Một chuyến đi nhiều ấn tượng và giàu tình cảm - ghi chép của Phạm Thành Long

Ngày đăng: 01:11 26/03/2017 Lượt xem: 508
Mở đầu hoạt động kỷ niệm 70 năm Thương binh Liệt sĩ 2017 và kỷ niệm 58 năm Ngày truyền thống Bộ đội TS, chúng tôi đã tham gia cuộc hành hương tri ân đầu tiên tại Thái Bình...

            MỘT CHUYẾN ĐI NHIỀU ẤN TƯỢNG VÀ GIẦU TÌNH CẢM

                                                   Ghi chép của Phạm Thành Long

 

        Sáng 25/3/2017, chúng tôi rời Hà Nội hành hương về xã Hồng Châu, Đông Hưng, Thái Bình. Chuyến đi này do Trung tâm Tổ chức thăm chiến trường xưa Bộ đội Trường Sơn – quân tình nguyện Việt Lào phối hợp với vợ chồng đồng chí Dương Thành và Vũ Thúy Lành, Giám đốc Trung tâm tổ chức.

          Dẫn đầu đoàn cán bộ TƯ. Hội là Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng và Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, Phó Chủ tịch Hội. Nhiều đồng chí Trưởng, Phó Ban chuyên môn của cơ quan TƯ. Hội là khách mời của Trung tâm.

      Chúng tôi đặt chân đến thị trấn Tiên Hưng, huyện Đông Hưng gần 11 giờ trưa. Tại cửa hàng lẩu dê của thị trấn, Ban Tổ chức cuộc đi đã đón chúng tôi nghỉ lại ăn trưa tại đây.

       Thật tình cờ, chúng tôi được ngồi cùng các thầy giáo, cô giáo và cán bộ Đoàn của trường THPT Tiên Hưng. Họ cũng đến đây liên hoan mừng ngày thành lập Đoàn.  Sự sôi nổi của những người làm công tác Đoàn và những người lính Trường Sơn đã gặp nhau. Thế là một buổi giao lưu rất tự nhiên đã diễn ra. Đồng chí Kim Liên – cán bộ xinh đẹp của Trung tâm, đồng thời cũng là một giọng ca đẹp của CLB Văn nghệ Trường Sơn của Trung tâm là “ngòi nổ” dẫn dắt cuộc giao lưu tự nhiên và sôi nổi giữa “hai đoàn”. Tiện cửa hàng có bộ âm ly và màn hình, một cuộc vui văn nghệ ngắn đã diễn ra thật tự nhiên. Thầy Hiệu phó trường Tiên Hưng là người đầu tiên bước lên “sân khấu” cùng Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Quốc Đông. Họ cùng hát chung bài hát “Đất nước chọn miền vui”. Rất tự nhiên và nhiệt tình, thày Hiệu phó còn biểu diễn bài hát tấu từ thời đánh máy bay giặc Mỹ một cách sôi nổi. Rồi các cô giáo cũng mạnh dạn hát cùng các các nghệ sĩ của Trung tâm. Những nhà giáo và cán bộ Đoàn trường Tiên Hưng đã rất thích thú với giọng ca của nghệ sĩ Nguyễn Xuân Hoàng của Trung tâm qua  bài hát “Chiếc khăn Piêu”…

       Số điện thoại và địa chỉ được ghi vội trao đổi cho nhau. Bí thư Đoàn trường Nguyễn Thái đã tranh thủ chạy về trường (cách đó 100 m) để lấy 3 cuốn tập san “Tuổi trẻ Tiên Hưng” kịp gửi tặng nhà báo – nhà văn Phạm Thành Long để biết và giới thiệu về hoạt động Đoàn sôi nổi của trường…

       Cuộc vui bất chợt với các thầy cô giáo trường Tiên Hưng vừa tạm kết thúc thì một cơn mưa rào cũng bất chợt ập đến. Trời sối sả trút nước. Có lẽ đây là cơn mưa to nhất và cũng dài nhất mà trời đã “tích nước” suốt mấy tháng khô hạn của mùa đông và mùa xuân. Trận mưa diễn ra gần 1 giờ.

      Chúng tôi đặt chân đến Công ty may V.Jone tọa lạc tại xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng giữa cánh đồng ngắt xanh màu lúa.

      Đây là một Công ty may của Hàn Quốc liên doanh với Công ty T&H của vợ chồng đồng chí Dương Thành và Thúy Lành. Toàn bộ cơ ngơi nhà xưởng rộng mấy héc ta này thuộc sở hữu của Công ty T&H.

      Mặt tiền Công ty khá rộng, đủ chỗ cho hàng chục chiếc xe tải lớn. Một  hồ bán nguyệt khá lớn tọa lạc ở mặt tiền của Công ty. Sân lớn trước Công ty có rất nhiều cây cảnh quý…

      Vợ chồng Giám đốc Dương Thành và Thúy Lành đã dẫn đoàn đi thăm cơ ngơi của họ. Giám đốc Dương Thành tự hào giới thiệu: “Tôi khởi công xây dựng cơ ngơi này từ năm 2005. Ngày ấy nơi này chỉ là ao, ruộng. Tự tay tôi chọn trồng từng chậu hoa, cây cảnh ở đây. Khu nhà xưởng đủ chỗ cho 2500 công nhân làm việc với hai nhà xưởng lớn. Nối giữa 2 xưởng là nhà dành cho văn phòng, xưởng kỹ thuật…”.

       Nhìn sự “bài trí”, tôi biết rằng chủ nhân của nó rất sành về phong thủy. Vì thế bộ mặt của cơ ngơi này khá hài hòa và bắt mắt. Nó toát lên sự thân thiện, gần gũi. Điều ấn tượng nhất đối với du khách khi đặt chân tới đây là bên phải ngay bên trong cổng của Công ty có 2 cái cây ATM của Texcobank. 2500 công nhân của Công ty không phải đi xa để rút tiền. Lúc nào công nhân cũng có thể rút tiền mà không phải vất vả, xếp hàng trước các cây rút tiền như nhiều khu công nghiệp… Đấy là sự biểu hiện của công tác “quản trị” doanh nghiệp một cách khôn ngoan.

       Chúng tôi bị choáng ngợp trước cảnh hàng ngàn công nhân đang cần mẫn ngồi bên những chiếc máy may công nghiệp để làm ra các sản phẩm may mặc. Lúc này là ‘vụ” sản xuất quần âu cho nam. Nhìn ngút tầm mắt vẫn chỉ thấy máy may là máy may. Ở mỗi xưởng, hai chiếc máy cắt tự động hối hả làm việc để cung cấp sản phẩm cho công nhân đang ngồi bên hàng ngàn máy may. Để không làm ảnh hưởng tới công việc sản xuất theo dây chuyền của công nhân, đồng chí Dương Thành nhắc chúng tôi chỉ xem lướt qua các xưởng thôi. Biên tập viên Nguyễn Quốc Huy “nhảy” sâu vào trong xưởng tranh thủ ghi hình cảnh làm việc miệt mài của các nữ công nhân.

      Tại Văn phòng của Công ty. Ông Tổng Giám đốc người Hàn Quốc đã tiếp thân mật chúng tôi. Ông đã làm việc ở đây hơn 5 năm rồi. Vì thế, ông nghe và hiểu tiếng Việt. Ông nói tiếng Việt khá ràng rõ. Ông bày tỏ sự cảm kích khi đồng đội của ông Thành và bà Lành đã đến thăm Công ty. Ông rất vui khi được tiếp đoàn tướng lĩnh đầu tiên của Việt Nam tới thăm. Ông thông báo nhanh với chúng tôi về sự hiệu quả làm ăn hợp tác tại Việt Nam với ông Dương Thành. Ông tự hào giới thiệu: Chúng tôi có hơn 2500 công nhân. Bình quân thu nhập của công nhân là 5 triệu đồng. Phần lớn công nhân là người của địa phương sở tại. Mỗi tháng chúng tôi xuất khẩu ra nước nước rất nhiều congtener sản phẩm. Chúng tôi xuất đi Châu Âu là chủ yếu…

      Sẵn “máu” nghề nghiệp, Đại tá Nguyễn Gia Cam, tính nhanh rồi rỉ tai tôi: “Riêng tiền lương, mỗi tháng ở đây họ phải chi ra 12,5 tỷ đồng anh ạ!”. Tôi bảo:  “Tiền lương thường chỉ chiếm khoản trên 10% doanh thu thôi. Như vậy, doanh thu một tháng của họ là bao nhiêu, anh?” – tôi hỏi. Hơn 100 tỷ đồng anh ạ. Đại tá Nguyễn Gia Cam trả lời tôi…

      Đồng chí Dương Thành giới thiệu với chúng tôi:  “Tôi ký hợp tác với Công ty V.Jone không thay đổi khi tính giá thuê nhà xưởng suốt 20 năm. Chúng tôi tạo điều kiện cho họ làm ăn thuận lợi nhất. Hiện Công ty mà họ liên doanh với chúng tôi còn có cơ sở tại Mỹ. Hình ảnh chúng ta tới thăm cơ sở tại Việt Nam hôm nay, Công ty ở bên Mỹ đều nhìn thấy. Vì ở đây các camera được nối internet trực tiếp giữa các cơ sở của Công ty.

      Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, thay mặt đoàn đã cám ơn sự đón tiếp chân tình của ông Tổng Giám đốc; chúc Công ty tiếp tục thành công khi làm ăn ở Việt Nam với ông bà Dương Thành, Thúy Lành – những đồng đội ngày xưa của chúng tôi…

       Chia tay, Công ty V.Jene còn tặng quà là sản phẩm của Công ty cho các thành viên của đoàn.

       Từ Công ty V.Jene nằm trên đất xã Bạch Đằng, chúng tôi ghé thăm gia đình đồng chí Dương Thành. Anh bảo:  “Quê tôi ở xã Hồng Châu liền kề với xã Bạch Đằng. Ngày trước, ông bà cụ tôi mua mảnh đất ở bên này để chuyển sang đây sinh sống. Mảnh đất rộng 500m2. Mặt tiền nhìn ra con đường lớn được trải nhựa đường phẳng lỳ. Đường rộng đủ chỗ cho 2 chiếc xe lớn tránh nhau. Chúng tôi tranh thủ tới thắp hương tại nhà thờ của gia đình mà anh chị mới xây kề bên ngôi nhà chính. Cha mẹ đồng chí Dương Thành đều đã qua đời…

      Ở gần giữa chiếc sân nhà có một cây nhãn 3 thân cao lớn. Tán của nó xòa che gần kín diện tích sân. Cây nhãn đã tôn vẻ đẹp cho ngôi nhà. Sống ở đây bây giờ là vợ chồng chị gái đồng chí Dương Thành. Họ được em trai trao trọng trách quản lý nơi thừa tự của cha mẹ. Anh chị bê ra hai rổ lớn khoai lang tím và ngô luộc còn “bốc khói” để mời chúng tôi. Các thực khách Trường Sơn vô cùng thích thú khi được thưởng thức món lót dạ đậm hương quê dưới khung cảnh sân vườn đẹp và thanh bình của ngôi nhà…

     Tới xã Hồng Châu, đoàn chúng tôi tranh thủ tới dâng hương tại Đài Liệt sĩ của xã đặt cạnh trụ sở của xã. Bí thư Đảng ủy Đặng Đình Cường và Chủ tịch UBND Nguyễn Duy An cùng đông đủ cán bộ lãnh đạo xã Hồng Châu đã tiếp thâm mật đoàn.

     Đập vào mắt chúng tôi là một chiếc sân khấu lớn căng sẵn phông đặt chính giữa trụ sở xã. Trên nền phông là hình ảnh Bác đang cùng chúng cháu hành quân và nổi bật với dòng chữ: “Giao lưu tình nghĩa Bộ đội Trường Sơn - Trung tâm tổ chức thăm chiến trường xưa – quân tình nguyện Việt Lào với xã Hồng Châu…” Tôi hình dung: tối nay, khoảng sân rộng trước trụ sở xã chắc sẽ đông nghẹt người xem…

      Mưa vẫn rơi, tuy nhỏ hơn. Mọi việc chuẩn bị cho đêm giao lưu đã được chuyển vào trong hội trường lớn của xã…

     Anh Vũ Hồng Thái, Chủ tịch và anh Nguyễn Văn Bối, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh Thái Bình đã có mặt từ khá sớm. Các anh rất vui khi đón chúng tôi ở xã Hồng Châu. Anh “Sơn Cháy”, Chủ tịch Hội TS huyện Đông Hưng cũng đã có mặt cùng đội văn nghệ Trường Sơn huyện Đông Hưng. Tôi đọc được sự hồ hởi và chờ đợi được lên sân khấu biểu diễn cho đồng bào đồng chí của các chiến sĩ văn nghệ Trường Sơn huyện Đông Hưng.

      Mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng.

      Tất cả chủ và khách dự đêm giao lưu đã được Trung tâm và vợ chồng đồng chí Thúy Lành mời cơm thân mật. Lại một cuộc vui giao lưu nhỏ diễn ra trong bữa tối thân mật và khá nhanh này.

      Đúng 19 giờ. Chương trình giao lưu bắt đầu. Đồng bào xã Hồng Châu tới đông nghẹt hội trường. Đã lâu lắm rồi, Hồng Châu mới lại có sự kiện vui như thế này. Một chị dắt con tới xem đã nói với tôi: “Lần đầu tiên chúng em mới được xem văn công của Bộ đội Trường Sơn biểu diễn đấy. Chúng em chả bao giờ được xem văn công đâu anh ạ…”

     Theo thông báo của đồng chí Chủ tịch Nguyễn Duy An, toàn bộ chương trình giao lưu sẽ được đài truyền thanh của xã truyền đi qua hệ thống truyền thanh tới các thôn, xóm trong xã.

      Phát biểu khai mạc, đồng chí Chủ tịch UBND xã Nguyễn Duy An cảm động và biết ơn Bộ đội Trường Sơn và Trung tâm Tổ chức thăm chiến trường xưa – quân tình nguyện Việt Lào đã dành cho cán bộ, nhân dân xã Hồng Châu đêm nay. Đồng chí Chủ tịch đã tranh thủ giới thiệu tóm tắt vài nét về xã Hồng Châu với khách quý: Hồng Châu là 1 trong 10 xã đầu tiên của huyện Đông Hưng về đích xây dựng nông thôn mới năm 2014. Xã có 19 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 140 liệt sĩ, 88 thương binh, 70 đồng chí bị nhiễm chất độc Da cam trong chiến tranh… 3 người con của quê hương Hồng Châu được phong danh hiệu Anh hùng Lao độngt hời kỳ đổi mới. Công trình: Điện, Đường, Trường, Trạm đã được xây dựng khang trang, hoàn chỉnh…

      Về dự đêm giao lưu tình nghĩa có đồng chí Bùi Công Nhan, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Đại tá Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc Da cam Thái Bình, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Lào, tỉnh Thái Bình; đồng chí Nguyễn Thanh Cầm, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình; đồng chí Vũ Hồng Thái và Nguyễn Văn Bối, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Thái Bình…cùng đông đảo lãnh đạo xã Hồng Châu và bà con trong xã.

       Phát biểu với lãnh đạo và bà con xã Hồng Châu, Giám đốc Vũ Thúy Lành cảm động bày tỏ tình cảm được gặp gỡ giao lưu và thể hiện tình cảm của gia đình và của Trung tâm, của Hội Trường Sơn Việt Nam với đồng bào, đồng chí Hồng Châu quê hương… Lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể đã tặng hoa cám ơn Giám đốc trung tâm Thăm chiến trường xưa Vũ Thúy Lành.

      Mở đầu đêm giao lưu tình nghĩa là tiết mục hợp ca: “Hát mãi khúc quân hành” do CLB văn nghệ TS của Trung tâm biểu diễn. Giám đốc Vũ Thúy Lành, Phó Giám đốc Nguyễn Quốc Đông đã cùng với các nghệ sĩ của mình trình diễn nhiều tiết mục chọn lọc đặc sắc, chiếm trọn tình cảm và sự mến mộ của người xem. Những tràng pháo tay không ngớt khi khán giả được nghe các bài hát: Đường anh qua bản, Tình Việt Lào anh em, Về quê, Sông quê, Biển hát chiều nay, Đi chợ, Đường qua rừng mơ…do Thúy Lành, Quốc Đông, Xuân Hoàng, Thúy Mỵ, Kim Liên…CLB văn nghệ TS của Trung tâm biểu diễn. Đồng chí Dương Thành đã bất ngờ cầm micro lên sân khấu song ca với vợ mình – Giám đốc Vũ Thúy Lành bài hát “Về quê”. Khán giả đã dành cho đôi vợ chồng nhiệt tình và giàu tình cảm với đồng chí, đồng đội của họ. Dương Thành còn lên song ca với Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú Thúy Mỵ. Họ đã chiếm trọn tình cảm của người nghe với chất giọng và tình cảm mà họ gửi vào bài hát…Xen kẽ với các tiết mục của Trung tâm, Đội văn nghệ TS huyện Đông Hưng và Đội Văn nghệ TS xã Hồng Châu đã trình diễn nhiều tiết mục ấn tượng như, bài: Đất nước trọn niềm vui, Mẹ ơi con đã thành cô bộ đội, Gửi em ở cuối sông Hồng, Mời anh về Hồng Châu, Tình ca Tây Bắc…Vợ chồng Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Mạo, người con của quê hương Thái Bình cũng lên sân khấu góp vào đêm giao lưu những tiết mục làm sôi động khán phòng…

      Gần cuối chương trình, sân khấu như ngưng lại khi 30 cháu học sinh nghèo vượt khó, những cháu nạn nhân chất độc da cam của xã Hồng Châu và xã Bạch Đằng bước lên sân khấu để nhận học bổng từ Giám đốc Vũ Thúy Lành. 2 cháu học sinh mồ côi được 2 nhà chùa Phúc Long Tự và Quán Xá chăm nuôi từ nhỏ, ngoài học bổng của Trủng tâm còn được đích thân Giám đốc Dương Thành tặng thêm mỗi cháu 5 triệu đồng. 20 đồng chí cựu TNXP, du kích và bộ đội Trường Sơn xã Hồng Châu cũng được nhận quà tặng từ Giám đốc Vũ Thúy Lành. Hội Nạn nhân chất độc Da cam huyện Đông Hưng cũng được Giám đốc Thúy Lành tặng 10 triệu đồng. Giám đốc Trung tâm còn gửi tặng xã Hồng Châu 5 triệu đồng để chăm sóc Đài tưởng niệm Liệt sĩ của xã. Đoàn TNCS xã Hồng Châu cũng được nhận 5 triệu đồng từ Giám đốc một doanh nghiệp ở Hà Nội – người bạn của Giám đốc Vũ Thúy Lành…

          Ngồi ở phía dưới, tôi nghe được những bình luận từ bà con Hồng Châu tới xem chương tình: “Sao cái cô bộ đội Trường Sơn Vũ Thúy Lành đã hát hay lại giàu tình nghĩa thế?!”; “Chưa bao giờ người xã mình lại nhận được nhiều quà tặng tình nghĩa như tối hôm nay!”; “Một chương trình hay và cảm động quá!”; “Biết đến bao giờ lại có đêm thứ hai như thế này nhỉ? Hay và ý nghĩa quá!”...

          Kết thúc đêm giao lưu tình nghĩa, Giám đốc Vũ Thúy Lành đã hỗ trợ tiền cho Đội Văn nghệ TS huyện Đông Hưng và Đội văn nghệ TS xã Hồng Châu.

          Bài hát “Như có Bắc trong ngày vui đại thắng” được các nghệ sĩ của 3 đơn vị nghệ thuật tham gia đêm giao lưu cùng cất cao. Đêm giao lưu khép lại, nhưng nhiều bà con còn cố nán lại và tiến gần lên sân khấu để được nhìn rõ hơn các nghệ sĩ biểu diễn rất hay mà họ chỉ được nhìn từ xa…

        Chủ tịch Hội TS Thái Bình Vũ Hồng Thái, nắm tay tôi rất chặt: “Cám ơn các anh các chị rất nhiều. Hoạt động của Hội và của Trung tâm đêm nay mang đến cho Hội Trường Sơn Thái Bình rất nhiều thứ. Nhưng thứ lớn nhất là tình cảm, tình nghĩa Trường Sơn của chúng ta trong con mắt của cán bộ và nhân dân Thái Bình, anh ạ…”.

          Gần 22 giờ đêm, chúng tôi mới rời Hồng Châu để về Hà Nội ngay trong đêm.

        Một hoạt động mở đầu cho các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ và kỷ niệm 58 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đã được Trung tâm Tổ chức thăm chiến trường xưa khởi động bằng một hoạt động vô cùng có ý nghĩa tại Hồng Châu, Đông Hưng, Thái Bình như thế!

          Cám ơn vợ chồng đồng chí Vũ Thúy Lành – những người lính Trường Sơn giàu tâm huyết, giàu tình thương đồng chí, đồng đội. Dương Thành, Thúy Lành cùng với Trần Thị Chung, Phạm Thị Mỵ, Nguyễn Thị Bình, Lê Thị An…và bao doanh nhân nữ Trường Sơn giàu tình thương khác với hành động và việc làm thiết thực của mình vì đồng đội, đã tiếp thêm động lực, tiếp thêm sức mạnh và ý chí để bao đồng đội Trường Sơn vượt lên khó khăn tiếp tục sống và cống hiến cho cuộc đời hôm nay.

         Những người như thế, đã và đang làm giàu thêm truyền thống nghĩa tình của Bộ đội Trường Sơn chúng ta!

         Ngàn lần xin được cám ơn họ!

         PTL

 

tin tức liên quan
test 123