Ký ức của một "lão thành Trường Sơn"

Ngày đăng: 09:56 12/03/2019 Lượt xem: 2.782
                  Ký ức của một "lão thành Trường Sơn"
 

                                                         Nguồn:Báo Điện tử Đắk Lắk

Ông là một trong số 70 người có mặt đầu tiên khi hình thành nên tuyến đường Trường Sơn lịch sử. Ký ức về Trường Sơn dẫu có ngắt quãng trong tâm trí của người cựu chiến binh đã ở cái tuổi 85 này nhưng đọng lại vẫn là những năm tháng hào hùng, bi tráng… Ông là “lão thành Trường Sơn” – Trương Văn Ban, hiện trú tại 03 Nguyễn Thượng  Hiền, TP. Buôn Ma Thuột.


 

Ông bắt đầu “lật giở” trang ký ức về Trường Sơn bằng những sự kiện lịch sử đầu năm 1959. Tháng 1-1959 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp tại Hà Nội. Hội nghị xác định: nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam, phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc phong kiến, trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng. Thời điểm đó ông là một trong số ít những cán bộ chiến sĩ được chọn lọc để cử đi, chỉ biết rằng đi để học tập quán triệt Nghị quyết 15, nhiệm vụ cụ thể sau đó vẫn là bí mật. Ông vẫn còn nhớ rõ tiêu chuẩn tuyển chọn ngày đó, đầu tiên phải là đảng viên ưu tú, xuất sắc, có lập trường tư tưởng, tuyệt đối kiên trung với Đảng, có sức khỏe và chưa lập gia đình. Bấy nhiêu những điều kiện ấy khiến các cán bộ chiến sĩ như ông được đào tạo, sàng lọc ngày ấy cũng ngầm hiểu nhiệm vụ sẽ nặng nề, hiểm nguy nhưng cũng vô cùng quan trọng. Sau đợt học tập Nghị quyết 15, trước lúc lên đường, cả đoàn được gặp Bác Hồ. Dù chỉ được trực tiếp nhìn thấy Bác, được nghe Bác căn dặn trong vài phút nhưng mấy chục năm đã trôi qua, ông vẫn còn nhớ rõ: Khi ấy Bác bảo Bác không nói nhiều, nói dài nữa vì các chú đã được học Nghị quyết 15 rồi. Đồng bào miền Nam đang chìm trong bom đạn của Mỹ ngụy, Bác chỉ mong các đồng chí hứa với đồng bào trở về giải phóng miền Nam. Nghe lời Bác dặn cùng với việc được quán triệt, học tập Nghị quyết, sau này ông mới rõ trọng trách của ông và đồng đội. Chấp hành Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Tổng Quân ủy, thực hiện chủ trương chi viện lực lượng vật chất cho miền Nam, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự trên bộ, trên biển. Ngày 9-5-1959, Thường trực Quân ủy triệu tập ban cán sự chính thức giao nhiệm vụ cho đoàn mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong năm 1959 đoàn có nhiệm vụ soi đường bảo đảm giao thông liên lạc từ miền Bắc vào miền Nam, vận chuyển gấp một số hàng quân sự theo yêu cầu của Liên khu 5, bảo đảm cho việc đưa 500 cán bộ hành quân vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực.

Cựu chiến binh Trương Văn Ban.
Cựu chiến binh Trương Văn Ban.

Đoàn được ra đời tháng 5 năm 1959 nên được lấy tên là Đoàn 559. Tổng Quân ủy Bộ Quốc phòng quyết định biên chế cho đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ nhưng thời điểm đầu năm 1959 khi mới thành lập chỉ có 70 người. Sau khóa học tập, 70 chiến sĩ Đoàn 559 được đưa lên một chiếc xe bọc kín, không ai biết mình sẽ đi đâu. Chỉ biết rằng sau một chuyến đường dài xuất phát từ 63 Lý Nam Đế (Hà Nội), cả đoàn dừng lại ở Quảng  Bình. Từ đây quân số được phân chia, hình thành nên các trạm: Trạm 1, Trạm 2, Trạm 3. Ông được biên chế về trạm 2, có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí qua sông Bến Hải và đưa sang trạm 3. Những ngày đầu xây dựng tuyến đường Trường Sơn, mọi thứ đều làm bí mật với khẩu hiệu “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Không có phương tiện, tất cả vũ khí, khí tài, lương thực đều phải cõng, gùi và hoạt động chủ yếu về ban đêm. Ngày đó, trung bình mỗi người phải mang vác từ 25-30 kg, trong điều kiện rừng núi đi lại khó khăn, hiểm trở. Trong những tháng ngày vận chuyển hàng hóa, vũ khí qua sông, biết bao hiểm nguy luôn rình rập, sự sống và cái chết gần trong gang tấc. Ông còn nhớ mãi một buổi chiều vào năm 1959, khi ấy khoảng 17 giờ, một tổ vận chuyển của Trạm 2 đã chuẩn bị sẵn sàng, chờ trời tối đưa hàng qua sông. Nhưng khi khoảng 12 chiến sĩ vừa chui vào đường ống cống thì phát hiện địch ở trên mặt cống. Tất cả gần như phải nín thở hơn một nửa giờ đồng hồ. Bởi chỉ một tiếng động nhỏ, nếu địch phát hiện không chỉ bị truy kích, tấn công mà còn làm lộ bí mật.

Sau này, khi Đoàn 559 phát triển, bổ sung quân số, các con đường vận chuyển được mở rộng, có thêm đường vận tải trên biển, đường ô tô. Có nhiều địa bàn hiểm trở, vách núi dựng đứng, vậy mà công binh, thanh niên xung phong đào đường xuyên núi để làm được những con đường vừa đủ cho xe đi. Nơi nào ô tô không đi được thì có xe đạp thồ, không có xe đạp thì vác, cõng. “Những chiếc xe cà tàng ấy thế mà trở thành những “dũng sĩ sắt”. Hàng trăm “dũng sĩ sắt” được ngụy trang, hành quân không biết mệt mỏi”, ông Ban trầm trồ. Chợt đôi mắt ông ngân ngấn nước: “Nhưng gian khổ nên nhiều chiến sĩ hy sinh, đau thương lắm cháu ạ! Nhiều người đã không chống chịu nổi những trận sốt rét rừng, nằm trong võng bọc rồi hy sinh lúc nào đồng đội không hay biết. Đến những năm 1972,1973 cũng là thời điểm kẻ thù đánh phá ác liệt, chúng thả pháo sáng rợp trời, rải chất diệt cỏ làm khô cháy hàng loạt cánh rừng hòng triệt đường trú ẩn của bộ đội ta. Hy sinh vì bom đạn đã đành nhưng đau đớn, day dứt hơn là đến đời con, đời cháu, đời chắt của bao đồng đội vẫn chịu di chứng chiến tranh khi mang trên mình nỗi đau da cam…”.

Những năm tháng ở Trường Sơn đã trở thành một phần của lịch sử, trở thành dấu mốc bi tráng trong cuộc đời Bộ đội Trường Sơn. Hơn ai hết, là một trong những chiến sĩ vinh dự có mặt đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn, ông Ban càng thấm thía giá trị của Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. “Trường Sơn anh hùng, nghĩa tình đồng đội”, 8 chữ vàng mà ông được Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trao tặng như càng nhắc ông sống cho xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Trường Sơn, Bộ đội Cụ Hồ. Nhìn lại mình đang ở độ tuổi 85 như ngọn đèn trước gió, ông nghẹn ngào: “Con số 70 người đầu tiên có mặt trên tuyến đường Trường Sơn ngày ấy giờ còn lại mấy người…”.

                                                                           Đàm Thuần

 


tin tức liên quan