Để cháu con " lớn nổi thành người"

Ngày đăng: 04:13 05/03/2017 Lượt xem: 536

ĐỂ CHÁU CON “LỚN NỔI THÀNH NGƯỜI”

 

 

         Hồ Văn Chi là hội viên Hội Trường Sơn thành phố Đà Nẵng ( hiện anh đang tham gia là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Trường Sơn thành phố) - Rất nhiệt tình với công tác Hội và anh cũng rất tâm đắc, thân thiện với Trang Thông tin và Bản tin Trường Sơn - Đặc biệt là chuyên mục “Thơ văn hội viên”… Thơ văn của anh chân chất, trau chuốt, đôi khi rất dí dỏm… nó đạt được yêu cầu tương đối khắt khe cả về “ý” và “tứ”; nó gần gũi với cuộc sống của anh; của cộng đồng xã hội và đặc biệt là ký ức một thời Trường Sơn… Thơ anh làm cho người đọc dễ hiểu, dễ cảm nhận đến bừng cảm xúc.

 

         Nhớ lần anh gửi về Ban Biên tập Trang Thông tin và Bản tin Trường Sơn một bài thơ nói về tham gia chia sẻ công việc gia đình cùng vợ và các con… - Dí dỏm anh viết:

 

“… Bảy mươi mới đủ đức tài

Để con bổ nhiệm quản vài nhân viên”

 

         Trong lúc biên tập - Đọc đến đoạn này tôi đã vội hiểu khác ý anh một chút, bởi trước đó được biết con trai anh là Doanh nghiệp kinh doanh Khách sạn, mà nếu “ bố già” Chi mà tham gia quản lý nhân viên thì e chẳng những rất không tiện mà còn mang lại nguy cơ … mất khách. Nhưng rồi tìm hiểu ra mới tỏ cái “ vài nhân viên ” ấy lại là 2 đứa cháu nội của anh … Câu thơ ấy, bài thơ ấy là tâm trạng tích cực của Hồ Văn Chi, có lẽ anh muốn trải lòng về trách nhiệm và tình cảm của mình đối với gia đình, anh muốn chia sẻ động viên đồng đội mình hãy cảm thông cho con cháu mà chung tay làm những việc như anh đã được con mình “bổ nhiệm”…

 

         Và hôm nay trong khuân khổ nhiệm vụ “ quản vài nhân viên” Hồ Văn Chi lại cho ra đời một “sản phẩm” mới - Một bài thơ viết để đáp ứng  yêu cầu của đứa cháu nội. Một cách tuyên truyền giáo dục con cháu rất bổ ích lý thú; rất nhân văn và cũng rất khoa học.    

 

         Thưa các đồng chí và các bạn! Chia sẻ công việc gia đình; chăm sóc giáo dục con cháu chẳng phải chỉ có anh Hồ Văn Chi và phương pháp của anh, mà trong chúng ta nhiều lắm những người đã và đang thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Còn nhớ cũng trong lĩnh vực chăm sóc giáo dục con cháu, Thiếu tướng anh hùng LLVTND Hoàng Kiền - Vị Tướng của công việc và nghĩa tình đã kể về việc làm của mình với thế hệ tương lai thế này:

 

Về quê dẫn cháu ra đê
Truyền nghề nuôi lợn chăn dê một thời
Mai kia cháu lớn vào đời
Hãy lưu tâm nhớ thương người chăn dê

 

         Chỉ với 4 câu thơ thôi nhưng đấy là động thái truyền lửa và điều mong muốn của tác giả Hoàng Kiền, những mong cho cháu của mình “lớn nổi thành người” …

 

         Vâng thưa các đồng chí và các bạn - Mẩu chia sẻ ngắn ngủi này chỉ mới điểm đến hai nhân vật - hai CCB Trường Sơn, nghỉ việc nước việc quân về với đời thường nhưng họ vẫn đau đáu cho những việc làm được coi như những sự nghiệp tiếp theo - một trong những sự nghiệp ấy là sự nghiệp “trồng người”. Chúng ta tin rằng suy nghĩ và hành động của các anh sẽ mang lại hiệu quả tích cực như ý và chắc chắn rằng các anh tuổi ngày một cao nhưng cũng sẽ có được cuộc sống như bao người mong đợi - “ Sống vui, sống khỏe và sống có ích”. Chúng ta cũng tin rằng tất cả hội viên Trường Sơn trên khắp miền đất nước tuy chẳng phải diễn tả bằng những dòng viết, trang thơ nhưng họ cũng đã và đang suy nghĩ và hành động giống như anh Hồ Văn Chi; anh Hoàng Kiền để rồi mỗi gia đình và cả cộng đồng xã hội ngày thêm có cuộc sống tươi đẹp và chắc chắn họ sẽ luôn được hài lòng bởi thế hệ con cháu mình luôn “lớn nổi thành người”.

 

         Xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và các bạn bài thơ mà tác giả Hồ Văn Chi viết theo yêu cầu thưởng thức một câu chuyện của đứa cháu nội 5 tuổi của anh.

 

PS giới thiệu 

 

TRÍ KHÔN

 

 

 

Một hôm Hổ ra rừng
Nó vừa đi vừa ngó
Thấy ở dưới ruộng có
Một con Trâu đang cày
Hai mắt Trâu đỏ gay
Cúi đầu nghe Người dục
Thỉnh thoảng bị roi quất 
Mà chẳng dám kêu ca
Hổ thấy vậy, lân la
Đến bên Trâu hỏi khẽ:
"Tại sao mày to thế
Lại để Người nó sai?"
Trâu bèn nói: "Hổ ơi!
Con người tuy bé nhỏ
Nhưng mọi loài đều sợ
Vì họ có Trí khôn"
Hổ nghe vậy, hỏi dồn:
"Trí khôn là gì hử,
Mày nói tao nghe thử!
Không, tao ăn thịt mày!"
Trâu nghe vậy nói ngay
"Tôi cũng không biết nữa
Anh hỏi Người xem thử"
Hổ bèn đến bên Người
"Trí khôn ông đâu rồi
Lấy cho tôi xem tý!"
Người không cần suy nghĩ 
"Trí khôn tôi, ấy à
Tôi để quên ở nhà 
Để tôi về nhà lấy."

 

 

Hổ nghe Người nói vậy
Thì trong bụng rất vui.
Bỗng thấy Người quay lui
Nói, "Nhưng tôi đi rồi
Sợ Trâu bị anh thịt 
Hay là anh chịu thiệt
Cho tôi trói tạm anh
Vào dưới gốc cây xanh 
Hổ gật đầu đồng ý 
Người thấy Hổ trúng kế
Bèn chất cỏ xung quanh 
Rồi phóng lửa đốt nhanh
Hổ kêu, ôi nóng quá!
Ôi, ôi, ôi! Nóng quá!
Cháy hết da tôi rồi!
Trâu nhảy cẫng lên cười 
Đập hàm răng vào đá
Văng lên tận cành lá
Thế là mất hàm trên!
Còn loài hổ không quên
Lông có lắm vệt đen
Là do bị người đốt
Là do Hổ ngu dốt
Lại muốn có Trí khôn!

 

Đà Nẵng 04/3/2017.

Hồ Văn Chi

 

 

tin tức liên quan