Câu chuyện kể sau lần viếng bạn

Ngày đăng: 08:47 30/04/2015 Lượt xem: 682

 

CÂU CHUYỆN KỂ SAU LẦN VIẾNG BẠN

 

 Phạm Sinh 

 

 

          Tôi gặp và quen chị Nguyễn Thị Thắng ủy viên ban liên lạc Hội truyền thống Trường Sơn huyện Nam Trực tỉnh Nam Định trong lần về dự Đại hội thành lập Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh huyện Nghĩa Hưng Nam Định hồi tháng 11 năm 2014 .

 

          Cách đây khoảng 4 đến 5 ngày tôi nhận được cuộc điện thoại của chị - Chị nói: Ban liên lạc Hội truyền thống Trường Sơn huyện Nam Trực muốn xin địa chỉ để gửi giấy mời tôi về dự Đại hội thành lập Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh của huyện sẽ được tổ chức trong ít ngày tới... Theo đó chị còn khoe với tôi rằng chị vừa làm xong một việc mà chị chưa làm được trong suốt hơn bốn chục năm qua - Đó là việc được trực tiếp đến thăm viếng nơi yên nghỉ của những người bạn đồng hương, đồng ngũ đã hy sinh trên đất bạn Lào trong một trận bom rải thảm của máy bay B52 Mỹ năm 1973. Chị Thắng hẹn tôi cố gắng về dự Đại hội Trường Sơn huyện để cũng là dịp chị kể về thời binh nghiệp của chị cùng các bạn đồng đội chị -  Người còn, người mất… ; Kể về chuyến đi tìm nơi yên nghỉ của các bạn đồng hương, đồng ngũ năm xưa cùng với chuyến đi thăm lại chiến trường xưa mà chị vừa trở về ít ngày ...

 

          Điều kiện thời gian cho phép nên tôi không chờ đến ngày Đại hội thành lập Hội truyền thống Trường Sơn huyện Nam Trực mà hôm nay tôi quyết định ghé qua thăm gia đình chị Thắng - Tôi gọi điện trước báo cho chị và được chị cho địa chỉ và đón tiếp tại nhà riêng . Sau những lời thăm hỏi xã giao, theo sự (gợi ý) của tôi chị Thắng kể qua về kết quả hoạt động của Ban liên lạc Hội truyền thống Trường Sơn huyện Nam Trực mà chị là ủy viên Ban cùng với công tác chuẩn bị cho kỳ Đại hội thành lập huyện Hội mà các anh chị ở đây đang tập trung cao độ cho công tác này…

 

          Do quỹ thời gian không dài nên tôi đưa ra ý kiến xin chị đi vào nội dung chính đó là điều mà mới đây chị đã khoe với tôi rằng chị vừa làm xong một việc mà chị chưa làm được trong suốt hơn bốn chục năm qua … Và tôi đã được chị kể cho nghe với tình tiết như một bài tự thuật - Chị Thắng kể : Chị sinh năm 1953 từ vùng quê Kinh Bắc . Những năm cuối thập kỷ 60 và đầu thập kỷ 70 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta diễn ra gay gắt và vô cùng ác liệt, khi ấy với khẩu hiệu “ Tất cả cho tiền tuyến; tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược ” Cả dân tộc ra trận… Gia nhập lực lượng quân đội ở thời điểm này chẳng chỉ có lớp lớp nam thanh niên mà còn không ít thanh nữ cũng hăng hái xung phong lên đường đi đánh giặc, khi ấy chị Thắng cùng hàng trăm chị em nơi miềm Quan họ tuổi đời còn rất trẻ mới ở độ mười tám đôi mươi - Cái thời mà ai cũng hồn nhiên, trong sáng và cả vô tư … thế nhưng họ đã chung một ước nguyện - Ước nguyện duy nhất là được vào chiến trường như những bạn nam thanh niên.  Rồi ngày 20 tháng 5 năm 1971 ước nguyện của các chị cũng được thỏa mãn - Các bạn cùng nhập ngũ với chị Thắng lúc đó có bạn quê ở Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Bắc, Thanh Hóa. Các chị được huấn luyện tân binh 5 tháng ở Mạo Khê, Đông Triều Quảng Ninh và thuộc Trung đoàn 8 - Quân khu Ba .

