TẢN VĂN
NHỚ ĐÀO PHAI
(Tản văn)
Tác giả Lê Lợi
(CCB Sư đoàn 968 Bộ đội Trường Sơn)
“Đào hoa y cựu tiếu đông phong”-Thôi Hộ
Khoảng mươi năm trở lại, Tết năm nào tôi cũng có một cành đào. Cành đào được Long- bạn tôi, một cựu binh F968 quân tình nguyện Việt Nam cùng ở chiến trường Nam Lào mang về từ Sơn La vào sau độ tết ông Táo. Cành đào mốc của người H’Mông, người Thái còn được gọi là đào phai, đào rừng có thân xù xì, mốc thếch, nụ ít nhưng mập mạp, nói thật lần đầu tiên được cho cành đào tôi cũng không thích cho lắm. Trông như cành củi khô, không hề có một chút sức sống nào. Thế nhưng chỉ sau một năm chơi đào cành, càng ngày tôi càng thấy thích .
Trước khi cho cành đào vào bình hoa, tôi dùng dao đẽo sơ qua phần vỏ gần sát đoạn bị chặt, để cho vỏ cây tiếp tục hút nước. Tuỳ theo thời tiết, năm nào trời lạnh quá thì có thể đốt sơ qua phần gốc, rồi chặt bỏ luôn đoạn đó, hoa sẽ nở nhanh hơn. Thế rồi độ ít ngày, búp lá khẽ nhú khoe một chút xanh non và từ các kẽ là những cái nụ chúm chím phơn phớt hồng.
Đào phai không nhiều thế, nhiều cành như đào Nhật Tân, nhưng rất quyến rũ bởi sự tự nhiên, cành gân guốc, pha chút hiên ngang của dãi dầu nắng gió. Nghe bạn tôi kể thì những cây đào sống ở vùng núi đá hoặc cao nguyên khô cằn, khí hậu nóng và lạnh đã tôi luyện cho đào có sức sống mãnh liệt chứ không ẻo lả như những giống đào miền xuôi.
Khi hoa nở, năm cánh dầy dặn xoè ra thật đẹp, màu hoa phơn phớt, giữa là nhụy hoe vàng. Hoa nở rất lâu, có thể đến nửa tháng trời chưa rụng. Chơi đào từ ngày ông Công lên trời đến tận ngày rằm tháng Giêng. Có khi là một hoa đơn lẻ, nhưng cũng có khi là cả một chùm hoa xoắn xuýt trông không khác đuôi chồn là mấy. Nhìn hoa tự nhiên chợt hiểu vì sao cả mấy nghìn năm thi nhân cứ viết về hoa đào, chắc là loại đào phai này. Có phải vì vậy mà thi sĩ Thôi Hộ cách hơn nghìn năm đã viết: “Đào hoa y cựu tiếu đông phong”
Cũng không hiểu vì sao tôi đã cố rất nhiều mà vẫn không có cảm tình với đào bích, có phải vì loại này nhìn yêủ điệu và rực rỡ quá chăng. Như thiếu nữ tân kỳ phô hết vẻ đẹp ra bên ngoài, đào bích có cành nhỏ nhẵn nhụi, lả lướt và trơn tuột, hoa cứ chi chít đỏ nở được vài ngày đã xoè xoẹt. Còn đào phai thì e ấp, màu sắc khiêm nhường như thôn nữ quê xưa. Có lẽ đào phai là hiện thân của ngàn năm thiếu nữ đất Việt.
Năm nay tôi không có cành đào rừng. Bạn tôi nói rằng hiện nay đào mốc rất hiếm. Hẳn là vậy bởi vài năm gần đây chơi đào rừng trở thành mốt của người đô thị và từng đoàn xe tải chở những cành đào, những cây đào rừng về các thành phố từ đầu tháng Chạp. Tôi đồ rằng nếu chỉ có chặt cây mà không trồng thay thế, vậy thì không lâu nữa, đào phai rừng có thể chỉ còn trong văn thơ và tâm tưởng người yêu hoa mỗi khi xuân về.
“Hoa đào năm trước còn cười gió đông”.
Mồng Một Tết
Lê Lợi - Nam Định