“Sự thật đã cất lời”. TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 08:03 21/07/2021 Lượt xem: 309
 
-----------------------------------------------------------------

SỰ THẬT ĐÃ CẤT LỜI
Hoàng Văn Kính
 
       Những ngày gần đây, một loạt báo đài như: Vienamnet, VOV.VN, Tiền Phong… đều đưa tin về nguyên nhân binh nhì Trần Đức Đô tử vong khi hành quân vào thao trường huấn luyện. Dẫn lời Trung tướng Dương Đình Thông Chính ủy Quân khu 1 và Đại tá Nguyễn Xuân Thìn Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1 về kết luận điều tra cho biết:
-Quân nhân Trần Đức Đô tử vong do ngạt vì tự treo cổ.
-Không có tác động ngoại lực. Không bị dánh đập, hành hung.
       Không phát hiện bị xúi giục, bức ép, làm nhục. Không có mâu thuẫn trong đơn vị, gia đình. Không có hành vi cờ bạc, lô đề, vay mượn. Theo lời khai của các quân nhân cùng đồng đội với Đô ( trong đó có Trần Văn Hiếu chú họ của Đô, là người huấn luyện cùng đơn vị Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 ) khẳng định: trong đơn vị không có hiện tượng mất đoàn kết, hành hung, quân phiệt, đánh nhau. Đa số đều nhận xét quân nhân Đô là người trầm tính, ít nói, không vi phạm kỉ luật, không thấy có mâu thuẫn với ai.
- Về cơ chế hình thành các dấu vết trên cơ thể của nạn nhân, kết luận cho biết: Rãnh hằn vùng cổ và sây sát da vùng cầm trái, mặt tím tái phù nề, sưng huyết các phủ tạng…do treo cổ; vết sây sát da và tụ máu dưới da vùng thái dương; vết sây sát da vùng ngực ( mũi ức ) và cổ tay trái do tác đông tương hỗ với vật có bề mặt không phẳng; các vết sẹo mờ hình tròn vùng da sườn trái và hố chậu trái là bệnh lí da. Các vết sây sát trên cơ thể quân nhân Đô là do khi treo cổ và quá trình cắt dây đưa Đô xuống để cấp cứu đã làm va quyệt vào thân cây. Theo kết luận điều tra, đủ căn cứ để xác định không có sự việc phạm tội sẩy ra.
       Theo xác nhận của cơ quan điều tra: Cây keo nơi quân nhân Đô treo cổ cao khoảng 10m, có đường kính khoảng 25cm, cây nghiêng sang bên phải khoảng 13 độ, cách mặt đất khỏang 80cm có một cành cụt hướng lên phía trên, phía trên có các nhánh cách mặt đất khoảng 2,6 và 3,6m. Nhánh 3,6m là vị trí buộc dây treo cổ, chân của em cách mặt đất khoảng 1,36m ( riêng điều này cũng có thể giải thích được hiện tượng làm em Đô tử vong ).
- Theo bố mẹ của Đô là ông Trần Đức Hội và bà Trần Thị Đông trong những lần Đô gọi điện về nội dung chỉ là thăm hỏi bình thường, không hề nói bị ai đánh. Lấy lờI khai của bố, mẹ 5 học viên quê Bắc Ninh, họ đều cho biết từ khi con nhập ngũ, khi gọi điện về không hề phản ảnh có hiện tượng tiêu cực, mất đoàn kết, hành hung, quân phiệt, đánh nhau xẩy ra trong đơn vị. Quá trình điều tra, cơ quan đã lấy lời khai của bà nguyễn Thị Chinh ( SN 1974 ) và ông Nguyễn Văn Lương ( SN 1978 cùng trú ở xóm Bãi Phẳng, xã bàn Đạt, huyện Phú Bình, Thái Nguyên ) những người chứng kiến vụ việc, khi đến hiện trường ông Lương thấy một người là bộ đội đang hô hấp, ép tim ngoài lồng ngực, một người khác thì bóp tay cho người mặc áo lót màu xanh, quần rằn ri đang nằm ngửa dưới đất, ông Lương có nói: “ Chết rồi thì hô hấp làm gì” người đang thực hiện ép tim nói: “ Còn nước còn tát anh ạ” . Phát phiếu thăm dò đối với học viên Đại đội 14 ( nơi Đô huấn luyện ) và 62 chiến sỹ ở đơn vị cũ của Đô là Trung đoàn 2 ( sư đoàn 3, QK 1 ) bằng hình thức bỏ phiếu kín, có lập biên bản kiểm tra ghi nhận kết quả với các nội dung:
       Trong đơn vị có tình trạng cán bộ, chỉ huy hành hung đồng đội không? Quá trình học tập, huấn luyện tại đơn vị có tình trạng chiến sỹ cũ bắt nạt chiến sỹ mới không? Có tình trạng cá độ, lô đề, cờ bạc không?, kết quả các ý kiến đều trả lời là không . Cơ quan điều tra cũng cho biết: Theo lời khai của Đào Bá Hải học viên cùng đơn vị với Đô, khoảng 9h sáng ngày 27/6 trong lúc Hải và Đô buộc giá để treo cuốc xẻng và dây móc chổi hai người có nói chuyện với nhau. Khi Hải hỏi Đô về sở thích thì Đô trả lời “ Tôi chỉ thích ở trong phòng tối một mình, tắt đèn, đóng cửa” sau đó Đô hỏi lại Hải: “ Ông đã bao giờ nghĩ đến chuyện tự tử chưa” thì Hải quát Đô “ Ông điên à”. Hải cho biết thêm: giọng nói của Đô trầm lặng, nét mặt buồn, không vui vẻ. ( Một số chuyên gia cho rằng đấy là biểu hiện trầm cảm ).
