CHÚNG TÔI LÊN CỘT MỐC 543 (CÀ RÒONG)

Ngày đăng: 02:50 22/09/2022 Lượt xem: 198
CHÚNG TÔI LÊN CỘT MỐC 543 (CÀ RÒONG)
 
                                                                   Bút ký của Kim Cương
 
     Tôi may mắn được tham gia cùng chuyên ngành âm nhạc – Hội văn học nghệ thuật Quảng Bình đi thực tế lên vùng núi cao, biên giới Cà Ròong với bao phấn chấn và cảm xúc. Trở lại con đường xưa từng bao lần đi qua – đi trọn chiều daaif đường 20 – Quyết thắng, tôi bỗng nhớ hai câu thơ nỗi tiếng của nhà thơ Tố Hữu:
                    " Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa
                  Ai chưa đến đó, như chưa hiểu mình!"

       Với nhà thơ, đó là những lời nhắn nhũ, động viên cổ vũ toàn quân và toàn dân ta, dồn tất cả sức lực, trí tuệ, tinh thần và của cải vật chất… vượt Trường Sơn, chi viện cho đồng bào miền Nam thân yêu “ đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giành lại hòa bình trên cả nước,thống nhất non song.
        Với tôi thì ngược lại. Vượt qua Trường Sơn đi giải phóng nửa nước yêu thương. Đến Trường Sơn để hiểu hết những sự hy sinh, cam go và gian khổ của bao lớp người hiến cả tuổi thanh xuân vì " đường chưa thông không tiếc máu xương!" và bao lớp người hành quân qua đường Trường Sơn, dưới hàng ngàn lần mưa bom, bão đạn mang tính hủy diệt của quân thù, hiểu hết những kỳ tích và huyền thoại trên con đường huyền thoại này!
        Dù là người đã từng có mặt trên tuyến đường 20 - Quyết thắng với tư cách là một người làm báo trong những tháng ngày các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong và lực lượng cảnh sát giao thông giành giật từng mét đường an toàn, cho những đoàn quân, đoàn xe vào chiến trường giải phóng miền Nam, dưới hàng vạn trận mưa bom bão đạn của quân thù và đã từng xuất bản tập ký sự “ Đường qua tuyến lửa” dày 650 trang, nhưng mỗi lần trở lại tuyến đường này, vẫn không sao tưởng tượng nỗi sự hình thành và sức sống của con đường! Hôm nay, đi trên con đường đã rãi nhựa, rãi Bê tong xi măng, vắt vẽo trên núi cao, bên vực thẳm, cả người lien tục lắc lư, ê ẩm và ghê sợ. Ca sĩ Ngọc Tân, vốn là con người luôn vui nhộn, đầy chuyện trạng, chuyện tục luông gây cười trước đám đông, cũng phải ngồi im tạo thế và nói:
          -Em đi lại trên tuyến đường này nhiều lắm, nhưng không bao giờ hiểu nỗi những kỳ tích của con đường. Sức người quá vĩ đại! Xẻ núi, lấp song suối, bạt lèn cao với phần lớn là những cô thanh niên mới lớn, bé nhỏ, với công cụ thô sơ đã là một huyền thoại. Cứ nghĩ: con đường đá sỏi trong chiến tranh, bom đạn thù băm đi, băm lại lỡm chởm, mà đoàn lái xe con gái mới học lái được vài ngày, đã cầm vô lăng chiếc xe Zin ba cầu to lớn, vượt bom đạn và đường đầy ổ bò, ổ voi, suốt ngày đêm vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí và hàng hóa vượt qua tuyến đường này, càng khâm phục!...
                                                                   *
                                                                *       *
 
         Đứng trước Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn – Đường 20 Quyết thắng, phóng mắt nhìn về phía con đường bao nhiêu hình ảnh kỳ diệu lại hiện lên. Ngày ấy, với tinh thần “ Tất cả để giải phóng miền Nam!” Đúng 17h30 ngày 30 Tết Bính Ngọ 1966 (ngày 21/01/1966), Quân ủy Trung ương phát lệnh khởi công tuyến đường huyết mạch nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn trên đường mòn Hồ Chí Minh, xuất phát từ thôn Phong Nha, tỉnh Quảng Bình xuyên qua dãy Trường Sơn đến ngã ba Lùm Bùm đường 128 thuộc tỉnh Khăm Muộn, Lào và ra chỉ lệnh thời gian mở đường không quá 105 ngày, một ngày phải mở xong 1 km đường. Từ loạt bộc phá đầu tiên mở màn chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi” tất cả các lực lượng được lệnh đồng loạt thi công từ hai hướng đông-tây. Phía Đông thi công đoạn từ Phong Nha (Km0) đến ngầm Ta Lê (Km82), do đồng chí Phan Trầm chỉ huy gồm 2 trung đoàn và các đội TNXP đến từ các tỉnh Hà Nam, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh... Đây là địa đoạn khó khăn với khối lượng lớn nhất qua các trọng điểm: Dốc Đồng Tiền, U Bò, Khe Diêm và đặc biệt là dốc Ba Thang-thực chất là quả núi đá tai mèo dựng đứng. Phải mất 15 ngày đêm liên tục treo mình trên vách đá, mồ hôi thấm ướt lỗ mìn, với choòng tay và thuốc nổ, những chiến sĩ công binh của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 10 mới “vượt” được Ba Thang. Còn ở phía Tây, thi công từ Lùm Bùm (Km123) về Ta Lê do đồng chí Nguyễn Lang chỉ huy. Tuy khối lượng có ít hơn nhưng cũng không kém phần vất vả do đoạn qua đèo Phu La Nhích dốc dựng đứng, rồi lại qua đoạn nước xiết như Chà Là, Ta Lê.Gian nan, nguy hiểm là thế nhưng sau chưa đầy 4 tháng, gần 8000 người phần lớn đang ở tuổi mười tám, đôi mươi đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ: Hơn 1 triệu mét khối đào đắp, xây hàng trăm mét ngầm vượt sông suối, hàng trăm cầu cống tạm… Ngày 14-4-1966 ở khu vực biên giới Lào -Việt, con đường vượt khẩu mới mang tên Đường 20 đã chính thức khai thông. Đoàn xe 15 chiếc chở gạo của Binh trạm 14 đã tiên phong vượt đỉnh U Bò trên Đường 20 đi về phía nam, mở đầu một giai đoạn mới trong lịch sử vận chuyển cơ giới của Bộ Tư lệnh 559.
        Từ khi khai mở năm 1966, Đường 20 – Quyết thắng đã từng ngày thay đổi tầm vóc của mình. Từ chỗ chỉ là con đường độc tuyến dài 123km, đến năm 1973, Đường 20 đã là một mạng đường vượt khẩu như "trận đồ bát quái", với tổng số chiều dài hơn 260km, bảo đảm cho các đơn vị vận chuyển chủ động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
         Ngày 17-5-1966, hai chiếc AC-130 rải chất độc hóa học hủy diệt cây rừng và phát hiện ra tuyến đường. Từ đó Đường 20 – Quyết thắng đã trở thành nơi thử thách ý chí, bản lĩnh của những con người lứa tuổi 20 với không quân Mỹ cùng các trang bị hiện đại, tiên tiến nhất. Hàng loạt các địa danh trên Đường 20 – Quyết thắng đã trở thành trọng điểm đánh phá hủy diệt của quân thù như: Đồng Tiền, Trạ Ang, Khe Diêm, cụm trọng điểm A-T-P… Trong vòng 6 tháng liền, chỉ riêng tại trọng điểm Cua chữ A, địch đã đánh hơn 2.700 lần chiếc cường kích và 270 lần chiếc B-52, ném xuống hơn 2 vạn quả bom các loại, Ác liệt nhất là  tập đoàn trọng điểm "A.T.P" - (Cua chữ A, địch đánh phá 3.020 trận, ngầm Ta Lê và đèo Pu-La-Nhích dài 8 km địch đánh hơn 10.000 lần). Chỉ trong 15 ngày cuối tháng 11 năm 1969, số bom Mỹ ném xuống ATP lên đến 17.625 tấn; trung bình 1km đường là 2.203 tấn (mỗi mét dài đường chịu 2,2 tấn bom). Đây là những con số vô cùng kinh khủng đối với bất kỳ cuộc chiến nào trên thế giới.Trọng  điểm Trạ Ang, trọng điểm km16, km 14, phà Xuân Sơn (bao gồm phà B và phà  Nguyễn Văn Trỗi). Bình quân mỗi chiến sỹ ở đây chịu đựng 1.000 quả bom các loại.Trường Sơn-Phong Nha đã trở thành yoaj đọ lửa - đối đầu giữa ý chí gang thép, lòng quả cảm, trí tuệ con người Việt Nam với bom đạn-sản phẩm của nền công nghiệp quân sự phi nhân tính của Hoa Kỳ… Trong toàn bộ 5 trục dọc và 21 trục ngang của hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại, đường 20 Quyết thắng ở tỉnh Quảng Bình là trục ngang có mức độ khốc liệt nhất, mật độ bom đạn trên 1km đường thuộc loại cao nhất Trường Sơn. Máu của họ đã thấm đỏ mỗi thước đường và mỗi cung đường.
          " Đường 20 - Quyết thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sĩ và thanh niên xung phong làm nên". Đó là lời đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam – Người học trò xuất sắc của Bác Hồ kính yêu, người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, một danh tướng tài giỏi, một thiên tài thao lược Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đã chỉ huy toàn quân suốt cuộc trường chinh đánh bại 10 đại tướng và cuộc chiến tranh xâm lược của hai đế quốc to là Pháp và Mỹ – khi vào thăm tuyến đường 20, tháng 5 năm 1973. Một kỳ công, kỳ tích và kỳ quan mà 1088 liệt sĩ và hàng ngàn thương binh, trong tổng số gần một vạn cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong, cùng hàng vạn lượt người dân Quảng Bình đã hy sinh, đổ máu, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, quyết tử dưới hàng ngàn trận mưa bom bão đạn của quân thù, trong suốt 7 năm liên tục ( từ 17 giờ đêm 30 Tết Bính Ngọ (1966) đến tháng 1 năm 1973), đảm bảo cho tuyến đường này thông suốt, cho chiến trường miền Nam, cả chiến trường bạn Lào luôn luôn đủ quân, đủ lương thực, thực phẩm, vũ khí...đánh bại quân xâm lược.
                             “ Tên con đường là tên em gửi lại
                               Cái chết em xanh khoảng trời con gái
                               Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
 
                               Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
                               Nên mỗi người có gương mặt riêng”
                             ( " Khoảng trời, hố bom"- thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ)

 
          " Gương mặt em", gương mặt của hàng vạn con người, là những tấm gương chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của đội ngũ sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ, công nhân, thanh niên xung phong và nhân dân trên tuyến đường 20 – Quyết thắng. Đó là những chàng trai, cô gái liên tục bám chắc, trụ vững trên các trọng điểm địch thường xuyên đánh phá ác liệt. Là những chiến sĩ lái xe, căng mắt qua ánh đèn gầm nhỏ xíu, tay mỏi rã rời trên vô lăng, lúc cài, lúc nhả số, tăng giảm tốc độ, vật lộn với trên mặt đường vừa bị bom địch cày xới mới san lấp xong, đầy “ ổ gà”, “ ổ voi”, lầy lội... dưới hàng trăm trận trút bom, nhả đạn của quân thù. Là những người phá bom nổ chậm, bom từ trường, biết cái chết có thể đến bất cứ giây phút nào đối với mình, nhưng vì nghĩa lớn, họ không dắn đo, do dự. Đó là những anh chị em “ bom nổ xỏ dày, cuốc xẻng cầm tay, ra ngay trận địa”, để cứu thương, cứu xe, cứu hàng, giải quyết những ca tử vong ; hoặc làm “cọc tiêu sống” tại những con suối, những cua ngoặt hiểm trở, cho những “phi công mặt đất” lái xe vượt qua an toàn. Đó là những chiến sĩ Cảnh sát giao thông Trạm Khương Hà và Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy – Công an Quảng Bình anh hùng luôn sôi máu tinh thần “ Vì nước quên thân – vì dân phục vụ” như lời Bác Hồ dạy, đã dũng cảm băng qua hơn một nghìn trận đánh phá của giặc Mỹ, không sợ hy sinh, quên mình xông pha vào vùng lửa đạn cứu hàng ngàn người bị bom dập hầm sập, hàng trăm người bị thương, cứu và bảo vệ an toàn hàng vạn tấn tài sản, hướng dẫn và giải thoát cho hàng trăm xe hàng vượt qua trọng điểm địch đang đánh phá. Là những chiến sĩ pháo binh, trực chiến súng trường, súng 12 ly 7 ngày đêm bám trận địa trên cao, đánh trả quyết liệt với đủ các loại máy bay và đánh bạt hàng trăm loạt bom của địch, bảo vệ cho tuyến vận chuyển. Là những người nhận nhiệm vụ đánh lừa máy bay địch, đã đốt lửa kéo địch đánh về phía mình, để cứu nguy cho đồng đội...
     Nếu Di tích quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh có 46 điểm di tích thì riêng đường 20 Quyết thắng có 6 di tích là phà Xuân Sơn, hang Tám Cô, dốc Ba Thang, ngầm Cà Roòng, hang Thông tin, hang NH là di tích quốc gia đặc biệt; Trạ Ang là di tích quốc gia. Đoạn đường 20 nằm trên lãnh thổ Lào đang được các cơ quan chức năng lập hồ sơ để Nhà nước Lào công nhận là di tích quốc gia Lào.
        Chiến công và những kỳ tích mà các anh, các chị làm nên trên tuyến đường 20 – Quyết thắng huyền thoại cả nhân loại đều biết, Tổ quốc Việt Nam mãi mãi ghi công, với tất cả tấm long thương tiếc và cảm phục. Vào dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, trong Đền tưởng niệm hôm nay, được biết: Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Him Lam- đơn vị tài trợ 42 tỷ đồng xây dựng Đền tưởng niệm Trường Sơn, trọng điểm Cà Roòng – ATP. Ông là con của liệt sĩ Dương Công Trình hy sinh năm 1970 ở mặt trận phía Nam, nhiều năm nay đi tìm hài cốt bố mà không thấy. Với Ông:Thân xác của bố, cũng như của các bác, các chú, các cô đã hy sinh trên mọi miền Tổ quốc và trên các trọng điểm của đường 20 Quyết thắng này, hóa thành đất đai Tổ quốc. Và linh hồn của họ đã hóa thành “linh khí quốc gia. Do vậy, việc xây dựng đền thờ ở nơi núi rừng tận cùng biên giới này, thật sự có ý nghĩa. Ngôi đền, vừa là nơi hội tụ anh linh liệt sĩ, vừa là nơi ghi dấu mốc lãnh thổ quốc gia. Đây là địa chỉ để thế hệ trẻ bái vọng, nhớ về Trường Sơn huyền thoại và công lao các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
                                                                               *
                                                                           *        *
 
      Buổi chiều,chúng tôi theo các chiến sĩ biên phòng lên cột mốc biên giới, lại là Tây nắng, Đông mưa! Mưa như trút nước. Cách cột mốc 543 chừng 300 mét là đường đất, lầy lội. Các chàng, các cô nghệ sĩ ưu tú, nhà văn, nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng dày bóng loáng, guốc cao gần 10 phân, nhìn đường chỉ biết lắc đầu, bó tay, đành theo sự chỉ huy của Trung tá trưởng đồn Võ Đình Thuần lên thớt xe bán tải! Xe cứ rú máy trườn, chuầy qua, chuầy lại, như bung ra khỏi mặt đường. rơi xuống vực. Mọi người níu chặt thành xe sợ bung người ra khỏi xe!
      Vần vũ trên đoạn đường lầy lội chừng 15 phút, chúng tôi lên tới cột mốc. Trung tá, chính trị viên Nguyễn Chí Thanh không quên dặn chúng tôi:
     -Các anh, các chị cẩn thận kẻo bị vắt cắn đó! Bãi cỏ quanh cột mốc dầy đặc vắt, bọn em biết rồi nhưng nhiều khi vẫn bị!
    Đúng là vắt quá nhiều. Thấy chúng tôi bước xuống xe, những bầy sên vắt nhảy tưng tưng trên thảm cỏ, chờ bắn phát bám vào người! Các chiến sĩ biên phòng luôn nhắc đề phòng sên vắt, " bọn em quen rồi mà nhiều lần vẫn bị hiến máu!".
     Lâu lâu được lên cột mốc biên giới Việt - Lào, thôi thì tha hồ mà lên hình, lưu hình kỷ niệm!
     Vui lắm! Rời cột mốc, chúng tôi về vui bửa cơm thân thiết với bộ đội biên phòng và đêm hôm đó lại vui lửa trại kỷ niệm 19 năm thành lập Chi cục Hải quan cửa khẩu Cà Ròong. Quân dân sum vầy, múa hát rộn cả vùng biên.
    Về đến phòng ngủ, ca sĩ Ngọc Tân chuẩn bị lên giường thì từ trong ống quần một chú sên rơi xuống nghe độp, máu tóe ra cả nền nhà!
     Thế mới biết những hiểm nguy, vất vã, gian lao, mà thương những người lính đang ngày đêm canh giữ biên cương, rào dậu Tổ quốc. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, từ buổi bình minh của dân tộc cho đến hôm nay, cương giới, biên ải và các cột mốc chủ quyền luôn là những điều thiêng liêng nhất trong lòng mỗi người dân đất Việt. Đường biên, cột mốc…luôn là điều thiêng liêng nhất mà khi nhắc đến làm cho triệu triệu trái tim rưng rưng, bồi hồi. Chính vì thế mà nười lính biên phòng luôn khắc sâu lời Bác Hồ dậy: “Non xanh nước biếc trùng trùng/ Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao/ Núi cao, sự nghiệp càng cao…”  Cũng chỉ vì muốn cho bao em thơ yên giấc ngủ ngon, cho lúa reo vui trên đồng nắng mới, cho cây lá rừng già biên giới thêm xanh…nên các anh, những chiến sỹ biên phòng vẫn luôn vững đôi chân, chắc tay súng ở miền biên viễn. Cột mốc, đường biên như là hiện hữu của tất cả tình thân,tình yêu. Có đi, có thấy, có trãi qua, mới thấu hiểu về các anh – những chiến sỹ biên phòng vẫn đang dầm mình nơi xa xôi, rừng thiêng, nước độc…
      Những bước chân không mỏi…những kính cẩn nghiêng mình…những ghi dấu tình hữu nghị…cho đến việc hồi sinh những cuộc đời lầm lỗi…nâng bước trẻ thơ đến đường…những chiến sỹ mang quân hàm xanh không chỉ bảo vệ sự bình yên nơi biên giới xa xôi mà còn mang đến sự đổi thay của biết bao mảnh đất, cuộc đời..Bằng trách nhiệm, bằng tấm lòng của mình, những chiến sỹ biên phòng đã làm nên sự thiêng liêng nơi đường biên, cột mốc.
 
                                                                                                          K.C
 
                                                                            
Địa chỉ: Kim Cương
            Hội văn học nghệ thuật Quảng Bình
            Đường Đoàn Thị Điểm – Thành phố Đồng Hới – Quảng Bình
             Đt: 0916897726

          

 

tin tức liên quan