TẢN MẠN VỀ CUỘC HỌP MẶT 471
TRÊN THÀNH PHỐ HOA
Phạm Tiến Đặng - Sư đoàn 471, Hàm Tân, Bình Thuận
Miền Trung - Tây Nguyên năm nay đói nước trầm trọng. Những cánh rừng trải dài khô sám. Những đồng ruộng nứt nẻ vì khô hạn.
Đợt hạn hán này. Nghe những lão nông tri điền tuổi trên bát thập, nói: Đã sống cả gần một thế kỷ đến nay mới gặp hạn hán dữ dội như thế này.
Chúng tôi rời mảnh đất cực nam Trung Bộ đang oằn mình vì khô hạn để lên Đà Lạt. Ngày mai, Ban Liên lạc Sư đoàn 471 Miền trung – Tây Nguyên tổ chức kỷ niệm 45 năm Sư đoàn Anh hùng.
Từ khắp nẻo Miền Trung -Tây Nguyên, cực nam Trung Bộ và Miền Đông Nam Bộ, chúng tôi hẹn nhau hội tụ tại Đà Lạt - Phố núi mộng mơ...nơi quanh năm, suốt tháng không khí trong lành, hương hoa thoảng nhẹ !
Cái nắng gay gắt mùa khô và từng cơn lốc bụi, cứ bám riết lấy chúng tôi cho tới khi xe lên lưng chừng đèo Bảo Lộc. Trời dịu mát. Anh em trong đoàn đề nghị tài xế tắt máy lạnh, mở kính để được tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành. Từng cuộn gió hất vào trong xe, mang theo gió lạnh thổi bồng bềnh những mái tóc điểm sương, trắng bạc. Từ hàng ghế giữa, đồng đội tôi bỗng vang lên lời hát: Xe ta băng băng qua dặm ngàn...Thế là chẳng cần có quản ca, nhạc trưởng tất cả chúng tôi đều hoà vào bài hát...Băng qua bao núi đèo, đồi ngang. Mà xe ta băng ra chiến trường...Ôi ! Bài hát mang đậm chất quân hành mà sao âm hưởng lại tha thiết ngọt ngào đến vậy ? Bài hát gợi nhớ về những người lính lái xe Trường Sơn không kính năm xưa. Đã cùng đồng đội vượt qua vô vàn khó khăn, ác liệt. Để đưa những chuyến hàng ra trận. Những bài hát về Trường Sơn của một thời hoa lửa, của máu và nước mắt, của niềm tin vào chiến thắng và hạnh phúc ngọt ngào. Dù đã gần nửa thế kỷ qua đi, trong con tim và ký ức những người lính già chúng tôi vẫn như vừa mới thoáng qua đây !
Đường lên Đà Lạt nay đã mở rộng. Xe qua Di Linh với những rừng cà phê, đồi chè xanh ngút ngàn tầm mắt. Thị trấn Đức Trọng mới có mấy năm tôi không tới mà nay đã đổi khác quá nhiều...Con đường cao tốc từ sân bay Liên Khương về Đà Lạt rộng rãi, phẳng lỳ cho xe bon cả trăm km giờ mà không gợn sóc. Đường đèo ngoằn nghèo dẫn lên thành phố mộng mơ. Nơi có làng dệt thổ cẩm Bnerc. Nơi ngọn thác bảy tầng tuyệt đẹp, sừng sững tuôn đổ từ trên cao xuống. Từng thảm nước đập vào vách đá. Oà bung ra lung linh như triệu cánh hoa rừng, làm đắm say bao bao lữ khách. Núi Langbiang có hai ngọn. Người dân bản địa quen gọi là núi ông và núi bà. Đến chân núi, leo lên xe Jep phóng lên đỉnh. Du khách phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn trời, đất - Suối vàng, núi voi...Cùng những con sông và suối nước trong xanh uốn lượn như những giải lụa mềm, đan xen cùng cỏ cây hoa lá...Nhưng có lẽ thú vị hơn cả là lữ khách đi bộ. Khi di chuyển qua những con đường mòn, trong khu rừng nguyên sinh, dưới những tán cây già. Nghe tiếng suối róc rách cùng tiếng chim rừng líu lo ca hót với những thảm hoa dại mọc đan xen khoe sắc khắp nơi. Bạn sẽ thấy sảng khoái, nhẹ nhàng như trút bỏ được tất cả những muộn phiền, ưu tư trong cuộc sống. Cách khu tập kết dưới chân núi không xa là thung lũng trăm năm. Nơi tổ chức các lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, đốt lửa trại, nhảy múa ca hát và thưởng thức rượu cần. Thiền viện Trúc Lâm nằm trên ngọn núi Phụng Hoàng. Mặt hướng về hồ Tuyền Lâm. Những rừng thông cổ thụ than sần sùi, lá vi vu quyện cùng tiếng thác đổ rầm rì trong nắng trưa dịu mát. Du khách ngồi trên cáp treo nhìn xuống, cảnh sắc thật là kỳ vĩ như đang lạc vào chốn tiên cảnh- Bồng lai.
ĐÀ LẠT KÍNH CHÀO QUÍ KHÁCH ! Xe vừa trờn qua cổng chào đầu thành phố, đã thấy những hàng hoa hồng, hoa cúc, đồng tiền...Rực rỡ sắc mầu thẳng tắp nối dài. Vào sâu trong thành phố đến bên kia hồ Xuân Hương là công viên ngàn hoa rộn ràng đua chen muôn vàn hương, sắc. Khác hẳn với các thành phố ồn ào, náo nhiệt. Đà Lạt vẫn như cô gái chân quê dịu dàng, e ấp. Người dân xứ "Atiso"chân chất làm ăn. Họ sống nghĩa tình và nhân hậu. Chúng tôi đi gần hết thành phố cũng không thấy bóng dáng của các chiến sỹ cảnh sát giao thông. Hỏi ra và để ý quan sát mới biết người dân Phố Núi cao nguyên này ý thức tham gia giao thông rất tốt. Hoạ hoằn mới có một vụ xảy ra va quệt và trộm cắp. Nhưng hầu hết đều do những người khách từ nơi khác về đây gây hoạ.
Anh Đinh Quang Đá quê Tuyên Hoá, Quảng Bình. Vùng quê nghèo trong những tháng, năm chiến tranh khốc liệt. Anh là Trưởng phòng Kỹ thuật năm xưa của Sư đoàn, cùng thời với anh Tuỳ râu về hưu hiện đang sống ở Gia lâm, Hà Nội. Sau Giải phóng, anh đưa gia đình vào Krông Năng-Buôn Mê làm ăn sinh sống.
Năm một ngàn chín trăm chín chin, Trung tá Nguyễn Chí Siêm đã cùng với các đồng đội trong đó có anh Đá ở vùng cao Tây Nguyên thành lập Ban Liên lạc Sư đoàn 471 Miền Trung -Tây Nguyên. Việc làm của các anh với mục đích cùng nhau giữ vững truyền thống, phát huy phẩm chất của những người sỹ quan, chiến sỹ đơn vị Anh hùng. Chăm sóc, giúp đỡ, bao bọc nhau trong nghĩa tình đồng đội. Hiện nay anh Đá là Chủ tịch Hội trường Sơn Sư đoàn 471 khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Anh đã từ Krông Năng - Buôn Mê xuống Đà Lạt mấy ngày trước để cùng một số đồng chí tổ chức buổi gặp mặt và sắp xếp đón tiếp nơi ăn, chốn nghỉ cho những đồng đội ở xa về dự.
Xe chúng tôi vừa tới. Đã thấy rất nhiều đồng đội từ khắp nơi về tới trước rồi. Anh Đá cùng với nhiều đồng chí đã chờ sẵn nơi cổng nhà khách đoàn an dưỡng 198 Bộ Quốc phòng. Những cái bắt tay xiết chặt. Những cái ôm nồng ấm nghĩa tình đến nghẹt thở của những người lính Trường Sơn trao nhau. Những lời thăm hỏi của cái tuổi bậc ông, bậc bà mà sao vẫn ríu rít, xốn xang như cái thời còn son trẻ trong rừng. Lại nữa, lại những cái biệt danh "Sơn ca”, “Xương rồng”, “Cầu tõm”, “Rau má”, “Hủi”, “Còi”... được anh em đồng đội tôi réo gọi nhau inh ỏi...Phải chăng đây cũng là một phần trong cái rất riêng của BẢN SẮC TRƯỜNG SƠN ? Mà hầu như người lính nào trong muôn nẻo Trường Sơn cũng OKE chấp nhận, mang theo suốt đời kỷ niệm ! Mấy chục năm xa cách, hôm nay tôi và anh Đá mới có dịp gặp lại nhau. Tôi quan sát Anh - Anh vẫn như xưa to cao vạm vỡ, dù đã trên tám mươi tuổi nhưng vẫn còn rất khoẻ. Tác phong nhanh nhẹn, bản tính bộc trực, giản dị y như cái thời còn ở trong rừng. Anh nheo mắt nhìn tôi – “Đặng còi” ! Làm ăn kinh tế mấy chục năm rồi ăn uống thế nào mà cậu vẫn như cây tre, chẳng mập lên được chút nào ra vậy ? Tôi cười - trả lời : “Thì tại cái lúc ở trong rừng Trường Sơn thấy em gầy nhỏ. Anh Quảng – đồng chí Nguyễn Thuận Quảng khi đó làm Tham mưu trưởng Sư đoàn, gọi em như vậy. Rồi các anh cũng cứ thế gọi theo thì làm sao mà em mập lên được !
...Thủ trưởng Nguyễn Thuận Quảng năm nay đã tám mươi hai tuổi rồi. Anh mới đỡ bệnh được mươi ngày, đã từ Hà Nội bay vào Đà Lạt từ mấy hôm trước để tranh thủ nghỉ ngơi, dưỡng sức còn tham dự buổi gặp mặt. Gặp tôi - người lính trước đây dưới quyền ông ở Phòng Tham mưu Vận chuyển Sư đoàn. Ông ân cần hỏi thăm sức khoẻ và hoàn cảnh gia đình. Ông chia xẻ với những người lính ở Bình Thuận chúng tôi về tình hình đợt hạn hán kéo dài...Động viên chúng tôi cùng đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống… Sao cho xứng đáng là những người lính của Sư đoàn 471 Anh hùng.
Cơm chiều xong. Anh em chúng tôi ở đồng bằng, ven biển lên phố núi - Cao nguyên rủ nhau đi tham quan chợ đêm Đà Lạt. Bình"choắt" cũng đi cùng. Bình"choắt" quê gốc Bắc Ninh. Trước đây ở Trường Sơn là tay tổ quậy, tiếu lâm có hạng. Bất cứ ai làm, nói gì sơ sẩy chỉ cần lọt vào tai mắt hắn là không chiều thì tối. Hắn đã sáng tác ra một chuyện tiếu lâm rồi mang kể cho anh em nghe cười nghiêng, cười ngả...Lần ấy, không biết tại vận đen hay nhìn ngó riết không kiếm được chủ đề. Bình"choắt" đem chuyện cô người yêu của thằng bạn đồng hương ra thêm râu, thêm ria bày trò đàm tiếu. Làm cho thằng Tâm đồng hương điên tiết...Không biết có phải vì dính "chưởng" của thằng bạn đồng hương hay không, mà khi tôi xuống kho hàng Bình"choát" công tác, đã thấy cu cậu có hai cái răng cửa bất tuân thượng lệnh. Chúng không chịu khép vào trong cặp môi rồi. Chỉ nghe anh em kể lại - lần đó nó nhận "chưởng" của thằng Tâm mà ra vậy.
Những cỗ xe ngựa được trang hoàng đẹp mắt, đứng bên hồ Xuân hương để sẵn sàng phục vụ du khách dạo quanh, chiêm ngưỡng danh thắng ven hồ. Những vườn hoa, cây cảnh được bàn tay các nghệ nhân tạo dáng. Chăm sóc, xén tỉa công phu. Những cây liễu lơ thơ rủ bóng...Nhà thuỷ tạ giữa hồ cùng những quán cafe, giải khát xung quanh lấp lánh ánh đèn. Lung linh như muôn giải ngân hà trong những đêm trăng mờ, không tỏ. Bình "choắt" cười hì...hì...Nó nói : Mấy ông nài ngựa này may mà ở quanh hồ Xuân Hương, mãi tít trên Cao nguyên Đà Lạt. Nên được chính quyền ưu ái cho ung dung, tự tại mà chạy dịch vụ. Nếu mang xe ngựa về đón khách ở cổng quán cà phê Xin chào ! Đừng nói là chạy, chỉ cần đỗ đó. Tớ tin thằng chả cũng dám ăn luôn cái trát “Truy tố” của hai ông kẹ: Trưởng công an huyện- Nguyễn Văn Quí và Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Bình chánh là cái chắc. Thằng Lan lính lái xe ở Binh trạm 33 được tăng cường về Sư 471 trước đây xen vào: - Xưa rồi bố ơi ! Hai cha đó bị đình chỉ công tác đang chờ án kỷ luật hết rồi. Giờ người nài ngựa có mang xe về Bình Chánh đậu đó, thì họ cũng chẳng bị truy tố nữa. Có chăng, Công an chỉ nhắc nhở giải thích cho họ hiểu về tiếp tục chở khách Du lịch trên Cao nguyên. Bình"choắt" khoa tay, chẩu cái miệng có hai cái răng cửa luôn dãi nắng, dầm sương tấu tiếp: - Gặp mặt kỷ niệm Sư đoàn xong, về nhà tớ hỏi ông táo, mượn con cá chép cỡi thẳng qua Đài Loan, để tìm cho ra thằng cha Chu Xuân Phàm. Hắn tự cho mình là con cháu thiên triều phát ngôn ngông cuồng, bậy bạ...Hắn không những báo hại tay Phó Tổng Giám đốc FOMOSA và bộ sậu lãnh đạo Cty trong buổi họp báo phải rạp đầu xin lỗi. Mà còn hại luôn chính hắn- Chu xuân Phàm bị đuổi việc. Cô Hồng Liên - đứa em, đồng đội nhỏ tuổi nhất đưa chuyện: Anh Bình đâu cần phải chờ đến ngày mốt. Em chỉ cách cho anh đi trị hắn và về ngay trong đêm vẫn dư kịp sáng mai dự hội nghị. Bình"choắt" vô tình mắc nỡm, liền quay qua giục: - Hồng Liên em có kế hay thì nói ra đi ! Hồng Liên cười khì, khì...Chỉ tay về phía chợ - Chút nữa đến đó anh Bình ghé vô khu hàng mã. Mua bộ áo, mũ ông Công - ông Táo và con cá chép vàng bằng giấy. Rồi mang ra công viên này mặc vào. Tụi em sẽ thắp cho ba nén nhang, rồi hô biến một cái. Đảm bảo thoáng chốc anh sẽ bay qua tới bển. Gặp tên họ Chu xong, bay về, còn dư thời gian uống cà phê mới vào hội nghị. Bình"choắt" biết bị cô em nuôi quân ngày xưa chọc quê. Hắn dãy lên như đỉa phải vôi, nhào tới định túm áo Hồng Liên. Nhưng làm sao mà bắt được. Bởi Hồng Liên ở nhà sáng nào cũng tập chạy bộ, đã nhanh chân phi việt dã nước đại cách Bình"choát" vài chục mét… Mọi người thong thả, cùng nhau cuốc bộ tới chợ đêm Đà Lạt. Trong hơi gió se lạnh của Thành phố ngàn hoa, chợ đêm Đà Lạt không ồn ào náo nhiệt. Nó bình lặng êm đềm như bản chất vốn có của vùng núi mờ sương. Đến chợ đêm có đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Những cặp nam thanh, nữ tú và cả những cậu ấm, cô chiêu lắm tiền, nhiều của đi du lịch cốt để khoe, trưng những bộ quần áo thời thượng, bắt mắt, đắt tiền. Những du khách châu Âu, châu Mỹ thong thả tản bộ xem, ngắm và mua những mặt hàng họ thích. Ngoài những thứ vật dụng, hàng lưu niệm, quần áo...người dân bản xứ ở đây đem ra bán tất cả sản vật họ trồng cấy và thu hái được trong rừng. Những thang thuốc trị bệnh bằng lá cây, hoa, trái các kiểu và đặc biệt là các loại trái cây thơm ngon, mát bổ mà chỉ hiện hữu nơi phố núi mộng mơ mới trồng cấy được. Cô Hồng Liên nhìn đống dâu tây trái to gấp ba, bốn lần con dâu tằm mọng đỏ. Thèm chảy nước miếng. Liên xin cô gái bán hàng cho anh em chúng tôi ăn thử. Ôi ! Trái dâu thơm, ròn. Vị hơi chua, nhưng ngọt. Cuốn hút chúng tôi đến lạ lùng ! Khoái quá, tụi tôi mỗi đứa mua về năm, mười ký để làm quà và ngâm rượu. Mai mốt cho mấy đứa bạn lính ở nhà thưởng thức hương vị Cao nguyên.
Buổi sáng - Thành phố mờ sương, trời se lạnh ! Chúng tôi phải khoác thêm áo ấm ra ngoài bộ quân phục xuân hè. Rồi rủ nhau đi thưởng thức cà phê, ăn sáng. Ông chủ quán Ngọc Sương, trước đây cũng là quân nhân từng tham gia chiến tranh bảo vệ Biên giới Tây Nam. Giải ngũ, ông mở quán cà phê cùng gia đình kiếm sống. Thấy đoàn khách cựu chiến binh ngực lấp lánh Huân chương bước vào. Ông Tình đã thay ngay đĩa nhạc chuyên về các bài hát thời chống Mỹ để chào đón những người lính cựu ! Sáu ly cà phê đen được pha chế kỹ thuật, bưng ra, nóng hổi và thơm lựng. Kích thích hết cỡ khứu giác của những người lính Trường Sơn. Nhấp một chút, rít thêm hơi thuốc làm thần kinh chúng tôi hưng phấn và sảng khoái đến lạ...Quán bún bò Huế - Hương Giang sát vách. Gió thổi nhẹ. Đưa hương vị cay, thơm nồng nhức mũi sang phía chúng tôi ngồi. Nhìn qua, tôi thấy quán rộng có mười mấy bộ bàn, ghế đã chật cứng khách. Biết tụi tôi muốn thưởng thức. Ông chủ Tình gọi chủ quán làm sáu tô bưng giúp qua dùm. Những sợi bún to ngồ ngộ, nước mỡ vàng ươm thơm lựng, thoang thoảng một chút mùi mắm ruốc, với một miếng giò heo to, dày được ninh mềm, kèm theo ít lát thịt bò thái mỏng. Một đĩa rau sống đủ loại bắt mắt. Ăn vừa ngon, vừa thơm quyện với cái vị cay cay, tê tê nơi đầu lưỡi. Làm cho cả sáu thằng chúng tôi khoái khẩu sực phàn "tô chống". Ở Miền Nam này vẫn thế ! Khách vào uống cà phê muốn ăn sáng, hay khách ăn sáng muốn uống cà phê cứ ngồi nguyên đó. Chủ quán sẵn sàng gọi giúp. Ăn xong muốn uống bao nhiêu nước trà cũng được. Họ phục vụ vô tư mà không tính thêm tiền. Ăn xong tính tiền. Một tô chỉ có hai mươi ngàn. Trên đường về, Bình "choắt" cứ khen hoài: quá ngon mà rẻ. Theo Bình"choắt" và một số anh em bình luận nếu một tô bún bò nấu được ngon, nhiều như thế mà ở Biên Hoà hay Thành phố giá không dưới sáu, bảy chục ngàn đồng.
Đúng bảy giờ. Các đồng chí được Ban Tổ chức phân công đã vào vị trí của mình để đón tiếp, hướng dẫn đại biểu và các đoàn khách mời về dự Buổi gặp mặt.
Đến dự buổi gặp mặt bốn mươi năm năm kỷ niệm ngày thành lập Sư đoàn 471 Anh hung, được tổ chức tại Hội trường nhà khách 198 Bộ Quốc phòng có : Đại tá Nguyễn Thuận Quảng, Trưởng ban Liên lạc Sư 471 toàn quốc, nguyên Phó Tư lệnh -Tham mưu trưởng sư đoàn cùng phu nhân. Đại tá Trần Kiên nguyên Sư đoàn phó thời kỳ làm kinh tế Tây Nguyên; Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Hà, nguyên quân y Sư đoàn bộ, hiện nay là Giám đốc Cty Dịch vụ hằng hải Hải phòng; Thượng tá Nguyễn Thị Dung, Phó đoàn trưởng đoàn An dưỡng 198 Bộ Quốc phòng; Đồng chí Phương Liên và Nguyễn Đình Hợi, Phó Chủ tịch Hội TS Lâm Đồng.
Buổi gặp mặt kỷ niệm ngày thành lập Sư đoàn lần này đặc biệt có sự hiện diện của một người vừa là đồng đội năm xưa, vừa là cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng - đồng chí Ngô Văn Dụ - nguyên Trưởng phòng kế hoạch Tổng hợp Sư đoàn 471, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Hơn hai trăm anh, chị em đại biểu, đại diện cựu binh Sư đoàn từ khắp Miền Trung-Tây Nguyên và Miền Đông Nam Bộ cùng về hội tụ.
Tám giờ. Những tiết mục văn nghệ, những bài hát đi cùng năm tháng... đã được đội nghệ thuật cựu binh 471 ở thành phố Hoa Phượng Đỏ vào tham dự buổi họp mặt, trình diễn vô cùng truyền cảm. Cả Hội trường bồi hồi, xúc động ! Những nụ cười và nước mắt đã rơi...Hồi ức xưa ùa về. Những ngày mịt mờ khói lửa, với rau tầu bay và những khóm măng rừng, về những cánh võng Trường Sơn đung đưa nơi đỉnh đèo, ven suối và những cánh thư nhà; Những chiếc gậy hành quân, đã bao lần nâng bước cùng người lính giao liên đưa các Binh đoàn hành quân ra trận...Không một ai trong số những người lính tóc pha sương, muối bạc cùng ngồi đây hôm nay, không cảm được hình ảnh của mình trong lời hát của một thời lửa, hoa và nước mắt. Những người lính Sư 471 cách đây bốn mươi năm năm. Họ đã từng sống, chiến đấu, chia ngọt, xẻ bùi trong mưa bom, bão đạn. Hôm nay mới có dịp gặp lại nhau - trên Thành phố Cao nguyên xinh đẹp, thanh bình, tràn ngập sắc hoa này. Hỏi sao lòng không bồi hồi, rung động ! Đồng chí nữ cựu binh sư đoàn - trình diễn bài: Trường Sơn Đông -Trường Sơn Tây. Bằng cảm xúc và giọng hát ngọt ngào, chị đã làm cả hội trường lặng im. Khi bài hát được chị thể hiện vừa dứt. Những tràng vỗ tay dài tưởng như không dứt...
Trung tá Đinh Quang Đá, Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 471 khu vực Miền Trung - Tây Nguyên đọc diễn văn chào mừng. Anh nêu bật những điểm nhấn về lịch sử oai hùng của Sư đoàn : "...Từ ngày thành lập Bộ Tư lệnh khu vực 471. Đến nay vừa tròn bốn mươi năm năm. Từ Bộ Tư lệnh 471, đến Sư đoàn ô tô vận tải cơ động 471. Rồi Sư đoàn làm kinh tế - lâm nghiệp Tây nguyên. Bất cứ giai đoạn nào trong cuộc chiến, cũng như làm kinh tế, Sư đoàn đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình. Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn đã anh dũng hy sinh vì nền Độc lập tự do cho Dân tộc ! Hàng vạn cán bộ, chiến sỹ từ khắp mọi miền Đất nước hội tụ cùng nhau trong đội hình - Sư đoàn 471 Trường Sơn Anh hùng. Thời kỳ nào cũng đều giữ vững và phát huy bản chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ. Phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Trường Sơn Anh hùng. Những cán bô, chiến sỹ chúng ta luôn tự hào đã từng được sống, chiến đấu, công tác, lao động trong đội hình của Sư đoàn. Dù thời gian qua đi, trở về đời thường. tuổi cao, sức yếu, ở đâu, làm gì...Những người lính Sư 471 Anh hùng bộ đội Trường Sơn cũng luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Gương mẫu trong lao động, sống trong sáng, giản dị. Đóng góp và tham gia cùng với Đảng, chính quyền, nhân dân xây dựng nông thôn mới…Đã có rất nhiều tấm gương điển hình, tiên tiến trong học tập, công tác và làm kinh tế giỏi. Các đồng đội chúng ta đã làm tốt công tác chăm sóc, nghĩa tình. Giúp nhau xoá đói, giảm nghèo để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống.." Đồng chí Đinh Quang Đá cũng thay mặt cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, cảm ơn và chúc sức khoẻ tới các đồng chí lãnh đạo tiền bối Sư đoàn, các Anh hùng, thương binh và gia đình liệt sỹ, cùng toàn thể cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn trong toàn quốc !
Thay mặt Ban liên lạc Miền Trung - Tây Nguyên, Đại uý Vũ Đình Thắng nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 49, ôn lại truyền thống Sư đoàn 471 Anh hùng. Trong suốt quá trình mười bảy năm từ ngày thành lập, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Những địa danh nam, bắc Bạc, Lân Tôn, Phù Trường, Bến Giằng...là ký ức không thể nào quên của cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 471. Năm 1975, Sư đoàn đã cùng với các cánh quân tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Rồi sư đoàn lại khẩn trương sắp xếp đưa đón các đồng chí, đồng đội bị địch giam cầm từ nhà lao Phú Quốc trở về. Tiếp quản và bảo vệ khu kho quân sự Long Bình lớn nhất Miền Nam. Cho đến khi chuyển sang nhiệm vụ làm kinh tế nơi vùng đất Tây Nguyên...Những năm tháng khó khăn, ác liệt nhưng cũng rất hào hùng của tập thể cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 471, đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận bằng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1976. Đồng thời đồng chí Thắng cũng nêu rõ những công việc cụ thể đã, đang và sẽ làm của Ban liên lạc Miền Trung - Tây Nguyên xoay quanh tôn chỉ, mục đích: Đoàn kết, giữ gìn, phát huy truyền thống Trường Sơn Anh hung; Quan tâm, chia xẻ, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau trong mái nhà chung NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI và báo cáo về kế hoạch công tác chuẩn bị tổ chức của Ban liên lạc cho buổi gặp mặt anh em đồng đội lần này và những năm sau...
Thay mặt lãnh đạo Sư đoàn phát biểu trong buổi gặp mặt, Đại tá - Nguyễn Thuận Quảng nói : Ông rất vui mừng và hạnh phúc được cùng những người lính, đồng đội, từng sát cánh chiến đấu, công tác trong đội hình sư 471 trên muôn nẻo Trường Sơn về tham dự buổi họp mặt hôm nay. Ông biết, hầu hết những cựu binh ngồi đây đều từ mọi miền quê vào Miền Trung- Tây Nguyên lập nghiệp. Ông động viên, nhắc nhở những cán bộ, chiến sỹ cựu binh Sư đoàn phải luôn học tập và rèn luyện theo tấm gương của Bác Hồ kính yêu: Sống gương mẫu, giản dị, khiêm tốn và cùng tham gia tích cực đóng góp xây dựng quê hương nơi mình sinh sống ngày càng văn minh, giàu đẹp. Quan tâm, chăm sóc giúp nhau giữ vững và phát huy truyền thống. Đùm bọc nghĩa tình. Để luôn xứng đáng và tự hào là người lính Sư đoàn 471 Trường Sơn Anh hung... Không chi riêng tôi, mà hầu như tất cả cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn đều biết rõ Đại tá Nguyễn Thuận Quảng không những là người chỉ huy tài ba, dũng cảm, mà còn rất gần gũi, chăm lo, dìu dắt cho những người lính chúng tôi từng bước trưởng thành. Chẳng thế mà trong con tim của anh em chiến sỹ Sư đoàn từ lâu đã xem ông như một Anh hùng- Anh hùng của lính !
Buổi gặp mặt kỷ niệm ngày thành lập Sư đoàn diễn ra trong không khí vui tươi, đoàn kết, cảm động và ấm áp nghĩa tình...Kết thúc ! Mọi người cùng nhau quây quần bên bàn ăn trong nhà hàng khang trang, sạch sẽ của nhà khách Đoàn an dưỡng 198 Bộ Quốc phòng.
Bữa cơm của những người lính còn sót lại sau hậu chiến thật đông vui, náo nhiệt và cảm động. Những cốc bia trước khi uống, được anh em rót một phần xuống thảm nhà để kính mời vong linh đồng đội: Trung, Quyết, Chiến, Thuận, Bình, Hoàng...Cùng về chung vui với anh em trong Sư đoàn nhân ngày họp mặt. Và những bài hát lại tiếp tục ngân vang, hoà trong tiếng cụng ly kêu leng keng...Cùng những lời chúc cho nhau Sống vui, sống khoẻ, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Tôi lặng lẽ...đi dọc hành lang nhà hàng để ý quan sát. A ! Kia rồi. Cái khuôn mặt bầu bầu, trắng mịn với mái tóc dày tuy không còn dài như xưa, nhưng vẫn còn đen bóng của chị Lập. Tôi tiếp cận chị từ phía sau lưng, đặt bàn tay lên vai rồi gọi: Chị Lập ! Mấy chị em trong bàn đang vui vẻ, hàn huyên tâm sự...Bỗng giật mình vì tiếng gọi lớn của tôi. Chị Lập nhìn lên. Sau vài giây ngỡ ngàng...Chị đã nhận ra tôi – “Đặng còi”. Cái biệt danh đã cùng theo tôi bao năm tháng...Chị Lập xúc động cứ cầm lấy tay tôi mà lắc miết...Chúng tôi bỏ dở bữa ăn, cùng nắm tay nhau ra ngoài hành lang hàn huyên, tâm sự. Qua chị tôi được biết : Năm 1977 anh Thiệu Khắc Thái khi ấy đang là Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 7 công binh, Quân đoàn 3 và chị đã nên vợ, nên chồng. Họ cảm thông, trao nhau yêu thương và sát cánh bên nhau vượt qua tất cả những khó khăn, thiếu thốn đời thường. Bằng vào ý chí và nghị lực người lính, năm 2005 sau khi nghỉ hưu, anh chị thành lập công ty TNHH cầu đường. Sau một thời gian chăm chỉ làm ăn và tiết kiệm, họ không những có nhà cửa đàng hoàng mà còn lập nên một trang trại cà phê nơi vùng đất Cao Nguyên lộng gió. Năm 2013 bất hạnh đến với chị. Anh Thái đột ngột ra đi. Để lại cho người vợ hiền nỗi buồn thương tiếc khôn nguôi và hai đứa con đang cần có người cha dìu dắt. Cùng những dự án xây dựng còn dang dở...Chị tưởng chừng như không thể vượt qua. Nhờ sự động viên của bạn bè đồng đội, người thân. Bằng vào nghị lực của người lính. Chị đã nén buồn đau, thực hiện tiếp những công việc dang dở khi anh ra đi còn để lại. Thời gian trôi qua...Các con của chị đã trưởng thành. Cậu con trai giờ đang làm Giám đốc bộ phận Đầu tư tài chính của Tập đoàn bất động sản Tiến Phước. Năm rồi chị đã được lên chức bà ngoại vì cô con gái mới sinh. Hiện nay chị Lập - người làm công tác thống kê, kế hoạch ở phòng Tham mưu Sư đoàn 471 năm xưa, đang ở tại Quận 9 - Tp Hồ chí Minh…
Chúng tôi tạm biệt nhà khách 198 Bộ Quốc phòng. Tạm biệt người dân xứ "Atiso" mộc mạc, chân thành, mến khách ! Tạm biệt Thành phố ngàn hoa nơi cao nguyên lộng gió ! Chúng tôi ra về. Những cái bắt tay xiết chặt, những cái ôm nồng ấm, những lời chúc xốn xang, nghẹn ngào...Hẹn gặp lại nhau vào ngày này năm sau của những người đồng đội.
Mấy cô, cậu lính trẻ phục vụ trong nhà khách 198 Bộ Quốc phòng, chứng kiến ngay từ chiều hôm qua, khi những người lính già từ khắp nơi kéo về gặp mặt. Họ đứng nhìn những người lính đáng tuổi ông, tuổi cha bịn rịn, quyến luyến chia tay...Họ nói với nhau: Chỉ có những người lính Trường Sơn mới yêu thương nhau đến thế !
Trung tá Đinh Quang Đá, Chủ tịch Hội TS Sư đoàn 471 Miền Trung - Tây Nguyên phát biểu khai mạc buổi họp mặt kỷ niệm 45 năm thành lập Sư đoàn.
Đại tá Nguyễn Thuận Quảng, nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn, Trưởng BLL toàn quốc sư đoàn 471, phát biểu với đồng đội tại lễ Họp mặt kỷ niệm 45 năm thành lập Sư đoàn của các CCB sư đoàn tại Miền Trung - Tây Nguyên.
Thiếu tá "Đặng còi" và Nguyễn Thị Lập - Phòng Tham mưu Vận chuyển Sư đoàn đến từ Hàm Tân Bình Thuận và TP. Hồ Chí Minh trong ngày họp mặt.
Các chiến sĩ văn nghệ 471 từ Hải Phòng đã mang tiếng hát, lời ca Trường Sơn vào buổi họp mặt cùng đồng đội tại Đà Lạt.
Đại úy Vũ Đình Thắng trong BLL ôn lại truyền thống, lịch sử hào hùng của Sư đoàn.
Các đại biểu phát biểu tại lễ Họp mặt.
Quang cảnh hội trường buổi họp mặt.
Đại tá Trần Kiên, nguyên Phó sư đoàn trưởng thời kỳ sư đoàn 471 làm kinh tế lâm nghiệp tại Tây Nguyên phát biểu tại buổi họp mặt.
Thiếu tá Minh Hà, nguyên quân y sĩ Sư đoàn bộ chúc mừng đồng đội năm xưa.
Đại úy Ngô Văn Dụ (thứ 5 bên trái), nguyên Trưởng ban Kế hoạch Tổng hợp Sư đoàn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ. Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương với Đại tá Nguyễn Thuận Quảng (thứ 4 bên phải), nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn - Trưởng BLL toàn quốc sư đoàn 471 , Đại tá Trần Kiên (thứ 5 bên phải), nguyên Phó sư đoàn trưởng và đồng đội Sư đoàn 471 chụp ảnh kỷ niệm tại buổi họp mặt Sư đoàn.