Nhớ thời : Câu hò trên đỉnh Trường Sơn

Ngày đăng: 01:07 06/05/2015 Lượt xem: 666
Sắp đến ngày kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống TNXP (15/7/1950-15/7/2015), xin giới thiệu Hồi ký của Cựu TNXP  Trần Quang Nhật. đại đội 128.

NHỚ THỜI CÂU HÒ TRÊN ĐỈNH TRƯỜNG SƠN


“Lên dốc đánh một tiếng cốc, xuống dốc thổi một tiềng còi.  Khom lưng
đẩy gạo lấy nòi Nghệ An”


Tháng 8 năm 1965, tạm biệt đơn 302, chúng tôi đi B nhận nhiệm vụ đặc biệt. Hai mươi bốn (24) anh em toàn nam giới được chia làm 2 tiểu đội, tiểu đội 1 anh Ngô  Trí Nhiệm làm A trưởng, anh Nguyễn Xuân Đường, làm A phó, Hồ Nghĩa Lân (đều là quê Quỳnh Bảng). Tiểu đội 2, tôi, Trần Quang Nhật (quê Quỳnh Long) làm A phó, anh Hồ Bá Thâm (Quỳnh Bảng) làm A trưởng. Đơn vị (đại đội 168) do đồng chí Nguyễn Sỹ Hùng - sỹ quan chuyển ngành làm Đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Xuân Dương, nguyên Thường vụ Đảng
uỷ xã Nghi Hương) làm Chính trị viên. Tôi và Hồ Bá Thâm cùng tuổi Đinh Hợi, biết nhau từ năm 1963, trong đợt
thi học sinh giỏi của huyện Quỳnh Lưu tổ chức ở Quỳnh Hậu. Hồ Bá Thâm là đảng viên từ khi còn ở nhà, còn tôi mới chỉ là “đối tượng”, hai người cùng thú văn chương nên dễ thân nhau.  Sau bao năm xá cách chúng tôi đã liên lạc được, vẫn quý nhau như ngày nào. Tết Canh Dần vừa rồi anh có gửi chị nhà về tặng tôi 2 quyển thơ
của anh mới xuất bản ở TPHCM: 1 quyển "Dưới ánh mặt trời" và 1 quyển "Thơ tình triết học" (sau anh gửi tiếp quyển thơ / văn “Có một Trường Sơn như thế” viết về cái thời khói lửa mà nghĩa tình của chúng tôi). Anh là một trong số cựu TNXP thành đạt. Anh là Tiến sỹ triết học, nguyên Chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng - Giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản chính trị khu vục Đồng bằng Sông Cửu Long, Phó giám đốc Sở KHCN-MT tỉnh Kiên Giang, Giảng viên Triết học của Trường Tuyên giáo TW I, Hà Nội…  Trưởng ban Triết học và khoa học chính trị, Trưởng ban Tâm lý giáo dục, Viện Nghiên cứu xã hội, nay là Viện nghiên cứu phát triển TPHCM.  Anh vừa làm thơ vừa làm khoa học. Điều đáng quý ở anh vẫn luôn luôn là đồng đội của nhau, trong các tác phẩm văn, thơ ngồn ngộn những kỷ niệm về những năm tháng ở Trường Sơn. Điều thú vị tôi mới được biết anh là đồng tác giả "Câu hò trên đỉnh Trường Sơn" ngày ấy. Mở đầu chiến dịch chi viện cho chiến trường miền Nam, mỗi cân gạo, mỗi
viên đạn gửi ra chiến trường là quý lắm, Trung ương quyết định lấy lực lượng nam TNXP Nghệ An làm quân tiên phong. Đơn vị 168 chúng tôi là một trong 3 đơn vị của Tổng đội Nghệ An, thuộc Binh trạm 8, Đoàn 559