-Khi trưng cầu giám định tử thi có bố và bác ruột em Đô chứng kiến và kí vào biên bản. Khi gặp nhân chứng và quá trình dựng lại hiện trường đều có đại diện gia đình và Luật sư của gia đình được mời chứng kiến. Khi khám nghiệm ba lô của Đô, phát hiện có 3 bức thư viết cho bố mẹ nhưng không gửi. Nội dung nói về việc nhớ nhà, cuộc sống sinh hoạt tại đơn vị, tình yêu thương đồng chí đồng đội tại đơn vị.
       Công lí đã sáng tỏ, sự thật đã rõ ràng, tuy nhiên bên cạnh nhưng âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vụ việc, xuyên tạc, bóp méo sự thật, kích động làm náo loạn thông tin nhằm hạ thấp uy tín Quân đội vẫn còn một bộ phận người dân cố tình làm ngơ trước kết luận của các cơ quan điều tra, suy đoán đòi hỏi vô cớ, vô tình để kẻ xấu lợi dụng.
Sự ra đi đột ngột của một thanh niên ngoan, hiền mới 19 tuổi tình nguyện viết đơn nhập ngũ, ước mơ và hoài bão còn đang ở phía trước là sự mất mát quá lớn, là nỗi đau quá lớn khiến nhiều người trong phút chốc khó có thể chấp nhận được, đễ bị tình cảm lấn át lí trí. Bình tĩnh lại suy xét mới thấy kết luận trên của cơ quan điều tra là có sức thuyết phục.
Thứ nhất: Sự việc được công khai ngay sau khi xẩy ra, không hề bị lấp liếm, che dấu và các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc để làm rõ sự thật.
Thứ hai: Đấy là kết luận điều tra của 5 cơ quan gồm: Phòng điều tra hình sự Quân khu 1, Cục điều tra hình sự ( Bộ quốc phòng ), Cục bảo vệ An ninh Quân đội Bộ quốc phòng, Viện Pháp y Quân đội và Công an tỉnh Thái Nguyên.
Thứ ba: Những nhân chứng có liên quan: gia đình, chiến sỹ cùng quê, người cùng đơn vị cũ và mới, nhân chứng vô tình thấy sự việc đều được lấy lời khai và có xác nhận.
Thứ tư: Tổ chức thăm dò cán bộ chiến sỹ cùng đơn vị bằng phiếu kín, bảo đảm tính khách quan.
Thứ năm: quá trình điều tra đều có mời đại diện gia đình và Luật sư riêng của gia đình. Kết luận điều tra được gia đình kí xác nhận. Cho phép gia đình và Luật sư được tiếp cận hồ sơ điều tra nếu muốn.
       Mọi thứ đều minh bạch, rõ ràng. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một vấn đề: Nếu Chính ủy và Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1 không có những phát ngôn vội vã về nguyên nhân cái chết của quân nhân Đô trước khi các cơ quan điều tra vào cuộc và có kết luận chính thức thì chắc chắn sẽ giảm bớt được những thắc mắc, suy luận làm cho vấn đề thêm phức tạp hơn.
       Mặc dù Quân đội là một tổ chức chặt chẽ, cán bộ và chiến sỹ được chọn lọc kĩ càng, được giáo dục, đào tạo và huấn luyện bài bản, có kỉ luật rất nghiêm minh, nếp sống chính quy; có tình đoàn kết thương yêu lẫn nhau nhưng Quân đội cũng là một xã hội thu nhỏ, dù rất cá biệt nhưng đây đó không tránh khỏi có những hiện tượng vô kỉ luật, đấy là một thực tế và cũng là điều rất đáng tiếc. Mong rằng mỗi người dân không vì những cái cá biệt ấy mà bàn tán, suy luận, nhìn nhận đánh giá sai về bản chất và truyền thông Bộ đội “ Cụ Hồ”.
      Xin một lần nữa được chia buồn với gia đình em Đô và mong rằng: Mỗi chúng ta, những Cựu chiến binh, những người lính Trường Sơn một thời đã chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc hãy thật bình tĩnh, thật tỉnh táo, phát ngôn có trách nhiệm để góp một tiếng nói có trọng lượng giúp ổn định tình hình, đập tan những luận điệu xuyên tạc, vu khống vô căn cứ của kẻ xấu.


Đoàn kết là truyền thống của Quân đội ta (ảnh minh họa) 

Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT và BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan