Đất thiêng Côn Đảo - Lê Trung Khiên
Ngày đăng:
04:21 29/03/2018
Lượt xem:
657
ĐẤT THIÊNG CÔN ĐẢO
Lê Trung Khiên
Hội Trường Sơn huyện Yên Định, Thanh Hóa
Cộng tác viên Báo Điện tử và Bản tin Trường Sơn
Đã từ lâu tôi mong được về thăm Côn Đảo, mảnh đất thiêng của Tổ quốc, nơi đã trải qua 113 năm ngục tù được ví như “ địa ngục trần gian” dưới thời thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cai trị. Nơi đây đã giam giữ 200.000 lượt người tù, trong đó có nhiều chiến sỹ cộng sản như: Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Ngô Gia Tự, Nguyễn Duy Trinh… và những nhà yêu nước nổi tiếng như: Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh… Hơn một thế kỷ tồn tại (1/1862 - 1/5/1975) đã có trên 20.000 người tù bị giết hại tại Côn Đảo bằng những nhục hình tra tấn giã man còn hơn thời trung cổ, trong đó có Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và nữ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu.
Mong ước đã đến với tôi trong những ngày tháng 3 khi được tham gia chuyến đi về nguồn đất phương Nam do Trung tâm giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng Việt Nam tổ chức cho các đối tượng là gia đình chính sách và những người có công, trong đó phần lớn là cựu chiến binh và nhiều người là cựu binh Trường Sơn.
Đi trên con tầu cao tốc từ bến cảng Sóc Trăng, được thả tầm mắt ngắm biển trời hòa quyện, sau 2 tiếng rưỡi con tầu đã cặp bờ. Côn Đảo hiện ra trước mắt mọi người với núi đồi và những cánh rừng hùng vĩ. Trước đây chỉ biết Côn Đảo qua các phương tiện thông tin đại chúng và được đọc qua tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” của Phùng Quán, thì nay chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến hệ thống nhà tù, nơi giam giữ những chiến sỹ cộng sản nhà cách mạng, nhà yêu nước… và được nghe giới thiệu về sự hà khắc, giã man của bọn chúa đảo, cai ngục khét tiếng như: xà lim, hầm xay lúa, chuồng cọp, hầm phân bò, cầu tầu 914 v.v… Song chế độ nhà tù hà khắc và sự tra tấn giã man, lao động khổ sai vẫn không khuất phục được ý chí kiên cường của những chiến sỹ cách mạng và người tù cộng sản.
Tại Côn Đảo, chúng tôi được Huyện đội tổ chức viếng nghĩa trang Hàng Dương theo nghi thức trọng thể. Nơi đây hiện có 1.912 ngôi mộ, trong đó 25 mộ tập thể và chỉ có 793 mộ có tên. Mộ đồng chí Lê Hồng Phong tại khu A, và Võ Thị Sáu tại khu B. Trong tiếng nhạc “hồn tử sỹ” trầm hùng, khói hương nghi ngút, hơn 200 người trong đoàn đã nghiêm trang dưới chân đài tưởng niệm rồi tỏa đi cắm hương cho từng ngôi mộ. Đêm tại nghĩa trang Hàng Dương như bức tranh huyền ảo, lung linh. Chúng tôi cùng hàng ngàn người đến viếng mộ chị Võ Thị Sáu và được nghe giới thiệu về cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như những câu chuyện kể huyền thoại, linh thiêng về chị sau khi bị hành hình. Đêm giao lưu văn nghệ với cán bộ chiến sỹ trên đảo, cùng những phần quà tặng cho các chiến sỹ đã để lại trong lòng mỗi người những kỷ niệm khó quên.
Đến Côn Đảo còn nhớ mãi những cây bàng xanh tươi tốt đã một thời gắn bó với người tù và ngày nay trở thành cây di sản, trở thành thương hiệu của Côn Đảo. Thị trấn Côn Đảo cũng như trên mảnh đất này đang mọc lên những công trình. Tương lai không xa Côn Đảo sẽ đi lên, phát triển trở thành Trung tâm du lịch tâm linh nổi tiếng của cả nước.
Viếng nghĩa trang Hàng Dương. 3 ảnh trên
Thăm và nghe giới thiệu tại “ chuồng cọp”
Cây bàng Côn Đảo
Trao cờ lưu niệm, tặng quà và giao lưu với Huyện đội Côn Đảo. 5 ảnh trên.
CÔN ĐẢO TRONG TÔI
Biển trời hòa quyện núi non
Quanh năm nghe tiếng sóng vươn vỗ bờ
Đã bao năm đợi tháng chờ
Đất thiêng Côn Đảo ước mơ hiện thành
Đã đi qua trong chiến tranh
Hơn trăm năm dưới vuốt nanh kẽ thù
Hai trăm ngàn chốn ngục tù (1)
Hai vạn người mãi nghìn thu núi rừng
Đất Côn Đảo trộn máu xương
Hai nghìn mộ nơi Hàng Dương tủi hờn
Niềm tin lý tưởng giữ tròn
Những người cách mạng sắt son một lòng
Côn Đảo, “bàn thờ núi sông”
Đi qua quá khứ bi hùng đau thương
Tương lai hướng tới con đường
Mảnh đất hứa đang kiên cường đi lên
Đến một lần mãi không quên
Trong tôi Côn Đảo là thiên sử vàng
CĐ 17/3/2018
(1). Trong 113 năm tồn tại, nhà tù Côn Đảo đã giam giữ
hơn 200.000 lượt người tù, trong đó 20.000 đã chết
tin tức liên quan