“Ghi nhanh trong sáng 30-4” – TG: Đỗ ngọc Thứ

Ngày đăng: 10:31 30/04/2025 Lượt xem: 87
 
Hướng tới Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước
(30/4/1975-30/4/2025).
   -------------------
       Về Thành phố Hồ Chí Minh tham dự Đại lễ Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bằng cảm súc của người lính chiến, cảm súc của người trong cuộc trước một sự kiện trọng đại của đất nước, Đại tá, Phó GS TS Đỗ ngọc Thứ, Chủ tịch Chi Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn thành phố Đà Nẵng đã có một bài ghi nhanh và anh vừa gửi về cho Ban Biên tập Trường Sơn.
         Ban Biên tập chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc

 
GHI NHANH TRONG SÁNG 30/4
       Thành phố mang tên Bác hôm nay rực rỡ cờ hoa, nơi mỗi góc phố, mỗi con đường như muốn thầm kể câu chuyện hào hùng của quá khứ. Có một thành phố khiến người ta phải lặng lẽ dừng chân để trái tim rộn ràng với những tự hào. Dù là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này hay những lữ khách ghé qua, ai nấy cũng đều cảm nhận được tình yêu thẳm sâu dành cho thành phố mang tên Bác.
       Trong những ngày tháng Tư lịch sử, trực tiếp có mặt nơi đây mới thấy, mới hiểu, mới cảm hết sự hân hoan, hứng khởi, niềm tự hào và lòng biết ơn.
       Hai giờ sáng ngày 30/4, trên 5 tuyến đường có đoàn diễu binh đi qua (tượng trưng cho 5 cánh quân tiến về Sài Gòn tháng 4 năm 1975) đã chật ních người. Họ đến đây không chỉ để chờ xem những bước chân kiêu hùng, đều đặn dưới cái nắng đầu mùa của những “nam thần”, không phải chỉ để ngắm những “bông hồng thép” với nụ cười toả nắng. Họ đến đây để được trực tiếp xem dòng chảy của lịch sử, được nhìn thấy sức mạnh của khối đại đoàn kết, khát vọng hòa bình và ý chí thống nhất đất nước, được thấy sự tiếp nối của những hy sinh để rồi lặng lẽ cúi đầu biết ơn. Họ hiểu, những người lính với những giọt mồ hôi vương trên má đang bước trong nắng gắt không chỉ vì nghĩa vụ, vì bổn phận thiêng liêng với Tổ quốc - thứ giá trị vượt lên trên mọi xao động ngắn hạn của con tim, mà còn là sự kết nối các thế hệ người Việt, khơi dậy tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước trong từng trái tim.
       Những ánh mắt rạng ngời dõi theo đoàn quân đang rầm rập trên đường hay ngước lên bầu trời dõi theo những chiếc Su-30MK2 nhào lộn, thả bẫy nhiệt; những chiếc trực thăng kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc… không chỉ dừng lại ở niềm vui, sự phấn khích mà còn là sự nhắc nhớ về lịch sử hào hùng và khát vọng vươn lên không ngừng của dân tộc. Nó như lời khẳng định, rằng dân tộc này sẵn sàng đứng dậy, sẵn sàng chiến đấu mà không thế lực nào được phép coi thường. Thành phố mang tên Bác hôm nay không chỉ rực rỡ sắc màu mà còn rực sáng trong lòng mỗi người bởi niềm tự hào thiêng liêng, bất diệt.
       Sự xuất hiện của những khối LLVT, dân quân, du kích…như ánh sáng soi rọi, giúp chúng ta nhìn rõ sức mạnh và những chiến công hiển hách, thấy cả những mất mát, hy sinh của lớp lớp cha anh trên con đường đi đến ngày toàn thắng. Bước chân kiêu hãnh đi trong tiếng nhạc hào hùng như một ánh hào quang, thức tỉnh triệu triệu con tim, khiến hạt mầm yêu nước trong mỗi người dân Việt đâm chồi. Chỉ ra cho bao người hiểu thêm về chân lý cuộc sống và nghĩa cử “uống nước nhớ nguồn”, để rồi trân trọng, ngưỡng mộ và tôn vinh những con người đã cống hiến máu xương mình cho hạnh phúc muôn dân.
