Văn tế các Liệt sĩ Trường Sơn
Ngày đăng:
10:48 13/07/2017
Lượt xem:
1.379
Văn tế các liệt sĩ Trường Sơn
Biên soạn : Vũ trình Tường
Kính tặng các Anh Linh Liệt sĩ Trường Sơn
Rừng Trường Sơn ngút ngát.
Núi Trường Sơn điệp trùng.
Sự tích Trường Sơn hào hùng.
Linh khí Trường Sơn hội tụ.
Hôm nay dưới tán bồ đề xanh huyền thoại.
Trước Đài Tưởng niệm sáng vinh quang.
Trước Anh Linh liệt sĩ của Trường Sơn.
Trong thời khắc Đất-Trời, Âm-Dương tri kỷ..
Chúng tôi: những đồng đội xưa của các anh, các chị.
Những con em đang tiếp bước lính Trường Sơn.
Các bậc lão thành, các cháu thiếu niên.
Và toàn thể sáu mươi tư tỉnh thành,
hơn tám mươi triệu người dân trong cả nước.
Cùng lòng thành nguyện ước
Xin thắp nén tâm hương.
Để tri ân với các Anh Linh,
đã hi sinh cuộc đời mình để làm nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Từ hôm nay, nhớ về ngày ấy:
Sông Bến Hải một dòng mà ngăn chia hai miền Nam- Bắc.
Cầu Hiền Lương nối nhịp, lại cách trở đôi ngả Nhớ- Thương.
Đồng bào miền Nam, vẫn khổ đau quằn quại giữa đằng đẵng đêm trường.
Người dân miền Bắc, còn gội nắng dầm sương trong buổi đầu dựng nghiệp.
Tin từ phương Nam :
Ấp Tây lính càn, thôn Đông giặc bố.
Máu chảy giữa sân, đầu rơi ngõ chợ.
Con trong ấy mỏi mắt ngóng chờ cha.
Chồng ngoài này mòn đêm thương nhớ vợ.
Tại Thủ Đô:
Ngày 19 thàng 5, ngày sinh nhật Bác Hồ tròn 69.
Trung ương giao cho Bộ Quốc phòng:
bí mật mở con đường dọc dãy Trường Sơn, bắc nhịp cầu thống nhất.
Quân uỷ cử ra Đoàn công tác:
xoi rừng tim lối vượt qua sông Bến Hải, nối thông bến Nhớ, bờ Thương.
Nhớ buổi đầu gian khổ ấy:
“Đi không để dấu, nấu không có khói, nói không thành tiếng”
mỗi người lính âm thầm cõng trên vai gánh nặng Sơn Hà.
Đêm tối là ngày, rừng cây là bạn, hoạn nạn kề bên,
các anh đi ấp ủ mang trong tim tình yêu Tổ Quốc.
Từ Khe Hó, Làng Ho, vượt đỉnh” một nghìn”, luồn qua Rào Quán, vào Tà Riệp- Trị Thiên.
một hành trình mấy tháng ròng lặn lội.
Mỗi gói hàng, viên thuốc, một cân chất nổ, mỗi khẩu súng trường, đến tấm tăng manh áo,
đều phải đổi bằng xương máu tuổi xuân.
Thiếu uý Nguyễn Minh Thông sa vào ổ phục, đã chiến đấu đến cùng rồi dũng cảm hi sinh.
Thượng sĩ Trần Tương bị giặc bắt trên đường, dù thịt nát, xương tan vẫn giữ tròn khí tiết.
Nào núi cao, rừng rậm, nọ cơn sốt rét rừng, bao liệt sĩ vẫn còn gửi thân nơi quãng vắng.
Mấy sông dữ khe sâu, bây ác ôn biệt kích, thuyền già Riên trong mưa đạn nát chìm.
Cách mạng đi lên,Đoàn Công tác buổi ban đầu đã lớn mạnh thành Đoàn 559.
Chiến trường phát triển, lối nhỏ gùi thồ ngày ấy đã mở thêm cho cơ giới lưu thông.
Lật cánh sang Tây, từ Khe ve , Mụ Giạ xuống Lằng Khằng,
vượt Pắc Pha Năng vào Phi Hà , Tà Xẻng.
Mở đường Thắng Lợi, nối Cù Lạc, Phong Nha,
qua Trạ Ang ngang Phu La Nhích đến ca Tốc, Lùm Bùm.
Khắc nghiệt thay:
Hạ dốc Ba Thang, đá tai mèo như nanh hổ, nắng nóng tựa lửa thiêu,
những cô gái chàng trai lứa tuổi 20 treo mình đục đá.
Máu trộn mồ hôi, vì con đường bao mảnh đời không thêm tuổi.
Vượt ngầm Thà Khống, dòng nước réo tựa sói gầm, bom rơi như sung rụng,
xe vượt lũ, lội ngầm giữa hai hàng tiêu sống đứng trong đêm.
Đất lẫn thép gang, mấy xe hàng cùng lái xe lửa thiêu cháy rụi.
Dữ dội thay:
Những tên đất tên làng: La Trọng, Bãi Dinh, xóm Péng, Văng Mu…
bởi ác liệt ngày đêm, đã trở thành những cái tên “trọng điểm”.
Bao cánh rừng xanh tốt : Xuân Sơn, Tha Mé, Ta Lê, Cốc Mạc…
do bom đạn kẻ thù , đã hoá thành “hoang mạc xứ mặt trăng.”
Lạ lùng thay:
Bom triệu tấn, không cắt đứt được con đường.
“Máy điện toán” vẫn tính lầm bài chiến lược.
Đường Trường Sơn rộng dài vươn ra phía trước.
Ý chí Trường Sơn làm khiếp đảm kẻ thù.
Hào hùng thay:
Trận Nam Lào đường 9, đập nát mưu đồ bóp nghẹt Trường Sơn.
Chiến dịch Hồ Chí Minh, là khúc tráng ca ngàn đời bất diệt.
Vẫn biết rằng:
Chiến thắng nào mà chẳng có những hi sinh.
Nụ cười nào mà không hoà nước mắt.
Con người ta sinh ra:
Ai cũng muốn mình sống trăm năm,
cũng muốn nếm vị ngọt ngào hạnh phúc.
Cũng muốn bằng bàn tay khối óc,
dâng hiến cho đời những đoá hoa xuân.
Khi đất nước có chiến tranh:
Các chị, các anh đã tự nguyện ra chiến trường mà nhẹ nhàng như đi trẩy hội.
Đã cháy hết mình, giữa Trường Sơn dữ dội,
nhưng không phải vì những tấm huân chương.
Mười sáu năm (1959-1975)
Gần hai vạn dặm đường mở ngang dọc khắp Trường Sơn.
Quá hai vạn sinh linh đã thịt xương về với đất.
Còn hàng triệu nỗi đau, không ai đong đếm hết.
Dẫu cả ngàn trang sách chẳng thể viết cho cùng.
Những chiến sĩ phòng không, trên mâm pháo, mảnh bom xé ngực,
vẫn ngẩng cao đầu, bắn thẳng tốp may bay.
Người thiếu nữ thơ ngây, đi chống lầy , phá bom nổ chậm,
bom nổ, đường thông, nhưng cô không còn nữa.
Đèo Pa Kha hiểm trở,
nơi trung đội trưởng nữ hi sinh, đã mang tên “Đèo chị Nhạ”
Hang núi đá vô danh,
do những cái chết thương tâm cao cả, mà trở thành “ Hang Tám Cô”
Dòng suối Trạ Ang, những chiến sĩ kéo xăng ngược nước,
mỗi mạng người đổi một phi xăng.
Y trạm tiền phương, người bác sĩ cấp cứu thương binh,
sau loạt bom anh lại trở thành liệt sĩ.
Và còn bao nhiêu nữa:
Từ anh lính trẻ thông tin, cho đến người Chính uỷ.
Đã để lại máu xương mình trên khắp nẻo Trường Sơn.
Hỡi các Anh Linh!
Dù các Linh đang trú ngụ ở những nơi đâu,
khôn thiêng xin quy tụ về đây trong đội ngũ.
Dẫu Lịch sử hôm nay còn chưa vinh danh đủ,
một lạy này chúng tôi xin cáo lỗi trước Các Linh.
Thưa các Chị, các Anh:
Ngày hôm nay đất nước đã thanh bình.
Vết tích chiến tranh đã mờ theo năm tháng.
Tổ Quốc Việt Nam ngày càng toả sáng,
Lịch sử Trường Sơn mãi oanh liệt hào hùng.
Đại lộ Hồ Chí Minh, trang sử mới chúng tôi đang viết tiếp.
Những mất mát hi sinh, công ơn dày chúng tôi mãi khắc xương.
Trước Đài Tưởng Niệm.
Sáng bừng hào khí, nghi ngút khói hương.
Cả nước nghiêng mình, kính cáo cùng các Anh Linh Liệt Sĩ.
Dù vật đổi sao rời.
Vẫn mãi còn ân nghĩa:
Vạn thủa lưu danh Liệt Sĩ .
Ngàn đời tạc sử Trường Sơn.
Tháng 12/2008
Ghi chú : Những địa danh, tên người, số liệu…lấy theo sách “ Lịch sử đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn…”
tin tức liên quan