7 VĂN KIỆN (dự thảo) VỀ ĐẠI HỘI NHIỆM KỲ 3 - HỘI TSVN

Ngày đăng: 09:28 24/02/2021 Lượt xem: 1.157
DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN ĐẠI HỘI NHIỆM KỲ III HỘI TSVN

Lời Tòa soạn:

     Chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Trường Sơn Việt Nam nhiệm kỳ III sẽ tổ chức vào cuối năm 2021, Ban Biên tập xin công bố 7 tài liệu thuộc Văn kiện Đại hội Nhiệm kỳ III của Hội TSVN (văn bản dự thảo này đã được gửi tới các đồng chí Ủy viên BCH và 95 đầu mối trực thuộc từ trước Tết Tân Sửu để nghiên cứu, thảo luận, góp ý).
      Hội nghị BCH Hội TSVN dự kiến tổ chức vào ngày 27/3/2021 sẽ quyết định hoàn thiện các Văn kiện này để trình Đại hội.
     Rất mong nhận được quan tâm của bạn đọc và hội viên cả nước đọc, nghiên cứu và góp ý.
    Mọi ý kiến đóng góp cho các Văn kiện của Hội xin gửi về theo địa chỉ thư điện tử: hoitruongson@gmail.com.
     Trân trọng cám ơn sự quan tâm của bạn đọc và các đồng chí hội viên.

   
 Ban Biên tập Trường Sơn.

TÀI LIỆU THỨ 1
 

Dự thảo:
    
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN ANH HÙNG,
LÀM TỐT CÔNG TÁC NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI, GÓP PHÀN TÍCH CỰC
 VÀO CÔNG CUỘC XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

 (Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội tại Đại hội đại biểu Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2021 -2026)
 


Phần thứ nhất
NHÌN LẠI 10 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HỘI
         Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam được thành lập theo Quyết  định số 1032 ngày 13/5/2011 của Bộ Nội vụ và tổ chức Đại hội lần thứ nhất vào ngày 5/7/2011. Hội ra đời trên cơ sở Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn toàn quốc mà tiền thân bắt đầu từ Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn ở Hà Nội và vùng lân cận từ năm 1989 cùng với nhiều Ban Liên lạc ở các đơn vị truyền thống và các địa phương khác.
          Sau 10 năm thành lập (13/5/2011 – 13/5/2021), đến nay tổ chức Hội đã có bước phát triển nhanh về tổ chức, với mô hình tổ chức phong phú, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu hoạt động và tình cảm của hội viên. Hệ thống tổ chức của Hội đã phát triển sâu rộng từ toàn quốc đến cấp phường , xã,  tập hợp được đông đảo hội viên bao gồm cả bộ đội , TNXP, Dân công hỏa tuyến và các lực lượng khác đã chiến đấu, công tác, hoạt động trên chiến trường Trường Sơn, kế tục Bộ đội Trường Sơn và hoạt động liên quan tới giữ gìn, phát huy truyền thống của Trường Sơn.
          Tổ chức và hoạt động của Hội luôn tuân thủ đúng Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ, các quy định của pháp luật có liên quan, đúng với chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích theo quy định của Điều lệ Hội. Hội đã trở thành thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam  dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Các hoạt động của Hội ngày càng toàn diện, đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiệt thực.
         Hoạt động của Hội đã góp phần làm rõ hơn, phong phú và sâu sắc thêm lịch sử, truyền thống của Bộ đội Trường Sơn. Hội đã nghiên cứu, sưu tầm bổ sung thêm nhiều tư liệu, số liệu cụ thể để làm rõ hơn vai trò quan trọng góp phần quyết định của Bộ đội Trường Sơn trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và giúp bạn Lào, Cămpuchia. Hội cũng đã làm được nhiều việc thiết thực nhằm giữ gìn lâu dài các di tích của Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh để phát huy giá trị của Đường Trường Sơn huyền thoại trong giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau .
          Các hoạt động tri ân tình nghĩa của Hội không những thể hiện trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng với đồng đội mà còn góp phần tích cực thực hiện chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của hội viên và nhân dân. Động viên hội viên tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, thực hiên các chương trình vì người nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đoàn kết dân tôc, giữ gìn an ninh chính trị, trât tự xã hội. Gần đây hoạt động của Hội đã mở rộng ra quốc tế, trong đó có quan hệ với Bạn Lào, Cu Ba và đang xúc tiến quan hệ với Cămmpu chia.
        Mười năm qua, Hội đã làm được nhiều việc lớn cho Trường Sơn và đồng đội. Có thể còn những việc chưa được như mong muốn, nhưng xét trong bối cảnh chung của tình hình kinh tế xã hội và đối với một tổ chức xã hội tự nguyện, mọi hoạt động đều do mình tự đề ra, tự lo vận động các nguồn lực xã hội để thực hiện thì những kết quả đạtt được thực sự là sự nỗ lực cố gắng vượt bậc và có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao.
        Hội đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba. 03 tổ chức thành viên được tặng thưởng HCLĐ hạng Ba;  07 lượt cá nhân được tặng thưởng HCLĐ; 08 tập thể và 16 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 34 tập thể và 23 cá nhân  được tặng  Bằng khen của MTTQ Việt Nam và các ban, bộ  ngành Trung ương; 35 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương của Bộ VHTT &DL và Hội LHPN Viêt Nam. Uy tín, vị thế xã hội của Hội ngày càng được nâng cao.    
 
                                                        Phần thứ hai
KIỂM ĐIỂM KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI  II (NHIỆM KỲ 2016 -2021)VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ III (2021 – 2026)
 
     I - KIỂM ĐIỂM KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI II ( 2016 – 2021)
         Năm năm qua toàn Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội II, nhiệm kỳ (2016 – 2021, trong đó có việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn trong bối cảnh tình hình chung của đất nước có nhiều thuận lợi mới
Kết thúc nhiệm kỳ I, về tổ chức và hoạt động của Hội đã có bước phát triển mạnh mẽ và đã tích lũy được những kinh nghiệm nhất định. Kết quả hoạt động củả Hội được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Vai trò, vị thế, uy tín của Hội ngày càng được nâng cao trong xã hội.
          Tuy nhiên về cuối nhiệm kỳ, nhất là từ năm 2020 tình hình thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới kinh tế xã hội của đất nước và sản xuất, đời sống của nhân dân. Hội là môt tổ chức xã hội tự nguyên, tự trang trải kinh phí, không được ngân sách bảo đảm nên việc vận động các nguồn lực xã hội để tổ chức các hoạt động càng khó khăn hơn. Hội viên, nhất là hội viên đã qua các cương vị lãnh đạo chỉ huy, có năng lực, kinh nghiệm, có uy tín và nhiệt tình tâm huyết với Trường Sơn và đồng đội ngày càng già yếu và thưa dần, việc tìm người kế cận ngày càng khó khăn, đó vừa là đặc điểm vừa là nguyên nhân của những khó khăn vừa qua và sắp tới.
        Song, với quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành và sự nỗ lực thực hiện của cán bộ hội viên trong cả nước, Hội đã cơ bản hoàn thành thắng lợi chương trình hoạt động mà Đại hội đại biểu lần thứ II đề ra. Trong đó có những nội dung đạt kết quả rất tốt. Nổi bật là:
1- Công tác xây dựng tổ chức Hội là khâu trung tâm, xuyên suốt, được tập trung chỉ đạo và tiển khai  tích cực, đạt được kết quả cơ bản, tương đối toàn diện. Mô hình tổ chức Hội phong phú, đa dạng, linh hoạt, phù hợp. Công tác đăng ký, quản lý hội viên có tiến bộ, cơ bản quản lý được số lượng, quản lý chất lượng tốt hơn.
Trong nhiệm kỳ đã nghiên cứu triển khai thực hiện đề án sắp xếp lại hệ thống tổ chức, giảm bớt các đầu mới trực thuộc, thành lập thêm một số tổ chức mới để đáp ứng nguyện vọng của hội viên và hoạt động của Hội. Hiện nay, Hội có 94 tổ chức thành viên, với 301.151 hội viên. Kịp thời kiện toàn tổ chức, nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, thường trực và các chức danh chủ chốt khi có biến động để đảm bảo hoạt động của Hội. Về tổ chức có 40 Hội và 8 Ban Liên lạc ở cấp tỉnh, thành phố, Có 41 Hội, Ban Liên lạc ở các đơn vị truyền thống cấp sư đoàn, cục, ngành, binh trạm, trung đoàn và 01 Hội Nữ CSTS, 01 Hội VHNT Trường Sơn, 01 Hội Doanh nhân Trường Sơn, 01 Trung tâm Tổ chức thăm chiến trường xưa, 01 Trung tâm Hỗ trợ Nhân đạo Trường Sơn. Trong đó, có 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 190 quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh, 1.571 xã, phường, thị trấn được thành lập theo Nghị định 45/CP của Chính phủ, có đầy đủ tư cách pháp nhân. Còn lại 8 tỉnh, 139 huyện và 1.965 xã và tương đương có Ban liên lạc. Hội Trường Sơn Việt Nam và 24 Hội cấp tỉnh, 133 Hội cấp huyện và 1.265 Hội cấp xã đang là thành viên của UBMTTQ Việt Nam cùng cấp.
Đã chỉ đạo kiên quyết việc xây dựng và  vận hành thực hiện quy chế.  Kết hợp chỉ đạo các đại hội nhiệm kỳ với kiểm tra nắm tình hìnhcác địa phương đơn vị, phát hiện và chỉ đạo khắc phục kịp thời các hạn chế, thiếu sót nên nhìn chung tổ chức và hoạt động ở nhiều nơi có tiến bộ, nhất là cấp tỉnh, thành phố.
Kết hợp chặt chẽ công tác tổ chức với công tác kiểm tra, tăng cường kiểm tra thường xuyên và chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời việc kiểm tra giải quyết đơn thư theo thẩm quyền. Đồng thời tâp trung kiểm tra, giúp đỡ giải quyết một số điểm nóng về mất đoàn kết nội bộ để ổn định tình hình, giữ gìn uy tín, vị thế của Hội.
Thường trực đã chi đạo lập đề án về “Xây dựng tổ chức vững chắc, hoạt động hiệu quả”, ban hành nội dung tiêu chí, biểu điểm, phương pháp đánh giá xếp loại các thành viên và chỉ đạo triển khai thực hiện tích cực, đạt kết quả bước đầu.                        
        2- Công tác tuyên truyền, giáo dục và phát huy truyền thống là một nội dung trọng tâm trong tôn chỉ mục đích của Hội, được đề xuất và tổ chức triển khai chủ động, bài bản. Nhờ đó, được cả hệ thống truyền thông từ Trung ương tới địa phương vào cuộc tuyên truyền về Trường Sơn, về Hội với nhiều chương trình lớn, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, tạo được dấu ấn sâu đậm và hiệu ứng xã hội tốt.
           Hội đã chủ động đề xuất với các cơ quan quản lý, các ngành chức năng của Đảng và Nhà nước và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình, các văn nghệ sỹ…từ Trung ương đến địa phương, xây dựng được nhiều chương trình tuyên truyên lớn về Trường Sơn và Hội (có 25 phim tài liệu, chương trình truyền hình phát trên Đài truyền hình Trung ương, 8 chương trình phóng sự của các đài địa phương, Tổ chức 7 cuộc triển lãm các kỷ vật, tranh ảnh tuyên truyền về Trường Sơn và Hội).
         Hội  có hệ thống tổ chức và lực lượng đông đảo  làm công tác tuyên truyền như Hội VHNT Trường Sơn, các Câu lạc bộ nghệ thuật, các đội văn nghệ Trường Sơn từ Trung ương Hội đến các tỉnh, huyện và nhiều xã. Trong nhiệm kỳ đã tổ chức các cuộc thi viết “ Hào khí Trường Sơn”, “Gương sáng Trường Sơn”, Thơ “Lục bát Trường Sơn”, liên hoan văn nghệ Trường Sơn các cụm khu vực”, phát động sưu tầm, hiến tặng các kỷ vật Trường Sơn… Qua đó, làm cho công tác tuyên truyền thêm phong phú sinh động, thu hút được nhiều người tham gia. Các tổ chức hội và hội viên đã biên soạn, sáng tác, phát hành 188 đầu sách mới về tư liệu lịch sử, VHNT,  xây dựng hàng trăm chương trình văn nghệ, tổ chức biểu diễn hàng ngàn buổi phục vụ hội viên và nhân dân; hàng trăm buổi giao lưu nói chuyện truyền thống, kể chuyện chiến đấu với thanh niên, học sinh, sinh viên.
Hai ấn phẩm thông tin của Hội là Trang thông tin điện tử và Bản tin Trường Sơn đã duy trì hoạt động tốt, chú trọng đổi mới giao diện, mở thêm chuyên mục, nâng cao chất lượng tin bài để thu hút người đọc ( đến hết tháng 12/2020  trang thông tin điện tử của Hội đã có hơn 46 triệu lượt truy cập).
Qua công tác tuyên truyền, tiếp tục làm cho các cấp, các ngành và nhân dân hiểu biết sâu hơn vị trí, tầm quan trọng chiến lược của của tuyến chi viện Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, tính chất khốc liệt của chiến trường Trường Sơn và những cống hiến hy sinh của Bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
3-  Về công tác lịch sử - truyền thống được tiến hành tích cực, công phu và làm được nhiều việc quan trọng để bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống của Trường Sơn  - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại nhằm góp phần vào công tác tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Hội đã cùng với Binh đoàn 12 nghiên cứu tư liệu lịch sử, khảo sát thực địa, lập hồ sơ báo cáo và được Chính phủ công nhận, xếp hạng Hệ thống Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh cùng với 46 Di tích tiêu biểu ở Đông Trường Sơn thuộc 11 tỉnh từ Nghệ An đến Bình Phước là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đã lập hồ sơ báo cáo Nhà nước ta đề nghị với Nhà nước Lào công nhân và xếp hạng đường Trường Sơn ở phía Tây thuộc đất Lào là Di tích Quốc gia về “ Tình đoàn kết chiến đấu Viêt Lào”; Đề nghị cho phép ta bảo tồn tôn tạo một số di tích tiêu biểu và xây dựng một cụm tượng đài biểu trưng cho tình đoàn kết chiến đấu giữa Bộ đội Trường Sơn với quân dân các bộ tộc của Lào ở Trung – Hạ Lào. Tổ chức biên soạn và phát hành cuốn sách “ 5 trục dọc, 21 trục ngang đường Trường Sơn (1959 -1975)”; Tham gia biên soạn bổ sung “ Lịch sử Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn – Binh đoàn 12”; Tham gia nghiên cứu biên soạn, xây dựng hai pho đại sách về Trường Sơn đặt tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh; Sưu tầm tư liệu lịch sử xây dựng các tham luận, báo cáo tại Hội thảo khoa học cấp Nhà nước về “”Đại thắng mùa Xuân năm 1975”,  nhằm góp phần làm rõ hơn vai trò và những đóng góp trực tiếp của Bộ đội Trường Sơn trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vận động các nguồn lực xã hội hóa, xây dựng một số số bia Di tịch ( Bia Di tích Bến phà Sê – Rê - Tốc tại Kon Tum; Bia “Địa điểm lưu niệm cách mạng – kháng chiến” tại Bốt Lũ, Thanh xuân Hà Nội, Bia lưu niệm “Đoạn đường Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba” tại Đakrông, Quảng Trị. Tham gia cùng với Binh đoàn 12  báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép đặt tượng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn tại phòng khánh tiết Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh (việc đúc tượng đồng bán thân do đồng chí Phan Văn Quý cựu chiến sỹ lái xe Trường Sơn tài trợ). Cùng phối hợp với tỉnh Quảng Trị báo cáo đề nghị và  đã được Chính phủ đồng ý cho vận động xã hội hóa để xây dựng và đặt tượng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong khuôn viên Nghĩa trang LSQG Trường Sơn.
     Cùng với các công trình tâm linh, tri ân các liệt sỹ đã vận động xã hội hóa xây dựng trong nhiệm kỳ I ( như các Đền thờ Liệt sỹ: Bến phà Long Đại ở Quảng Bình; Bến Tắt ở Quảng Trị; Ngã ba Bờ Y  ở Kon Tum), Hội tiếp tục phối hợp với Tạp chí Nông thôn Việt Nam ngày nay vận động Ngân hàng Liên Việt tài trợ và tổ chức Lễ khởi công xây dựng Đền thờ Liệt sỹ ở Cà Ròong trên đường 20 Quyết thắng ở Quảng Bình.
         4 - Công tác vận động tài trợ và hoạt động tri ân tình nghĩa đã tích cực chủ động tiến hành thường xuyên, liên tục, vừa phát huy nội lực, vừa vận động các nguồn lực xã hội, tạo được nguồn lực vật chất để thực hiện tốt chương trình hoạt động, đặc biệt là các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Đồng thời làm tốt công tác tri ân tình nghĩa, thường xuyên chăm lo đời sống của hội viên.
           Tổng số tiền và vật chất được các tổ chức và cá nhân tài trợ trong nhiệm kỳ trị giá gần 80,7 tỷ đồng. Trong đó, tài trợ trực tiếp cho các hoạt động truyền thống, lịch sử 21 tỷ đồng; tài trợ riêng cho các hoạt động tình nghĩa là 59,7 tỷ đồng ( Toàn Hội đã vận động hỗ trợ xây tặng 474 căn nhà mới , sửa chữa nâng cấp 185 căn nhà; Tặng 55.037 suất quà, 294 sổ tiết kiệm, 326 suất học bổng, 50 suất học nghề trung cấp 2,5 năm, 1.270 chiếc chăn ấm cao cấp, 45 chiếc xe lăn, tài trợ khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho 4975 hội viên, hỗ trợ tiền mổ cho 226 hội viên mắc bệnh nặng, nuôi dưỡng 14 chị em nữ đơn thân gìà yếu tại trung tâm, trợ cấp thường xuyên (mức 500.000đ/người/tháng) trong các năm 2016, 2017,2018 = 215 người, năm 2019 = 30 người, năm 2020 = 61 người).
            Hội tiếp tục phối hợp với Binh đoàn 12 làm việc và đề nghị với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Nhà nước có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ hội viên giải quyết các tồn đọng chính sách sau chiến tranh. Trong nhiệm kỳ đã giải quyết được chế độ chính sách tồn đọng cho 140 trường hợp (đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND  cho 2 cán bộ lãnh đạo cấp cao của Trường Sơn. Công nhận 3 liệt sỹ, giải quyết chế độ thương binh 35 người, giải quyết chế độ chất độc da cam cho 100 người). Qua công tác phối hợp của Hội, Binh đoàn 12 đã tích cực tra cứu hồ sơ cung cấp thông tin về liệt sỹ cho 827 gia đình, thu lý hồ sơ và đang đề nghị công nhận liệt sỹ cho 6 trường hơp, giảỉ quyết chính sách thương binh cho 7 trường hợp, xác nhận hồ sơ làm căn cứ giải quyết chế độ chính sách cho 4.469 người, trả lời 1971 thư hỏi của các đối tượng chính sách. Hội viên đã cung cấp cho các cơ quan chức năng 238 nguồn tin về liệt sỹ, Tham gia cùng thân nhân gia đình tìm kiếm hài và cất bố hài cốt liệt sỹ 49 trường hợp).
       5-  Các cấp Hội đã chú trọng  tuyên truyền, giáo dục, vận đông hội viên chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng tích cực phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của MTTQ Việt Nam, gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “ Hội viên Trường Sơn sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau khắc phục khó khăn nâng cao đời sống, góp phần thiết thực phát triển kinh tế, văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng quê hương giàu đẹp.
         Hiện tại, Hội có  14862 hội viên đang tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương nơi cư trú. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hội viên trong cả nước đã hiến 252.495 mét vuông đất, đóng góp 91.827 ngày công lao động, đống góp tiền và ủng hộ vật liệu trị giá gần 8.100 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn và các công trình công cộng, Đóng góp ủng hộ gần 22.100 triệu đồng cho các quỹ nhân đạo, từ thiện, biển đảo, khắc phục thiên tai. Tham gia ủng hộ, cứu trợ đồng bào các vùng bị thiên tai, bão lụt, vùng sâu, vùng xa, căn cứ cách mạng 65 tấn gạo, 3.340 thùng mỳ tôm, 8431 suất quà, trị giá hơn 2.250 triệu đồng, 12.762 bộ quần áo, 22.200 cuốn sách vở, 80 chiếc chăn ấm cao cấp.
        Năm 2020, toàn Hội đã vận đông ủng hộ các địa phương phòng chống đại dịch Covid -19 gần 2.985 triệu đồng tiền mặt, 28.380 kg gạo, 300 thùng mỳ tôm, 8 kg mỳ chính, 1000 suất ăn, 344 suất quà, 12.200 chiếc khẩu trang, 1.000 mũ phòng dịch, 50 bình sát khuẩn). Vận động các nguồn lực và tổ chức các đoàn vào ủng hộ trực tiếp cho đồng bào các tỉnh miền Trung bị bão lụt 3.189,5 triệu tiền mặt, 33 tấn gạo, 1.760 thùng mỳ tôm, 2000 áo ấm mới, 3.200 bộ quần áo mới, 3,5 tấn chăn màn, quần áo cũ còn tốt và 10.560 cuốn sách vở.
           Năm năm qua, hội viên đã cho nhau vay 8.975 triệu tiền vốn không lấy lãi; Tặng nhau 38 con bò, 323 con lợn giống, gần 9.000 con gia cầm, hơn 23.000 Cây giống có giá trị kinh tế…. để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Nhờ nỗ lực vươn lên cùng với sự trợ giúp của đồng đội, Nhà nước và cộng đồng, 5 năm qua có thêm gần 3100 gia đình hội viên thoát nghèo và cận nghèo).
           Hội đã bám sát thực tiễn, nắm bắt và báo cáo kịp thời tâm tư nguyện vọng và những vấn đề hội viên, nhân dân, dư luân xã quan tâm, góp phần thực hiện chức năng phản biện của MTTQ đối với chủ trương đường lối, chính sách pháp luật, công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành xã hội của Đảng, Nhà nước
6- Hoạt động đối ngoại được tiến hành chủ động, tích cực và đạt kết quả tốt. Qua đó, đã tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương; sự ủng hộ giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, cơ quan chức năng, các doanh nhân, doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể đối với Hội và nâng cao uy tín, vị thế của Hội trong xã hội.
          Hội đã chủ động liên hệ và giữ mối quan hệ thường xuyên với các cơ quan bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể của Trung ương và địa phương, đăc biệt là trong dịp  kỷ niệm 60 năm truyền thống. Qua đó, vừa báo cáo tình hình vừa tranh thủ sự chỉ đạo, ủng hộ đối với tổ chức và hoạt động của Hội. Đồng thời cử nhiều đoàn công tác đến Bộ GTVT, các cơ quan, đơn vị, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn, các cơ quan, tổ chức nhân đạo từ thiện để tuyên truyền về Trường Sơn, về Hội, báo cáo kế hoạch hoạt động và vận động sự giúp đỡ, đồnghành với các hoạt động của Hội.
         Đối với Binh đoàn 12, Hội đã quan hệ chặt chẽ và thực hiện tốt chế độ làm việc định kỳ để thông báo tình hình,  hợp đồng phối hợp thực hiện các nội dung hoạt động có liên quan . Hội đã được Binh đoàn 12 nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ về nhiều mặt.
          Hội tiếp tục duy trì, phát huy mối quan hệ đặc biệt với Đại sứ quán Lào tại Việt Nam. Qua đó,  nhờ bạn giúp đỡ để thưc hiện các nội dung hoạt động truyền thống và tri ân tình nghĩa trên đất Lào. Hội đã thiết lập quan hệ với Đại sứ quán Cu Ba tại Việt Nam và được Hội hữu nghị Việt Nam - Cu Ba kết nạp làm thành viên. Hiện nay Hội đang triển kai kết nối để thiết lập quan hệ và nhờ Đại sứ  quán Cămpuchia tại Việt Nam Hội  giúp đỡ thực hiện một số vấn đề về lịch sử truyền thống của Bộ đội Trường Sơn trên đất Bạn.
 
 
 
ĐÁNH GIA CHUNG
           Nhiệm kỳ II, tuy về cuối có nhiều khó khăn, nhưng phát huy kết qủa và kinh nghiệm của nhiệm kỷ I, hướng về kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn, các cấp hội đã bám sát chương trình hoạt động đề ra, tập trung chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo và nỗ lực quyết tâm cao và được hội viên trong cả nước nhiệt tình hưởng ứng thực hiện. Toàn Hội đã cơ bản hoàn thành thắng lợi toàn diện chương trình và các nội dung hoạt động của Đại hội II đề ra. Trong đó, có nhiều nội dung hoàn thành rất tốt. Chất lượng xây dựng tổ chức có bước tiến bộ. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống, đặc biệt là các hoạt động kỷ niệm 60 năm truyền thống tạo được dấu ấn sâu đậm và hiệu ứng xã hội tốt. Các hoạt động tri ân tình nghĩa, chăm lo đời sống hội viên có nhiều cố gắng và đạt kết quả tốt. Uy tín, vị thế xã hội của Hội tiếp tục được nâng cao.
         Nhân kỷ niệm 60 năm truyền thống, Hội đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai; 3 tổ chức thành viên và 4 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động; 17 tập thể và 41 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành.
        Nguyên nhân đạt được  kết quả trên là:
1- Do Hội  luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ tạo điều kiện của các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp.
         2- Đội ngũ cán bộ của Hội các cấp thực sự có tâm huyết và tình cảm sâu sắc với Trường Sơn và đồng đội, gương mẫu và quyết tâm cao, tích cưc, chủ động, sáng tạo trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện.
         3- Hội đã  khơi dậy và phát huy đươc những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Trường Sơn Anh hùng trong chiến đấu trước đây vào cuộc sống đời thường hôm nay. Đó là tinh thần chủ động, sáng tạo, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, tự đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để thực hiện bằng được. Khẩu hiệu “Tập hợp, đoàn kết, đồng thuận” được khơi dậy từ trên xuống dưới. Nhờ đó, từ hội viên đến lãnh đạo đã cùng nhau đóng góp trí lực, tinh thần, vật chất để Hội  khắc phục vượt qua nhiều khó khăn. Chính sự nỗ lực nội tại là nhân tố quyết định để Hội  chúng ta phát triển và hoạt động hiệu quả trong những năm vừa qua
         Tồn tại và  khó khăn.
         1- Một bộ phận cán bộ hội viên nhận thức và hiểu biết về Điều lệ chưa thật sâu sắc. Nhiều nơi tổ chức phát triển nhanh, kết nạp hội viên đông nhưng chưa chú trọng xây dựng chiều sâu, bền vững. Việc xây dựng và duy trì thực hiện các quy chế, quy định ở nhiều nơi chưa nghiêm, tổ chức Hội chưa được xây dựng vững chắc, hoạt động chưa toàn diện, hiệu quả thấp, tham gia thực hiện các chương trình của địa phương còn hạn chế. Nhiều nơi  thực hiện chế độ báo cáo hoạt động không đều hoặc chưa thực hiện. Một số nơi sự thống nhất đồng thuận, đoàn kết nội bộ chưa tốt.
         2- Các Hội cấp tỉnh do địa phương quyết định thành lập theo nghị định 45/2010/NĐ - CP, có tư cách pháp nhân và đã tự nguyện gia nhập làm thành viên của Hội Truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, nhưng có nơi chưa nhận thức đúng mối quan hệ giữa tổ chức thành viên với Hội chủ quản và nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức thành viên nên nhiều việc Hội Trường Sơn chỉ đạo không được thực hiện tốt.
         3- Việc phát triển tổ chức Hội ở một số nơi còn nhiều khó khăn vướng mắc. Đến nay   còn một số tỉnh, thành phố chưa lập được Hội. Nhiều địạ phương chưa tổ chức được Hội ở cấp huyện, xã. Nguyên nhân do nhận thức và vận dụng thực hiện Kết luận số 102 – KL/TW năm 2014 của Bộ Chính trị về Hội quần chúng và Nghị quyết Trung ương 6 ( Khóa 12) về sắp xếp các tổ chức trong hệ thống chính trị ở các địa phương có sự khác nhau. Nên có nơi ra quyết định không cho lập hội hoặc chỉ cho lập hội ở cấp tỉnh.
        Đối với các tổ chức thành viên do Hội quyết định thành lập, hiện chưa có tổ chức Hội nào có con dấu tư cách pháp nhân vì chưa đủ các thủ tục pháp lý.
        4- Việc xây dựng quỹ Hội, bảo đảm kinh phí tối thiểu để hoạt động  vẫn hết sức khó khăn.
        Một số kinh nghiêm rút ra qua thực tế xây dựng và hoạt động của Hội
          Một là: Quá trình xây dựng và hoạt động phải lấy Nghi định số 45/NĐCP/2010 của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan đến Hội làm gốc. Lấy xây dựng Điều lệ và hệ thống quy chế làm trọng tâm. Có chương trình, kế hoạch hoạt động hợp lý, khả thi. Trên cơ sở đó tạo sự đồng thuận từ lãnh đạo đến hội viên và quyết tâm duy trì tổ chức thực hiện theo các quy định, quy chế và chương trình kế hoạch đề ra, tạo động lực để phát triển.
         Hai là: Phải làm cho cán bộ, hội viên nhận thức sâu sắc về Điều lệ Hội để hiểu đúng về đối tượng tập hợp, điều kiên, tiêu chuẩn  hội viên, chức năng nhiệm vụ, đặc điểm tính chất, nguyên tắc, phương pháp tổ chức và hoạt động của một Hội xã hội tự nguyện. Phải thấy rằng việc tổ chức và hoạt động của Hội là nhu cầu tự thân, xuất phát từ tình cảm, tâm huyết với Trường Sơn, với đồng đội, mọi hoạt động của Hội đều phải tự trang trải. Từ đó, chủ động phát huy nội lực đồng thời tích cực vận động các nguồn lực xã hội để thực hiện thắng lợi mục tiêu, chương trình hoạt động đề ra, không trông chờ thụ động. Điều quan trọng trước hết là phải xây dựng được nguồn thu ổn định từ nội lực để vận hành bộ máy và duy trì hoạt động của Hội.  
        Ba là:  Phải đặc biệt quan tâm xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ, khâu then chốt là xây dựng đội ngũ cán bộ. Cán bộ chủ chốt của Hội, nhất là Chủ tịch Hội phải có năng lực, khiêm tốn, nhiệt tình, tâm huyết với Trường Sơn, với Hội và đồng đội, có phong cách lãnh đạo và phương pháp làm việc phù hợp với hoạt động của một tổ chức  xã hội tự nguyện, đồng thời có sức khỏe và điều kiện thuận lợi để tham gia công tác. Phải lấy uy tín đối với Hội, hội viên và hiệu quả hoạt động làm chính.  Có vậy mới tập hợp được lực lượng, thực hiện tốt phương châm “Tập hợp – Đoàn kết – Tổ chức vững chắc – Hoạt động hiệu quả ”. Thực tế nhiệm kỳ II và 10 năm qua tổ chức thành viên nào thực hiện tốt nội dung này thì hiệu quả hoạt động tốt và ngược lại.
       Bốn là: Phải gắn công tác kiểm tra với quá trình xây dựng tổ chức và hoạt động thực hiện nhiệm vụ của Hội, nhằm đảm bảo mọi hoạt động của Hội tuân thủ đúng pháp luật, quy định của Nhà nước, đúng tôn chỉ, mục đích, Điều lệ Hội và các quy chế, quy định, hướng dẫn đã ban hành. Thực tế nơi nào lơ là, buông lỏng trong tổ chức thực hiện thì dẫn đến khuyết điểm.
        Năm là: Chủ động quan hệ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng và Mặt trận Tổ quốc để báo cáo tình hình, tranh thủ sự chỉ đạo giúp đỡ. Gắn thực hiện chương trình kế hoạch hoạt động của Hội với thực hiện các nhiệm vụ của một tổ chức thành viên MTTQ, hưởng ứng tích cực các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Bằng những hoạt động thiết thực, hiệu quả của Hội để cấp ủy chính quyền, các cơ quan chức năng tin tưởng, ủng hộ và tạo điều kiện cho Hội hoạt động.
 
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG  NHIỆM KỲ III ( 2021 – 2026)
 
           Nhiệm kỳ 2021 – 2016 là thời kỳ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung nỗ lực cao nhất để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Quốc hội khóa XV sẽ ban hành nhiều nghị quyết và các đạo luật nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng, tạo hành lang pháp lý để quản lý, điều hành, xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Đó là động lực tinh thần, nguồn cổ vũ mạnh mẽ và những thuận lợi mới để đẩy manh các hoạt động của Hội.
           Song, năm năm tới toàn Hội cũng phải đối diện với nhiều thử thách, khó khăn mới. Bởi theo thời gian, Những cán bộ, hội viên đã trực tiếp chiến đấu, hoạt động trên chiến trường Trường Sơn, nhất là các đồng chí đã kinh qua các cương vị lãnh đạo, chỉ huy có năng lực uy tín và kinh nghiệm tổ chức, giàu nhiệt tinh tâm huyết với Trường Sơn và đồng đội ngày càng già yếu và thưa dần. Lớp cán bộ trẻ hơn thì những người có năng lực, sức khỏe và điều kiện chưa thật nhiệt tình và sẵn sang tham gia công tác Hội. Việc tao nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ sẽ còn nhiều khó khăn. Các nguồn tài trợ truyền thống cũng giảm dần, việc vận động các nguồn lực xã hội để tổ chức các hoạt động của Hội ngày càng khó khăn.
 
I- Phương hướngchung và mục tiêu tổng quát
        Quán triệt và nắm vững các định hướng chung trong Nghị quyêt Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hoạt động của Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX . Bám sát tôn chỉ mục đích của Hội để cụ thể hóa thành chương trình hoạt động cụ thể  sát với đặc điểm, điều kiện, khả năng của Hội, bảo đảm sát hợp, khả thi, hiệu quả, tạo sự thống nhất đồng thuận và quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện.
         Tập trung xây dựng các tổ chức thành viên và toàn Hội thực sự vững mạnh về tổ chức, hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, Điều lệ, pháp luật, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ mà Điều lệ Hội đã xác định. Tổ chức tốt các hoạt động truyền thống và tình nghĩa. Tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình chính trị , kinh tế xã hội của Đảng, Nhà nước theo điều kiện cụ thể của Hội, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
         Phương châm tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt nhiệm kỳ II là: “ Tập hợp - Đoàn kết - Truyền thống - Tình nghĩa”.
          Trong đó, khâu trọng tâm, then chốt là: Tập hợp, đoàn kết, xây dựng tổ chức vững chắc, hoạt động hiệu quả.
 
          II- Chương trình, nội dung chủ yếu
           1- Tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc xây dựng củng cố tổ chức Hội, tạo  cho được sự chuyển biến tiến bộ cơ bản, vững chắc trong từng thành viên và toàn Hội. Lấy việc tập trung xây dựng, kiện toàn  tổ chức là chính, Phát triển phải coi trọng chất lượng, kết hợp duy trì nguyên tắc, điều lê, quy chế với khắc phục cơ bản những vấn đề mất đoàn kết nội bô, vướng mắc và các hạn chế, thiếu sót đã chỉ ra.
          Nắm vững quy định của Điều lệ Hội về đối tượng, tiêu chuẩn hội viên, đẩy mạnh tuyên truyền, kết nạp, nâng cao hơn nữa số lượng hội viên, tập hợp thêm nhiều chiến sỹ tham gia Đường Trường Sơn vào Hội.
           Chỉ đạo các Hội, BLL  triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung tiêu chí về xây dựng tổ chức Hội vững chắc, hoạt động hiệu quả. Trong đó, chú trọng chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, thực hiện các nguyên tắc. Xây dựng phong cách làm việc của tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực và người đứng đầu phù hợp với tính chất, đặc điểm của một tổ chức xã hội tự nguyện. Củng cố và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất đồng thuận trong nội bộ. Khắc phục sự bất đồng, mất đoàn kết từ các đồng chí chủ trì các Hội. Làm tốt công tác quản lý số, chất lượng hội viên.
         Tiếp tục vận động xin thành lập Hội ở các tỉnh còn lại. Việc phát triển Hội ở cấp huyện, xã phải chú trọng chất lượng. Phát triển tới đâu củng cố vững chắc tổ chức, bảo đảm hoạt động hiệu quả tới đó. Đối với các đơn vị truyền thống lấy chất lượng, hiệu quả hoạt động làm chính. Tùy tình hình cụ thể có thể lập Hội, hoặc giữ nguyên là BLL. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các địa phương, đơn vị có đông thành viên, có nhu cầu thành lập các Hội, BLL Nữ CSTS; Hội, Chi hội VHNT; Hội, CLB Doanh nhân, Câu lạc bộ Văn nghệ…Chú trọng củng cố tổ chức với nâng cao hiệu quả hoạt động
        Tất cả các địa phương, đơn vị dù là Hội hay BLL nhưng đã thừa nhận Điều lệ và tự nguyện là tổ chức thành viên của Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam thì phải hoạt động theo Điều Lệ; chịu sự quản lý, chỉ đạo và báo cáo mọi hoạt động với Ban Chấp hành Trung ương Hội.
         Tăng cường kiểm tra chấp hành Điều lệ Hội và các quy chế đề ra. Phát hiện, giải quyết kịp thời các vi phạm, mâu thuẫn trong nội bộ, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất và uy tín, vị thế của Hội.
          Phấn đấu hàng năm có trên 60 % tổ chức đạt vững chắc, hoạt động hiệu quả. Không có tổ chức Hội yếu kém.
 
          2- Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, làm cho các giá trị truyền thống lịch sử của Trường Sơn , đường Hồ Chí Minh huyền thoại lan tỏa sâu rộng hơn nữa trong xã hội, góp phần thiết thực bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống cách mạng trong hội viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
           Chủ động phối hợp chặt chẽ và cung cấp tư liệu, nhân chứng lịch sử để các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình, các văn nghệ sỹ  nghiên cứu, khai thác, viết  tin, bài, làm các phóng sự tài liệu, xây dựng các hình tượng nghệ thuật. tổ chức giao lưu, nói chuyện truyền thống, kể chuyện chiến đấu với thế hệ trẻ…tuyên truyền, làm cho các giá trị truyền thống, lịch sử của Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại lan tỏa sâu rộng hơn nữa trong xã hôị. Yêu cầu khi viết, cung cấp tư liệu, phát ngôn các vấn đề về Trường Sơn phải trung thực, khách quan, chính xác. Chống các biểu hiện lồng động cơ cá nhân làm sai lệch sự thật lịch sử.
Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng tin, bài  của Trang Thông tin điện tử, Bản tin Trường Sơn. Xin phép thành lâp Tạp chí Trường Sơn. Nâng cao chất lượng sáng tạo, hiệu quả hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật, các Câu lạc bộ Văn nghệ, Đội Văn nghệ Trường Sơn và Trung tâm Tổ chức thăm chiến trường xưa … nâng cao hiệu quả tuyên truyền về Trường Sơn và Hội.
Chủ động xây dựng kế hoạch và báo cáo đề đạt với Đảng, Nhà nước có chủ trương chỉ đạo và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày Truyền thống  Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2024).
Làm tốt việc biên soạn tài liệu tuyên truyền về lịch sử truyền thống Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ chí Minh, về chức năng, nhiệm vụ và kết quả hoạt động của Hội Hội để tuyên truyền sâu rộng đến các địa phương, cơ sở và hội viên…tạo sự thống nhất về nhận thức và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với vai trò, vị trí của Hội.
Phát động và vận động xây dựng “ Văn hóa ứng xử của Hội Trường Sơn”. Trức hết là tập trung xy dựng, hình thành nét đẹp văn hóa của Hội Trường Sơn trong giao tiếp, trong hội nghị và trong thông tin.
3- Tiếp tuc nghiên cứu, tổng hợp tư liệu về Trường Sơn và chiến tích cuả các di tích. Đề xuất kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các địa phương có chủ trương, biện pháp phù hợp để bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị các Di tích của Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh phục vụ cho công tác giáo dục truyền thống cách mạng cả trước mắt và lâu dài.
Tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng của Nhà nước và các địa phương có kế hoạch quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy các gia trị của các Di tích của Đường Trường Sơn đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt để phát huy hiệu quả xứng với vai trò của Di tích đã được công nhận. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, lựa chọn một số di tích tiêu biểu, thực sự có ý nghĩa và giá trị cao đối với truyền thống lịch sử của Trường Sơn đề nghị Chính phủ xếp hạng bổ sung vào Di tích Quốc gia đặc biệt.Các địa phương, đơn vị truyền thống cần tiếp tục làm tốt hơn nữa việc biên soạn lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị mình để tuyên truyền và động viên hội viên đoàn kết phấn đấu giữ gìn, phát huy truyền thống của địa phương, đơn vị, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức của người chiến sỹ Trường Sơn trong thời kỳ mới.
Tiếp tục phối hợp với Binh đoàn 12 nghiên cứu sưu tầm, tổng hợp tư liệu, xây dựng các báo cáo chuyên đề sâu hơn về lịch sử tuyền thống của một số đơn vị Anh hùng và những sự kiện lớn có Bộ đội Trường Sơn tham gia, như: Bộ đội Trường Sơn với Chiến dịch Mậu thân 1968; Chiến dịch Đường 9- Nam Lào 1971; Chiến dịch giải phóng  Quảng Trị 1972; Chiến dịch  giải phóng Tây Nguyên 1975; Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; Bộ đội Trường Sơn tham gia giải phóng các tỉnh Trung Nam Lào; Bộ đội Trường Sơn với Cămpuchia; Bộ đội Trường Sơn với cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc.
Vận động toàn Hội viết ký ức về Trường Sơn hoặc tổ chức tiếp các cuộc thi viết về Trường Sơn.
Tiếp tục làm các văn bản báo cáo với Đảng, Nhà nước đề nghị Nhà nước Lào công nhận Di tích Đường Hồ Chí Minh ở Tây Trường Sơn với tên gọi “Di tích đoàn kết chiến đấu Lào - Việt”
          4- Động viên hội viên tích cực hưởng ứng các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước, gắn với đẩy mạnh Cuộc vận động “ Hội viên Trường Sơn sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống”, phong trào “Tuổi cao gương sáng”, góp phần thiết tực xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp. Triển khai vận động xây dựng “ Văn hóa ứng xử của Bộ đội Trường Sơn”.
          Động viên hội viên tích cực tham gia học tập nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gương mẫu đóng góp xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh, xây dựng đời sống văn hóa và các hoạt động nhân đạo từ thiện ở nơi cư trú.
             Giúp đỡ và động viên các gia đình hội viên vượt khó vươn lên trong sản xuất, kinh doanh để tự xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời vận động các doanh nhân, doanh nghiệp, các gia đình hội viên Trường Sơn kinh tế khá giả tích cực hỗ trợ giúp đỡ đồng đội bằng những hình thức thích hợp, như cho vay vốn sản xuất, giúp cây giống, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, hướng dẫn kinh nghiệm, chuyển giao kỹ tthuật, công nghệ…để giúp hội viên khó khăn ổn định cuộc sống.
          5- Tích cực vận động các nguồn lực xã hội để tri ân tình nghĩa, giúp đỡ đồng đội. Phối hợp chặt chẽ với Binh đoàn 12 báo cáo các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Nhà nước tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải quyết tiếp các vấn đề tồn đọng chính sách trong chiến tranh.
           Nâng cao chất lượng , hiệu quả công tác chính sách, làm tốt công tác tri ân người có công, giúp đỡ các gia đình hội viên khó khăn, thăm hỏi hội viên ốm đau, chia sẻ, động viên gia đình có hội viên từ trần. Chỉ đạo các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với Hội Chữ Thập Đỏ cùng cấp, triển khai thực hiện tốt nội dung thỏa thuận của bản ghi nhớ giữa Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam và Hội Trường Sơn Việt Nam. Quan tâm giúp đỡ các gia đình đối tượng chính sách, hội viên đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, hội viên già yếu, đơn thân không nơi nơi nương tựa.
        Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hõ trợ nhân đạo Trường Sơn.
Khảo sát nắm chắc các vấn đề chính sách tồn đọng trong chiến tranh, chủ động quan hệ, phối hợp với Binh đoàn 12 tra cứu các hồ sơ gốc, giúp đỡ các hội viên bổ sung, hoàn thiện hồ sơ và báo cáo, đề nghị với các cơ quan chức năng của Nhà nước, Bộ Quốc phòng nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng sớm được thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời chống việc khai man hồ sơ, xác nhận tùy tiện không đúng sự thật và thẩm quyền.
Tiếp tục phối hợp với Binh đoàn 12 nghiên cứu rà soát, báo cáo đề nghị Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu AHLLVTND cho một số cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ chống Mỹ ( Nếu Nhà nước có chủ trương).
Vận động hội viên thu thập, phát hiện và cung cấp thông tin về Liệt sỹ, giúp đỡ thân nhân gia đình tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ Liệt sỹ.
Phát huy tốt vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Nhân đạo Trường Sơn trong hoạt động nhân đạo từ thiện.
6- Chủ động mở rộng hoạt động đối ngoại để tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ đối với tổ chức và hoạt động của Hôi
a) Thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng của Nhà nước, làm tốt công tác tuyên truyền về Trường Sơn và Hội, chủ động báo cáo tình hình và tranh thủ sự chỉ đạo giúp đỡ đối với tổ chức và hoạt động của Hội. Nghiên cứu đề xuất.
b) Thường xuyên quan hệ chặt chẽ với Binh đoàn 12, chủ động thông báo tình hình và thống nhất phối hợp thực hiện các chương trình công tác có liên quan, giúp đỡ lẫn nhau vi nhiệm vụ chung, nhất là các nhiệm vụ về truyền thống, lịch sử và giải quyết tồn đọng chính sách trong chiến tranh.
 c) Tăng cường quan hệ với các Hội, đoàn thể có cùng mục tiêu hoạt động liên quan tới truyền thống, tình nghĩa như Hội CCB Việt Nam, Hội Cựu TNXP Việt Nam , Hội Nạn nhân chất độc da cam Dioxin Việt Nam, Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, Hội Hỗ trợ Gia đình Liệt sỹ Việt Nam và các quỹ nhân đạo, từ thiện … để tranh thủ sự giúp đỡ và phối hợp thực hiện các công tác về chính sách xã hội, thương binh, liệt sỹ
d) Tiếp tục duy trì tốt mối quan hệ Đại Sứ quán các nước Lào, Cămpuchia, Cu Ba, tại Việt Nam và Hiệp hội Cựu chiến binh Lào, thực hiện tốt trách nhiệm là tổ chức thành viên của Hội Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba, Chủ động liên hệ với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với nước ngoài nhờ giúp đỡ vận động để gia nhập Hội hữu nghị Việt Nam – Lào, Việt Nam - Campuchia để có điều kiện quan hệ nhờ giúp đỡ thực hiện các nội dung về lịch sử truyền thống của Bộ đội Trường Sơn trên đất Bạn. Tổ chức những cuộc giao lưu với tổ chức cựu chiến binh Lào, Cămpuchia hoặc chính quyền một số địa phương; Nhờ Bạn giúp đỡ tìm kiếm hài cốt liệt sỹ…
          e) Mở rộng thêm quan hệ với các tổ chức phi chính phủ của các Nước khác có chương trình hạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội.
 