       Trực tiếp dự chương trình ý nghĩa này, lòng tôi tràn ngập niềm vui, sự lôi cuốn và lòng tự hào. Tự hào bởi trang sử hào hùng của dân tộc, bởi sự lớn mạnh của LLVT. Lôi cuốn bởi màn diễu binh, diễu hành hoành tráng - kết quả của sự quan tâm đúng mức cho một sự kiện trọng đại của Đảng, Nhà nước, quân đội, công an cũng như của Đảng bộ, nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; kết quả của bao tháng ngày khổ luyện. Tự hào và cảm động trước tình cảm của người dân dành cho LLVT mà trực tiếp là những người lính tham gia diễu binh, diễu hành. Càng cảm động hơn khi thấy trong đoàn diễu binh có tới 350 “cụ”, người ít tuổi nhất đã là 82, ngồi trên 7 chiếc xe mui trần. Họ là những anh hùng, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, CCB tiêu biểu, đại diện cho một thế hệ anh hùng. Đây là cụ thể hóa cho sự tri ân, tôn vinh những con người đã góp sức làm nên ngày 30/4 lịch sử. Bình dị vậy thôi nhưng đôi khi đã chạm đến triết lý về nghĩa cử “uống nước nhớ nguồn”, chạm đến con tim bao người, bởi vinh quang trước hết và trên hết thuộc về những người trực tiếp làm nên chiến thắng 30/4.
       Trong những ngày này, nghe chia sẻ của các CCB, ánh mắt bao người sáng lên niềm tự hào nhưng từ sâu thẳm nơi con tim vẫn thổn thức nhớ, thổn thức buồn khi hiểu được cái giá phải trả để có ngày 30/4 lịch sử.
       Đại tá Nguyễn Khắc Nguyện, người lái chiếc xe tăng số 380 (lữ đoàn xe tăng 203) kể: Sáng 30/4/175, tại cổng Bộ Tổng Tham mưu nguỵ, trận chiến diễn ra ác liệt. Đơn vị chúng tôi đã tiêu diệt được nhiều xe tăng và các ổ đề kháng của địch, nhưng cũng đã có 5 xe tăng của ta bị địch bắn cháy.
       Chiều 30/4 các đơn vị tổ chức thu dọn chiến trường và làm công tác thương binh, tử sỹ. Riêng các đ/c hy sinh trong xe tăng thì phải đợi 4 ngày sau cho xe nguội bớt mới làm được việc ấy. Hầu hết hài cốt các anh chỉ còn là nhúm tro tàn. Các liệt sỹ ấy được mai táng ở nghĩa trang Tân Xuân. Nghĩa trang này có 476 liệt sỹ, trong đó có 108 người hy sinh vào ngày 30/4”.
       CCB Lê Tiến Hùng kể: Khi xe tôi đến cầu Thị Nghè, người dân dẫn đường nói “Dinh Độc Lập kia rồi”. Tôi quay lại lấy lá cờ trên an ten thì xe tôi bị chiếc M48 của địch bắn trúng. Đồng chí Hải (lính công binh) đi cùng xe bị trúng đạn, đứt đôi người. Tôi bị thương nặng, 8 mảnh găm trong phổi, 2 mảnh găm trong gan. Tôi nhìn xuống bụng mình, thấy nát bét. Toàn bộ ruột gan của anh Hải phủ lên đầu tôi. Đến giờ tôi cũng không biết anh Hải có được ghi công không? Đơn vị, gia đình có biết anh Hải hy sinh và chôn cất ở đâu không vì lúc anh Hải hy sinh, trên xe tôi không ai biết”.
       Câu chuyện của các CCB không chỉ là thông tin, nó còn là một phần lịch sử, là máu thịt, là khí phách, là niềm tự hào và thấm đẫm tính nhân văn của một thế hệ. Câu chuyện như mang theo nước mắt, máu và linh hồn của những người lính trước cửa ngõ Sài Gòn vào những giờ phút lịch sử. Câu chuyện đã khép lại nhưng nó còn đọng mãi, đủ nặng để bóp nghẹn con tim bao người khi được sống trong không khí hào hùng của ngày vui toàn thắng.
       Hôm nay chiến tranh đã lùi xa, nhưng thời gian không thể làm mờ phai lịch sử. Lịch sử cần được nhìn nhận và ghi nhớ. Ghi nhớ không phải để nhen lên hận thù mà là để hướng tới tương lai, để thấy được cái giá phải trả cho độc lập, tự do để rồi quý trọng hơn, trách nhiệm hơn với cuộc sống giữa ngày tháng thanh bình, bởi giá trị lịch sử luôn cần được giữ gìn, lan tỏa và tiếp nối.
       Yêu lắm Việt Nam ơi!


Đại tá Đỗ ngọc Thứ trả lời phỏng vấn của Phóng viên Báo chí bên nề sự kiện


Và chụp ảnh lưu niệm sau một cuộc giao lưu - Kể chuyện chiến tranh cho các bạn trẻ TP.HCM

 
Đỗ ngọc Thứ
Chủ tịch Chi hội VHNT Trường Sơn TP Đà Nẵng

 
tin tức liên quan