SAO ĐÊM LẤP LÁNH
(Truyện ngắn của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu)
( Chân dung tác giả Hồ Sỹ Hậu )
Mẹ kể: Một buổi tối, bom địch đánh tắc đường, mấy chiếc xe chở hàng được dấu dưới tán rừng, các anh bộ đội lái xe ghé vào đơn vị xin nấu cơm nhờ, chị em cùng Trung đội Thanh niên xung phong của mẹ ngủ dồn lại, nhường hầm cho các anh. Mẹ quen bố từ lần ấy. Xe của bố có hai người, bố và chú phụ lái người cùng làng tên là Hoàng. Trọng điểm giao thông mà đơn vị mẹ đảm nhiệm nằm trên cung đường của bố nên hai người thường ghé thăm. Tình yêu giữa mẹ và bố không biết nẩy nở từ lúc nào. Nhưng cứ một tuần không thấy bố ghé qua, hay những khi biết bom đánh ác liệt các trọng điểm trên cung đường, lòng mẹ lại như lửa đốt. Chú Hoàng phụ lái nhận ra tình cảm của mẹ dành cho bố thường không dấu được buồn bực. Mẹ nhận ra chú ấy cũng có cảm tình với mẹ. Một hôm, bố nói với mẹ rằng bố đang tìm một người lái phụ khác, vì Hoàng không chịu nổi ác liệt nên đã đào ngũ. Rồi bố có lệnh được điều vào Trường Sơn. Hôm chia tay, mẹ khóc nhiều lắm. Mẹ thương bố rồi đây sẽ phải đương đầu với bom đạn và vô vàn bất trắc trên tuyến lửa Trường Sơn. Đêm ấy bố mẹ đã sống với nhau như vợ chồng. Trước khi chia tay, bố viết vội lá thư gửi ông bà nội. Thư nói: “Thưa bố mẹ, đây là người con gái con yêu, cô ấy mang giọt máu của con. Nếu vì sự khốc liệt của chiến tranh mà con không thể về làm lễ cưới, thì xin cha mẹ nhận cháu nội”. Ngày bố mẹ chia tay cũng là ngày ly biệt. Mấy tháng sau, mẹ nhận tin bố đã hy sinh trên tuyến lửa Trường Sơn. Mẹ đau đớn vô cùng. Người duy nhất trong đơn vị biết mẹ đã mang thai là cô Trang,Trung đội trưởng.
Cuộc sống, công việc của Trung đội nữ TNXP của mẹ trên những cung đường vô cùng gian nan, vất vả, chồng chất hiểm nguy. Một buổi chiều, bom Mỹ đánh trúng mấy toa tàu chở thuốc trừ sâu, Trung đội của mẹ được điều đi khắc phục hậu quả. Cô Trang Trung đội trưởng nói với mẹ: “ Hôm nay em ở nhà nấu cơm cho chị em. Thuốc trừ sâu độc lắm, em đang mang thai, ra đấy không tốt đâu”. Rồi trận bom kế tiếp đánh vào nhà ga, mọi người trong Trung đội đều kịp trú trong hang đá nên may không ai bị thương. Còn 1 quả bom rơi vào nơi trú quân thì đã thổi bay ngôi nhà bếp mẹ đang nấu cơm. Một mảnh bom đã găm vào đầu khiến mẹ bất tỉnh, phải đưa đi cấp cứu và nằm điều trị tại Quân y viện. Chữa khỏi vết thương, nhưng mẹ cũng không thể giấu được cái thai trong bụng. Ra viện, mẹ được xuất ngũ. Ngày chia tay, thấy mẹ gầy yếu quá, chị em trong Trung đôi dồn đường sữa cho mẹ. Cô Trang còn dúi vào ba lô mẹ mấy tấm vải xô màn còn mới. Cô nói: “ Thứ này sẽ có ích cho em khi sinh nở đấy”. Con biết không, ngày ấy điều kiện chiến tranh thiếu thốn vô cùng. Những chiếc quần lót của chị em còn phải vá chằng vá đụp, những mảnh vải xô này là quý lắm vì là thứ duy nhất giúp họ vượt qua được những ngày “tới tháng” vô cùng vất vả nơi lam sơn chướng khí. Mẹ nghẹn ngào ôm lấy cô Trang và chị em trong Trung đội. Họ là ân nhân của mẹ con mình.
Từ đơn vị, mẹ ghé về quê nội. Ông bà nội đọc thư của bố, khóc nhiều lắm. Ông bà giữ mẹ lại chăm sóc và để đứa cháu đích tôn được sinh ra mẹ tròn con vuông. Hôm làm giấy khai sinh, ông bà mang lá thư của bố, và dắt mẹ lên xã đề nghị làm thủ tục để con được công nhận là con Liệt sỹ. Chú Hoàng phụ lái ngày xưa hóa ra lúc này lại đang làm trong Ủy ban xã. Không hiểu sao một kẻ đào ngũ như ông ta, trở về địa phương lại ngồi được vào ghế đó. Đọc xong lá thư của bố, ông ta lạnh lùng: “Một lá thư như thế này không thể là pháp lý được. May cho cô là không bị kỷ luật, bây giờ lại còn đòi hỏi nữa sao?” . Mẹ không ngờ, với người thân của đồng đội đã hy sinh, lại là người cùng làng mà sao ông ta lại có thể hẹp hòi đến vậy. Biết rõ bản chất con người ông ta, ông nội con cay đắng nói: “Không phải nó hẹp hòi vì ghen tuông do trước đây có tình cảm với con đâu, vì như thế thì nó vẫn còn tính người. Cả xã này chẳng ai lạ gì nó. Không có tiền thì không có việc gì thành được, kể cả những việc đền ơn đáp nghĩa người có công”.
Mẹ cả đời ở vậy nuôi tôi khôn lớn. Thương mẹ và hiểu nỗi thiệt thòi của bao người đã đi qua chiến tranh. Tôi cố gắng học lên đến Đại học. Sau khi tốt nghiệp, tôi xin về công tác tại Sở Lao động Thương binh xã hội tỉnh với mong muốn được chăm lo giải quyết chính sách cho người có công. Thực tế công việc không hề đơn giản để có thể làm cho thấu đáo. Chiến tranh đã qua, hồ sơ Thương binh Liệt sỹ cứ chồng chất, nhất là trong đống hồ sơ ấy, thật giả lẫn lộn. Những người làm chính sách như chúng tôi, dù nhiệt tâm, trong sáng bao nhiêu cũng khó tránh được việc bỏ lọt những hồ sơ đúng, và mắc lừa những hồ sơ giả mạo.
Hơn ba mươi năm trôi qua, tóc mẹ tôi giờ đã bạc nhiều. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương lại tái phát nhức nhối. Vợ chổng tôi thay nhau xoa bóp, thuốc thang cho mẹ. Sức khỏe của mẹ tôi cứ yếu dần. Vào một ngày đông giá rét, mẹ tôi ngậm ngùi nói:
- Con ạ. Mẹ không được công nhận vợ Liệt sỹ, nhưng mẹ là Thương binh, vẫn được hưởng phụ cấp. Mẹ lại có con, giọt máu cha con để lại. Vậy là mẹ mãn nguyện rồi. Nhưng còn cô Trang và những đồng đội của mẹ, họ thiệt thòi lắm. Mấy chục năm qua, phải chịu đựng chất độc trong người hành hạ, sức khỏe suy kiệt dần, họ vẫn không hề được nhận chính sách chế độ gì từ Nhà nước. Con làm trong ngành, hãy cố gắng trả lại sự công bằng cho các cô ấy, để mẹ nhắm mắt được yên lòng.