Dự thảo Quy chế quản lý tài chính Hội Doanh nhân Trường Sơn

Ngày đăng: 03:59 29/07/2018 Lượt xem: 1.417
 
                     Dự thảo
 
QUY CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH
HỘI DOANH NHÂN TRƯỜNG SƠN

 
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

 
Điều 1: Cơ sở pháp lý và phạm vi áp dụng
1- Hội Doanh nhân Trường Sơn là tổ chức thành viên được thành lập theo Quyết định số /QĐ- HTS ngày   /  /2018 của Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam( Hội Trường Sơn Việt Nam).Hội Doanh nhân Trường Sơn hoạt động theo Điều lệ Hội Trường Sơn Việt Nam và Quy chế hoạt động của Hội Doanh nhân Trường Sơn.
2- Quy chế này quy định công tác quản lý tài chính của Hội Doanh nhân  Trường Sơn.
Điều 2: Quyền và nghĩa vụ tài chính của Hội
1- Hội tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm về tài sản và  toàn bộ nguồn thu cũng như các Quỹ do Hội quản lý để thực hiện các hoạt động của Hội theo đúng Quy chế hoạt động của Hội Doanh nhân Trường Sơn.
2- Hội xây dựng, ban hành các quy định cụ thể trong từng hoạt động liên quan đến chế độ thu – chi tài chính trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật
3- Hội được huy động tài chính để thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật nhằm tạo thêm nguồn thu cho Hội.
 
Chương II
QUY CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA HỘI

 
Mục I. Quản lý nguồn vốn và tài sản
Điều 3: Nguồn vốn của Hội
Nguồn vốn của hội bao gồm:
1-    Hội phí do hội viên đóng góp hàng năm theo quy định.
2- Các khoản tài trợ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
3- Thu từ hoạt động tư vấn, dịch vụ, liên doanh,liên kết theo quy định của pháp luật.
4- Lãi tiết kiệm, lãi tiền gửi ngân hàng hoặc các hoạt động đầu tư tài chính khác theo quy định của pháp luật.
5- Các nguồn thu hợp pháp khác.
        Điều 4: Các quỹ của Hội
Các quỹ của Hội bao gồm:
1- Quỹ quản lý Hội
2- Quỹ Đầu tư phát triển Hội
3- Các quỹ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 5: Nguyên tắc quản lý nguồn vốn và các quỹ của Hội
1- Tất cả các nguồn vốn và các quỹ của Hội đều được quản lý tập trung theo chế độ kế toán hiện hành.
2- Trường hợp các khoản tài trợ, ủng hộ bằng hiện vật đều phải được tổ chức đánh giá, xác định giá trị trước khi ghi sổ kế toán. Việc tổ chức đánh giá, xác định giá trị tài sản do Hội đồng giá quyết định.
3- Việc sử dụng các Quỹ phải theo đúng nguyên tắc trên cơ sở Quy chế quản lý Quỹ Đầu tư phát triển Hội và Quỹ quản lý Hội cũng như các Quỹ khác (nếu có).
        Điều 6: Tài sản của Hội
1- Tài sản của Hội bao gồm:
- Tài sản của Hội là tài sản ngoài tài sản cố định của Hội như trang thiết bị văn phòng, công cụ, dụng cụ làm việc, văn phòng phẩm trong kho chưa đưa ra sử dụng, tiền mặt, tiền gửi Ngân hàng, các khoản công nợ phải thu (Tạm ứng cho cán bộ công nhân viên, các khoản phải thu khác)…
- Tài sản của Hội được quản lý và sử dụng theo quy định của Nhà nước và Quy chế hoạt động của Hội.
- Hội được quyền chủ động và có trách nhiệm nhượng bán, thanh lý tài sản khác (trừ tài sản là tiền mặt, tiền gửi Ngân hàng và các khoản công nợ phải thu) đã hư hỏng, không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được để thu hồi vốn trên nguyên tắc công khai, minh bạch. Số tiền thu được do thanh lý, nhượng bán được hạch toán tăng nguồn thu của Hội sau khi đã trừ chi phí thanh lý, nhượng bán (nếu có).
2- Kiểm kê tài sản
Hội phải tổ chức kiểm kê, xác định lại số lượng, phân loại tài sản (TSCĐ, tài sản khác), đối chiếu các khoản công nợ phải thu, phải trả, tiền gửi Ngân hàng khi khóa sổ kế toán để lập Báo cáo Tài chính năm; khi thực hiện quyết định bàn giao của những người chủ chốt liên quan đến quản lý tài sản của Hội; sau khi xẩy ra hỏa hoạn, thiên tai; hoặc vì lý do khác gây ra biến động tài sản của Hội hoặc theo chủ trương của Nhà nước. Đối với tài sản thừa, thiếu, nợ không thu hồi được cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của những người có liên quan và xác định mức bồi thường vật chất (nếu có) theo quy định.
3- Xử lý tài sản tổn thất
Tổn thất tài sản là tài sản bị mất mát, thiếu hụt, hư hỏng, kém phẩm chất trong kiểm kê định kỳ và kiểm kê đột xuất. Hội phải xác định giá trị tổn thất, xác định rõ nguyên nhân trách nhiệm và xử lý như sau:
a-  Nếu nguyên nhân do chủ quan thì người gây tổn thất phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Chủ tịch Hội hoặc người được ủy quyền quyết định mức bồi thường và chịu trách nhiệm về quyết định của mình
b- Giá trị tài sản tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường cá nhân, tập thể, của tổ chức bảo hiểm nếu thiếu được bù đắp nguồn vốn, Quỹ của Hội.
c-  Hội có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản tổn thất tài sản, trường hợp để các khoản tổn thất tài sản không được xử lý thì Chủ tịch Hội và những người có liên quan đến quản lý tài sản chịu trách nhiệm như trường hợp không trung thực báo cáo tài chính Hội.
 
Điều 7: Chi phí hoạt động của Hội
1 -Hội phải quản lý chặt chẽ các khoản chi phí với quan điểm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả bằng các biện pháp chủ yếu sau:
a-  Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các định mức chi tiêu nội bộ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Hội, đồng thời vẫn phải tiếp cận được các chính sách, chế độ của Nhà nước. Các định mức phải được phổ biến đến tận người thực hiện, công bố công khai cho mọi thành viên trong Hội biết để thực hiện và kiểm tra, giám sát. Trường hợp không thực hiện được các định mức, làm tăng chi phí phải phân tích rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xử lý theo quy định của pháp luật.
b-  Định kỳ tổ chức phân tích các khoản chi phí của Hội nhằm phát hiện những khâu yếu kém trong điều hành, quản lý để có giải pháp khắc phục kịp thời.
 
2-  Chi phí của Hội là khoản chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động của Hội trong năm tài chính, bao gồm:
a- Chi hoạt động quản lý Hội
b- Chi Quỹ Đầu tư phát triển Hội
 
Điều 8: Chi hoạt động quản lý Hội
1- Nội dung chi hoạt động quản lý Hội, bao gồm:
a- Chi phụ cấp cho bộ máy Hội
b- Chi mua sắm trang thiết bị văn phòng
c- Chi thuê văn phòng làm việc của Hội (nếu có).
d- Chi phí hành chính (văn phòng phẩm, điện, nước, công tác phí…).
e- Chi tổ chức thông tin tuyên truyền, hội thảo, hội nghị.
g- Chi thi đua, khen thưởng.
h- Các khoản chi hợp pháp khác:
2-    Việc chi hoạt động quản lý Hội phải thực hiện theo dự toán được Ban Chấp hành phê duyệt hàng năm và định kỳ khác trên cơ sở có nguồn quỹ của Hội.
Điều  9: Chi Qũy Đầu tư phát triển Hội
1- Nội dung chi Quỹ Đầu tư phát triển Hội, bao gồm:
a- Chi hỗ trợ vốn sản xuất hoặc cho vay vốn sản xuất không lấy lãi đối với các hộ hội viên nghèo.
b- Chi trợ cấp cho các gia đình hội viên nghèo ở các vùng bị thiên tai, dịch bệnh
c- Tài trợ theo sự ủy nhiệm của cá nhân, tổ chức và thực hiện các dự án tài trợ có địa chỉ theo quy định của pháp luật.
d- Các khoản chi hợp pháp khác:
2- Việc chi Quỹ Đầu tư phát triển được thực hiện theo Quy chế quản lý tài chính Quỹ Đầu tư phát triển do Chủ tịch Hội quyết định trên cơ sở đã được Thường trực Hội thống nhất thông qua.
 
Mục II: Chế độ kế toán, thống kê
Điều 10: Công tác kế toán, thống kê
1-  Hội thực hiện chế độ kế toán sự nghiệp có thu theo quy định của Luật Kế toán, chuẩn  mực kế toán và chế độ kế toán hiện hành. Cuối kỳ kế toán (quý, năm) Hội phải lập Báo cáo kế toán theo chế độ quy định về tài chính trong Quy chế này, các văn bản hướng dẫn khác về kế toán tài chính có liên quan
2- Hội chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan tài chính có thẩm quyền đối với công tác tài chính của Hội theo quy định của pháp luật.
 
Chương III
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT


Điều 11: Khen thưởng, kỷ luật
Chế độ khen thưởng, kỷ luật về quản lý tài chính đối với Hội, các Ban chức năng, cá nhân được thực hiện theo quy định của quy chế này và các quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH


Điều 12: Tổ chức thực hiện
1- Quy chế này áp dụng trong Hội kể từ ngày ban hành.
2- Ngoài các quy định trên, Hội và các thành viên phải thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước có liên quan đến hoạt động của Hội.
 
3- Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu Nhà nước có thay đổi chính sách quản lý liên quan đến chức năng, nhiệm vụ hoạt động của Hội thì Quy chế quản lý tài chính của Hội được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.