" Bốn mươi năm trên mảnh đất này" - Thơ Nguyễn Hữu Dụ - Nguyên Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 49 - Sư đoàn 471
Sáng nay (28 tháng 11 năm 2017) Tại huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk - Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 49 (có tiền thân là Trung đoàn 49 - Sư đoàn 471 - Bộ đội Trường Sơn) sẽ long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm hình thành và phát triển (1977 - 2017) và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam trao tặng. Trong niềm vui chung và niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn anh hùng - Ký ức một thời đồng cam cộng khổ chung sức cùng cán bộ chiến sỹ chiến đấu và xây dựng Trung đoàn đã khơi nguồn cảm hứng để Trung tá Nguyễn Hữu Dụ - Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 49 cho ra đời chùm thơ có tựa đề “BỐN MƯƠI NĂM TRÊN MẢNH ĐẤT NÀY” kính tặng cán bộ nhân viên Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 49 và các CCB Trung đoàn 49 - Sư đoàn 471 - Bộ đội Trường Sơn nhân sự kiện trọng đại này.
Ban Biên tập Trang TT&BT Trường Sơn xin được chia sẻ niềm vui, niềm tự hào cùng cán bộ nhân viên Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 49 và các CCB Trung đoàn 49 - Sư đoàn 471 anh hùng nhân sự kiện trọng đại này và trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc chùm thơ đầy ý nghĩa của đồng chí Nguyễn Hữu Dụ .
Đồng chí Nguyễn Hữu Dụ
BỐN MƯƠI NĂM TRÊN MẢNH ĐẤT NÀY
(Kính tặng cán bộ nhân viên Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 49
Và các CCB Trung đoàn 49 - Sư đoàn 471 - Bộ đội Trường Sơn)
B
Ố
N
M
Ư
Ơ
I
N
Ă
M
T
R
Ê
N
M
Ả
N
H
Đ
Ấ
T
N
À
Y
|
PHẦN 1: TIẾP BƯỚC HÀNH QUÂN
Bốn mươi năm trên mảnh đất này (1)
Nơi núi đồi bao quanh sớm tối
Nơi hoang vắng không người đi tới
Trắng sương giăng lá rụng phủ dầy.
Từ Khe Sanh hành quân tới đây (2)
Rời đất đỏ đến vùng đất đỏ
Đã bao mùa trăng mờ, trăng tỏ
Dốc lại đèo vang tiếng suối reo.
Một miền quê hết đói lại nghèo
Bụi mù trời ào ào gió thổi
Nắng khô khốc màu xanh lấm bụi
Chỉ còn xanh áo lính phơi đầy.
Võng mắc tạm trên những hàng cây
Dựng lán trại bên bờ suối vắng
Như vậy thôi che mưa, che nắng
Ở nơi này bên nhau quản đâu.
Bao tâm tư trong cánh rừng sâu
Rời trận địa lại về trận địa
Nơi non ngàn chọn làm điểm tựa
Khát vọng theo cùng với lo âu.
PHẦN 2: NGƯỜI VỀ KHAI PHÁ
Chụm mái đầu bàn bạc đêm thâu
Vai khoác súng tay dao, tay cuốc
Mặt lấm lem, áo quần rách xước
Lặng canh khuya tiếng thú kêu đêm.
Không mái nhà dân, vắng lửa đèn
Nơi đặt chân con đường mờ ảo
Yêu chiến trận vẫn vang súng nổ
Tàn quân còn lẩn khuất đâu đây. (3)
Ta mở rừng thay áo đồi cây
Tiếng máy cày xua tan yên ắng
Vùng đất trũng cấy hàng lúa thẳng
Trên non ngàn xanh ngát sắn ngô.
Hạt nảy mần mền mại non tơ
Lá sò mở tính ngày, tính tháng (4)
Sóng sánh mặt hồ trăng soi bóng
Cánh cò bay trong khói lam chiều.
Hoa Cà phê trắng biết bao nhiêu
Hương thơm ngát vợi đi nỗi nhớ
Tay chai sạn, nụ cười rạng rỡ
Mắt chớp nhìn muôn hạt “vàng nâu” (5)
PHẦN 3: DỰNG XÂY QUÊ MỚI
Nơi ta ở chưa có tên đâu
Chỉ Xê một, Xê hai, Xê bốn (C4) (6)
Nơi doanh trại là làng, là xóm (7)
Từ ngỡ ngàng gọi mãi nên quen.
Làng quê mới này đâu dễ quên
Người khắp miền về xây tổ ấm
Cuộc sống mới vẫn còn lạ lẫm
Bước khởi đầu tiếp bước tương lai.
Làng quê mình xây lại cuộc đời
Và cũng lắm gian nan biết mấy
Ở nơi này thương nhau đến vậy
Đất ấm hơi người, đất sinh sôi.
Thấm lệ nhòa thiếu tiếng ca vui
Bữa cơm ăn trông chừng lửa khói (8)
Vừa đánh giặc, vừa vào vụ mới
Cho Nông trường trụ vững đôi chân.
Đã trải qua bốn mươi mùa xuân
Ấp ủ ươm trồng bao hạt giống (10)
Cho mầm ngủ bừng lên sức sống
Chợ bớt nghèo theo những tháng năm.
PHẦN 4: MẸ ƠI! CHÚNG CON Ở LẠI ĐÂY
Mẹ ơi! Nơi con ở xa xăm
Sau chiến tranh chưa về với mẹ
Chưa có cháu mẹ bồng, mẹ bế
Thứ lỗi con, thương mẹ - mẹ ơi!
Ở nơi này vắng nụ cười tươi
Cô hàng xóm thuở nào vẫn nhớ
Ngày nhập ngũ chiếc khăn thêu dở
Nặng tình kỷ vật nhớ khôn nguôi.
Tây nguyên xanh, xanh tiếng chim trời
Vừa dựng làng, khai hoang mở đất
Những tháng ngày gian truân, tất bật
Xây công trình đập nước, dòng mương.
Chúng con đi mở những công trường
Bệnh viện, học đường tươi mái ngói
Thơm hoa rừng vui mùa đám cưới
Lính se duyên gái đảm quê nhà.
Làng râm ran tiếng trẻ ê a
Đêm mở hội hòa trong tiếng hát
Nâng cánh cuộc đời bay bát ngát
Ơi! người ơi - người ở đừng về.
PHẦN 5: CÒN MÃI BAO MÙA HOA TRẮNG
Ngồi bên nhau nhớ mãi lời thề
Nơi hoa trắng - bao mùa hoa trắng
Đừng quên giọt Cà phê vị đắng
Có hương thơm của đất và trời.
Hạt Cà phê thấm đẫm mồ hôi
Có nước mắt, máu xương chiến sỹ
Có bao cuộc hành quân không nghỉ
Có tình dân nuôi hạt “vàng nâu”.
Đến đây rồi ta vẫn có nhau
Bao khát vọng từng ngày đã đến
Hạt Cà phê theo tàu cập bến
Đi khắp miền bốn biển năm Châu.
Ta đổi mới gắng sức làm giàu
Để có được những gì chưa có
Mới thấu hiểu qua từng gian khó
Và giữ gìn hướng tới ngày mai.
Anh và em tay để trong tay
Dắt nhau đi với cùng năm tháng
Vẫn còn mãi bao mùa hoa trắng
Trắng phía chân trời một sắc hoa.
PHẦN 6: MỪNG VUI CHIA SẺ NGỌT BÙI
( THAY CHO LỜI KẾT )
Bốn mươi năm đã đi qua
Mùa xuân ở lại với hoa và người
Bốn mươi năm quãng đường đời
Nhớ về đồng đội một thời cách xa.
Ta với mình, mình với ta
Bốn mươi năm bản trường ca ân tình
Ta về để nhớ cho mình
Để thương cho đất để tình cho cây.
Bốn mươi năm có hôm nay
Mừng vui chia sẻ, đắng cay ngọt bùi
Cà phê xanh núi, xanh đồi
Để hương cho gió để trời đầy hoa
Một vùng non nước bao la
Bốn mươi năm, chặng đường xa vẫn chờ
Bốn mươi năm tựa giấc mơ
Bốn mươi năm - một bài thơ cuộc đời
Còn non, còn nước, còn trời
Vẫn còn bốn chín (49) còn người ta yêu.
Nguyễn Hữu Dụ |
Đồng chí Nguyễn Hữu Dụ - Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 49 Tại buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm
ngày nhập ngũ của Ban LL cựu Nữ Chiến sỹ Trung đoàn 49 trên quê hương Yên Thành – Nghệ An ( ngày 19-8-2017).
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(1) Trung đoàn 49 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước thuộc Bộ đội Trường Sơn ( Nay là Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 49 thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam ) Về đóng quân tại xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk từ năm 1977 đến nay 2017 tròn 40 năm.
(2) Trung đoàn 49 hành quân từ Khe Sanh (Quảng Trị) là vùng đất đỏ Baran đến địa điển trên cũng là vùng đất đỏ Baran.
(3) Tàn quân Ngụy sau chiến tranh là Fulrô chống phá chính quyền Cách mạng ở các tỉnh Tây Nguyên.
(4) Hạt Cà phê khi nảy mầm có 2 lá mầm.
(5) Cà phê nhân khô có mầu vàng nâu, là mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, được ví như vàng và mọi người thường gọi là “vàng nâu”.
(6) Đơn vị quân đội cấp Đại đội gọi là C (xê).
(7) Là nơi đóng quân.
(8) Phải bỏ dở bữa ăn để dập lửa chống cháy các lô Cà phê.
(9) Đánh bọn phản động Fulrô.
(10) Ươm cây giống Cà phê để trồng trên các lô đất vừa khai phá.