Cuốn hồi ký chiến tranh bằng thơ của Nguyễn Doãn Thiết

Ngày đăng: 05:21 06/09/2019 Lượt xem: 3.279
   CUỐN HỒI KÝ CHIẾN TRANH BẰNG THƠ

            

 
     Đúng như vậy khi ta đọc tập thơ “CON ĐƯỜNG QUÂN NGŨ” của Nhà thơ Nguyễn Doãn Thiết - hội viên sáng lập Hội văn học Nghệ thuật Trường Sơn (NXB Hội Nhà văn ấn hành)
    Nguyễn Doãn Thiết, sinh năm 1947 tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Ngày 21/7/1967, anh lên đường nhập ngũ. Anh là lính Trung đoàn 9 Sư đoàn 968 Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Anh đã tham gia nhiều trận đánh trên đất Bình Trị Thiên và chiến trường Nam Lào. Máu của Nguyễn Doãn Thiết đã đổ trên chiến trường Trường Sơn…
    Tập “Hồi ký chiến tranh”: CON ĐƯỜNG QUÂN NGŨ của Nguyễn Doãn Thiết gồm 2 phần: Phần I – Con đường quân ngũ. Phần II- Đời thường.
     44 bài thơ của Phần I – Con đường quân ngũ phần lớn là “hồi ký” bằng thơ lục bát. Chỉ cần đọc lướt qua tít của 44 bài thơ người đọc cũng có thể hình dung được “bước chân” của người lính Nguyễn Doãn Thiết đi qua chiến tranh như thế nào: Ra đi/Những ngày đầu quân ngũ/…Đi B/Hai tháng hành quân/Xuân 68/Bị thương/Nằm viện/Đói cơm/thiếu muối/…Vượt Trường Sơn lần 2/Trên đỉnh Trường Sơn/Trận PF22 – Boloven/Ký ức Vườn Lê/Trận bản Lào Ngâm/Trận Saravan/Trận Pắc Soòng… Mỗi bài thơ không chỉ ghi dấu những chặng đường hành quân, Nguyễn Doãn Thiết còn khái quát vẻ đẹp, chất anh hùng ca của đất nước trong cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại. Bước chân của người chiến sĩ đi qua những miền quê chiến tranh song vẫn nhìn thấy vẻ đẹp của nước non: Quân đi mải miết đêm ngày/Sông Lam, Núi thúy ngất ngây lòng người/Đèo Ngang đẹp quá mình ơi/Một vùng núi ngọc biển khơi liền kề/… Đi vào chiến trường nhưng tâm hồn của người lính vẫn xốn xang khi qua Đèo Ngang, nhớ về bài thơ nổi tiếng của nữ thi sĩ thuở nào: Qua đèo lúc buổi trưa/Cỏ cây hoa lá chen đua nơi nào?/Chú tiều kiếm củi nơi nao/Mà nghe tiếng cuốc xôn xao quanh mình… Chỉ có những người lính mang trong tim mình tình yêu quê hương, đất nước, yêu cuộc sống như Nguyễn Doãn Thiết mới có cái nhìn về cuộc chiến tranh này một cách tỉnh táo và độc đáo như thế. Những cảnh “Đói cơm”, “Sốt rét”, “Thiếu muối”… được người lính Nguyễn Doãn Thiết mô tả thật chân thực và sống động cuộc sống gian khổ của người lính trong chiến tranh: “Đó cơm cũng đã khổ rồi/Nói chi thiếu muối cứ ngồi mà run” (Thiếu muối); “Sốt chi sốt lạ sốt lung/Âm âm cơ sốt, rét rung… chân giường…Bao thân gửi lại chiến trường/Đạn bom không chết, om xương…sốt rừng?!” (Sốt rét); “Dáy nồi quân dung trong veo/Cháo hoa chả thấy, thấy toàn rau môn” (Đói cơm).
     Trở về với cuộc sống đời thường (21 bài thơ trong Phần II – Đời thường) nhưng ký ức chiến tranh vẫn “không buông tha” tâm hồn người lính Nguyễn Doãn Thiết. Những ký ức về “Dốc Cổng Trời” trên đường hành quân xuyên Trường Sơn; những kỷ niệm về “Nhớ mưa Trường Sơn”, ngẫm nghĩ về “Người lính chiến”, nhớ những “Chiều Trường Sơn”… vẫn không hề nguôi ngoai, nó in đậm trong tâm trí người lính đã trở về với đời thường để bật lên những câu thơ hay: “Ừ thì ướt áo…hành quân/Trèo ba ngọn núi…nóng dần…lại khô” (Nhờ mưa Trường Sơn); “Trường Sơn có cái Cổng Trời/Trèo chưa tới đỉnh đã ngồi cùng mây” (Dốc Cổng Trời)…

      “Tôi biết: Con người, địa danh, sự việc trong thơ Nguyễn Doãn Thiết là thật một trăm phần trăm
Nó làm ta xao động!
Nó làm ta cảm động…
Nó buộc ta phải nâng nui, trân trọng…
Hoa, tình yêu, máu và nước mắt trong Hồi ký chiến tranh… muôn thuở vẫn là thiêng liêng, cao cả, cho ta đau đáu, nỗi niềm…
Và tuổi thanh xuân, và sức lực, và mồ hôi. Và xương, và máu, và nước mắt… của đồng đội, của tác giả đã hòa quện, thấm vào từng câu, từng chữ trong Con đường quân ngũ...” đúng n
hư nhận xét của nhà thơ Phạm Đăng Kiểm về tập thơ này của Nguyễn Doãn Thiết.

      Xin trân trong giới thiệu “CON ĐƯỜNG QUÂN NGŨ” của “nhà thơ nông dân” Nguyễn Doãn Thiết với bạn đọc Trường Sơn.
 
Phạm Khoa Lương.

tin tức liên quan