TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SỸ NGUYÊN TRONG TÂM KHẢM NHỮNG NGƯỜI LÍNH TRƯỜNG SƠN HÔM QUA VÀ HÔM NAY.
TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SỸ NGUYÊN TRONG TÂM KHẢM NHỮNG NGƯỜI LÍNH TRƯỜNG SƠN HÔM QUA VÀ HÔM NAY
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn
Đường Hồ Chí Minh Việt Nam
(Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên)
Thưa các đồng chí đại biểu khách quý,
Thưa các đồng chí cùng gia đình cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Hôm nay tôi rất xúc động thay mặt hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, thay mặt hơn 310 ngàn hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam trong cả nước tham dự Lễ kỷ niệm trọng thể 100 năm ngày sinh của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên.
Thưa các đồng chí.
Sau khi dời Trường Sơn, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên yêu quý của chúng tôi đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội trao cho nhiều trọng trách cao quý. Song với hơn 14 vạn cán bộ, chiến sĩ, TNXP Trường Sơn chúng tôi vẫn luôn gọi danh xưng thân thiết, kính trọng và gần gũi của đồng chí là “Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên”.
Quả thật, khi vào Trường Sơn nhận trách nhiệm “Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559” từ ngày 1/1/1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã làm thay đổi sâu sắc, toàn diện về tác chiến quân sự, về tổ chức lực lượng, về tư tưởng tiến công… của Tuyến chi viện Trường Sơn. Với trí tuệ sắc sảo, với kinh nghiệm thực tiễn và bản lĩnh chiến đấu phong phú, ngay từ những ngày đầu vào Trường Sơn, đồng chí đã phát hiện ra những bất cập, những khó khăn khách quan và chủ quan, sức mạnh và những hạn chế của ta và của địch… để rồi đưa ra các giải pháp hiệu quả trong việc đối phó với kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến trường.
Sự thay đổi tích cực, toàn diện của công tác chi viện dưới sự chỉ huy của đồng chí, đã làm nức lòng cán bộ chiến sĩ và TNXP Trường Sơn. Bản lĩnh và trí tuệ, tác phong và phẩm chất cao quý của người chỉ huy, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã chiếm trọn tình cảm, sự yêu mến và cảm phục của cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn.
Những người lính Trường Sơn năm xưa và hội viên Hội Trường Sơn Việt Nam hôm nay luôn nhớ về người Tư lệnh kính yêu của mình đã dành sự thăng hoa của trí tuệ bản lĩnh kiên cường và trách nhiệm cao cả của người cộng sản để cùng với hơn 14 vạn cán bộ, chiến sĩ và TNXP, Dân công hỏa tuyến Trường Sơn làm nên “Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”.
Có thể nói, cống hiến của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên với chiến trường Trường Sơn là vô cùng to lớn và đặc biệt xuất sắc. Có thể ví đồng chí là “Tổng công trình sư” của Trường Sơn với biết bao sáng kiến, giải pháp chiến đấu thông minh và hữu hiệu. Đồng chí là người thiết kế và trực tiếp chỉ huy xuất sắc nghệ thuật quân sự “hiệp đồng binh chủng” trong chiến đấu chi viện, lấy tư tưởng tiến công làm chủ đạo; là người vạch ra các giải pháp mở thêm nhiều đường tránh, đường vượt khẩu để phân tán sự đánh phá, ngăn chặn của kẻ thù; là cha đẻ của sáng kiến mở đường kín, ngụy trang “đường hở” và chiến thuật “chạy lấn sáng, lần chiều” hiệu quả trong vận tải. “Mở đường kín là cuộc cải cách cực kỳ lớn của Tuyến vận tải cơ giới, là biện pháp tích cực nhất, chủ động nhất để chống thủ đoạn của máy bay AC130…” như tổng kết đánh giá của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn; để bảo đảm cho việc chiến đấu hiệp đồng binh chủng hiệu quả, đồng chí đã chỉ đạo “phủ sóng” toàn bộ hệ thống thông tin toàn chiến trường Trường Sơn, bảo đảm cho sự liên lạc thông suốt từ Tổng hành dinh Hà Nội vào tới tận chiến trường Nam Bộ; là người đề xuất “xây dựng tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn” – một kỳ tích của Trường Sơn trong việc giải quyết cơ bản yêu cầu sống còn của vận tải chi viện. “Đường ống xăng dầu Trường Sơn là một huyền thoại trong huyền thoại Trường Sơn” đúng như khẳng định của đồng chí; với tầm nhìn sắc sảo, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là người chủ trương tổ chức xây dựng lực lượng đón đầu phù hợp trước yêu cầu ngày càng to lớn của công tác chi viện trong nhiều giai đoạn: Phát triển mới đồng thời sắp xếp lại các binh trạm phù hợp với yêu cầu thực tiễn mới; tổ chức mô hình mới: Bộ Tư lệnh khu vực (tương đương cấp sư đoàn) để phù hợp với yêu cầu tác chiến hợp đồng binh chủng trong điều kiện mới. Sau Hiệp định Pari, điều kiện mới đã mở ra. Đồng chí lại đề xuất tổ chức các sư đoàn, trung đoàn binh chủng để đáp ứng tác chiến chi viện trong tình hình mới với một lực lượng hùng hậu: 9 Sư đoàn và 21 trung đoàn binh chủng. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ “Giúp bạn là giúp mình”, đồng chí đã đề xuất tổ chức công tác giúp Bạn Lào một cách có bài bản đến tất cả các bản làng trên 18 huyện của 7 tỉnh chạy dọc tuyến chi viện ở Nam Lào, góp phần tạo thế trận vững chắc cho tuyến hành lang chiến lược, đồng thời góp phần không nhỏ vào chiến công của Bộ đội Trường Sơn.