 

          Chị Thắng kể tiếp : Tháng 10 năm 1971 chúng tôi nhận lệnh vào chiến trường, hành quân ngày đi đêm nghỉ mang theo vũ khí, ruột tượng gạo cùng balô nặng tới 40kg, vất vả lắm nhưng chúng tôi vẫn vui cười ca hát, hát để thêm sức khỏe và hát để động viên tinh thần tăng bước hành quân. Trong các bạn tôi có bạn Nguyễn Thị Ba quê Đoan Bái - Hiệp Hòa; bạn Trịnh Hiếu Vân quê Ninh Xá - Thuận Thành, hai bạn có giọng hát Quan họ rất hay, làn điệu Quan họ dịu êm là vậy nhưng sao chốn chiến trường nó lại thôi thúc chúng tôi chẳng khác nào bài hát “ Chiếc gậy Trường Sơn ” của miền quê lụa Hà Tây thời ấy …

 

          Ngày 01 tháng 11 năm 1971, chúng tôi đến địa điểm bàn giao quân về trung đoàn 592 - Đơn vị đường ống xăng dầu thuộc đoàn 559, cơ quan trung đoàn đóng tại Tà Lao thuộc tỉnh  Xavanakhẹt nước bạn Lào, cách đường 9 khoảng 3 tiếng đồng hồ đi bộ. Tổng số chiến sĩ nữ của Trung đoàn là 275 người được biên chế về Trung đoàn bộ và 3 tiểu đoàn là: D668 - D968 - D969. Cấp trên phân công khoảng 50% quân số trên đi học y tá và thông tin cấp tốc trong 3 tháng và trở về nhận nhiệm vụ công tác luôn. Số chị em còn lại cũng làm việc như chiến sĩ nam - Đi thi công tuyến ống, bảo vệ tuyến ống và cứu tuyến khi bị địch đánh phá … Tất cả số chị em trong trung đoàn dù ở cương vị nào cũng luôn hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, được thủ trưởng đơn vị và cấp trên ghi nhận và đánh giá cao.

 

          Ở Trường Sơn - Cái nắng, cái gió, cái mưa đã trở lên quen dần và thích nghi với cuộc sống của chúng tôi rồi … Bão đạn và mưa bom cũng vậy, cứ sớm chiều ùng oàng nhưng chẳng hề làm cho những “ Cánh hoa rừng Trường Sơn ” nhụt trí - Chúng tôi vẫn bám trận địa, bám tuyến, ứng trực sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong mọi hoàn cảnh. Vẫn râm ran tiếng cười sau mỗi buổi làm việc hoặc sinh hoạt đơn vị; sau mỗi lần đọc thư chung và luôn vững tin ở ngày mai thống nhất …   

 

          Chiến tranh tàn khốc quá - Một nỗi đau, một mất mát lớn nhất mà chúng tôi không thể nào quên, nó đã và sẽ còn mãi ám ảnh trong cuộc đời chúng tôi đó là sáng ngày 28 tháng 01 năm 1973 chỉ sau khi  Hiệp định PaRi được kí kết đúng 01 ngày thì máy bay B52 của Mỹ điên cuồng ném bom rải thảm xuống khu vực Trung đoàn bộ 592 của chúng tôi hai lần trong ngày làm 17 đồng chí hy sinh, trong số đó phần đông là các chiến sĩ nữ. Chị Thu, chị Liễu hy sinh khi đang xay bột làm bánh tết  (Tết Quý Sửu năm 1973) cho đồng đội, bạn Ba làm quân lực của Trung đoàn, bạn Khuyên làm Y tá, bạn Vân làm anh nuôi. Trong mịt mù khói bom, cả đơn vị đào bới mãi không thấy Vân đâu, không có một nén hương thắp lên để kêu khấn tìm Vân… mọi người chỉ biết gọi “Vân đâu ra đi để chúng mình đưa Vân cùng với đồng đội đã hy sinh đến nơi an nghỉ cuối cùng… Vân ơi!”. Khi thu dọn đống đổ nát chúng tôi mới thấy Vân nằm lọt gọn trong nồi quân dụng (nồi quân dụng chụp lên người Vân). Các bạn. Linh, Liễu, Xuân gục bên tổng đài tay vẫn nắm chặt tổ hợp, chị Vi y tá người Thái Bình bị bom xé nát người, một chân chị bị treo lên ngọn cây. Chị Liễu, chị Thu  các chị cũng đã vĩnh viễn ra đi cùng với bao đồng đội. Cả Trung đoàn đau đớn vĩnh biệt những người đồng đội thân yêu của chúng tôi - Bom Mỹ đã cướp đi của chúng tôi những người bạn thân thiết, cướp đi giọng ca miền Quan họ ( Vân, Ba ) - Cái giọng ca mà hàng ngày vẫn cất lên trên đại ngàn Trường Sơn này…  Đau thương biến thành hành động, chúng tôi càng ra sức phấn đấu để cá nhân và đơn vị ngày thêm đạt được tiêu trí hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, góp phần rút ngắn con đường phía trước …

