"Nhớ Phùng Quang Thanh..." - Thơ: Trần Chân

Ngày đăng: 08:59 16/09/2021 Lượt xem: 326
NHỚ PHÙNG QUANG THANH
VỊ TƯỚNG TRƯỞNG THÀNH TỪ NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ .

QUANG THANH VỪA MỚI ĐI RỒI
NGƯỜI CỰU BINH ẤY MỘT THỜI VINH QUANG
CHÍ TRAI GÁC BÚT “LÊN ĐÀNG”
LÀM NGƯỜI LÍNH TRẬN SẴNG SÀNG HY SINH
CHIA TAY ĐẤT MẸ MÊ LINH
ĐỒNG BẰNG GHI DẤU, QUANG THANH ANH HÙNG (*)
VỚI DÂN, VỚI NƯỚC TẬN TRUNG
DẤN THÂN ĐẾN CÙNG LỬA BỎNG-NƯỚC SÔI
QUANG THANH ANH ĐÃ ĐI RỒI
MÀ NHƯ VẪN ĐỨNG TRÊN “ĐỒI KHÔNG TÊN” (**)
“ANH HÙNG - THỜI THẾ LÀM NÊN”
NGƯỜI CÙNG ĐỒNG ĐỘI TẠO “THIÊN SỬ VÀNG”
ANH VỪA CÓ CHÍ CÓ GAN (***)
CÓ TÂM CÓ ĐỨC, THỜI GIAN KHÔNG MỜ
NÊU GƯƠNG NGƯỜI “LÍNH CỤ HỒ”
GIỮ GÌN ĐẤT NƯỚC CƠ ĐỒ VIỆT NAM…
- 1 Người Đồng đội -


 
       Tôi vốn chỉ là 1 đồng đội vô danh cùng sư đoàn với Phùng Quang Thanh, biết tin anh qua đời từ hôm 11/9/2021 nhưng hôm nay mới viết trọn mấy câu lục bát viếng anh. Người viết không muốn lặp lại những thông tin đã có trên các phương tiện TT chính thống đã đưa mà chỉ ôn lại vài chi tết ấn tượng nhất về anh.
       * Phùng Quang Thanh đúng bằng tuổi em trai tôi (Sinh năm 1949) nên tôi rất hiểu hoàn cảnh nhập ngũ của lớp trẻ những năm 1965 – 1970. (Em tôi cũng nhập ngũ năm 1967 và hy sinh) Dù Quang Thanh là diện con một, có bố đẻ là liệt sĩ thời chống Pháp (được tạm hoãn nhập ngũ), nhưng anh quýết định gác lại sách vở để xông ra chiến trường mà không ai cản nổi.
       * Điều đặc biệt thứ nhất là Phùng Quang Thanh đi lên từ người lính Binh nhì đến khi trở thành sĩ quan-Tiểu đoàn trưởng-đều thuộc đoàn “Đồng Bằng”; Song, ở mặt trận Đường 9-Nam Lào đó là tiểu đoàn 9, e64, f320A; còn ở mặt trận Cánh Đông Quảng Trị anh lại về tiểu đoàn 9, e64 nhưng là sư 320B. (điều này nếu không là CCB đoàn Đồng Bằng thì có nhiều người không rõ).
       ** Điều đặc biệt thứ hai là trận địa mà Dũng sĩ Phùng Quang Thanh lập chiến công (1971) rồi được phong anh hùng là “Đồi Không tên”; mà cái tên “Đồi Không tên” trước đó đã nổi tiếng với Dũng sĩ anh hùng Bùi Ngọc Đủ. Đây là 2 địa điểm khác nhau:
       Đồi không tên với Bùi Ngọc Đủ là ở Cam Lộ, gần con “Suối La La” trong bài hát của NS Huy Thục:
“…Ơi con suối La La/ nước trong xanh hiền hòa/ Chảy quanh Đồi Không tên…Nay đồi đã mang tên Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ…”
       - Còn “Đồi Không tên” gắn với dũng sĩ Phùng Quang Thanh thì ở gần Bản Đông (cũng đất Quảng Trị), thuộc chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Cụ thể: Ngày 10/2/1971, Phùng Quang Thanh chỉ huy một tiểu đội chốt giữ trên đồi Không tên. Lần đầu, địch dùng một đại đội có máy bay yểm trợ chia làm 2 mũi tiến công chốt . Tiểu đội của Thanh đã diệt 38 tên, riêng anh Thanh diệt 8 tên. Hai ngày sau, địch lại tiến công lên chốt, Phùng Quang Thanh đã bị thương, cấp trên cho lui về phía sau, nhưng anh xin ở lại tiếp tục chiến đấu. Phùng Quang Thanh nhờ đồng đội tháo nắp 17 quả lựu đạn, cho vào túi đeo quanh người, nhờ y tá băng treo cánh tay trái cho đỡ vướng, rồi dẫn đầu đơn vị xông lên đánh tạt sườn quân địch, phối hợp với đơn vị bạn diệt một đại đội địch. Trung đội do Quang Thanh chỉ huy diệt 37 tên, bắt một tên, thu 2 súng.( theo Phùng Văn Khai)
       *** Ấn tượng lớn nhất với những CCB chúng tôi là đức tính giản dị nhân hậu, sống có trước có sau với mọi người. Dù đảm đương các cương vị công tác khác nhau, Phùng Quang Thanh vẫn luôn giữ được phẩm chất và bản lĩnh của người lính Cụ Hồ từng vào sinh ra tử. Ở cương vị nào Phùng Quang Thanh cũng luôn sẵn sàng hy sinh vì đồng đội, luôn hướng tới cái đích lớn Tổ quốc và nhân dân. Công việc bộn bề, nhất là khi ông đảm đương cương vị Bộ trưởng mà vẫn luôn gữ tấm lòng gắn bó với đồng chí đồng đội, với nhân dân.
       - Trước hết là sự quan tâm của Phùng Quang Thanh với những đồng đội, đồng chí cùng đơn vị. Gặp ai biết là cùng Sư đoàn Đồng Bằng (dù 320A hay 320B) anh cũng vồn vã thân tình, không để cho cấp bậc quân hàm thành khỏang cách. Điều này được Trung tướng Khuất Duy Tiến-Nguyên Trung đoàn trưởng e64 f320A khẳng đinh. Ít người biết, Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến chính là người đề xuất làm thành tích phong tặng anh hùng cho Phùng Quang Thanh. Khi tướng Khuât Duy Tiến được phong anh hùng LLVT (2013) đích thân Phùng Quang Thanh đến tặng hoa tri ân.
       Kể cả những người tuy không là đồng đội trực tiếp nhưng có kỉ niệm với anh, anh cũng rất nhớ. Nhà báo-P/V nhiếp ảnh Đức Toại kể: “Trong một lần tôi bay từ TP Hồ Chí Minh ra dự kỷ niệm Báo Quân đội nhân dân tròn 65 năm ngày truyền thống, Đại tướng Phùng Quang Thanh biết tin liền cho người mời tôi về Văn phòng Bộ Quốc phòng gặp ông. Điều xúc động là ông vẫn gọi tôi (nhà báo Đức Toại) là “thủ trưởng”. Bởi vào những năm bom đạn ác liệt, nhà báo Đức Toại đã đến trận địa nơi Phùng Quang Thanh vừa lập công để trực tiếp chụp ảnh đưa tin kịp thời. (xem ảnh số 2 trong minh họa)
       Đồng chí Thư kí cho Đại tướng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh kể: Trong lần Đại tướng về Vĩnh Linh, ông đã nhờ cán bộ đia phương dẫn đến tận nhà 1 người tên là Ông Xá ở Vĩnh Kim, nơi Phùng Quang Thanh tạm trú trước khi vào “Chảo lửa Thành Cổ” Quảng trị.
       - Với các chiến sĩ quân đội ở những nơi khó khăn gian khổ dù trong thời bình cũng được vị Bộ trưởng qua tâm. Nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, Thiếu tướng Hoàng Kiền nhớ lại lần tháp tùng Đại tướng Phùng Quang Thanh đi kiểm tra tiến độ thi công một số công trình quốc phòng khu vực biên giới, (tháng 8-2005); Lần ấy Phùng Quang Thanh chia sẻ với thiếu tướng Hoàng Kiền:
       “Anh thấy con em cán bộ nào xung phong lên đây đào hầm, đào hào, ăn rừng, ngủ đất không, hay chỉ tìm cách tìm chỗ an nhàn? Để động viên bộ đội sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở những nơi gian khó, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhất định phải có chế độ chính sách phù hợp. Đặc biệt, đối với lực lượng công binh thực hiện nhiệm vụ thi công các công trình quốc phòng, không may xảy ra tai nạn, dẫn đến tử vong, bị thương, cùng với kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người chỉ huy, phải kịp thời giải quyết chế độ, chính sách thương binh, liệt sĩ cho anh em, nhất là hạ sĩ quan, chiến sĩ. Có như thế mới quy tụ được sự đoàn kết, nhất trí và tinh thần cống hiến, sẵn sàng nhận nhiệm vụ của bộ đội”.
       * Tất nhiên, khi Phùng Quang Thanh ở vị trí lãnh đạo cao nhất của quân đội cũng có 1 số “tiếng ra-tiếng vào”, thậm chí 1 số trang mạng thù ghét chúng ta đã “tung hỏa mù” vào anh; song đó chỉ là “bọt rác” không thể làm vẩn đục hình ảnh về anh.
       Nhược điểm duy nhất của Phùng Quang Thanh mà tôi biết là anh ít quan tâm đến sức khỏe của bản thân mình. Ngay cả khi y tế phát hiện do ảnh hưởng của vết thương chiến tranh, phổi anh có vấn đề. Do tôi trước đây tôi là bác sĩ của Tổng cụ Hậu Cần, quen biết các BS phục vụ anh cho biết: sau khi sang Pháp phẫu thuật khối u, về nước còn đôi lúc phải thở ô-xy nhưng anh đã liên tục dự các cuộc họp của Bộ Quốc phòng hoặc Chính phủ. Vì đây là những điều tuyệt mật không ai được biết; chỉ khi anh nghỉ hắn mới được hé lộ (?).
       Có lẽ điều trên đã là 1 trong số yếu tố hùa với Tử thần cướp đi trái tim người anh hùng trong những ngày tháng 9 vừa qua.
        Lần này thì vị tướng từng đứng đầu LLVT nhân dân Việt Nam, vị tướng từng là người lính trận không sợ “mũi tên hòn đạn” đã ra đi thật sự, để lại bao tiếc thương cho đồng đội đồng chí và đông đảo ND nước ta cũng như những người thân của anh.
       Xin kính cẩn cầu Trời đất cho ngày bình yên để anh về cõi vĩnh hằng; và xin chân thành chia sẻ nỗi đau thương với gia đình cùng những người thân của anh.

 
13/9/2021
Trần Chân  

tin tức liên quan