          7. Xây dựng và phát triển Quỹ Hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
          Hội và từng tổ chức thành viên, cần có quy định cụ thể, chủ động tạo ra nguồn thu tài chính ổn định, bảo đảm chi cho các hoạt động thường xuyên và vận hành bộ máy; Chi phí để triển khai các hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội ( như thu hội phí hội viên, hội phí tổ chức thành viên, vận động đóng góp xây dựng chân quỹ, vận động ủng hộ quỹ hoạt động của Hội).
          Xây dựng đề án tổ chức các hoạt động tạo nguồn thu phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Hội và quy định của pháp luật.  
          Phát huy vai trò của Hội doanh nhân, CLB Kinh tế trong việc giúp hội viên và hoạt động của Hội.
          Vận động sự ủng hộ, tài trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.
          Thực hiện nghiêm việc quản lý, thu, chi tài chính theo quy định của Điều lệ Hội và quy định của pháp luật.
 
         III- Một số biện pháp chủ yếu
        1- Làm tốt công tác chỉ đạo điểm, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân điển hình. Đối với những nội dung công tác quan trọng, những việc khó cần có đề án nghiên cứu chuyên sâu, bàn bạc kỹ lưỡng, tổ chức tập huấn hướng dẫn, bảo đảm sự thống nhất đồng thuận, bảo đảm hiệu quả trong tổ chức thực hiện.
                  2- Xây dựng đầy đủ, đồng bộ hệ thống quy chế để tổ chức điều hành các hoạt động của Hội và duy trì thực hiện nghiêm các quy chế đề ra. Thực hiện tốt việc giám sát, kiểm tra quá trình xây dựng tổ chức và hoạt động của Hội, phát hiện và khắc phục kịp thời các vi phạm và mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ.     
       3-  Quan tâm tìm nguồn để bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ Hội, đặc biệt là cán bộ chủ trì các tổ chức thành viên. Phát huy đầy đủ vai trò của các ủy viên Ban Chấp hành, vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cán bộ chủ trì, vai trò tham mưu, hướng dẫn của các cơ quan
        4- Chủ động, tích cực tìm nguồn, để bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ của hội, nhất là cán bộ chủ trì Hội và các tổ chức thành viên. Phát huy đầy đủ vai trò trách nhiệm của các Ủy viên Ban Chấp hành; Vai trò nêu gương, hạt nhân đoàn kết của đội ngũ cán bộ Hội, đặc biệt là cán bộ chủ trì. Phát huy tôtt vai trò tham mưu, hướng dẫn của các cơ quan Hội.          
        4- Thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố sự thống nhất đồng thuận trong nội bộ. Phát huy mạnh mẽ nội với tích cực vận động các nguồn lực xã hội, tạo thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng Hội và thực hiện chương trình hoạt động đề ra.
          Giao cho Ban Chấp hành khóa mới căn cứ Điều lệ Hội và Nghị quyết Đại hội, xây dựng các quy chế hoạt động, quy chế làm việc và cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung thành chương trình kế hoạch công tác hàng năm và phân công, phân cấp chỉ đạo, kiểm tra tổ chức thực hiện.
          Mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội trong nhiệm kỳ đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi quá trình triển khai thực hiện phải hết sức chủ động, tích cực, linh hoạt và sự nỗ lực cao của tất cả các tổ chức thành viên và toàn thể cán bộ, hội viên trong cả nước.
         Trước mắt đã và sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng với trách nhiệm, tình cảm với Trường Sơn , với đồng đội, với kết quả và kinh nghiệm hoạt động qua hai nhiệm kỳ, với uy tín và vị thế xã hội hiện có, lại được sự quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự ủng hộ đồng hành của các tổ chức cá nhân, các nhà tài trợ, nhất định toàn Hội sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết đề ra.
 
 
                                                          BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG HỘI
 

TÀI LIỆU THỨ 2


 
DỰ THẢO
BÁO CÁO KIỂM ĐIỂM
CỦA BAN CHẤP HÀNH HỘI TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG SƠN
ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH VIỆT NAM
NHIỆM KỲ 2016-2021
 

Ngày 8/9/2016 tại Hà Nội, Đại hội Đại biểu Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (Hội Trường Sơn Việt Nam) đã quyết định số lượng Ban Chấp hành nhiệm kỳ II là103 đ/c, Đại hội đã bầu 102 đ/c (thiếu 01 đ/c).Trong nhiệm kỳ qua (tính đến 12/2020) đã có:07 đ/c từ trần, 15 đ/c do tuổi cao, sức yếu có đơn xin nghỉ Ban Chấp hành. Hội nghị Ban Chấp hành hàng năm đã tiến  hành bổ sung 12 đ/c, đến cuối tháng 12/2020, số lượng Ủy viên Ban Chấp hành còn 96 đ/c. Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất khóa II, nhiệm kỳ 2016-2021đã bầu Ban Thường vụ 23 đ/c.Thời gian qua có 02đ/c từ trần,03 đ/c xin nghỉ,đã bầu bổ sung 01đ/c, hiện nay Ban Thường vụ có 19 đ/c.Ban Thường trực có Chủ tịch và 06 Phó Chủ tịch.Trong 06 Phó Chủ tịch có 02đ/c từ trần,01đ/c xin nghỉ, đã bầu bổ sung 03 đ/c, hiện nay vẫn đủ 06 Phó Chủ tịch.
I.Những kết quả đạt được:
1. Các đ/c ủy viên Ban Chấp hành đều là chiến sĩ Trường Sơn tiêu biểu, có phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống lành mạnh, hầu hết là cán bộ chủ chốt của các đơn vị ở Trường Sơn, có năng lực lãnh đạo, chỉ huy, được thử thách qua chiến đấu, gian khổ ác liệt trên con đường Trường Sơn.Tập thể Ban Chấp hành là một khối thống nhất, đều tự nguyện, nhiệt tình làm hết sức mình xây dựng Hội Trường Sơn vững mạnh, không ngừng được xã hội ghi nhận.
2. Ban Chấp hành đã bám sát các Quy định của pháp luật, Điều lệ Hội,Nghị quyết của Đại hội;xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn của các tổ chức thành viên.Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ xuyên suốt là xây dựng tổ chức Hội các cấp vững mạnh, hoạt động phát huy truyền thống và tri ân tình nghĩa đạt hiệu quả.
3.Trong quá trình thực hiện,Ban Chấp hành đã hết sức coi trọng việc phát huy sức mạnh của tập thể và thế mạnh của từng đ/c Ủy viên phụ trách từng lĩnh vực và tổ chức thành viên để nhằm đạt kết quả cao nhất.Ban Chấp hành,Ban Thường vụ,Thường trực Hội đã quan tâm xây dựng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Quy chế hoạt động,Quy chế làm việc,Điều lệ Hội.Thực hiện nghiêm túc nề nếp, chế độ sinh hoạt của Ban Chấp hành,Ban Thường vụ,nội dung được chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, chặt chẽ, sát với chức năng, nhiệm vụ của Hội, trong sinh hoạt đã phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong Ban Chấp hành, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong các tổ chức thành viên.
4- Các đ/c ủy viên Ban Chấp hành đều gương mẫu, có uy tín, năng động, sáng tạo, có ý thức kỷ luật nghiêm, có tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện các nhiệm vụ được phân công, nhất là các đ/c Ủy viên Ban Chấp hành là Chủ tịch Hội, Trưởng Ban liên lạc các đơn vị và các đ/c Trưởng Ban ở cơ quan.
5- Ban Chấp hành, mà thường xuyên, trực tiếp là Thường trực Ban Thường vụ đã thường xuyên duy trì, mở rộng quan hệ hoạt động đối ngoại.Trong đó, tiếp tục duy trì, củng cố mối quan hệ mật thiết với Đại sứ quán Lào, Đại sứ quán Cu Ba. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 để thống nhất kế hoạch, chương trình sinh hoạt hàng năm,nhờ vậy đã giải quyết kịp thời được nhiều nội dung quan trọng về hoạt động phát huy truyền thống và tri ân tình nghĩa. Phối hợp quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các địa phương trong việc quan tâm xây dựng tổ chức Hội tại địa phương. Đồng thời, tiếp tục mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân để tranh thủ sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần.
II- Những hạn chế, tồn tại
1- Các đ/cỦy viên Ban Chấp hành hầu hết đã nghỉ hưu nhiều năm, tuổi đời cao, bệnh tật nhiều, sức khỏe giảm sút, nhiều đ/c hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên ít nhiều ảnh hưởng đến công tác hoạt động của Hội.Một số đ/c chưa sâu sát, giải quyết vấn đề chưa kịp thời;cá biệt có đ/cỦy viên Ban Chấp hành là Chủ tịch Hội tổ chức thành viên còn có biểu hiện gia trưởng, thiếu dân chủ trong sinh hoạt, chấp hành không nghiêm túc Điều lệ Hội,Quy chế củaBan Chấp hành nên nội bộ mất đoàn kết, có đơn thư tố cáo.
2-  Hội hoạt động với phạm vi rộng, nhiều tổ chức thành viên, hội viên đông trong điều kiện là một Hội xã hội, tự nguyện, tự trang trải để giải quyết vấn đề kinh phí hoạt động,Ban Chấp hành,Ban Thường vụ,Ban Thường trực đã bàn bạc nhiều chủ trương, nhưng đến nay vẫn là vấn đề khó khăn lớn nhất trong các tổ chức Hội, nhất là cấp cơ sở./.

Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2016-2021

TÀI LIỆU THỨ 3

 

BÁO CÁO
KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐIỀU LỆ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU, ĐIỀU LỆ HỘI NHIỆM KỲ II (2016 - 2021)
 (Dự thảo)
 

I-  KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐIỀU LỆ HỘI
 
- Điều lệ Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí MinhViệt Nam (sửa đổi, bổ sung) được Đại hội đại biểu toàn quốc Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí MinhViệt Nam lần thứ II thông qua ngày 08/9/2016. Điều lệ có 8 chương, 25 điều. Đến nay, qua 5 năm triển khai thực hiện Điều lệ Hội (sửa đổi, bổ sung) cho thấy Điều lệ Hội (sửa đổi, bổ sung) đã phù hợp với tình hình thực tiễn, sự đa dạng về tổ chức và tính đặc thù của Hội truyền thống Trường Sơn Việt Nam. Đây là căn cứ pháp lý, là những nguyên tắc căn bản trong tổ chức và hoạt động, cơ sở để tập hợp, đoàn kết, xây dựng tổ chức, phát triển hội viên.
 
- Căn cứ tôn chỉ, mục đích và các quy định của Điều lệ, các cấp Hội đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội, chăm lo củng cố, kiện toàn về tổ chức, tập hợp và phát triển hội viên, đẩy mạnh các hoạt động tri ân tình nghĩa; làm tốt công tác tuyên truyền phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn, xây dựng bổ sung hoàn thiện các quy chế làm việc. Vì vậy nhiệm kỳ qua nhiều tổ chức Hội đã được thành lập thêm ở cấp tỉnh, huyện, xã.Công tác tổ chức và các hoạt động của Hội từng bước đi vào nền nếp; nhận thức của hội viên về Hội, về tôn chỉ mục đích của Hội đầy đủ và đúng đắn hơn; hoạt động tri ân tình nghĩa đạt hiệu quả thiết thực.Việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của Điều lệ Hội. Hội luôn bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo, tập hợp, đoàn kết hội viên; vai trò, vị trí, uy tín của Hội ngày càng được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
 
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Điều lệ Hội nhiệm kỳ II cũng đã bộc lộ những tồn tại,hạn chế như: Điều lệ chưa được phổ biến, quán triệt đến từng hội viên; Chưa nhận thức được đây là văn bản pháp lý của Hội phải tuân thủ. Việc đặt tên Hội có nơi chưa đúng với sự chỉ đạo chung. Có hội thành viên thực hiện chưa tốt tôn chỉ mục đích của Hội dẫn đến nội bộ chia rẽ, Ban chấp hành mất đoàn kết kéo dài, việc kiện toàn Ban chấp hành, Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội không đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật. Nhận thức củahội viên về Hội, tổ chức Hội chưa đầy đủ nên việc vào Hội, ra khỏi Hội tùy tiện kể cả những người là ủy viên Ban chấp hành, thậm chí là Phó chủ tịch Hội tỉnh khi không muốn làm đã tự ý bỏ sinh hoạt, có Hội thành viên không tuân thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội Trường Sơn Việt Nam cho đó là sự can thiệp quá sâu vào hoạt động của Hội mình. Việc khen thưởng, tặng kỷ niệm chương, huy hiệu của Hội thiếu chặt chẽ đôi khi tùy tiện.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong hoạt động, xây dựng, phát triển Hội, tạo sự đồng thuận thống nhất từ Trung ương Hội tới các Hội thành viên. Điều lệ Hội nhiệm kỳ III (2021 - 2026) cần phải được bổ sung, sửa đổi; trong đó có một số nội dung cần viết rõ và cụ thể hơn cho phù hợp với sự phát triển của Hội trong giai đoạn mới. Điều lệ nhiệm kỳ III phải được các Hội thành viên tán thành thừa nhận không nhất thiết phải xây dựng điều lệ riêng theo kết luận số 102 ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng.
 
II- MỘT SỐ ĐIỀU CẦN NGHIÊN CỨU BỔ SUNG, SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ NHIỆM KỲ II
A- Nguyên tắc bổ sung, sửa đổi điều lệ
Cơ bản giữ nguyên các chương, điều và nội dung Điều lệ Hội nhiệm kỳ II. Chỉ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những vấn đề trong Điều lệ nhiệm kỳ II chưa đề cập hoặc đã đã đề cập nhưng cần viết rõ hơn cho phù hợp với công tác xây dựng Hội, phát triển hội viên trong tình hình hiện nay.
B- Những nội dung sửa đổi, bổ sung
Điều lệ bổ sung, sửa đổi lần này có 8 chương, 28 điều (tăng 3 điều so với Điều lệ nhiệm kỳ II). Cụ thể như sau:
 
Chương I:  QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 3:
- Bổ sung cụm từ “ Hội thành lập theo QĐ số 1032/QĐ-BNV ngày 13/5/2011 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ” vào khoản 1 Điều 3.
- Bổ sung thêm quy định về Ngày truyền thống của Hội là ngày 13/5/2011.
- Bổ sung cụm từ “ Hội có thể lập Văn phòng đại diện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật” vào khoản 3, Điều 3.
- Bổ sung thêm một điều về Nguyên tắc tổ chức, hoạt động (Điều 5) nội dung  như sau:
Điều 5: Nguyên tắc tổ chức, hoạt động (Điều mới)
1) Tự nguyện, tự quản, hợp tác và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật
2) Tập hợp, đoàn kết, đồng thuận, dân chủ và công khai, minh bạch
3) Tự bảo đảm kinh phí hoạt động
4) Không vì mục đích lợi nhuận
5) Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội.
 
Chương II.NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
Điều 6. Nhiệm vụ (Điều 7 mới)
- Thêm cụm từ “ chương trình hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt nam theo chương trình và phạm vi” vào khoản 1, điều 6: Nhiệm vụ của Hội.
- Bổ sung nhiệm vụ thứ 6: “ Mở rộng hoạt động quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn tài trợ giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật để trợ giúp về vật chất và tinh thần, tạo điều kiện chăm sóc, cải thiện đời sống hội viên”vào phần nhiệm vụ của Hội.
 