 

          Chiến tranh rồi cũng qua đi - Tôi là người may mắn hơn những người bạn, người đồng đội kể trên - Được nhìn thấy ngày “ Đất nước trọn niềm vui ”; Được trở về với quê hương và xây dựng gia đình … Thế mà đã hơn 40 năm rồi - Hơn 40 năm trong cuộc chia ly vĩnh biệt những người đồng đội thân yêu của mình, dẫu có những lần ghé thăm và thắp nén tâm nhang cho các bạn nơi bàn thờ tại gia đình của các bạn và mỗi lần như thế tôi lại càng thêm nhớ các bạn tôi hơn, các bạn hy sinh dũng cảm, thánh thiện và trong trắng quá..., lẽ ấy làm cho tôi luôn đau đáu tâm nguyện cố gắng lấy một lần vào nghĩa trang Trường Sơn để thăm viếng các bạn …

 

          Và tôi đã thực hiện được tâm nguyện của mình - Tháng 4 lịch sử năm nay (2015) đoàn Cựu Chiến binh Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Nam Trực tổ chức đi thăm lại chiến trường xưa vào viếng nghĩa trang Trường Sơn, tôi được tham gia cùng đoàn - Trước khi đến nghĩa trang Trường Sơn tự tay tôi đã đi mua hương, hoa, nến, cặp tóc, gương, lược, bồ kết để dâng cho các chị… Sau khi đoàn viếng 10 cô gái Đồng Lộc sang nghĩa trang Trường Sơn dâng hương ở Đài Tưởng niệm, các anh, các chị ở trong đoàn sang hết khu mộ các liệt sỹ Hà Nam Ninh, tôi đang bần thần vì không còn hương, hoa để sang khu mộ các liệt sỹ Hà Bắc thắp hương cho các chị thì như có một lực rất mạnh đẩy tôi ngã sấp mặt xuống bãi đá lởm chởm, tôi linh cảm các chị đang đùa với tôi, các anh trong đoàn đỡ tôi dậy mà người tôi không hề bị bầm dập một chút nào.  Tôi nhờ anh quản trang bán cho tôi mấy nắm hương to và đốt hương hộ tôi, tôi gọi anh Tùng và cháu Yến sang khu mộ các liệt sỹ Hà Bắc với tôi, tôi thắp hương cho các anh liệt sĩ Hà Bắc khoảng năm chục ngôi mộ, vừa thắp, vừa khấn các anh và gọi tên các bạn Vân, Khuyên, Ba ơi! Các bạn nằm ở nơi nào trong nghĩa trang này? hãy dẫn mình đến thắp hương cho các bạn đi… Khi trên tay tôi chỉ còn có 4 nén hương thì tôi nhìn thấy bia mộ của các bạn cách đó 4 hàng mộ. Tôi lao đến và gọi tên các bạn trong tiếng nức nở nghẹn ngào, quỳ xuống ôm bia mộ vào lòng mà gọi tên bạn thiết tha trong nỗi niềm xúc động vô hạn: Khuyên, Ba, Vân ơi! Nếu chiến tranh không cướp mất các bạn khi vừa tròn hai mươi tuổi đời thì bây giờ các bạn cũng như chúng tôi trở về đời thường, được làm vợ, làm mẹ, làm bà… Và hàng năm chúng mình vẫn tề tựu gặp mặt đồng đội và trong những ngày tháng tư lịch sử này chúng mình cùng nhau đi dự ngày hội non sông - Ngày đất nước thống nhất …

 

          Ngồi đối diện để tiếp chuyện chị Thắng hôm nay tôi không dám nhìn thẳng vào mắt chị mà thoáng nhìn và nghe lời nói nức nở nghẹn ngào của chị tôi cũng nhận ra khóe mắt ngấn lệ trên khuân mặt chị … Khóe mắt ngấn lệ ấy nó không biểu hiện điều bi quan yếu ớt mà trái lại nó biểu hiện một phong cách mạnh mẽ, mang tư duy lạc quan đầy tự hào và mãi ấm tình đồng chí đồng đội mà chỉ có những người trong cuộc - Những người lính Cụ Hồ mới có .

 

          Cuộc trò chuyện giữa tôi và chị Thắng rồi cũng đến giờ kết thúc - Trước lúc chia tay chị tôi bày tỏ lời động viên tinh thần chị và hẹn ngày Đại hội Hội Trường Sơn huyện Trực Ninh sẽ lại về gặp chị … Chị Thắng đã đọc cho tôi nghe bài thơ mang tên "VÀO TRƯỜNG SƠN VIẾNG BẠN" chị vừa viết trong chuyến đi thăm chiến trường xưa (ngày 15 tháng 4 năm 2015) - Bài thơ dung dị, ý nghĩa và đầy cảm động … Chị Thắng còn cho tôi xem ảnh chị chụp bên phần mộ những người đồng đội của chị trong chuyến đi này .

 

          Câu chuyện thật bình dị - Nó cũng dung dị, ý nghĩa và đầy cảm động như bài thơ " VÀO TRƯỜNG SƠN VIẾNG BẠN " của chị Nguyễn Thị Thắng nhưng ý nghĩa lịch sử và tính nhân văn của nó thì chẳng hề có biên giới … Trong những ngày tháng tư lịch sử này cả dân tộc ta đang hân hoan kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Miền Nam - Thống nhất Tổ quốc. Đất nước trọn niềm vui hôm nay cũng là sự đánh đổi từ sự cống hiến hy sinh của các chiến sỹ và các anh hùng liệt sỹ trong đó có các chị - Chúng tôi những người đang được đi dưới cờ hoa mừng đại lễ hôm nay vẫn nghe thấy những giai điệu “ Tiến về Sài Gòn ” của những đoàn quân chiến thắng năm nào; vẫn nghe thấy tiếng hát của các chị từ Trường Sơn năm xưa vọng về và trong những bài hát ấy còn có cả những làn điệu dân ca của miền quê Quan họ các chị đấy chị Khuyên; chị Ba và chị Vân ơi!

 

Phạm Sinh 

 

* Xin trân trọng giới thiệu đến các đồng chí và bạn đọc bài thơ "VÀO TRƯỜNG SƠN VIẾNG BẠN" của chị Nguyễn Thị Thắng - Bài thơ chị vừa viết trong chuyến đi thăm chiến trường xưa (ngày 15 tháng 4 năm 2015)

 

 

( Chị Nguyễn Thị Thắng bên phần mộ của đồng đội ) 

   

 

VÀO TRƯỜNG SƠN VIẾNG BẠN !

 

 

Nhớ bạn năm xưa tuổi trăng tròn

Chúng mình bạn gái lính Trường Sơn.

Xa quê Quan Họ đi chiến đấu,

Lập chiến công, cùng với nước non.

 

Một sớm mưa bom, đất nổ ầm.

Vân - Khuyên - Ba hỡi các bạn thân,

Tuổi trẻ ra đi xin gửi lại

Đất nước, mai ngày mãi nhớ ơn.

 

Từ Bắc vào Nam đi Viếng bạn

Ôm nấm mồ thương, nước mắt tràn

Các bạn bên nhau cùng đồng đội

Chiến sỹ anh hùng, mãi vẻ vang ./.

 

Nghĩa Trang Trường Sơn ngày 15 tháng 4 năm 2015

 

 

Nguyễn Thị Thắng -  Sinh năm 1953

Quê: Phường Vân Dương – TP Bắc Ninh – Tỉnh Bắc Ninh

Nhập ngũ: Tháng 05/1971; Xuất ngũ: 05/1975

Đơn vị; D668 E592 – Đoàn 559

ĐT. 01687918649

 

 

tin tức liên quan