Với trái tim yêu thương và tầm nhìn sắc sảo, ngày từ sau Hiệp định Pari, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã quyết định và trực tiếp chỉ đạo việc cất bốc hài cốt Liệt sĩ ở Tây Trường Sơn mang về Đất Mẹ và xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn “trở thành một địa chỉ văn hóa và tâm linh” để hôm nay đất nước chúng ta có một nghĩa trang liệt sĩ với tầm vóc, quy mô, vẻ đẹp và sự linh thiêng không thể diễn tả hết bằng lời.
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên còn rất quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ Trường Sơn trở thành một lực lượng quan trọng động viên, khích lệ tư tưởng, tình cảm của bộ đội, vì mục tiêu:“Tất cả vì chiến trường! Tất cả cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước!”…
Thưa các đồng chí,
Là người con của quê hương Quảng Bình yêu dấu, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên dù ở đâu, giữ cương vị gì cũng luôn đau đáu làm điều gì tốt đẹp cho quê hương. Khi là Tư lệnh Quân khu IV cho tới Tư lệnh Trường Sơn, đồng chí luôn có sự kết hợp giữa nhiệm vụ chung và nhiệm vụ của quê hương Quảng Bình một cách tốt đẹp. Quảng Bình vừa là cửa khẩu vào chiến trường, nhưng cũng là hậu cứ trực tiếp vững chắc của chiến trường Trường Sơn. Vì thế, Quảng Bình có rất nhiều trọng điểm ác liệt mà đế quốc Mỹ đã tạo ra – nơi thử lửa ý chí thép của Bộ đội Trường Sơn, quân và dân Quảng Bình với đế quốc Mỹ, như: Đường 20 Quyết Thắng, Khe Ve, Khe Dinh, Cổng Trời, Đèo Đá Đẽo, Phà Sông Son, Phà Long Đại, Cảng Sông Gianh cùng hàng chục địa danh khác gắn liền với lịch sử Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình. Quảng Bình có 16 trong tổng số 46 Di tích Trường Sơn là Di tích lịch sử Quốc gia Đặc biệt của cả nước đã nói lên tất cả. Những địa danh, những trọng điểm Trường Sơn ấy đã góp phần làm giàu thêm thành tích và chiến công to lớn trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của quê hương Quảng Bình Anh hùng.
Bộ đội Trường Sơn mãi mãi biết ơn những đóng góp máu xương cho Trường Sơn huyền thoại của quân và dân Quảng Bình.
Thưa các đồng chí,
Sau khi nghỉ hưu, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên tiếp tục dành tâm huyết cho Trường Sơn. Đồng chí là một trong những người có công đầu trong việc đề suất ý tưởng và xúc tiến việc thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Tại Đại hội thành lập (5/7/2011), đồng chí đã được suy tôn làm Chủ tịch Danh dự của Hội. Đại hội nhiệm kỳ II (2016-2022) đồng chí tiếp tục được Đại hội suy tôn làm Chủ tịch Danh dự của Hội. Việc Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận 46 Di tích lịch sử Trường Sơn là Di tích Quốc gia Đặc biệt là “thành quả” mà đồng chí Đồng Sĩ Nguyên bấy lâu nay đau đáu, dồn tâm sức đã trở thành hiện thực. Đồng chí dù tuổi cao, sức khỏe hạn chế nhưng vẫn dành thời gian lắng nghe, nghiên cứu, tìm hiểu và cho ý kiến quý báu vào nhiều chủ trương, kế hoạch công tác của Hội Trường Sơn Việt Nam và Binh đoàn 12. Từ đầu năm 2013 đồng chí còn tự nguyện trích tiền lương hưu hằng tháng ủng hộ kinh phí cho Hội Trường Sơn Việt Nam…
Thưa các đồng chí,
10 năm chỉ là chặng đường của một đời người. Song có thể nói, những năm tháng chiến đấu trên Trường Sơn là quãng đời đẹp nhất, thể hiện sự thăng hoa của trí tuệ và bản lĩnh kiên cường của một người cộng sản, một vị tướng của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Và thời gian ấy đã làm cho tên tuổi của ông sáng nhất với tên gọi: “Vị Tư lệnh của Trường Sơn huyền thoại! Có thể nói, Trường Sơn đã gắn liền với tên tuổi của ông. Ông là một trong ít vị Tướng của Quân đội ta đã sống và chiến đấu trực tiếp với thời gian dài nhất trên chiến trường gian khổ và ác liệt của cuộc chiến tranh giải phóng…
Cán bộ, chiến sĩ của Bộ đội Trường Sơn năm xưa, của Hội Trường Sơn Việt Nam và Binh đoàn 12 hôm nay mỗi khi nhắc về ông đều với sự kính trọng và yêu mến chân thành.
Tướng Đồng Sĩ Nguyên là “cây cao bóng cả”, là “bóng mát” lớn nhất của Trường Sơn huyền thoại!
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên sống mãi trong lòng các chiến sĩ Trường Sơn! Sống mãi với Lịch sử vĩ đại và huyền thoại của Trường Sơn hôm qua, hôm nay và muôn đời sau!
Trân trọng cám ơn và kính chúc sức khỏe các đồng chí.