Chương III:  HỘI VIÊN
Điều 7:  Hội viên, tiêu chuẩn hội viên (Điều 8 mới)
Sắp xếp lại các khoản mục tại Điều 7, bỏ phần: Hội viên danh dự tại mục c, khoản 1, Điều 7;bỏ khái niệm “Hội viên chính thức; hội viên danh dự và viết lại phần khái niệm về hội viên tổ chức và Hội viên cá nhân như sau:
1- Hội viên của Hội gồm: Hội viên tổ chức và hội viên cá nhân.
a) Hội viên tổ chức: Các tổ chức Hội, Ban liên lạc truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Hội, Ban liên lạc các đơn vị truyền thống; các tổ chức trực thuộc Hội Trường sơn Việt nam; các tổ chức hoạt động có liên quan đến việc kế thừa, giữ gìn, phát huy di sản truyền thống và tri ân tình nghĩa Trường sơn; tự nguyện và tán thành Điều lệ Hội sẽ được xem xét kết nạp là hội viên của Hội.
 
b) Hội viên cá nhân: Công dân Việt Nam đã hoạt động,chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh; lực lượng kế thừa truyền thống Trường Sơn thuộc Binh đoàn 12 – Tổng công ty xây dựng Trường sơn; con của Hội viên Trường Sơn và các cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến việc kế thừa, giữ gìn, phát huy di sản truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện tham gia hoạt động Hội.
 
2 -  Tiêu chuẩn Hội viên
a) Hội viên tổ chức: Trước khi gia nhập Hội không vi phạm pháp luật, nội bộ đoàn kết thống nhất; có uy tín và ảnh hưởng tốt trong xã hội; Tự nguyện và tán thành Điều lệ Hội Trường Sơn Việt Nam được xem xét kết nạp là hội viên tổ chức của Hội.
b) Hội viên cá nhân: Phải là công dân có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức chấp hành Pháp luật, kỷ luật tốt. Tại thời điểm xin gia nhập Hội không có tiền án, tiền sự, không mắc các tệ nạn xã hội.
 
Điều 8:  Quyền của hội viên (Điều 9 mới)
- Bỏ toàn bộ khoản 8, Điều 8: Hội viên danh dự được hưởng...
Điều 9 : Nghĩa vụ của hội viên (Điều 10 mới).Viết lại khoản 1, 2 như sau:
1-  Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chấp hành điều lệ, nghị quyết, quy chế hoạt động của Hội.
2-  Tham gia các hoạt động và sinh hoạt của Hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Hội phân công; đoàn kết hợp tác với các hội viên khác để xây dựng Hội phát triển vững mạnh; đấu tranh chống những tư tưởng, hành động sai trái để bảo vệ uy tín của Hội; không được nhân danh Hội trong các quan hệ giao dịch trừ khi được lãnh đạo Hội phân công giao nhiệm vụ.
3-  Thực hiện chế độ thông tin báo cáo.
4-  Đóng hội phí đầy đủ và đúng hạn theo quy định của Hội.
Điều 10:  Thủ tục, thẩm quyền kết nạp hội viên, thủ tục ra khỏi Hội  (Điều 11 mới)
Thay từ “Trong thời gian 20 ngày sau khi kết nạp...” bằng cụm từ “ Trong thời gian 10 ngày sau khi kết nạp...” trong mục b, khỏan 1;
Thay cụm từ “Khai trừ hội viên” bằng cụm từ “đưa ra  khỏi danh sách hội viên” ở mục b, khoản 2.
Bỏ đoạn “ Đối với hội viên cá nhân: Mất năng lực hành vi dân sự, mất quyền công dân, mất tích hoặc chết” và cụm từ “ Đối với hội viên tổ chức: Mất tư cách pháp nhân” trong mục b, khoản 2 và thay cụm từ “Hai mươi ngày” bằng từ “Mười ngày” trong mục c, khoản 2
Bổ sung cụm từ “ Vì lý do khác nhau” vào đầu điểm 4, mục b, khoản 2.
Sửa cụm từ “Không đóng Hội phí từ 6 tháng, kể từ khi Hội thông báo nhắc nhở lần hai” thành “Không đóng Hội phí một năm mặc dù đã được Hội thông báo, nhắc nhở”.
Thay cụm từ “ đưa ra khỏi danh sách hội viên” cho cụm từ “ chấm dứt tư cách hội viên” trong mục c, khoản 2.
 
Chương IV: TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG.
Điều 12:  Đại hội (Điều 13 mới): Bổ sung cụm từ “hoặc đại hội toàn thể hội viên” vào khoản 2 và cụm từ “hoặc hội viên” vào Mục b của khoản 4.
“2. Đại hội nhiệm kỳ và Đại hội bất thường được tổ chức dưới hình thức Đại hội Đại biểu hoặc Đại hội toàn thể hội viên”.
4.b “Việc biểu quyết thông qua các quyết định của Đại hội phải được trên 1/2 đại biểu hoặc hội viên chính thức có mặt dự Đại hội biểu quyết tán thành”.
 
Điều 13: Ban chấp hành Hội (Điều 15 mới)
Viết lại khoản 1: Ban Chấp hành là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ Đại hội do Đại hội bầu trong số các đại biểu chính thức dự Đại hội. Danh sách và số lượng ủy viên Ban Chấp hành do Ban Chấp hành nhiệm kỳ trước chuẩn bị, giới thiệu nhân sự để Đại hội quyết định. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành cùng với nhiệm kỳ của Đại hội.
Thay từ “miễn nhiệm” bằng cụm từ “ cho thôi giữ chức danh” ở mục đ, khoản 2.
Thay cụm từ “khai trừ hội viên” bằng cụm từ “ đưa ra khỏi danh danh sách hội viên” ở mục e, khoản 2.
Chuyển mục e, khoản 2 sang Điều 14 (Điều 16 mới) phần Nhiệm vụ của Ban Thường vụ và bổ sung thêm nhiệm vụ của Ban Chấp hành (mục e, khoản 2 mới) như sau:
e) Xem xét bổ sung, suy tôn Chủ tịch danh dự, Ủy viên Ban Chấp hành danh dự trong các trường hợp thật cần thiết.
- Bổ sung khoản 4 vào Điều 13 (Điều 15 mới):
4. Ủy viên Ban Chấp hành Hội thôi tham gia ủy viên Ban chấp hành nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Không còn là đại diện của Hội viên tổ chức (Hội thành viên);
b) Không tham gia họp Ban chấp hành hai lần liên tiếp mà không có lý do, không báo cáo Ban Chấp hành;
c) Hội viên bị chấm dứt tư cách hội viên theo quy định tại mục b khoản 2, Điều 11, Điều lệ này.
 
Điều 14:  Ban Thường vụ Hội(Điều 16 mới)
Bổ sung cụm từ “ xây dựng kế hoạch” vào sau từ Ban chấp hành ở mục a, khoản 2.
Thay cụm từ “miễn nhiệm lãnh đạo” bằng cụm từ “ cho thôi chức danh lãnh đạo” trong mục c, khoản 2.
Chuyển nhiệm vụ về : Quyết định khen thưởng, kỷ luật, kết nạp, đưa ra khỏi danh sách hội viên theo quy định của Điều lệ Hội và quy định của pháp luật từ Nhiệm vụ của BCH về phần Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thường vụ cho phù hợp.
Sắp xếp lại khoản 4, Điều 14  (Điều 16 mới) như sau:
4-  Thường trực hội gồm có Chủ tịch, các Phó chủ tịch, thường xuyên chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Hội theo Nghị quyết của BCH, Ban Thường vụ và quy định của pháp luật.
 
Điều 15:  Ban Kiểm tra(Điều 17 mới)
Bổ sung cụm từ “Quy chế làm việc của BCH, Quy chế công tác tài chính trong các tổ chức, đơn vị trực thuộc Hội và hội viên” và sắp xếp lại mục a khoản 2 như sau:
          a) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ Hội, Nghị quyết Đại hội; Nghị quyết, quyết định của BCH, Quy chế hoạt động của Hội, Quy chế làm việc của BCH, Quy chế công tác tài chính trong các tổ chức, đơn vị trực thuộc Hội và hội viên.       
          Điều 16:  Văn phòng Hội (Điều 18 mới)
          Viết lại nội dung Điều 16 (Điều 18 mới): 1) Văn phòng Hội được tổ chức và hoạt động tuân thủ Điều lệ và Quy chế của Hội. Văn phòng là cơ quan giúp lãnh đạo Hội trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình điều hành các hoạt động của Hội và tổng hợp tình hình theo quý, 6 tháng, một năm để báo cáo Ban Thường vụ, BCH theo quy định. Chánh văn phòng có trách nhiệm quản lý và điều hành hoạt động hàng ngày của Văn phòng Hội.
          2. Một số chức danh cán bộ, nhân viên của Văn phòng Hội làm việc theo chế độ hợp đồng có thời hạn theo quy định của Bộ luật Lao động.
          - Bỏ khoản 3 trong điều 16.
 
          Điều 17. Hội viên tổ chức; Hội thành viên; chi hội, ban chuyên môn và các đơn vị trực thuộc Hội(Điều 20 mới)
          Sắp xếp lại điều 17  (Điều 20 mới) như sau: Bỏ khoản 1 của điều 17. Tách phần Hội thành viên; Chi hội thành một điều (Điều 20 mới); Ban chuyên môn và các đơn vị trực thuộc Hội thành một điều riêng (Điều 19 mới).
          Điều 20:  Hội thành viên; chi hội.
          1- Hội thành viên: Là các Hội, Ban liên lạc truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Hội, Ban liên lạc đơn vị truyền thống trực thuộc Hội Trường Sơn Việt Nam; các tổ chức hoạt động liên quan đến việc kế thừa, giữ gìn, phát huy truyền thống và tri ân tình nghĩa Trường Sơn, tán thành Điều lệ, tự nguyện gia nhập Hội được xem xét công nhận là hội thành viên của Hội Trường Sơn Việt Nam.
          2-  Hội thành viên có nhiệm vụ:
          a) Chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Hội. Tổ chức hoạt động theo Điều lệ Hội Trường Sơn Việt Nam đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ hàng quý, sáu tháng, một năm về tình hình, kết quả hoạt động của Hội với Hội Trường Sơn Việt Nam;
          b) Đề cử, giới thiệu đại diện vào cơ quan lãnh đạo Hội Trường Việt Nam;
          c) Tập hợp, đoàn kết hội viên; tổ chức các hoạt động chia sẻ tình nghĩa, động viên giúp đỡ hội viên theo khả năng của Hội phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội.
          d) Thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội Trường Sơn Việt Nam. Được Hội Trường Sơn Việt Nam tạo điều kiện trong hoạt động và bảo vệ quyền, lợi ích hợp phápcủa hội viên tổ chức.
          3- Mối quan hệ của tổ chức thành viên:
          a) Với Hội Trường Sơn Việt Nam: Hội thành viên chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của Hội Trường sơn Việt nam về thực hiện Điều lệ Hội; Về công tác tổ chức xây dựng Hội và các hoạt động trong lĩnh vực giữ gìn, phát huy truyền thống, hoạt động tri ân tình nghĩa Trường Sơn;
          b) Mối quan hệ giữa các tổ chức Hội thành viên: Là mối quan hệ phối hợp để cùng thực hiện tôn chỉ, mục đích của Hội. Trong trường hợp hội viên của cá đơn vị truyền thống, vừa sinh hoạt trong các đơn vị truyền thống, vừa sinh hoạt Hội địa phương thì phải chấp hành sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn của hai bên. Riêng việc thực hiện chính sách về nhà ở của Hội Trường Sơn Việt Nam thì do Hội địa phương thực hiên. Hội, Ban liên lạc truyền thống các tỉnh, thành phố tạo điều kiện, giúp đỡ để các Hội, Ban Liên lạc các đơn vị truyền thống hoạt động.
          4-  Nguyên tắc, thủ tục gia nhập Hội và thôi làm tổ chức thành viên:
          - Các hội viên tổ chức tự nguyện là hội thành viên của Hội Trường Sơn Việt Nam thì làm đơn theo mẫu do Ban chấp hành Hội quy định và được Ban thường vụ xem xét công nhận bằng văn bản. Nếu tự nguyện ra khỏi Hội phải có đơn, được Ban thường vụ Hội xem xét quyết định cho thôi là tổ chức thành viên.
          5-  Chi hội là tổ chức cơ sở được tổ chức trong các Hội thành viên. Chi hội không bầu Ban chấp hành mà bầu chi hội trưởng, chi hội phó; những chi hội có số lượng hội viên đông, có thể bầu 2 chi hội phó. Chi hội có nhiệm vụ:
          a) Quản lý hội viên, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chương trình công tác của Hội;
          b) Thu hội phí của hội viên; tập hợp, phản ánh các nguyện vọng, kiến nghị của hội viên với lãnh đạo Hội;
          c) Thực hiện quy chế về tổ chức và hoạt động của chi hội do Ban thường vụ Hội quy định.
 
          Điều 18:  Chủ tịch, chủ tịch danh dự, Ủy viên danh dự BCH và các Phó Chủ tịch.
- Tách phần Chủ tịch danh dự, Ủy viên BCH danh dự viết thành một điều riêng (Điều 13 mới):
Điều 13:  Chủ tịch danh dự, Ủy viên BCH danh dự
1- Chủ tịch danh dự, ủy viên BCH danh dự của Hội Trường Sơn Việt Nam là các đồng chí được Đại hội, Ban Chấp hành suy tôn vì đã có cống hiến, đóng góp to lớn đối với chiến trường Trường Sơn trước đây cũng như quá trình xây dựng và phát triển của Hội Trường Sơn Việt Nam hiện nay.
2. Chủ tịch danh dự, Ủy viên BCH danh dự được mời tham dự Đại hội, hội nghị BCH, hội nghị tổng kết và các hoạt động lớn của Hội; Nhưng không tham gia biểu quyết các vấn đề của Hội và việc ứng cử, đề cử, bầu cử BCH, Ban Kiểm tra của Hội.
- Viết lại mục b khoản 4, Điều 18 (Điều 21 mới) ( mục b, khoản 3,Điều 21 mới): Phó Chủ tịch thường trực – Tổng thư ký được Chủ tịch Hội ủy quyền ký giao dịch tài khoản của Hội; là người chỉ đạo, tổ chức, điều hành các hoạt động thường xuyên của cơ quan Hội, chuẩn bị nội dung các cuộc họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; lập báo cáo quý, sáu tháng, hàng năm, báo cáo nhiệm kỳ của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch Hội về nhiệm vụ được giao. Thay mặt Chủ tịch Hội điều hành công việc hoạt động của Hội khi Chủ tịch đi vắng, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch về việc giải quyết công việc trong thời gian điều hành.
 
Chương VII. KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
 
Điều 23:  Kỷ luật: Viết lại Khoản 1, Điều 23 (Điều 26 mới):
1-  Tổ chức, hội viên, đơn vị thuộc Hội vi phạm pháp luật, vi phạm Điều lệ, quy định, quy chế hoạt động của Hội thì tùy theo mức độ sai phạm có thể bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật:
a) Với tập thể: Khiển trách, cảnh cáo;
b) Với cá nhân: Khiển trách, cảnh cáo;
 Trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra và xử lý theo pháp luật.
                                                  
                                                              BAN CHẤP HÀNH
                                                   HỘI TRƯỜNG SƠN VIỆT NAM
 

 TÀI LIỆU THỨ 4

 
 
         DỰ THẢO 
                                      
 ĐỀ ÁN

Nhân sự Ban Chấp hành Hội Truyền thống Trường Sơn
Đường Hồ Chí Minh Việt Nam lần thứ 3
Nhiệm kỳ 2021 - 2026
 

          -  Căn cứ Điều lệ Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (Hội Trường sơn việt Nam) nhiệm kỳ 2016 – 2021.
          - Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Hội và tình hình thực tế về nhân sự Ban Chấp hành nhiệm kỳ II và yêu cầu của nhiệm kỳ III.
          Ban Chấp hành Hội Việt Nam khóa 2 xây dựng đề án về nhân sự Ban chấp hành nhiệm kỳ III (2021 – 2026) trình Đại hội như sau:
          Ban chấp hành Hội Trường sơn Việt Nam nhiệm kỳ III (2021 - 2026) cần đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, có số lượng, cơ cấu hợp lý, phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn toàn diện trên các mặt hoạt động của các tổ chức thành viên thuộc Hội Trường Sơn Việt Nam.
          I- Về nhân sự Ban Chấp hành khóa 3:
A- Tiêu chuẩn:
1- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết và tự nguyện tham gia Hội.
          2- Có phẩm chất, đạo đức trong sáng, gương mẫu, trung thực, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm, biểu hiện sai trái để bảo vệ uy tín của Hội và quyền lợi hợp pháp của hội viên, được hội viên tín nhiệm.
          3- Có khả năng quy tụ và tập hợp hội viên, có năng lực, kinh nghiệm lãnh đạo, tổ chức, điều hành các hoạt động thực hiện tôn chỉ, mục đích của Hội.
          4- Có mối quan hệ tốt và có uy tín với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương; đoàn kết tốt trong nội bộ, có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và Điều lệ Hội, sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan có liên quan. Có đủ sức khỏe và điều kiện tham gia các hoạt động của Hội.
          B- Cơ cấu, số lượng:
          1- Cơ cấu:
          - Vì tổ chức thành viên và hội viên  của Hội đông, đa dạng (94 tổ chức thành viên, trên 300.000 hội viên) nên cần có cơ cấu hợp lý, phù hợp với tổ chức, hoạt động của Hội, có ủy viên ở các Ban thuộc cơ quan Hội Trường Sơn Việt Nam và ủy viên đại diện cho các tổ chức thành viên: Các Hội, Ban Liên lạc tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị truyền thống cấp Cục, Ngành, Sư đoàn , đơn vị đặc thù và ở các tổ chức Trung tâm thuộc Hội, có ủy viên đại diện cho lực lượng Nữ, lực lượng văn nghệ sỹ, lực lượng doanh nhân Trường Sơn và một số Doanh nhân, cá nhân hoạt động thiện nguyện có tâm huyết và có điều kiện. Tuy nhiên, vẫn phải lấy tiêu chuẩn là chính. Cụ thể cơ cấu gồm:
         
1- Lãnh đạo Hội: (Thường trực)                                                              = 7 người
2-Tư vấn Thường trực                                                                             =  2 người
3- Trưởng, Phó ban cơ quan Hội Trường Sơn Việt Nam                         = 17 người
          4- Chủ tịch Hội cấp Tỉnh, Thành phố (chưa tính Hội Tỉnh Hà Nam)      = 39 người
          5- Trưởng BLL cấp Tỉnh, Thành phố (chưa tính Cần Thơ, Quảng Nam) = 6 người
          6- Chủ tịch Hội, Trưởng Ban liên lạc cấp Cục, Ngành, Sư đoàn:          = 13 người
          7- Trưởng BLL đơn vị đặc thù:                                                     = 01 người
                                                              (Giao vận  Quảng Đà)
          8- Đại diện lực lượng Nữ: 13 đơn vị                                             = 14 người
  (Gồm Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hội Nữ chiến sỹ Trường sơn TW, Ban Công tác Nữ Trung tâm Thăm chiến trường xưa, Trung tâm Hỗ trợ Nhân đạo Trường Sơn chưa tính Hà Nam)
          9- Đại diện văn Nghệ sỹ:                                                              = 3 người
          9- Các Doanh nhân, cá nhân hoạt động thiện nguyện:                  = 3 người
          2- Số lượng từ 105 – 107 đồng chí
                                Nữ        : 17
          Dự kiến Ban chấp hành khóa II đại đa số được tái cử khóa III (89 đ/c), trừ một số ít đồng chí tuổi cao, sức khỏe yếu, điều kiện hoạt động khó khăn. Cần bổ sung 14 - 16 đồng chí mới tham gia lần đầu.
          II- Ban Kiểm tra
          1- Tiêu chuẩn:
          Là hội viên, có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động của Hội, có kiến thức và am hiểu các lĩnh vực liên quan đến công tác kiểm tra của Hội.
          2- Số lượng, cơ cấu:
          Số lượng 05 đồng chí: Trưởng ban, 01 đ/c Phó ban, 03 đ/c Ủy viên
          III- Ban thường vụ, thường trực Hội (trình BCH)
          1- Ban Thường vụ: là các đồng chí tiêu biểu trong Ban chấp hành
          + Cơ cấu gồm: - Các đồng chí thường trực                                                      
  • Các đồng chí tư vấn                                                  
  • Các đồng chí Trưởng ban, Chánh Văn phòng                     
  • Đại diện Hội doanh nhân, Hội VHNT Trường Sơn,
  •  Hội Nữ CSTS – Đường Hồ Chí Minh
  • Đại diện Hội Trường sơn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh         
          + Số lượng:  21 đồng chí
          2- Thường trực: Là các đồng chí tiêu biểu trong thường vụ, có khả năng chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Hội.
  • Số lượng: 07 (Chủ tịch, 6 Phó Chủ tịch)
 
BÁO CÁO NHỮNG THAY ĐỔI BCH NHIỆM KỲ 3


          I- Ban Chấp hành danh dự khóa II có 21 đồng chí
1- Đ/c Đồng Sỹ Nguyên,  từ trần
2- Đ/c Tô Huy Rứa, nguyên UVBCT, nguyên TBTCTW (nên thôi)
3- Đ/c ngô Văn Dụ, nguyên UVBCT, nguyên Chủ nhiệm UBKTTW
4-Đ/c Trần Văn Tuấn, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Bộ trưởng BNV
5- Đ/c Lê Ngọc Hoàn, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT
6- Hoàng Xuân Lộc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái
7- Đ/c Vũ Trọng Kim, nguyên UVBCHTW Đảng, nguyên Phó Chủ tịch-Tổng thư ký UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam (sẽ chuyển về Đà Nẵng).
8- Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó tư lệnh Trường sơn
9- Thiếu tướng Tô Đa Mạn, nguyên Phó Chủ nhiệm TCHC
10- Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, AHLLVTND, nguyên Tư lệnh BĐ15 (nghiên cứu)
11-Đại tá Phan Hữu Đại, nguyên Chính ủy Sư đoàn 571 (sức khỏe yếu)
12- Đại tá Mai Trọng Phước, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu (sức khỏe yếu)
13-Đại tá nguyễn Đức Thuận, nguyên Tư lệnh BĐ12, đã tham gia BCH khóa 2
14- Thiếu tướng Đào Văn Tân, nguyên Chính ủy BĐ12 (nên thôi cơ cấu)
15- Đ/c Phan Văn Quý, AHLLVTND Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương
16- Đ/c Lê Văn Kiểm, QHLĐ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn sân gôn Long Thành (nên thôi)
17-Đ/c Nguyễn Đăng Giáp, AHLĐ nguyên TGĐ Tổng CT 36-BQP (nên thôi)
18- Đ/c Nguyễn Đình Trường, AHLĐ, nguyên Chủ tịch HĐQT-Tổng CT may Việt Tiến
19- Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc CT Thái Bình Hưng Yên
20- Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12
21- Đại tá Vũ Phúc Hậu, Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh BĐ12
          *- Cần bổ sung
          - Đ/c Phạm Khắc Xuân, Giám đốc Công ty Vạn Xuân (Đà nẵng)
          II- Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2 (2016 - 2021)
          -Hiện Ban Chấp hành còn: 96 đồng chí
Cuối năm 2019 còn 102 giảm 6, trong đó từ trần 03 (đ/c Tòng, đ/c Hoàn, đ/c Phúc Công binh) , đã nghỉ 3 đ/c (Thảo, Phan Tuấn, Thanh (Ninh Bình), còn 96
  • Trong số 96, có 7 đ/c ủy viên BCH nghỉ tham gia nhiệm kỳ III, còn 89
1- Đ/c Bùi Xuân Chúc, nguyên Chủ tịch Tỉnh Hội Bắc Ninh
2- Đ/c Trần Trọng Dương, nguyên Chủ tịch Tỉnh Hội Lào Cai 3- Đ/c Trần Kỷ     Chủ tịch Tỉnh Hội Hà Tĩnh (sức khỏe đã có đơn)
4- Đ/c Ngô Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội Vĩnh Phúc (sức khỏe)
5- Đ/c Đinh Công Nguyệt, nguyên Chủ tịch Tỉnh Hội Tây Ninh
6- Đ/c Nguyễn Văn Tợi , nguyên Chủ tịch Tỉnh Hội Quảng Bình 
7- Đ/c Nguyễn Hữu Sửu, nguyên Chủ tịch Hội Phú Thọ
          III- Các trường hợp cần nghiên cứu:
1- Đỗ Văn Đoan, Chủ tịch Hội Gia lai (sức khỏe yếu)
2- Phạm Hoa, Ủy viên thường vụ khóa 2
3- Phan Văn Mười, Chủ tịch Hội Hưng Yên (trước đã xin nghỉ BCH)
4- Trần Kỷ, Chủ tịch Hội Hà Tĩnh
5- Nguyễn Thanh hà, Phó Ban Chính sách
6- Trương Thị Hoài Thanh, Hà Nam
          IV- Các Đ/c Chủ tịch, Phó Chủ tịch mới kiện toàn cần cơ cấu BCH nhiệm kỳ 3.
1- Nguyễn Trung Phụng, Chủ tịch Hội Bắc Ninh
2- Nguyễn Văn Chín,  Chủ tịch Hội Vĩnh Phúc
3- Phạm Văn Chiến,  Chủ tịch Hội Lào Cai
4- Đại tá Nguyễn Tiến Đặng,  Chủ tịch Hội Phú Thọ
5- Trần Xuân Sinh, Chủ tịch Hội Ninh Bình
6- Nguyễn Quốc Trưởng, Chủ tịch Hội Quảng Bình
7- Vũ Quốc Hội,  Chủ tịch Hội Phú Yên
8- Đinh Viết Phú,  Chủ tịch Hội Tây Ninh
9- Trần Bá Linh Phó Chủ tịch Hội Hà Tĩnh, (đề xuất của đ/c Kỷ)
10- Đại tá Đỗ Đức Dương, TMCB (thay đ/c Phúc)
          V- Đại biểu Nữ:
           Hiện  nay Ban chấp hành nhiệm kỳ II mới có: 9 Tỉnh = 10 đồng chí đề nghị cơ cấu thêm 4 đơn vị nâng tổng số lên 13 đơn vị = 17 đ/c
 
  • Ngô Thị Tuyết, Đồng Thị Mai                  Hà Nội                                            
  • Phạm Thị Mỵ,                                            Chu tịch Hội Nữ Thái Bình
  • Trần Thị Thanh                                          Trưởng BLL Nữ Nam Định
  • Nguyễn Thị Vinh                                       Trưởng BLL Nữ Bắc Giang
  • Đặng Thị Xuân                                          Trưởng BLL Nữ Quảng Quảng Ninh
  • Ngô Thị Nguyệt                                         Trưởng BLL Nữ Thanh Hóa
  • Trần Thị Chung                                         Chủ tịch Nữ TS Việt Nam
  • Nguyễn Thị Thu Yến                                 Phó CT, Phó Ban Công tác Nữ
  • Vũ Thúy Lành                                           Giám đốc TT chiến trường xưa
 Nhiệm kỳ III, cần cơ cấu thêm lực lượng Nữ 4 đơn vị:
  • Ngô Thị Lan                          Chủ tịch Hội Nữ Nghệ An
  • Nguyễn Thị Tường               Trưởng BLL Nữ Hà Tĩnh
-  Nguyễn Thị Phương Lài         Ủy viên Thường vụ Hội TS Quảng Bình
  • Triệu Thị Hà,                         Giám đốc TT Hỗ trợ Nhân đạo Trường Sơn
VI- Đề xuất các Ủy viên với tư cách cá nhân
  • Đ/c Ngô Ngọc Thanh, hội viên F470 nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông
  • Đ/c Nguyễn Thị Bình, hội viên tại Thành phố Hồ Chí Minh
  • Đ/c Nguyễn Văn Trung, hội viên Trường Sơn Tiểu đoàn 166
                              Tổng số 103
VII- Ban Kiểm tra
  • Hiện nay Ban Kiểm tra nhiệm kỳ 2 con ổn định đề nghị nhiệm kỳ 3 vẫn giữ nguyên
1- Thái Sầm, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban
2- Bùi Hoàng Kim, UVBCH, Phó trưởng ban
3- Nguyễn Văn Tạo, UVBCH, ủy viên
4- Hoàng Như Ới, F344, ủy viên
5- Nguyễn Doãn Thanh, Ủy viên
 
BÁO CÁO
BAN CHẤP HÀNH KHÓA II
(12/2020)
          I- Đã mất:
1- Lê Quang Mọn                       Lạng Sơn
2- Trần Danh Bích                      Phó Chủ tịch
3- Bùi Hòa Bình                         Yên Bái
4- Trần Thành Chính                  Phú Yên
5- Đàm Văn Hoàn                      Phó Ban Lịch sử - Truyền thống
6-Nguyễn Bá Tòng                     Phó Chủ tịch
7- Đặng Văn Phúc                      Công binh
          II- Ban Chấp hành nghỉ từ 2019 về trước
1- Lê Xuân Bá                            Đắc lắc
2- Hoàng Hữu Bảo                     F968
3- Trần Hồng Bắc                       Cao Bằng
4- Hà Quốc Cường                     Quảng Nam
5- Thân Bá Chi                           Bắc Giang
6- Phạm Nguyên Hòa                 F344
7- Phan Tiến Hùng                     Hà Nội
8- Phạm Duy Khiêm                   Khánh Hòa
9- Bùi Đức Long                        Bình Thuận
10- Bùi Phan Tuấn                     Hà Nội
11- Trương Đình Tiến                Hà Nam
12- Lê Thị Phương Thảo            Phó Chủ tịch
13- Lê Năng Thanh                    Ninh Bình
14- Lê Phước Sơn                      Quảng Trị
15- Hồ Văn Hồng                       Sơn La
          III- Bầu bổ sung từ 2019 về trước
1- Đặng Đình Đường                 Đắc Lắc
2- Lê Quang Huân                      F968
3- Nhữ Ngọc Thắng                   Cao Bằng
4- Nguyễn Quang Huấn             Bắc Giang
5- Phan Huy Thục                      F344
6- Nguyễn Đức Thuận                Hà Nội
7- Đậu Quốc Hương                   Khánh Hòa
8- Phạm Ngọc Mão                               Bình Thuận
9- Ngô Quốc Quỳ                       Phó Ban Tổ chức
10- Đinh Công Nguyệt               Tây Ninh
11- Dương Văn Trường             Sơn la
12- Nguyễn Tiến Quang             Yên Bái
13- Lý Danh Nông                     Lạng Sơn
14- Lê Phước Sơn                      Quảng Trị
15- Lê Văn Hói                          Quảng Trị
 
 
 TÀI LIỆU THỨ 5

 

 Dự thảo
 
BÁO CÁO
CÔNG TÁC KIỂM TRA NHIỆM KỲ II
(2016 – 2021)

 
          Thực hiện Nghị quyết, Điều lệ Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 thông qua ngày 8/9/2016.
          Trong 5 năm của nhiệm kỳ, công tác kiểm tra đã triển khai được nhiều việc và đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ II Hội Trường Sơn Việt Nam đề ra.
          1- Xây dựng Quy chế, kiện toàn đội ngũ cán bộ, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra.
          Ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Trường Sơn  Việt Nam lần thứ II (tháng 9 năm 2016) được sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực, Ban Kiểm tra Hội Trường Sơn Việt Nam đã ban hành Quy chế làm việc cả nhiệm kỳ (tháng 1 năm 2017). Các Hội thành viên sau đại hội nhiệm kỳ đều ban hành Quy chế làm việc, có một số Hội và Ban Liên lạc truyền thống, Ban Kiểm tra ra văn bản “Chương trình kiểm tra giám sát trong nhiệm kỳ” được lãnh đạocùng cấp phê duyệt.
          Hệ thống Quy chế, Quy ước công tác kiểm tra từ Hội Trường Sơn Việt Nam đến các tổ chức thành viên đều được ban hành và vận hành tương đối thống nhất, hoạt động khá tích cực, hiệu quả, từng bước đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo và có uy tín đối với hội viên.
          Ban Kiểm tra Hội Trường Sơn Việt Nam có 5 thành viên, duy trì nghiêm chế độ sinh hoạt hàng quý vừa quán triệt Nghị quyết của Ban Thường vụ, vừa xác định nội dung trọng tâm trong công tác kiểm tra giám sát quý. Những đơn vị có đơn đề nghị, kiến nghị, tố cáo, tùy nội dung và tính chất phức tạp, Ban Kiểm tra tổ chức hội ý đột xuất, dân chủ thảo luận đưa ra phương án sử lý phù hợp, tham mưu cho Thường trực Hội Trường Sơn Việt Nam chỉ đạo cơ sở triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
          Ban Kiểm tra Hội Trường Sơn Việt Nam tích cực tham gia các buổi giao ban tuần ở cơ quan Trung ương Hội. Được Thường trực mời dự họp Ban Thường vụ hàng quý và họp Ban Chấp hành hàng năm. Được tham gia đoàn công tác của thường trực xuống dự sinh hoạt nắm tình hình hoạt động của các tổ chức Hội thành viên nhất là những Hội có khó khăn hoặc có dấu hiệu vi phạm. Những hoạt động trên vừa tạo điều kiện để các thành viên trong Ban Kiểm tra hiểu sâu hơn, thực chất hơn các nội dung hoạt động của tổ chức Hội cơ sở vừa giúp Ban kiểm tra thực hiện công tác kiểm tra giám sát hiệu quả hơn đối với Hội cơ sở.
          Ban Kiểm tra các Hội thành viên biên chế phổ biến 3 đồng chí do 1 đồng chí Phó Chủ tịch làm Trưởng ban, các Ban liên lạc truyền thống phân công một đồng chí Phó Ban liên lạc trực tiếp làm công tác kiểm tra. Hoạt động công tác kiểm tra ở các Hội thành viên tích cực và đạt được một số kết quả thiết thực. Ban Kiểm tra Tỉnh Hội Hà Giang xây dựng Chương trình kiểm tra giám sát ở 5 Ban Liên lạc cấp huyện, có kết luận báo cáo Thường trực và Ban Chấp hành xem xét trước lúc có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định cho phép mở đại hội thành lập Hội cấp huyện. Ban kiểm tra tỉnh Hội Ninh Bình, quá trình kiểm tra giám sát phát hiện hiện tượng trích laỊ % tiền xây dựng nhà tình nghĩa không đúng quy định đã tham mưu cho Thường vụ và đồng chí Chủ tịch tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất đối tượng được thụ hưởng chính sách góp phần làm trong sạch nội bộ. Ban Kiểm tra tỉnh Hội Thái Nguyên xác định được khâu yếu của Hội, tham mưu cho Thường trực tỉnh Hội đi sâu giám sát và kiểm tra Quy chế thi đua khen thưởng và quỹ nghĩa tình Trường Sơn. Khi có đơn kiến nghị tố cáo đã chủ động tham mưu với Thường vụ và triển khai bài bản kết luận đúng sai rõ ràng được lãnh đạo Hội và hội viên tin tưởng. Ban Kiểm tra tỉnh Hội Lào Cai, qua kiểm tra giám sát đã phát hiện được việc kết nạp hội viên ở một số Chi hội theo kiểu “đánh trống ghi tên” đồng thời làm rõ lý do 30 đồng chí hội viên bỏ sinh hoạt, kiến nghị với Thường vụ, với Ban Chấp hành rút kinh nghiệm trong quản lý và phát triển hội viên ….
          Những kết quả trên, công tác kiểm tra đã góp phần tích cực xây dựng tổ chức Hội cấp mình phát triển đúng hướng, đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Hội, ngăn chặn được tiêu cực xẩy ra. Kết thúc nhiệm kỳ II có trên 94% tổ chức Hội thành viên của Hội Trường Sơn Việt Nam không có đơn kiến nghị tố cáo, nội bộ cơ bản đoàn kết. Một số Hội thành viên có số lượng hội viên đông, địa bàn hoạt động rộng, ban lãnh đạo Hội luôn tạo được sự đồng thuận cao, xây dựng Hội phát triển vững chắc, có mối quan hệ tốt và uy tín với chính quyền địa phương như Hội Trường Sơn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái, Hội Trường Sơn Sư đoàn 471, 571…
          Tuy nhiên hoạt động công tác kiểm tra cũng có một số khuyết nhược điểm cần rút kinh nghiệm:
          -  Năng lực nghiệp vụ công tác kiểm tra còn hạn chế, lúng túng biện pháp khắc phục sai sót, khuyết điểm xẩy ra ở Hội cấp mình.
          - Bản lĩnh cán bộ làm công tác kiểm tra trước diễn biến tiêu cực trong đơn vị thiếu  vững vàng, có biểu hiện “giao động”, chưa kiên trì tham mưu đề xuất cho lãnh đạo Hội cấp mình sử lý hoặc sử lý thiếu khách quan làm cho tình hình phức tạp hơn, uy tín của cán bộ kiểm tra bị giảm sút ….
          2- Giải quyết đơn kiến nghị, tố cáo…
          a- Trong nhiệm kỳ 2016 – 2021 Thường trực Hội Trường Sơn Việt Nam nhận được 16 đơn đề nghị, kiến nghị, khiếu nại tố cáo (viết gọn đơn kiến nghị tố cáo) ở 9 đơn vị thành viên: Hội Trường Sơn tỉnh Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Hà Nam, Lào Cai, Hội Sư đoàn 344, Sư đoàn 470.
          Trong 16 đơn kiến nghị, tố cáo đối với tập thể và cá nhân thì có 13/16 đơn đề nghị, kiến nghị; 3/16 đơn kiến nghị, khiếu nại và tố cáo.
          Cũng trong  16 đơn đề nghị, kiến nghị thì có 6 đơn vị đề nghị đối với  tập thể  trong đó có một đơn thuộc thẩm quyền Hội Trường Sơn Việt Nam giải quyết, còn  5 đơn kiến nghị, đề nghị vượt cấp, Thường trực chuyển đến các Hội thành viên có đơn kiến nghị giải quyết. Có 10/16 đơn kiến nghị, tố cáo liên quan đến 7 cá nhân ở 6 tổ chức Hội thành viên (bao gồm 1 Trưởng ban liên lạc, 6 đồng chí là ủy viên Ban chấp hành Hội Trường Sơn Việt Nam trong đó 5 đồng chí là Chủ tịch Tỉnh Hội).
          So với nhiệm kỳ 2011 – 2016 thì: Nhiệm kỳ 2016 – 2021 số đơn đề nghị, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo tăng 2; Số đơn vị thành viên có người bị tố cáo (tập thể và cá nhân) giảm 1.
          b- Người viết đơn đề nghị, kiến nghị, khiếu nại tố cáo tập trung vào 3 nội dung chính:
          Một là: Không đồng tình với đồng chí Chủ tịch và  Thường vụ Hội cấp mình ra Quyết định miễn nhiệm chức danh ủy viên Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành, giải tán Ban Liên lạc… đề nghị, kiến nghị Thường trực Hội Trường Sơn Việt Nam can thiệp.
          Hai là: Hoài nghi đối với Chủ tịch, Thường vụ trong khâu quản lý tài chính của Hội: Chủ yếu phần thu – chi không rõ ràng, chứng từ không đầy đủ, thiếu công khai tài chính nhất là số tiền các nhà hảo tâm tài trợ; trích % tiền xây dựng nhà tình nghĩa. Đề nghị trên thanh tra, kiểm tra làm rõ.
          Ba là: Phê phán phong cách quản lý điều hành của người đứng đầu tổ chức Hội, chủ yếu thiếu dân chủ, độc đoán gia trưởng đề nghị trên kiểm tra lấy phiếu tín nhiệm….
          c- Tất cả 16/16 đơn đề nghị, kiến nghị, khiếu nại tố cáo đều được Thường trực Hội Trường Sơn Việt Nam chỉ đạo trực tiếp và cùng tập thể Thường vụ, Ban chấp hành các Hội thành viên xem xét kết luận rõ đúng sai từng nội dung đơn nêu, thông báo kết luận tới người bị tố cáo, người viết đơn tố cáo và lãnh đạo tổ chức Hội nơi có người bị tố cáo biết để nghiêm túc rút kinh nghiệm. Những thiếu sót khuyết điểm của tập thể và cá nhân bị tố cáo đều có nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng chưa gây hậu quả đến mức phải xem xét sử lý kỷ  luật từ khiển trách trở lên. Không có trường hợp tập thể, cá nhân nào tham ô công quỹ, gây thất thoát lớn tài sản của Hội.
          d- Đánh giá kết quả giải quyết đơn kiến nghị tố cáo
          Ưu điểm cơ bản là Ban Kiểm tra đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương Hội trước hết là Ban Tổ chức; gắn công tác kiểm tra giám sát với công tác tổ chức xây dựng Hội, tham mưu trúng và đúng cho Thường trực Hội Trường Sơn Việt Nam về phương pháp giải quyết đơn kiến nghị, tố cáo đối với tập thể và cá nhân, đảm bảo nguyên tắc theo luật tố cáo khiếu nại, phù hợp với “Nghị định 45/2010 và Nghị định 33/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội”, cơ bản được các Hội thành viên đồng tình phối hợp thực hiện đưa lại kết quả tích cực.
          -  Những đơn đề nghị, kiến nghị với tập thể và tố cáo vượt cấp đối với cá nhân, Thường trực Hội Trường Sơn Việt Nam chuyển xuống Hội thành viên xem xét giải quyết theo thẩm quyền nhưng yêu cầu phải tuân thủ theo pháp luật, Quy định của Điều lệ Hội. Đồng thời tùy theo tính chất nội dung của đơn, Thường trực Trung ương Hội cử đoàn cán bộ xuống dự họp với Thường vụ mở rộng hoặc Ban chấp hành Hội thành viên xem xét, kết luận. Như vậy Thường trực Trung ương Hội được nghe nhiều ý kiến của cơ sở từ lãnh đạo đến người viết đơn tố cáo để chỉ đạo sát với thực tiễn, tháo gỡ khó khăn tạo thuận lợi giúp cơ sở phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, xác định quyết tâm xây dựng tổ chức Hội phát triển.
 
  • Đối với đơn kiến nghị, khiếu nại tố cáo cá nhân (6 đồng chí là ủy viên Ban
chấp Hội Trường Sơn Việt Nam trong đó có 5 đồng chí là Chủ tịch Tỉnh Hội). Thường trực Trung ương Hội chỉ đạo Thường vụ ở các Hội thành viên có cán bộ bị tố cáo triển khai theo trình tự thủ tục giải quyết đơn kiến nghị, khiếu nại tố cáo và báo cáo kế hoạch về Thường trực Trung ương Hội.
          Thường trực Hội Trường Sơn Việt Nam cử đoàn cán bộ xuống kiểm tra công tác của Thường vụ chuẩn bị cho cuộc họp Ban chấp hành Hội xem xét giải quyết đơn kiến nghị và tham dự cuộc họp. Sau khi nghe ý kiến các thành viên dự họp (kể cả ý kiến người viết đơn tố cáo và ý kiến người bị tố cáo), trưởng đoàn công tác của Thường trực phát biểu kết luận, tạo sự nhất trí cao của các thành viên trong cuộc họp Ban Chấp hành…
          Tập thể Thường trực Trung ương Hội sau khi nghe Đoàn công tác báo cáo kết quả hội nghị Ban chấp hành Hội thành viên đã ban hành văn bản kết luận giải quyết đơn kiến nghị tố cáo gửi tập thể Thường vụ, Ban chấp hành Hội thành viên và người bị tố cáo cũng như người viết đơn tố cáo.
 
          Với phương pháp giải quyết đơn kiến nghị tố cáo trên đã đưa lại kết quả tích cực, giải quyết cơ bản đơn tố cáo bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng Điểu lệ, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Người bị tố cáo nhận được thiếu sót khuyết điểm để khắc phục. người viết đơn kiến nghị tố cáo cũng thấy quyền của mình được tôn trọng đồng thời cũng là dịp để tự soi xét động cơ viết đơn kiến nghị tố cáo của mình. Đơn vị có người bị tố cáo thấy được trách nhiệm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo xây dựng tổ chức Hội để khắc phục. Đây là điểm mới về phương pháp giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị, tố cáo trong nhiệm kỳ II (2016 - 2021) của Hội Trường Sơn Việt Nam.
 
          Tuy nhiên quá trình giải quyết đơn kiến nghị, tố cáo cũng còn một số khuyết nhược điểm cần khắc phục:
          -  Ban Thường vụ, Ban Chấp hành mà trước hết là đồng chí Chủ tịch Hội hoặc Trưởng Ban liên lạc ở một số tổ chức thành viên nắm chưa chắc về nguyên tắc tổ chức nên quá trình lãnh đạo để xẩy ra những thiếu sót không đáng có như các trường hợp miễn nhiệm ủy viên Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành hoặc giải tán Ban liên lạc còn nóng vội, tùy tiện,  chưa đúng quy trình nên khi ra quyết định chưa thuyết phục, dư luận chưa đồng tình và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến đơn đề nghị, kiến nghị, khiếu nại tố cáo chiếm tỷ lệ cao.
 -  Một số đồng chí Chủ tịch Hội phong cách lãnh đạo còn tác phong của người chỉ huy chưa phù hợp với yêu cầu quản lý, lãnh đạo hoạt động của tổ chức Hội xã hội nên  trong điều hành còn cứng nhắc, thiếu dân chủ, chưa thật cầu thị.Chưa tích cực triển khai thực hiện một số quy định hướng dẫn của Trung ương Hội.  Qua kiểm tra có trên 70% tổ chức Hội thành viên chưa ban hành đầy đủ Quy chế như Quy chế làm việc của thường vụ, Quy chế làm việc giữa thường vụ và cơ quan; Quy chế quản lý tài chính Hội nên quá trình điều hành của Chủ tịch, của Thường vụ có việc thiếu thống nhất, chưa tạo  được sự đồng thuận trong Thường vụ và sự đồng tình của cơ quan. Hiện tượng Chủ tịch Hội giữ con dấu, giữ tiền là không đúng nguyên tắc, mặc dù đã được Thường trực Hội Trường Sơn góp ý nhiều lần nhưng chuyển biến chậm.
-   Tập thể Thường vụ, Ban Chấp hành trước hết là đồng chí Chủ tịch ở một số Hội thành viên khi có đơn kiến nghị, khiếu nại tố cáo chưa chủ động triển khai giải quyết. Khi Thường vụ phân công cán bộ kiểm tra xem xét đề xuất phương án sử lý thì chủ tịch là người bị tố cáo có biểu hiện “thờ ơ”, định kiến với người tố cáo, chưa chủ động tạo điều kiện và đôn đốc cán bộ kiểm tra triển khai đảm bảo đúng quy trình, kết luận rõ đúng sai để tham mưu đề xuất với Thường vụ, Ban Chấp hành xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
          Những khuyết nhược điểm trên diễn ra ở mỗi tổ chức Hội có khác nhau nhưng nếu không có biện pháp khắc phục thì hậu quả tiêu cực không nhỏ, trước hết ảnh hưởng đến uy tín của Hội thành viên nói riêng và Hội Truyền thống Trường Sơn nói chung..
          3- Đánh giá chung
          Năm năm qua hoạt động công tác kiểm tra đã đạt được kết quả tích cực, năm sau đạt kết quả tốt hơn năm trước. Nhiệm kỳ II (2016 – 2021đạt được kết quả toàn diện hơn nhiệm kỳ I (2011 – 2016) trên lĩnh vực kiểm tra giám sát thực hiện Nghị quyết và Điều lệ do Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Trường Sơn Việt Nam đề ra và trong thực hiện chức năng tham mưu cho Thường trực xem xét giải quyết đơn kiến nghị, khiếu nại tố cáo.
          Đạt được những kết quả trên trước hết là do sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Thường trực Trung ương Hội; Sự phối hợp chủ động và giúp đỡ của các cơ quan Trung ương Hội; Sự đồng thuận của các Hội thành viên; Sự cố gắng phấn đấu tích cực của các thành viên trong Ban Kiểm tra. Những kết quả trên đã đóng góp vào thành tích chung của hội Trường Sơn Việt Nam nhiệm kỳ II.
          Tuy nhiên thông qua hoạt động và kết quả của công tác kiểm tra cũng phát hiện một số vấn đề cần được lãnh đạo từ Hội thành viên đến Hội Trường Sơn Việt Nam nghiên cứu xem xét:
          Nhiệm kỳ 2016 – 2021 Thường trực Hội Trường Sơn nhận và giải quyết xem xét kết luận 16/16 đơn đề nghị, kiến nghị tố cáo đối với tập thể và cá nhân diễn ra ở 9 Hội thành viên. So với 95 tổ chức Hội thành viên của Hội Trường Sơn Việt Nam thì số đơn trên chiếm tỷ lệ thấp. Nếu tính thêm 14 đơn đề nghị, kiến nghị tố cáo đối với tập thề và cá nhân diễn ra ở 10 tổ chức thành viên trong nhiệm kỳ I (1011 - 2016) thì lên đến 30 đơn kiến nghị tố cáo, chiếm tỷ lệ cũng rất thấp so với gần 300.000 hội viên do Hội Trường Sơn Việt Nam quản lý trong 10 năm qua. Tuy nhiên đơn kiến nghị, khiếu nại tố cáo nhiệm kỳ II (2016-2021) phức tạp hơn về nội dung, gay gắt hơn về thái độ của người viết đơn và gửi đến nhiều địa chỉ. Có một số trường hợp, cùng một nội dung cụ thể ở một con người cụ thể, người tố cáo viết đơn nhiều lần, gửi đến 10, 12 cơ quan ban ngành của Tỉnh; có 2 đơn kiến nghị tới Chủ tịch Tỉnh, Trường đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh và đến chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ
         
 
Những sự việc trên không những ảnh hưởng đến uy tín Bộ đội Trường Sơn trên địa bàn hoạt động của một Tỉnh, của một tổ chức Hội thành viên mà đã ảnh hưởng đến uy tín Bộ đội Trường Sơn – Hội Trường Sơn Việt Nam nói chung. Lãnh đạo các Hội thành viên đến Hội Trường Sơn Việt Nam cần có chủ trương, biện pháp kiên quyết và đưa công tác tổ chức, công tác cán bộ và công tác kiểm tra giám sát là nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng tổ chức Hội vững chắc trong nhiệm kỳ tới./.
 
 TÀI LIỆU THỨ 6



KẾ HOẠCH SỐ 08 NGÀY 18/1/2021
TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG SƠN
ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH VIỆT NAM LẦN THỨ III
NHIỆM KỲ 2021-2026



- Căn cứ nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động và quản lý hội; Nghị định 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2010/NĐ-CP; Thông tư số 03/2013/TT-BNV của Bộ Nội Vụ về quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và Nghị định 33/NĐ-CP của Chính phủ.
- Căn cứ Điều lệ Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam(Hội Trường Sơn Việt Nam) lần thứ II, nhiệm kỳ 2016-2021.
- Căn cứ quy chế làm việc của Ban Chấp hành,BanThường vụ,Ban Thường trực Hội Trường Sơn Việt Nam,Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Trường Sơn Việt Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2016-2021 và Chương trình hoạt động của Ban Chấp hành năm 2021.Ban Chấp hành Hội Trường Sơn Việt Nam xây dựng Kế hoạch tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2021-2026 như sau:
I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1- Mục đích
1.1- Đánh giá toàn diện, đầy đủ và sâu sắc việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Trường Sơn Việt Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2016-2021 đề ra; khẳng định rõ những thành tích, kết quả đã đạt được, những hạn chế, tồn tại, khó khăn hiện nay và chỉ rõ nguyên nhân; đồng thời, rút ra những bài học kinh nghiệm thiết thực, bổ ích trong nhiệm kỳ tới.
1.2- Quyết định phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp thực hiện các nội dung, chương trình hoạt động nhiệm kỳ III (2021-2026) sửa đổi, bổ sung Điều lệ hội. Thông qua Đại hội lựa chọn bầu vào Ban Chấp hành những cán bộ, hội viên ưu tú, có đủ năng lực, trình độ, có tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, có uy tín và có khả năng tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.
1.3-Đại hội là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, sâu rộng, thực hiện dân chủ, coi trọng chất lượng, tránh phô trương hình thức từ Hội đến các tổ chức thành viên.Vì vậy, cần làm cho các cấp Hội, và mỗi cán bộ, hội viên quán triệt, nhận thức sâu sắc, đầy đủ về mục đích, yêu cầu của Đại hội, để từ đó xác định quyết tâm, trách nhiệm, biện pháp thực hiện đạt kết quả cao nhất.
1.4- Chủ đề của Đại hội:“Tập hợp, đoàn kết, truyền thống, tình nghĩa”.
2- Yêu cầu:
2.1- Nắm vững các quy định của pháp luật, Điều lệ Hội và tình hình, thực trạng của Hội để chủ động tiến hành công tác chuẩn bị chu đáo về nội dung và tổ chức Đại hội chặt chẽ, đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, truyền thống, tình nghĩa, tạo dấu ấn tốt đẹp trong cán bộ, hội viên và nhân dân.
2.2- Phát động phong trào thi đua trong các cấp hội chào mừng Đại hội.Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về những đóng góp to lớn của chiến trường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và những thành tích, kết quả hoạt động của Hội Trường Sơn Việt Nam trong 10 năm kể từ ngày thành lập (13/5/2011) và 5 năm nhiệm kỳ II, từ 9/2016 đến nay.Qua đó, tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín của Hội với Đảng,Nhà nước và với Cấp ủy,Chính quyền, nhân dân các địa phương.
II.-  NỘI DUNG ĐẠI HỘI
Đại hội Đại biểu Hội Trường Sơn Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 có nhiệm vụ:
1- Tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại và những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ II (2016-2021).
2- Quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chương trình hoạt động nhiệm kỳ III (2021-2026).
3- Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội.
4- Bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra nhiệm kỳ 2021-2026.
III- CÔNG TÁC CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI
1- Thành lập 3 tiểu ban
1.1- Tiểu ban về nội dung
1.2- Tiểu ban về nhân sự
1.3- Tiểu ban đảm bảo và phục vụ
2- Thành lập Ban Tổ chức Đại hội
3- Chuẩn bị các văn kiện Đại hội
3- 1.Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm kỳ II (2016-2021) và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ III (2021-2026).
3.2- Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội.
3.3- Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành nhiệm kỳ II.
3.4- Báo cáo công tác kiểm tra.
3.5- Báo cáo công tác tài chính.
3.6- Báo cáo đề án nhân sự Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra nhiệm kỳ III.
IV- THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM, ĐẠI BIỂU ĐẠI HỘI
1- Thời gian: Dự kiến Đại hội diễn ra trong 2 ngày vào cuối tháng 9/2021.
2- Địa điểm: Tại thủ đô Hà Nội.
3- Đại biểu: Dự kiến từ 450-500
   Trong đó:
- Khách mời
- Đại biểu đương nhiệm (Ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2016-2021).
- Đại biểu triệu tập.
Căn cứ vào kế hoạch này, Thường trực Ban Thường vụ Hội Trường Sơn Việt Nam sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết và chỉ đạo các tiểu ban, các tổ chức thành viên thực hiện theo tiến độ quy định.Các cơ quan Hội Trường Sơn Việt Nam và các tổ chức thành viên theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện đạt kết quả tốt nhất./.
 

 TÀI LIỆU THỨ 7

HƯỚNG DẪN SỐ 10, NGÀY 25/1/2021
Thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo báo cáo chuẩn bị
 Đai hội III, nhiệm kỳ 2021 – 2026



      
     Kính gửi: - Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành
                                - Các đồng chí Chủ tịch, Trưởng BLL các tổ chức thành viên
 
          Ngày 5 tháng 01 năm 2021, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã họp thông qua: Dự thảo Báo cáo tổng kết năm 2020; Kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu Hội Trường Sơn Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ III(2021 – 2026) và Dự thảo các văn kiện chính cuả Đại hội III, nhiệm kỳ (2021 – 2026)
 Thường vụ quyết nghị gửi các văn bản dự thảo nêu trên để các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội và Ban Chấp hành, BLL các tổ chức thành viên tổ chức nghiên cứu, thảo luận, chuẩn bị nội dung đóng góp ý kiến bổ sung vào các văn bản tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội (sẽ tổ chức sau Tết Nguyên đán Tân Sửu).
 
Đây là các văn bản lưu hành chính thức trong Hội nghị Ban Chấp hành. Vì vậy khi đi dự Hội nghị Ban Chấp hành, các đồng chí mang theo các tài liệu này cùng với nội dung tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện để phát biểu trong hội nghị hoặc chuyển nội dung góp ý cho Thư ký hội nghị ( Hội nghị Ban Chấp hành không cấp lại tài liệu).
 
Thường trực Ban Thường vụ hướng dẫn cách thức tổ chức nghiên cứu thảo luận và nội dung cần tập trung thảo luận đóng góp ý kiến đối với từng văn kiện như sau:
 
       I- Về nội dung cần tập trung nghiên cứu thảo luận đóng góp ý kiến
Các ý kiến có thể tham gia đóng góp đối với toàn bộ nội dung các văn kiện. Song, cần tập trung nghiên cứu thảo luận đóng góp ý kiến đối với một số vấn đề trọng tâm của từng văn kiện, cụ thể như sau:
1- Về Kế hoạch tổ chức Đại hội
Là văn bản ban hành chính thức Thường trực gửi để các Ủy viên Ban Chấp hành, các tổ chức thành viên biết để phối hợp triển khai thực hiện.
2- Về Dự thảo báo cáo tổng kết năm 2020:
          - Phần đánh giá chung về ưu điểm, hạn chế và làm rõ các nguyên nhân của ưu điểm và hạn chế.
           - Phần phương hướng năm 2021: Về phương hướng chung, nội dung, biện pháp cụ thể báo cáo đề cập như vậy được chưa, cần bổ sung thêm, bớt, thay đổi gì?
          Đồng thời trên cơ sở dự thảo báo cáo của Trung ương Hội các địa phương, đơn vị vận dụng vào điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị mình đề ra chương trình công tác năm 2021.
 
3-  Về Dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ II (2016 -2021) và phương hướng nhiệm kỳ III (2021 -2026) cần tập trung nghiên cứu, cho ý kiến về:
 
a) Về Tiêu đề báo cáo viết khái quát như vậy đã được chưa, cần thay đổi, bổ sung như thế nào?
 
          b) Về Đánh giá  kết quả 5 năm, nhìn tổng quát 10 năm xây dựng và phát triển của Hội (2011 -2021) nêu như trong báo cáo đã được chưa, cần thay đổi, bổ sung như thế nào?
          c) Về kiểm điểm nhiệm kỳ II (2016 – 2021):
- Mô hình tổ chức của Hội như hiện nay, trong dự thảo nêu“Tổ chức phong phú, đa dạng, linh hoạt, phù hợp, đáp ứng được nhu cầu hoạt động và tình cảm của hội viên”. Nhận định như vậy đã đúng chưa, còn có gì bất cập không?
          - Thực hiện phương châm của Đại hội II đề ra: “Tập hợp – Đoàn kết – Tổ chức vững chắc – Hoạt động hiệu quả” có gì được và chưa được, nguyên nhân ?
          - Về chất lượng xây dựng tổ chức, chất lượng hiệu quả hoạt động của các Hội, BLL: Đánh giá về ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân như trong báo cáo đề cập đã đúng và đầy đủ chưa, cần thay đổi, bổ sung gì?
          - Phần đánh giá chung về ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ II (2016 – 2021) nêu như trong dự thảo báo cáo đã xác đáng chưa, cần bổ sung, thay đổi gì?
Chú ý: Cần làm rõ thêm hạn chế và khó khăn lớn nhất nổi lên trong xây dựng tổ chức và hoạt động của Hội hiện nay là gì?Để từ đó có giải pháp tháo gữ trong nhiệm kỳ tới.
          Riêng phần số liệu Kết quả của các hoạt động nhiệm kỳ 2016 -2021 tạm thời trình bày chung trong báo cáo để tiện theo dõi để đánh giá, nhận định. Khi trình Đại hội các số liệu sẽ tách riêng đưa vào phụ lục để rút ngắn.
          d) Về phương hướng nhiệm kỳ III (2021 -2016) cần nghiên cứu cho ý kiến về:
          - Phương hướng chung, mục tiêu tổng quát, phương châm tư tưởng chỉ đạo
          - Chương trình, nội dung chủ yếu
          - Một số giải pháp chính
(Các vấn đề trên đề cập như  trong báo cáo đã đúng và trúngchưa, có sát hợp, khả thi không? Cần thay đổi bổ sung những gì. Đặc biệt những Chương trình đột phá của nhiệm kỳ lấy xây dựng tổ chức vững chắc hoạt động hiệu quả, mà then chốt là công tác cán bộ: Quan tâm việc xây dựng quỹ hội ở các cấp để chủ động hoạt động ?).
4- Về Dự thảo báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành
Đề nghị tham gia ý kiến về ưu điểm và những mặt hạn chế.
 
          5 -Về Dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Điều lệ và sửa đổi, bổ sung Điều lệ
           a) Kết quả thực hiện Điều lệ
 Dự thảo báo cáo đã nêu khái quát những ưu điểm cũng như những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) nhiệm kỳ II.
Đê nghị các đồng chí cho ý kiến như vậy đã sát và đúng chưa, cần bổ sung, nhấn mạnh vấn đề gì ?
b) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ
Căn cứ thực tiễn công tác xây dựng Hội 10 năm qua, để đáp ứng với sự phát triển của Hội trong giai đoạn mới, Điều lệ bổ sung sử đổi làn này tập trung làm rõ một số vấn đề về hội viên; Hội thành viên và sửa đổi, bổ sung một số điểm trong các chương , điều của Điều lệ (nhiệm kỳ II) cho phù hợp với tính chất của một tổ chức xã hội.
Đề nghị các đồng chí cho ý kiến cụ thể về những vấn đề nêu trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ đã đúng, sát, đáp ứng được yêu cầu thực tế chưa (phần sửa đổi, bổ sung được in chữ nghiêng trong dự thảo). Ngoài các nội dung Ban Thường vụ đã đề xuất, các tổ chức thành viên cần đề xuất thêm vấn đề gì mới, khác ?
 
           6- Về Đề án nhân sự nhiệm kỳ III
          a) Đề nghị cho ý kiến về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng Ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ III như dự thảo đã hợp lý chưa, có đề xuất cơ cấu thêm ?
          b) Từng tổ chức thành viên thuộc diện cơ cấu Ủy viên Ban Chấp hành tổ chức hội nghị Ban Chấp hành hoặc Ban Thường vụ mở rộng làm quy trình nhân sự giới thiệu 
người đại diện (Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch) và nhân sự Nữ (nơi có dự kiến cơ cấu UVBCH là Nữ) tham gia Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa III.
          7- Về Báo cáo Công tác Kiểm tra nhệm kỳ II
         Đề nghị các đồng chí cho ý kiến xem nội dung dự thảo đã đầy đủ, đúng sát chưa, cần bổ sung thế nào ?
II- Cách thức tổ chức nghiên cứu, thảo luận đóng góp ý kiến vào các dự thảo báo cáo
 
1- Các tổ chức thành viên tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành (hoặc Ban Chấp hành mở rộng) nghiên cứu, thảo luận đóng góp ý kiến bổ sung đối với từng văn kiện và kết luận nội dung cần thay đổi, bổ sung đối với từng văn kiện   
         2- Các tổ chức thành viên gửi Biên bản họp Hội nghị Ban Chấp hành (hoặc Ban Chấp hành mở rộng) và tổng hợp nội dung các ý kiến đóng góp đối với từng văn kiện báo cáo về Trung ương Hội trước ngày 10/3/2021 để các Tiểu ban của Đại hội nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện các văn bản trình Ban Chấp hành.