TẠI SAO QUỐC HỘI KHÔNG BẤM NÚT?
Trên truyền hình, có lần Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã rất tự hào giới thiệu về hệ thống phần mền phục vụ chất vấn và trả lời tại các kỳ họp của Quốc hội. Đại biểu đặt câu hỏi (phát biểu trực tiếp qua míc) thì câu hỏi ấy được hiện bằng chữ ngay lập tức trên màn hình trước mặt các đại biểu và trên màn hình láp tốp của Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội. Các kỹ sư điện tử của Viettel đã thiết kế nên phần mền biến giọng nói thành các ký tự chữ viết trên nàm hình vi tính. Rồi trước mặt mỗi đại biểu có một Màn điều khiển để có thể biểu quyết bằng việc bấm nút ĐỒNG Ý hay KHÔNG ĐỒNG Ý và KHÔNG BỎ PHIẾU. Ngay lập tức trên các màn hình lớn treo trên tường phòng họp của Quốc hội sẽ cập nhật kết quả trong vài giây. Tất nhiên mỗi đại biểu có mã số riêng và có thẻ cài lên thiết bị riêng của mình trước mặt.
Sự vận hành ấy của Quốc hội là khá hiện đại. Khó ai có thể can thiệp vào kết quả ấn nút của Quốc hội. Tỉnh thoảng VTV có hiện trên màn hình kết quả bảng biểu quyết của Quốc hội, với các thông số: Tổng số đại biểu Quốc hội. Tổng số đại biểu có mặt. Tổng số đại biểu tán thành. Tổng số đại biểu không tán thành. Tổng số đại biểu không bỏ phiếu...
Được trang bị hiện đại thế, nhưng kỳ họp thứ Nhất Quốc hội Khóa XV đang diễn ra hình như lại không tận dụng các yếu tố tin học tin cậy vào công việc bỏ phiếu của Quốc hội. Vừa qua việc bầu Chủ tịch Quốc hội, bầu các Phó Chủ tịch Quốc hội, bầu các Ủy viên Thường vụ Quốc hội... đều thực hiện hình thức có từ "cổ xưa" là bỏ phiếu kín bằng giấy. Các đại biểu đánh dấu vào các tờ phiếu và đi lên bỏ phiếu vào thùng phiếu. Ta có thể hình dung các công việc rất mất thời gian sau đó là Ban Kiểm phiếu sẽ kiểm phiếu bằng tay, rồi cộng bằng máy tính, sau đó là công bố kết quả. Quy trình cho một cuộc bỏ phiếu là rất mất thời gian. Việc bầu chức danh Chủ tịch nước sáng thứ 2, ngày 26/7/2021 chắc chắn cũng sẽ thực hiện việc bỏ phiếu theo "truyền thống" này.
Trong thời buổi khẩn trương phòng chống Covid-19, Quốc hội đã phải 2 lần thay đổi việc rút ngắn thời gian ngày họp của Quốc hội. Tôi nghĩ, nếu Quốc hội thực hiên việc bầu cử bằng việc ấn nút bầu thì toàn bộ việc bỏ phiếu bầu và thông qua các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn sẽ giảm được từ 1-2 này vì không phải bỏ phiếu kín như thông lệ.
Tại sao Quốc hội không thực hiện bấm nút bầu các chức danh nhỉ?
Đấy là ý kiến và cũng là câu hỏi của tôi - một cử tri với Quốc hội.
Phạm Thành Long
Công dân có địa chỉ tại Phòng A1906, chung cư 229 Tây Sơn, Phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 0984108450 - email: thanhlong949@gmail.com