Cắt tóc khi cách ly

Ngày đăng: 08:42 29/07/2021 Lượt xem: 257

                              Cắt tóc khi cách ly


                                                           Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Mối bận tâm rất lớn của cả đàn ông và đàn bà ở phố là chuyện tóc tai. Đàn ông bồn chồn ngứa ngáy vì tóc cứ dài ra hàng ngày. Đàn bà chỉ hơi khó chịu chút thôi vì mái tóc cầu kì chẳng có ai ngắm.



Đã mấy ngày cách ly theo Chỉ thị 16. Mà thực ra đã từ gần 2 tuần nay tất cả các tiệm cắt tóc gội đầu đều phải đóng cửa cả rồi. Cộng với hơn 2 tuần trước đó mới dỡ bỏ cách ly mọi người còn đang hân hoan thưởng thức những món ăn đường phố.

Đàn ông chưa nghĩ ngợi gì nhiều đến đầu tóc của mình cho lắm. Đàn bà đã kịp thời ra tiệm gội mái đầu và sửa sang lại chút ít. Họ còn có thể cầm cự được thêm vài tuần lễ nữa.

Cắt tóc khi cách ly
Người dân cắt tóc trên phố Ngô Quyền trước khi dịch vụ này dừng hoạt động. Ảnh: Phạm Hải

Thực ra thì đàn ông ở phố bây giờ còn rất ít người chải chuốt đầu tóc như xưa. Cái thời đói kém loạn lạc chẳng hiểu sao phần lớn đàn ông đều có chiếc lược nhôm mỏng dính kẹp trong ví khi ra đường. Sáng đến cơ quan việc đầu tiên là vào toilet soi gương. Nhúng chiếc lược nhôm vào bồn nước chải lại mái tóc bóng bẩy hất ngược ra sau ngăn nắp như ruộng mạ mới trổ xanh.

Cũng có lẽ vì lúc ấy toàn bộ đàn ông chỉ có một kiểu đầu tóc. Là tàn dư của mode đầu đít vịt thập kỉ ’50 trên toàn thế giới. Đại khái trông na ná như diễn viên Clark Gable trong phim “Cuốn theo chiều gió”. Và trên thực tế thì lúc ấy hiệu cắt nào cũng trưng ảnh các bác Clark Gable hoặc Alain Delon với mái tóc hất ngược bóng lộn. Thanh niên Hà Nội còn có thể tưởng tượng ra các bác ấy dùng loại lược nào.

Giờ thì ngay cả đàn bà cũng ít ai nhìn thấy họ mang theo chiếc lược khi ra đường. Họ đã chọn cho mình những kiểu đầu bền vững với sinh hoạt nhốn nháo ngoài phố. Rất có thể những kiểu tóc của họ muốn chải cần phải có bàn tay thợ nên càng chẳng mang lược theo làm gì. Nghe nói nhiều quý bà gội đầu ở phố một lần bằng cả tháng lương nữ công nhân trong khu công nghiệp.

Đàn ông ở phố vài chục năm nay đã hoàn toàn không ai mang lược theo mình. Thậm chí đàn ông mang lược ra phố còn bị nhìn với con mắt không được rõ ràng giới tính cho lắm. Họ chọn cho mình những kiểu tóc chẳng bao giờ cần đến lược. Người để dài tự nhiên như nghệ sĩ, người cắt ngắn vuông vức. Vài người cắt trọc như người tu hành nhưng vẫn có mặt đều đặn ở quán rượu thịt chó đông đảo cuối tháng. Chẳng sao cả. Nó chẳng liên quan gì đến đức tin. Đàn ông cả tháng chỉ dùng đến chiếc lược một lần thôi. Ở hiệu cắt tóc. Trong tay ông thợ.

Cắt tóc khi cách ly
Hà Nội thưa vắng bóng người ra đường những ngày giãn cách. Ảnh: Phạm Hải

Không có thợ cắt tóc làm việc, những người đàn ông khéo tay nghĩ ngay ra cách tự cắt tóc cho mình. Tất nhiên cũng chỉ cắt được những kiểu tóc đơn giản. Và đàn ông Việt phần lớn qua vài cuộc kháng chiến trong quân ngũ, chuyện cắt tóc cho nhau và tự cắt cho mình là chuyện chẳng lạ gì. Kể cả ngày xưa với chiếc tông đơ bóp tay và chiếc kéo thủ công rèn bằng sắt đen sì vẫn có thể “cắt đầu” cả trung đội chỉ trong buổi sáng.

Việc cách ly nghiêm ngặt đã trở thành tự giác. Dù biết ông bạn tay nghề rất khá nhưng cũng cứ tự cắt tóc cho an tâm. Mò lên mạng đặt hàng người ta mang đến cho chiếc tông đơ điện hơn trăm nghìn với đủ các cữ tóc là vào việc. Đàn bà ở nhà phát hiện ra một điều vô cùng lí thú. Chiếc tông đơ điện ấy có giá không bằng một lần đàn ông cắt tóc. Và đàn bà mỗi lần cắt tóc ít nhất cũng tốn gấp ba lần đàn ông. Tất nhiên cũng ít bà biết rằng đàn ông có những nơi cắt tóc tốn gấp ba lần đàn bà. Đàn bà bảo sao không mua tông đơ đắt tiền hơn cho tốt? Đúng là đàn bà. Đàn ông cười hỏi lại, thế các bà muốn chúng tôi tự cắt tóc quanh năm hay sao?

Đàn ông cắt trọc không nói làm gì. Cứ để nguyên chiếc tông đơ mua về đã sạc điện sẵn mà dũi vòng quanh đầu. Cũng chẳng cần đến gương. Lược lại càng không. Chỉ cần đưa tay lên sờ kiểm tra chỗ nào còn sót thì dũi lại. Tiếp theo là dao cạo râu. Bôi xà phòng trắng hếu trên đầu mà cạo. Xong xuôi cúi đầu vào lavabo mở nước xả hết tóc con. Vậy là lên nước bóng loáng. Vẫn công đoạn thế thôi, ra tiệm là mất toi ngay một chiếc tông đơ điện.

Cắt kiểu đầu cua có khó hơn chút ít. Phải chọn chiếc cữ 2 li cho phần chân tóc và cữ 6 li cho phần đỉnh đầu. Mượn vợ chiếc gương con vào toilet là kiểm soát được sau gáy dễ dàng. Với công nghệ chế tạo tông đơ hiện đại như bây giờ, các bác phó cạo là người lo lắng nhất.

Trải qua ba lần tự cắt tóc trong vòng 2 năm. Giờ thì chiếc tông đơ điện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nó rồi. May mà lần trước chưa vứt nó đi. Và giờ thì lại càng chưa dám vứt.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan