Cornwall, Anh cho tới khi khép lại bằng Thượng đỉnh Mỹ - Nga ở Geneva, Thụy Sĩ, liên quan đến những việc cần làm ở Ấn Độ - Thái Bình Dương hơn là Đại Tây Dương.

Trước chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Biden kể từ khi nhậm chức, đã có nhiều suy đoán về ưu tiên chiến lược của nhà lãnh đạo Mỹ. Đó là sự ứng phó trong kỷ nguyên mới cạnh tranh nước lớn hay sự khẳng định chủ nghĩa đa phương do Mỹ dẫn đầu, hay việc thúc đẩy một liên minh ứng phó với đại dịch và sự ấm lên toàn cầu. Câu trả lời là "tất cả những mục tiêu trên".

Tuy nhiên, chuyến thăm của ông Biden đã truyền tải thông điệp quan trọng nhất, đó là sự chú trọng của nhà lãnh đạo Mỹ đối với vấn đề Trung Quốc. Thách thức Trung Quốc đã xuất hiện 3 lần trong tuyên bố chung của G7 và lần đầu tiên được trích dẫn trong tuyên bố của NATO - một liên minh quân sự tưởng như chỉ tập trung vào việc bảo vệ khu vực Bắc Đại Tây Dương.

"Thông điệp của Tổng thống Biden với châu Âu là: 'Đừng lo lắng, tôi đã đưa nước Mỹ trở lại. Nhưng giờ thì hãy để tôi làm công việc thực sự của mình ở Ấn Độ - Thái Bình Dương'. Ngôn từ về Trung Quốc rất thận trọng, nhưng nó đã xâu chuỗi mọi thứ", Robin Niblett, giám đốc Chatham House, một tổ chức nghiên cứu ở London, Anh cho hay.

Ngoài ra, sự đối lập trong cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump với Tổng thống Nga Putin có lẽ là điểm đáng chú ý nhất trong chuyến công du của ông Biden. Không giống như một số chỉ trích ở Mỹ nhằm vào ông Biden, những người cáo buộc ông đã "trao một món quà cho Tổng thống Putin", hầu hết châu Âu đều hài lòng khi chứng kiến cuộc gặp Thượng đỉnh này.

Mục tiêu thực tế sẽ khiến mối quan hệ Mỹ - Nga ít nguy hiểm và ít bất ổn hơn. Một điểm đáng chú ý trong Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ là ông Biden đã gọi Nga là một "nước lớn", đồng thời gọi Tổng thống Putin là một "đối thủ xứng tầm". Tháng trước, nhà lãnh đạo Mỹ đã dỡ lệnh trừng phạt lên dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga sang Đức hay trong Thượng đỉnh ở Geneva, ông Biden cũng không mấy quan tâm đến những đồn đoán về Ukraine gia nhập NATO. Theo nhà quan sát Edward Luce nhận định trên Financial Times, cụm từ "chính sách xoa dịu" đang dần trở lại trong từ điển chiến lược của Washington.

Tất cả những diễn biến trên không phải hành động ngẫu nhiên mà là một sự tính toán của Tổng thống Biden.

"Tổng thống Biden càng đối xử tôn trọng với Nga thì ông ấy càng cảm thấy dễ dàng hơn trong việc nới lỏng sợi dây gắn kết Nga - Trung", nhà phân tích Fiona Hill, từng là cố vấn về Nga dưới thời Tổng thống Trump nhận định.

Một số đối tác của Mỹ như Pháp, Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang cố gắng thúc đẩy quan hệ thân thiết hơn với Nga khi mối quan hệ giữa những nước này với Trung Quốc ngày càng lao dốc.

"Ít nhất thì Mỹ nên ngừng đẩy Nga vào vòng tay Trung Quốc mặc dù để chia tách 2 nước này sẽ cần thời gian nhiều hơn 1 nhiệm kỳ tổng thống", nhà quan sát Shapiro đánh giá.

Ván cờ địa chính trị của Tổng thống Biden

Dù vậy, ván cờ địa chính trị của Tổng thống Biden vẫn đầy những trở ngại mà đứng đầu trong số đó là thái độ ngần ngại của châu Âu trong việc coi Trung Quốc là một "mối lo ngại hiện hữu" giống như cách Mỹ nhìn nhận về nước này. Châu lục này có nhiều mối quan hệ thương mại với Trung Quốc hơn những gì Tổng thống Biden nhận định trong tuyên bố chung ở các Hội nghị Thượng đỉnh. Hơn nữa, các tuyên bố chung không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với hành động chung.

Châu Âu vẫn còn một chặng đường dài để nối bước Mỹ cấm các công ty công nghệ nhạy cảm của Trung Quốc trên toàn châu lục, chẳng hạn như mạng lưới 5G của Huawei.

Tổng thống Biden cũng gặp hạn chế trước sự hoài nghi của châu Âu về việc liệu ông có tái đắc cử vào năm 2024 hay không. Liệu "Nước Mỹ trở lại" của ông Biden có còn kéo dài sau nhiệm kỳ của ông hay không?

Tuy nhiên, bầu không khí ở châu Âu cho thấy Tổng thống Biden đã thành công trong việc thuyết phục các đồng minh về sự trở lại tạm thời của nước Mỹ. Châu Âu đánh giá cao cách thức Tổng thống Biden truyền tải thông điệp của mình. Thay vì nói về sự trở lại của nước Mỹ là người đứng đầu bàn đàm phán thì ông Biden nói rằng nước Mỹ đã "quay lại bàn đàm phán". Thay vì nói về sự dẫn đầu của nước Mỹ, ông nói về "nước Mỹ dẫn đầu cùng với các đồng minh". Những chi tiết nhỏ này tưởng không đáng nói nhưng thực chất lại là những điều đang thiếu hiện nay trong cuộc đàm phán. Châu Âu cũng đánh giá cao việc ông Biden đã dành nhiều tiếng chuẩn bị trước mỗi cuộc họp Thượng đỉnh.

"Những nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã quay lại. Đội ngũ của ông Biden giàu kinh nghiệm và hiểu cuộc chơi này", nhà quan sát Niblett đánh giá.

Dù vậy, có một thực tế không thể phủ nhận là Đại Tây Dương không còn là môi trường địa chính trị quan trọng nhất thế giới trong mắt của Mỹ nữa. Vị trí này đã thuộc về Ấn Độ - Thái Bình Dương. Mặc dù đây là chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Biden nhưng Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của ông là cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Quad hồi tháng 3. Quad không phải một liên minh chính thức nhưng tổ chức này đóng vai trò ngày càng lớn trong kế hoạch của Tổng thống Biden thay vì NATO, nhất là khi chiến lược chống Trung Quốc trở thành tâm điểm trong chính sách của nhà lãnh đạo Mỹ.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan