Một ngày với nữ cựu binh Trường Sơn - Doanh nhân Trần Thị Chung

Ngày đăng: 05:15 02/11/2015 Lượt xem: 709
... Qua một ngày rong ruổi cùng chị cũng đã tỏ rõ chất thép trong con người chị. Không cần phải để ngày mai chứng kiến chị nhận biểu trưng và giấy chứng nhận “Bông hồng ...

 

Một ngày với nữ cựu binh Trường Sơn -

Doanh nhân Trần Thị Chung

 

 

         Đúng 7h30 ngày 24.10.2015 chiếc “Porsche” chính hiệu Anh Quốc đỗ xịch trước cửa nhà đại tá Nguyễn Thuận Quảng – Trưởng BLL Sư đoàn 471 toàn quốc đón đoàn công tác đi Thái Nguyên – giờ giấc không sai một phút. Cử nhân luật Trần Thị Chung – Phó ban công tác nữ Trung ương Hội; Phó trưởng BLL Sư đoàn 471 toàn quốc mở cửa xe bắt tay mọi người, mời chúng tôi lên xe nhằm hướng thành phố Thái Nguyên chuyển bánh.

 

         Chuyến đi này do Trần Thị Chung đề xướng. Chuyện là ở Thái Nguyên đang tồn tại hai BLL sư đoàn 471. Trong cặp của đại tá Nguyễn Thuận Quảng nguyên Phó sư đoàn trưởng 471 có tập hồ sơ về 471 Thái Nguyên dày mấy chục trang, có cả những đơn từ kiến nghị về tổ chức hội. Thường trực BLL Sư đoàn 471 toàn quốc họp nhất trí cao với đề xuất của Trần Thị Chung là Thường trực sư đoàn 471 toàn quốc sẽ về giải quyết trực tiếp với 471 Thái Nguyên với sự tài trợ của công ty TNHH đầu tư kinh doanh phát triển nhà và thương mại Hà Nội mà Trần Thị Chung làm Phó Giám đốc kiêm bí thư chi bộ.

 

 

 

         Xe chạy chưa được 5 phút, chuông điện thoại reo, Chung mở máy:

- Em nghe rồi chị! Em sẽ bảo cháu mang cho chị.

         Tắt máy, mở số khác, Chung lại:

- Alô! Em đem cái xô đựng đậu phụ trả ngay cho nhà hàng giúp chị nhé.

         Cất máy vào túi sau ghế, Chung phân bua:

- Họ đem đậu phụ tới bếp nhưng chưa trả xô cho người ta.

         Như chợt nhớ ra điều gì đó, chị lại cầm máy bấm số:

- Anh à! Anh kiểm tra hộ em xem các cháu đã trả cái xô cho cửa hàng đậu chưa anh nhé.

         Thì ra Chung gọi cho chồng. Tôi nghĩ người chu đáo đến thế là cùng. Anh Quảng ngồi phía trước hỏi:

- Máy dạo này khỏe không Chung? (Máy là tên chồng của Chung).

- Nhà em vẫn thế. Rồi Chung kể cho chúng tôi nghe về sự may mắn gặp thầy gặp thuốc và sự điều trị tích cực sử lý khối u khi nó mới hình thành  ở thùy gan bên phải của chồng.

 

         Chồng Chung – anh Phan Văn Máy lính Sư đoàn 2 khu 5 với tôi khi xưa. Hồi ấy khu 5 chúng tôi vô cùng ác liệt, anh nào cũng bị chất độc hóa học da cam Điôxin của Mỹ đe dọa. Bất giác tôi nghĩ tới mấy câu thơ của Mai Quỳnh Nam:

 

“Anh vẫy chào tôi rồi rẽ xuống đồng bằng

Tôi chốt lại hết trận càn tháng bảy

Ba mươi năm, từ đấy

- Ba mươi năm

                   Bàn tay anh vẫy

Gương mặt anh thật hiền

Trên nấm mồ ở nghĩa địa Bình Xuyên”

 

         Lính khu 5 chúng tôi là thế, gặp nhau nắm chặt tay nhau hẹn ngày gặp lại. Thế mà thường nhận tin là bạn đã hy sinh. Có người may mắn người thân còn tìm thấy mộ, cũng có những người tan vào cát bụi, người thân chẳng biết đâu mà tìm … Đang miên man với niềm ký ức lính khu 5 thời chống Mỹ thì bên tôi Chung đang cự nự với cô con dâu:

- Mẹ nói lại này! Chỉ những người trong biên chế chính thức mới được dự họp. Con cứ thế mà làm. Không được làm hỏng chuyện của mẹ. Chị tắt máy bỏ vào túi sau ghế.

         Lúc này tôi mới để ý: Chung dùng hai điện thoại di động. Chuông lại reo, Chung lại bấm máy:

- Hai cô ấy không trong biên chế của trường, nên không mời họp là phải em ạ. Cứ thế mà làm đi. Chung chưa nói xong, chiếc máy thứ hai lại sáng đèn đổ chuông. Bấm máy Chung nghe:

- Chị ơi! Để em trực tiếp xem đã rồi mới quyết định nhập. Gạo này phải nấu cháo được cơ …

         Tôi lại nhận ra ở Chung là một con người thận trọng và trách nhiệm. Là Chủ tịch hội đồng quản trị của một trường mẫu giáo lớn ở ngay nội thành Hà Nội, chị phải trực tiếp quyết định mọi thứ. Cũng may là chị có nghề, ngoài tấm bằng cử nhân luật kinh tế, chị còn có bằng trung cấp nấu ăn, trung cấp kế toán và gần 40 năm gắn bó với nghề chăm sóc giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn.

         Chuông điện thoại của Chung lại reo, chị lại áp tai vào máy:

- Chị chào em! …

- Không phải thế! Có gì mời em đến chỗ họp ta bàn. Phải đoàn kết để xây dựng hội vững mạnh em ạ! …

         Chung đang nghe kể lể của một nữ hội viên 471 Thái Nguyên. Thực ra cô này cũng lắm chuyện, chúng tôi biết tiếng cô ta từ những lần gặp mặt hàng năm … Chung vẫn nhỏ nhẹ nói chuyện với cô ta …

         

         Đường tốt, xe tốt một tiếng đồng hồ sau xe đã đi vào đất Thái Nguyên. Đường cao tốc tiện lợi thật. Chả cần hỏi thăm chú lái xe đã dừng trước cửa nhà Đại úy Trần Lương Ngọc Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 471 Thái Nguyên.

         Cuộc họp bắt đầu. Đại diện hai BLL Sư đoàn 471 Thái Nguyên giải trình về việc không thể nhập làm một. Không khí căng thẳng. Trần Thị Chung lên tiếng:

- Các anh ơi! Sao mà căng thẳng thế. Các anh hãy quên đi tuổi tác, quên đi bệnh tật, quên đi những khúc mắc để sống vui vẻ, thoải mái chứ. Chúng ta là đồng chí, đồng đội có gì thù hận đâu mà phải sống như thế, phải không các anh. Các anh hãy vì đồng đội ngồi với nhau tìm ra tiếng nói chung, thế thôi … Dừng lại một chút, Chung quay sang đồng chí Trần Lương Ngọc:

- Thế nào anh họ, em cũng họ Trần đây. Em rất mong các anh vì cái chung mà ngồi lại với nhau …

         Đại tá Nguyễn Thuận Quảng kết luận hội nghị, mọi người vui vẻ chụp ảnh kỷ niệm. Khi chia tay các đồng chí Thái Nguyên, Chung lại nhắc nhở:

- Các anh nhớ. Hai BLL trong thời gian sớm nhất, hiệp thương thống nhất thành một BLL sư đoàn 471 Thái Nguyên và kiện toàn BLL cho đủ cơ cấu thành phần như kết luận của anh Quảng. Tháng tới bọn em sẽ lên chung vui cùng các anh …

 

         Đầu giờ chiều Chung đưa chúng tôi tới viếng Chùa Phù Liễn ở tổ 23 -  phường Hoàng Văn Thụ - Thành phố Thái Nguyên. Chùa nằm trên một quả đồi thấp, rộng rãi mà linh thiêng, huyền bí. Hai hàng chữ vàng nền đỏ viết trên gõ tốt chạy dài suốt chiều ngang phòng khách: “Trăm năm trước thì ta chưa gặp, trăm năm sau biết gặp lại không. Cuộc đời sắc sắc không không. Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau”. Thú thực tôi đang đeo đuổi với câu nói của Chung khi anh em vào quán ăn trưa. Chung nói: “Vào quán ăn nên nhớ: Đũa đầu to, bát mẻ, cốc quai” – chỉ những người lăn lộn với bên ngoài mới đúc kết được như vậy: Đũa đầu to ít người dùng đầu này, bát mẻ ít người đưa miệng vào, quai cốc cũng vậy. Khi nhìn thấy hai hàng chữ này tôi thật sự ấn tượng và nhập tâm ngay. “Cuộc đời sắc sắc không không. Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau”. Tôi tự hỏi các đồng chí 471 Thái Nguyên tới đây có đọc hàng chữ này không nhỉ?

 

 

 

         Sư thầy trụ trì ra tiếp chúng tôi. Thầy hỏi Chung:

- Sao không dẫn đoàn vào Chùa ăn trưa.

- Bạch thầy! Con không dùng được cơm chay. Chung trả lời sư thầy và cười tươi rói. Chả hiểu Chung nói có thực không.

         Sư thầy hỏi Chung có hay về Chùa làng quê không. Chung thành thực trả lời sư thầy:

- Con chỉ gửi lễ về thôi. Thực lòng con không đồng tình với sư thầy trụ trì.

- Thế đấy! Bỏ hơn chục tỷ ra xây dựng Chùa, đem cả thợ Thạch Thất về xây Chùa hoành tránh. Gia đình chị Chung không thu một đồng công điền nào để lại cho nhà Chùa cả. Ngói chị Chung mua về làm Chùa thừa, định chuyển cho Chùa làng dưới sử dụng mà sư thầy cũng không cho thì thật quá đáng. Xã hội mà, các ông cũng như dân tình còn khó khăn, hạ tầng còn yếu kém … Một số quan chức vẫn “thành tâm” nhận 10% đấy thôi …

 

         Khi tiễn chúng tôi  ra về đi qua bàn làm việc ngoài trời của Sư thầy, thấy tập Alat bản đồ kinh tế văn hóa xã hội các tỉnh trong cả nước do Quân đội ấn hành. Hỏi ra mới biết Sư thấy là Phó Chủ tịch Hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên. Thời trai trẻ của thầy có mấy năm mặc áo lính. Tôi lại nhận ra  rằng: Trần Thị Chung gửi gắm niềm tin vào cửa Phật đúng chỗ.

 

         Xe quay về Hà Nội, lúc này tôi mới để ý đến chiếc xe mình đang ngồi. Phía trước có la bàn báo phương vị mình đang di chuyển. Mọi điều khiển trong xe đều bấm nút. Xe hiện đại ngồi thoải mái mà không hề thấy xóc khi vào đường xấu. Chung bảo ngày hôm trước Chung còn đi kiểm tra cơ sở ở Lạng Sơn mới về khi tối. Xe thì như vậy còn chủ nhân của nó – một cựu chiến binh ngấp nghé tuổi 60 nhưng rất tươi trẻ đoán chừng chỉ mới 50, thân hình cân đối, khuôn mặt đẹp, tóc cắt ngắn kiểu đầu vuông hiện đại. Còn trí tuệ sức làm việc thì khỏi phải nói luôn nhạy cảm, nắm bắt vấn đề rất nhanh , chính xác và quyết đoán …

         Chuông điện thoại lại reo, Chung lại bấm máy:

- Ba cô ấy quả thực không đáp ứng được với yêu cầu chuyên môn. Có thể phải cho nghỉ nhưng em phải nói rõ cho họ hiểu. Cho thời gian thử thách một tháng nữa, nếu không khắc phục được thì cắt hợp đồng …

- À! Chị hiểu rồi, trường hợp này em phải cân nhắc cô ấy đang mang bầu đấy, cần phải chiếu cố, em hiểu không …

         Vừa buông máy Chung lại bắt chuyện với bọn tôi. Chị kể về những ngày chị ở binh trạm 44 phụ trách bếp ăn cùng chị em lang thang ở Khâm Đức kiếm rau rừng cho bếp. Vùng này vắt nhiều vô kể, sơ ý là bị nó cắn chảy máu.

         Chuông điện thoại của Chung lại reo, lần này là từ nhà chị hỏi chị thực đơn bữa chiều, chị bảo để chị về thực hiện. Hôm nay chị đãi cả nhà món miến lươn. Nghe chị dặn ở nhà đã thấy ngon rồi.

 

         Xe đi vào địa phận Hà Nội phải len lỏi để vượt qua đường 5 lên cầu vào đường cao tốc. Tôi cảm thấy sốt ruột, nhìn sang Chung vẫn bình thản. Chị đề xuất với anh Quảng tổ chức chuyến đi tiếp theo vào trung tuần tháng 11 này. Tôi chợt nghĩ về Chung một cựu chiến binh – một doanh nhân đầy nghị lực, trách nhiệm, tâm huyết với việc chung. Đang miên man nghĩ về chị thì chị biếu tôi hai giấy mời về nhà hát lớn dự chương trình “Bông hồng thép” – Tôn vinh chất thép phụ nữ Việt Nam thời hội nhập – Chị là một trong 60 mươi bông hoa đó. Qua một ngày dong duổi cùng chị cũng đã tỏ rõ chất thép trong con người chị. Không cần phải để ngày mai chứng kiến chị nhận biểu trưng và giấy chứng nhận “Bông hồng thép” mà trong tôi và các cựu chiến binh chúng ta cũng đã nhận rõ từ thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cho đến giờ Trần Thị Chung luôn giữ được chất thép của người lính Trường Sơn. Chị rất xứng đáng với “Bông hồng thép” của thời hội nhập.

 

 

NGUYỄN HOÀNG  - TRANG THÔNG TIN TRƯỜNG SƠN

 

 

tin tức liên quan
test 123