Kỷ niệm 75 năm Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào
KỶ NIỆM 75 NĂM QUÂN TÌNH NGUYỆN
VÀ CHUYÊN GIA QUÂN SỰ VIỆT NAM TẠI LÀO
Bs Lê Lợi
CCB Sư đoàn 968 QTN Nam Lào
Sáng 29/10/2024 tại Hà Nội diễn ra cuộc gặp mặt kỷ niệm 75 năm Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (30/10/1949-30/10/2024).
Dự cuộc gặp mặt có: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam; Đại tướng Chansamone Chanyalath, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào; Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Trưởng Ban Liên lạc toàn quốc cựu Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Đến dự gặp mặt còn có Bà Khamphao Ernthavanh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam.
Tham dự cuộc gặp mặt còn có nhiều tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh và cựu chuyên gia quân sự của hai nước Việt Nam và Lào.
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Đại tướng Phan Văn Giang nêu rõ, ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định "Các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp bạn Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện". Đây là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu bước phát triển, trưởng thành của các lực lượng quân sự Việt Nam trên chiến trường Lào; khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hoạt động trên đất bạn Lào là biểu tượng cao đẹp, sự gắn kết bền chặt của tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào.
Theo Đại tướng Phan Văn Giang, là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ chiến đấu, công tác trên đất bạn Lào, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình".
Trong khoảng 4 thập niên thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả trên đất bạn Lào, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung, son sắt, hoàn thành đặc biệt xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng giao phó, cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Lào lập nên những chiến công hiển hách, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của hai Đảng, hai Nhà nước, Quân đội và nhân dân hai nước, góp phần vun đắp tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, liên minh chiến đấu có một không hai trong lịch sử.
"Những chiến công, thành tích và sự hy sinh của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã để lại trong lòng nhân dân các dân tộc Lào những tình cảm sâu nặng và sự trân trọng đặc biệt, đúng như lời khen ngợi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào: "Trên đất nước Lào, không có nơi nào mà không có dấu chân của Quân tình nguyện Việt Nam, không có chiến thắng nào mà không có sự hy sinh đóng góp của Quân tình nguyện Việt Nam", Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang bày tỏ sự tri ân trân trọng đối với những đóng góp to lớn của lực lượng Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của hai Đảng, hai Nhà nước, hai Quân đội và nhân dân hai nước.
Ghi nhận, biểu dương những chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc và đóng góp to lớn đối với cách mạng hai nước Việt Nam - Lào, lực lượng Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào đã vinh dự được Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Đại tướng Chansamone Chanyalath khẳng định Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào là những người đồng chí đã cùng chiến đấu, cùng sống chết với Quân đội và nhân dân các dân tộc Lào trong đấu tranh chống đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai, giành độc lập, tự do cho Lào. Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam nói chung, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam nói riêng đã cùng chung gian khổ với quân và dân Lào, hy sinh xương máu của mình để làm tròn nghĩa vụ quốc tế tại Lào trong hàng chục năm liền, có người đã coi Lào là quê hương thứ hai của mình, nhiều người đã dành cả cuộc đời chiến đấu, làm chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều hơn thời gian bên gia đình ở Việt Nam.
“Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Lào nhận thức sâu sắc rằng trên mảnh đất thân yêu của chúng tôi, từ Bắc vào Nam đã trộn lẫn những giọt mồ hôi và xương máu của các chiến sĩ cách mạng hai nước trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của Lào. Không ai có thể đếm được bao nhiêu dòng suối, ngọn núi, con sông trên đất nước Lào mà các chiến sĩ cách mạng hai nước đã đi qua chiến đấu chống kẻ thù chung. Mặc dù nhiều thập niên đã trôi qua, hai nước chúng ta đã cùng nhau xây dựng xã hội chủ nghĩa hơn 40 năm qua nhưng sự ghi nhớ, biết ơn của Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào đối với những cống hiến và sự hy sinh to lớn của Quân đội và nhân dân Việt Nam anh em dành cho sự nghiệp cách mạng của Lào sẽ không bao giờ phai nhạt và mãi mãi in sâu trong trái tim của người dân Lào. Chúng tôi cam kết, trong bất kỳ giai đoạn, hoàn cảnh nào, Đảng, Chính phủ, các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Lào sẽ cùng với Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam anh em giữ gìn và phát huy mối quan hệ hiếm có giữa hai nước mãi mãi vững bền, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào”, Đại tướng Chansamone Chanyalath phát biểu.
Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại buổi gặp mặt.
Đại tướng Chansamone Chanyalath phát biểu tại buổi gặp mặt.
Đại tướng Phan Văn Giang, Đại tướng Chansamone Chanyalath cùng các đại biểu dự buổi gặp mặt.
Trung tướng Nguyễn Đức Sơn phát biểu tại buổi gặp mặt.
Đại tướng Phan Văn Giang, Đại tướng Chansamone Chanyalath
chụp ảnh chung với các đại biểu tại buổi gặp mặt.
Trước đó, sáng 25/10, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng chủ trì, tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Đây là hội thảo cấp Bộ Quốc phòng, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào (30-10-1949/30-10-2024), hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Dự hội thảo có các đồng chí Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo hội thảo; Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng ; Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Trưởng Ban liên lạc toàn quốc Cựu Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào; Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số Ban, Bộ ngành Trung ương; Thượng tướng Thongloi Silivong, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Lào; Bà Khamphao Ernthavanh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng LLVT nhân dân; các tướng lĩnh, cựu Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào cùng đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội...
Theo Ban tổ chức, hội thảo đã nhận được hơn 80 báo cáo, tham luận; mỗi báo cáo, tham luận là một công trình nghiên cứu khoa học độc lập, có giá trị lịch sử và khoa học.
Nằm trong đội hình Bộ đội Trường Sơn từ 1970-1974, Sư đoàn bộ binh 968 quân tình nguyện Nam Lào có nhiệm vụ “mở rộng và xây dựng Trung-Hạ Lào thành căn cứ địa vững mạnh, bảo vệ vững chắc hành lang chiến lược 559-đường Hồ Chí Minh”. Những chiến công vang dội của sư đoàn 968 anh hùng thời kỳ này đã điểm tô thêm thành tích chói lọi của Quân tình nguyện, của Bộ đội Trường Sơn.
Về dự hội thảo, CCB sư đoàn 968 có ba tham luận được lựa chọn và in vào Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm” do NXB Quân đội nhân dân ấn hành, sách dầy 956 trang, in tháng 10/2024. Đó là tham luận của Đại tá Nguyễn Đức Hòa, nguyên Chính ủy sư đoàn 968: “Sư đoàn 968 Quân tình nguyện Việt Nam thực hiện xuất sắc nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào”; của Thượng tá Bùi Công Tuấn, nguyên Trưởng ban Xây dựng cơ sở giúp cách mạng Lào, sư đoàn 968 “Sư đoàn 968 Quân tình nguyện Việt Nam giúp bạn Lào phát động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, củng cố chính quyền bản, xã (1977-1987)” và bài “Hai sự kiện lịch sử đáng nhớ của Quân tình nguyện Việt Nam giúp cách mạng Lào trên địa bàn tỉnh Xavanakhet” của Bác sĩ Lê Lợi, nguyên thống kê Chính trị tiểu đoàn 18 Thông tin, sư đoàn 968.
Tại hội thảo, các ý kiến đã tập trung khẳng định sự đúng đắn, sáng tạo trong quan điểm, đường lối quốc tế vô sản của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về giúp cách mạng Lào; tiếp tục khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng về việc thành lập Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam; khẳng định và làm sâu sắc thêm vai trò lực lượng nòng cốt của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đoàn kết cùng quân và dân Lào chiến đấu, lập nên những chiến công xuất sắc, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Lào.
Các đồng chí chủ trì Hội thảo.
Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng,
Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo phát biểu khai mạc Hội thảo.
Bà Khamphao Ernthavanh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHDCND Lào tại Việt Nam phát biểu tham luận.
CCB Sư đoàn 968 và bà Khamphao Ernthavanh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền
nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam tham dự Hội thảo
Tại lễ kỷ niệm và hội thảo nói trên, các CCB Sư đoàn 968 quân tình nguyện từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu giai đoạn thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã có mặt, góp phần xây đắp và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
---------------------------
* Bài viết có sử dụng một số tư liệu của đồng nghiệp