" Tấm lòng của cha" - Truyện ngắn của Nguyễn Xuân Tuynh Ủy viên BCH Hội Trường Sơn TP Nha Trang - Khánh Hòa

Ngày đăng: 08:56 31/07/2018 Lượt xem: 445
TẤM LÒNG CỦA CHA
Truyện ngắn của Xuân Tuynh


Chân dung tác giả
 
         Nhà Cựu chiến binh Nguyễn Đình Hân mấy hôm nay tin vui đến dồn dập. Hai cậu con trai, Hạnh và Phúc đều thi đỗ vào hai trường Đại học. Hạnh đỗ vào trường Kiến trúc, Phúc đỗ vào trường Xây dựng. Hạnh nhiều hơn Phúc hai tuổi nhưng đi học muộn một năm nên hai anh em học chung một lớp từ lớp một đến lớp mười hai.
         Bà con họ hàng, xóm làng và anh chị em Cựu chiến binh đến thăm hỏi, chia vui rất đông. Vợ chồng ông Hân hãnh diện lắm vì cả làng có mấy gia đình cả hai con đều đỗ vào trường Đại học. Riêng Hạnh và Phúc, hai cậu con trai thì tỏ ra không mấy vui vẻ. Trong lúc họ hàng đang ở nhà ngoài uống trà, ăn kẹo bánh trò chuyện vui vẻ, Hạnh và Phúc vào trong buồng, đóng kín cửa ngồi trầm tư suy nghĩ. Hạnh nói với Phúc:
         - Anh em mình thi đỗ vào Đại học, hai trường này nghe nói học phí cao lắm. Chẳng những vậy lại phải mua tài liệu, sách giáo khoa, máy vi tính nữa... Ngoài ra còn tiền ăn, tiền thuê nhà trọ, cả núi tiền, nhà mình nghèo, bao nhiêu năm nay bố mẹ đã vất vả nuôi hai anh em ăn học đã kiệt sức. Giờ lấy đâu ra tiền nuôi một lúc hai thằng con ăn học Đại học ở dưới Hà Nội. Anh tính một mình em đi học, anh ở nhà kiếm việc làm phụ giúp bố mẹ chu cấp cho em. Em thấy có được không?
         Phúc lắc đầu, rơm rớm nước mắt. Giọng nghẹn ngào:
         - Không được đâu anh. Nếu đi học thì hai anh em cùng đi. Nếu nghỉ cả hai anh em cùng nghỉ. Anh ở nhà đi làm, em đi học sao đành. Em tính thế này, anh nghe được không? Hai anh em đi học, ngày một buổi lên lớp, còn một buổi kiếm việc làm thêm lấy tiền ăn học khỏi lấy tiền của bố mẹ.
         Hạnh ngồi trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi nói:
        - Mình là con trai nhà quê, xuống Hà Nội, nơi đô thị phồn hoa, nghề nghiệp không có, biết làm gì kiếm ra tiền? Chẳng những vậy cả anh và em đều là kẻ nhút nhát.
        - Thiếu gì việc cho anh em mình làm. Như bồi bàn trong các nhà hàng, đánh giày, rửa bát thuê... Em nghe nói các nhà hàng, tiệm ăn họ cần người giúp việc lắm (Phúc nói).
         Hạnh đưa tay lên vò đầu:
         - Điều này anh chưa nghĩ tới. Chẳng biết có làm được như lời em nói không.
        Khi họ hàng, bà con xóm làng cùng đồng đội ra về hết. Ông Hân mới gọi Hạnh và Phúc ra, ba cha con ngồi trò chuyện. Ông Hân giọng hào sảng:
        - Các con đỗ Đại học bố mẹ vui lắm. Đây là niềm tự hào không chỉ riêng gia đình ta, mà còn là niềm tự hào của cả dòng họ Nguyễn Đình ở làng Kình này. Các con cứ yên tâm mà đi học. Đời bố mẹ xưa kia nhà nghèo lại sinh ra trong thời chiến tranh loạn lạc không được ăn học đến nơi, đến chốn, nay các con được sống trong hòa bình, các con phải gắng mà học sau có việc làm; có địa vị trong xã hội, không còn phải khổ cực như thời ông bà, cha mẹ.
        Ông Hân vừa nói dứt câu, Hạnh liền lên tiếng, giọng nhỏ nhẹ:
        -  Thưa bố, chúng con không đi Đại học đâu bố ạ. Học Đại học tốn kém lắm. Chi phí cho hai anh em con học Đại học mỗi tháng phải tốn cả ba, bốn triệu đồng, bố mẹ lấy tiền đâu ra mà chu cấp. Giàu có như nhà bác Thành ở xóm trên mà không nuôi nổi con Hồng học Đại học, mới hết năm thứ nhất đã bỏ học về đi lấy chồng. Nhà ta hai bố mẹ làm nông kiếm đâu ra tiền...
        Ông Hân cau mày, nói:
        - Có phải ăn rau, ăn cháo cũng phải lo cho hai con ăn học bằng anh, bằng em. Bố mẹ có cực mấy cũng chịu đựng được. Các con phải hiểu bố từng là lính, lính Trường Sơn, mọi gian khổ, đói khát bố đã từng trải. Thời nay lo chi. Nếu cần bố bán nhà đi lấy tiền nuôi hai con ăn học chứ gì.
         Buổi sáng, đầu tháng chín, tiết trời mùa thu trong xanh, vợ chồng ông Hân tiễn đưa hai con Hạnh và Phúc xuống Hà Nội học. Bà Cúc, vợ ông Hân, mẹ của Hạnh - Phúc móc túi áo lấy ra đôi khuyên tai, bà cất giữ hàng mấy chục năm nay không bao giờ đeo, đưa cho Hạnh. Giọng nghẹn ngào:
         - Đây là đôi khuyên của ông bà ngoại, ngày mẹ đi lấy chồng, bà đưa cho mẹ làm của hồi môn. Hai con cầm đi, xuống Hà Nội bán lấy tiền nhập học. Giữ cẩn thận kẻo mất nghe con.
Hạnh và Phúc cả hai ôm lấy mẹ. Ba mẹ con sụt sùi khóc. Ông Hân vào trong nhà mang ra một bọc tiền trao cho Hạnh. Ông nói:
       - Đây là số tiền năm triệu đồng bố bán cặp bình cổ của ông nội để lại các con cầm theo mà mua sách vở, đóng tiền học. Sau này hàng tháng bố mẹ chu cấp sau. Giữa lúc này thì ông Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn xã đến trao một phong bì cho hai anh em Hạnh và Phúc. Ông trịnh trọng nói:
       - Đây là số tiền, không nhiều lắm, nhưng là tấm lòng của đồng chí, đồng đội ở Trường Sơn năm xưa với bố cháu, các cháu nhận lấy để mua sách vở.
         Hạnh và Phúc cầm lấy phong bì, cúi đầu, lễ phép nói:
         - Chúng con cám ơn bác. Bác cho hai con gửi lời cảm ơn các bác, các cô chú trong Hội Trường Sơn của xã. Chúng con hứa sẽ học hành tốt để khỏi phụ lòng mọi người.
* * *
         Khi ông Hân vừa tròn năm tuổi thì bố ông hy sinh ở chiến trường Điện Biên Phủ. Mẹ ông ở vậy nuôi con. Cuộc sống vất vả, Hân học hành dở dang. Năm một ngàn chín trăm sáu tư, học hết tiểu học, Hân phải bỏ học ở nhà hai mẹ con đi làm thuê cấy mướn nuôi nhau.
         Năm một ngàn chín trăm sáu bảy, bước sang tuổi mười tám, lúc này cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt. Máy bay của Mỹ leo thang ra đánh phá khắp mọi nơi trên miền Bắc. Thanh niên cả miền Bắc nghe theo tiếng gọi của non sông, hăng hái lên đường nhập ngũ tòng quân đánh giặc giải phóng quê hương. Nguyễn Đình Hân đã viết đơn tình nguyện ra chiến trường. Xét theo chính sách thì Hân được miễn nhập ngũ vì nhà con một và là con Liệt sĩ. Nhưng Hân có quyết tâm rất cao. Hân đã chích đầu ngón tay lấy máu ký vào đơn để được đi nhập ngũ.
         Sau ba tháng luyện tập cơ bản của người lính, Hân được biên chế vào một Đại đội công binh Trường Sơn. Theo đồng đội kể lại, những năm ở Trường Sơn, Nguyễn Đình Hân chiến đấu rất dũng cảm. Là Dũng sĩ phá bom mìn. Chỉ trong ba năm, từ năm một nghìn chín trăm sáu tám đến năm một nghìn chín trăm bảy mươi, Nguyễn Đình Hân cùng đồng đội đã phá được ba trăm quả bom và hàng nghìn quả đạn Róc két của Mỹ trên tuyến đường Nam Lào. Trên mình mang thương tích nhưng Hân vẫn bám đường cùng đồng đội chiến đấu với quân thù, bảo đảm cho tuyến đường thông suốt. Nguyễn Đình Hân đã nhiều năm đoạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua; được tặng thưởng nhiều Huân huy chương.
         Sau ngày đất nước thống nhất, Nguyễn Đình Hân trở về hậu phương, lúc này Hân kết hôn với Lê Thị Thanh cô bạn gái ở xóm trên, hai người đã đính hôn từ trước ngày Hân đi vào Trường Sơn. Những năm Hân chiến đấu ở chiến trường, Thanh hàng ngày thường sang nhà Cúc trò chuyện, tâm sự với bà, động viên bà. Tuy chưa chính thức là con dâu nhưng bà Cúc rất yêu quý Thanh.


Hành trang ngày trở về của anh lính nghèo (ảnh minh họa)
 
         Sống trong thời bao cấp, đời sống khó khắn, thiếu thốn nhưng vợ chồng Hân rất lạc quan. Cưới nhau tròn một năm, Thanh sinh con trai đầu lòng, vợ chồng Hân đặt tên cho con là Hạnh. Có con trai đầu lòng, sinh ra bụ bẫm, không bị dị tật như những gia đình có bố hoặc mẹ chiến đấu ở chiến trường về bị nhiễm chất độc đi ô xin, sinh con ra bị tật nguyền. Vợ chồng Hân vui lắm. Hai năm sau Thanh lại sinh tiếp con thứ hai, cũng là con trai, Hân đặt tên cho con là Phúc. Hạnh, Phúc lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ và bà nội. Bà con họ tộc, xóm làng ai cũng mừng cho gia đình Hân. Nhất là khi thấy Hạnh Phúc lớn lên ngoan hiền, học hành chăm chỉ. Suốt từ năm lớp một đến lớp mười hai, năm nào cũng là học sinh khá, giỏi.
* * *
         Hạnh, Phúc bước sang năm thứ ba Đại học thì bà Thanh bị bệnh nặng, phải nhập viện. Bệnh viện các Bác sĩ phát hiện bà bị ung thư phổi ở giai đoạn cuối. Sau ba tháng nằm điều trị, bà qua đời. Bà Thanh qua đời ông Hân ban đầu có ý định không gọi cho hai con về, sợ chúng nó đau buồn, ảnh hưởng đến việc học hành. Nhưng nghĩ đến tình mẫu tử, ông không đành lòng, cuối cùng ông đã nhờ chú em họ xuống Hà Nội gọi cho Hạnh và Phúc về.
         Về đến nhà, mẹ mất, bố thì gầy gò, ốm yếu, Hạnh và Phúc có ý định bỏ học, ở nhà phụng dưỡng bố và thờ phụng mẹ. Nhưng ông Hân nhất quyết không chịu, sau khi xây mộ cho vợ xong, ông hối thúc Hạnh và Phúc trở lại trường học tập. Ông nói với hai con:
         - Mẹ mất rồi, nhưng khó khăn mấy bố cũng lo cho hai con tốt nghiệp Đại học. Còn hai năm nữa các con phải cố lên.
         Hai con trở lại trường học. Vợ mất, một mình ông Hân hàng ngày lầm lụi lao vào công việc làm lụng vất vả. Ngày đi làm thợ hồ, cấy bừa thuê, tối về ngâm mình dưới dòng sông Cầu mò cua bắt ốc, sáng sớm ra chợ huyện bán kiếm thêm thu nhập để gửi xuống Hà Nội cho hai con. Công việc mò cua bắt ốc dưới sông, mùa hè còn đỡ cực, mùa đông thì khổ quá chừng. Trời rét tê tái thịt da mà ngâm mình dưới nước thì chẳng khác nào bị đòn tra tấn của kẻ thù trong trại lao. Nhiều đêm đi mò cua về nhìn mặt mày ông tái mét, chân tay run lẩy bẩy giống như con gà bị cắt tiết. Làm việc quá sức, ăn uống không tốt, bữa đói, bữa no, các vết thương trong người tái phát. Đồng đội đến nhà thăm nhìn ông ốm yếu thương vô cùng. Họ hàng và anh em đồng đội khuyên ông mang sổ nhà ra Ngân hàng huyện thế chấp vay tiền cho con ăn học, sau này chúng nó học xong ra trường đi làm lấy tiền trả Ngân hàng, lấy lại sổ nhà. Tiền lời hàng tháng bà con họ hàng và anh em trong Hội Trường Sơn giúp. Điều quan trọng bây giờ là ông nghỉ ngơi.
         Nghe lời anh em họ hàng, đồng đội, ông Hân mang sổ chứng nhận sở hữu ngôi nhà thờ cổ năm gian ra Ngân hàng huyện thế chấp vay được năm trăm triệu đồng về để hàng tháng gửi cho hai con.
         Kết thúc năm năm học, Hạnh và Phúc vác tấm bằng đỏ đi khắp nơi xin việc, vào cả các tỉnh miền Trung, miền Nam cũng không xin được. Đến công ty nào họ cũng trả lời: “Ở đây đủ người rồi”. Quả thực là giai đoạn này sinh viên ra trường rất khó kiếm việc làm. Theo thống kê cả nước có hàng vạn sinh viên ra trường không có công ăn việc làm. Nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học phải đi rửa bát thuê, Thạc sĩ phải đi làm phụ hồ, khuân vác. Đau lòng hơn có những chàng sinh viên phải đi làm cái nghề “Trai bao”. Và không hiếm những sinh viên đi vào con đường làm ăn phi pháp như vận chuyển ma túy thuê, bảo vệ cho các sòng bạc trá hình...
         Không xin được việc, Phúc được bà chị họ đưa vào Buôn Ma Thuột hái cà phê thuê, Hạnh may mắn được một người đồng đội của bố làm ở Bộ Lao động Thương binh xã hội chạy cho một suất đi sang làm thuê ở Malaysia. Tiền lo cho Hạnh đi cũng tốn cả trăm triệu.
         Các con đi làm, ông Hân ở nhà đến thời hạn trả tiền ngân hàng theo hợp đồng ba năm, không có tiền trả, Ngân hàng phát mãi căn nhà.
         Nhà cửa không còn, ông Hân, gom tất cả đồ thờ tự trên bàn thờ tổ tiên, cặp lư đồng, bát nhang cổ, cặp hạc ra chợ bán rồi xin với làng cho ở nhờ một góc vỉa hè phía sau Đình, mua mấy tấm ván ép về quây lại để ở. Điện nước không có, tối đến thắp một ngọn đèn dầu tù mù. Lúc này sức khỏe không còn, người ốm yếu, các vết thương trong người tái phát thường xuyên. Ông Hân không đi xuống sông mò cua bắt ốc được nữa. Hàng ngày ông ra chợ huyện dọn dẹp cho các bà bán rau, bán thịt kiếm vài đồng mua gạo muối ăn qua ngày. Bà con tư thương ở chợ thấy ông Hân người thật thà, chịu khó ai cũng thương. Anh chị em đồng đội thấy Nguyễn Đình Hân sống như vậy không ổn, họ khuyên ông vào trại an dưỡng Thương Bệnh binh tỉnh, vào đó có chính sách, được Nhà nước nuôi dưỡng, ốm đau có Y Bác sĩ chăm sóc. Nhưng Đình Hân không chịu. Ông nói với đồng đội:
         - Tớ ở đây để còn chờ hai thằng con trai, Hạnh, Phúc mang tiền về chuộc lại nhà đất. Tớ không thể rời xa mảnh đất của tổ tiên được.
         Vào giáp Tết năm hai ngàn lẻ hai, trời rét đậm. Cả gần tuần lễ bà con tư thương không thấy ông Hân ra chợ. Nhiều người thấy nhớ và luôn miệng nhắc đến ông. “Chẳng hiểu cái nhà ông Hân đi đâu mà mấy ngày nay không ra chợ. Có khi nào ông bị ốm đau không nhỉ?”. Mấy người sống ở gần nhà ông đã tìm về Đình làng nơi ông Hân dọn ra ở nhờ. Vừa bước chân đến căn buồng ở phía sau sân đình đã ngửi thấy mùi hôi thối ở trong cái buồng bốc ra. Mấy bà liền đẩy phiên cửa liếp nhìn vào trong, mọi người thấy ông đã chết từ khi nào không ai hay, ruồi nhặng, kiến đã bâu đầy. Cả năm sáu con chuột cống to như cổ tay chạy ra, chạy vào. Không ai bảo ai, chia nhau ra người đi báo cho lãnh đạo thôn, xã, người báo cho Hội Cựu chiến binh... Chỉ một giờ đồng hồ sau mọi ngành, mọi giới trong xã đến đông đủ. Hội Cựu chiến binh đứng ra lo hậu sự. Người trong họ lập tức điện cho Phúc trong Đắc Lắc về. Đám tang ông Nguyễn Đình Hân được tổ chức trọng thể. Anh chị em Cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn trong cả huyện thông tin cho nhau về khá đông.
         Mất đi người bố kính yêu, Phúc khóc rất nhiều, nghe tiếng khóc của Phúc mọi người thương Phúc vô cùng. Sau khi an táng ông Hân xong, mọi người ra về hết, một mình Phúc vẫn ngồi bên mộ bố khóc thảm thiết, mặc cho trời giá rét như cào cấu thịt da. Phúc ngồi cho tới trời tối, làng xóm đã lên đèn mới ra về. Về căn buồng nơi bố tá túc, Phúc lấy chiếc hòm thiếc bên trong đựng tư trang của bố đem về nhà ông chú họ mở ra xem. Vừa mở nắp hòm Phúc thấy ngay một lá thư của bố để lại cho hai con. Lá thư mới viết, nét mực tím còn tươi rói. Phúc mang lá thư tới gần bóng đèn ở bàn làm việc của chú đọc. Bức thư ngắn, chữ bố viết nguệch ngoạc, có nhiều chữ bị xóa, Phúc đoán khi bố viết trong nỗi xúc động nghẹn ngào. Trang thư còn in dấu của những giọt nước mắt của bố rỏ xuống làm hoen ố mặt giấy. Bức thư viết:
         Hai con, Hạnh, Phúc yêu quý của bố!
         Khi hai con đọc được dòng thư này thì bố đã đi xa rồi. Bố mẹ thương hai con nhiều lắm! Bố mẹ chỉ muốn cho hai con có được cuộc sống hạnh phúc. Nhưng lực bất tòng tâm, bố mẹ không lo cho hai con trọn vẹn được. Bố ân hận lắm. Bố mong hai con thứ lỗi cho bố.
       Bố chỉ có một điều mong các con cố thực hiện bằng được, đó là hai con gắng làm lụng kiếm tiền, bằng những đồng tiền do chính bàn tay lao động của các con làm ra, mang về chuộc lại ngôi nhà thờ và đất đai của tổ tiên để lại. Bố không muốn đất đai nhà cửa của tổ tiên dòng họ Nguyễn Đình rơi vào tay người ngoài. Làm như vậy là có tội lớn với tổ tiên đó.
       Bố năm nay đã bước sang tuổi thất tuần rồi. Bố ra đi âu cũng thuận lẽ đời. Bố chẳng ân hận gì. Chỉ thương hai con thôi. Cầu mong cho hai con sống hạnh phúc.
Bố của hai con
        Hân
         Đọc xong lá thư Phúc gục đầu xuống bàn khóc thầm. Chú thím gọi xuống nhà dưới ăn cơm Phúc cũng chẳng muốn ăn uống.
          Một tuần sau Hạnh từ bên Malaysia mới bay về.
         Qua một thời gian miệt mài làm thuê ở xứ người, Hạnh cũng dành dụm được một số tiền, cộng với số tiền của Phúc làm thuê ở Đắc Lắc, hai anh em gom lại cũng được ngót một tỷ mang ra Ngân hàng chuộc lại nhà. Rất may Ngân hàng mới niêm phong nhà lập biên bản phát mãi nhưng chưa có người mua. Hạnh và Phúc chỉ phải thanh toán cả lãi lẫn gốc hết bảy trăm triệu.
         Lấy lại được nhà, hai anh em làm giỗ bốn chín ngày cho bố, mời họ hàng, xóm làng và đồng đội của bố về dự đông đủ.
         Làm giỗ xong, hai anh, Hạnh và Phúc gửi nhà cho ông chú họ trông coi rồi hai anh em lại lên đường đi làm.

 
Tháng 7-2018
Nguyễn Xuân Tuynh
Ủy viên BCH Hội Trường Sơn TP Nha Trang – Khánh Hòa

tin tức liên quan