(thời điểm 1965). Đơn vị làm nhiệm vụ vận tải hàng từ trạm II đến trạm VI, tiến sâu vào đường 9 Nam Lào. Chúng tôi đi bằng 3 phương tiện, gùi bộ, xe đạp thồ, vận chuyển bằng thuyền trên sông Sê Păng Hiêng...Vừa mới đặt ba lô xuống nơi tập kết, chúng tôi bắt tay vào công việc ngay (vừa xây dựng lán trại vừa gùi hàng đi vào binh trạm phía trong). Đội viên đa phần là học sinh mới rời ghế nhà trường, không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh núi rừng trùng điệp. Cái khó mà bắt đầu mùa mưa, sên vắt đầy rừng, có khi chui vào tận quần áo lót. Đường dốc, suối sâu đèo cao, đá tai mèo lởm chởm. Máy bay địch thường xuyên bắn phá thăm dò lực lượng. Khẩu hiệu của Trung ương đề ra, là giữ bí mật là thắng lợi, thêm một cân hàng lên phí trước là diệt thêm một giậc Mỹ. Tác phẩm "Sống như Anh" là bạn đường cùng chúng tôi đi khắp cuộc hành trình. Với tinh thần vì đồng bào miền Nam ruộc thịt, khắc phắc mọi khó khăn, đơn vị xây dựng quyết tâm cao, phát huy mọi sáng kiến. Bằng hình thức vận chuyển tiếp sức cho nhau, tăng từ 30 đến 45, 50kg hàng, nhiều cán bộ gùi đến 75-80kg. Kho trung chuyển rút ngắn thời gian phấn đấu 2 ngày 3 chuyến. Noi gương chiến sỹ Điện Biên, anh em xe thồ nâng kỷ lục từ 150 đến 200kg lên 300kg. Trên đường đi hàng còn có các cô gái Hà  Tĩnh gửi hàng lên xe, người lái người đẩy. Đơn vị chúng tôi không có nữ, nay được gần chị em vui nào bằng. Đèo dốc cứ thế mà lùi lại phía
sau, nhường cho những ánh mắt, nụ cười, tiến lên phía trước. Câu hò bỗng trên đỉnh Trường Sơn ra đời: “Lên dốc đánh một tiếng cốc,  xuống dốc thổi một tiềng còi. Khom lưng đẩy gạo lấy nòi Nghệ An”- Câu hò lan toả khắp tuyến, có anh hò trại đi – “anh hôn một cái lấy nòi Nghệ An”. Câu hò vọng vang núi rừng xua tan mệt nhọc, vượt đèo 1001 như đường lên trời, cao ngất. Sáng tháng 12/1965, Đội TNXP Nghệ An chuyển sang bộ đội công binh hầu hết anh em ở đại đội 164 và một số đội viên của đại đội 166 -168. Số còn lại được lệnh chuyển sang miền Tây Quảng Bình mở đường, con đường 20 – Quyết Thắng trong hệ thống con đường huyền thoại Hồ Chí Minh. Và những ngày bom đạn khốc liệt hơn lại bắt đầu…Ngày ấy tôi đang biệt phát ở đơn vị 225, chuyển hàng bằng thuyền trên sông Sê Păng Hiêng, xuôi dòng về Lào, được lệnh trở lại đơn vị, khẩn trường hành quân về Công trường 20, mở con đường 20 nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn. Lúc đầu, chúng tôi tiếp tục làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm vào tuyến trong. Và ở đây, “Câu hò trên đỉnh Trường Sơn” lại vang lên suốt dọc đường chúng tôi đã đóng quân và đi qua, chiến đấu mở, giữ đường. Tôi còn nhớ rất rõ các địa danh, đơn vị từng đóng quân và công tác: Cửa rừng Phong Nha, Phà Xuân Sơn, Cù Mẹ Cù Con, Khe Diêm, Khe Rét, Đỉnh U bò, Ngầm Kà Roòng, Cua chữ A…, đây là những điểm mà máy bay địch thường để ý tập trung đánh phá ác liệt ngày đêm không ngừng nghỉ. Đoạn đường ngầm Kà Roòng từ km 49 đến km 54 không những trải qua nhiều đèo dốc mà phải qua một đoạn ngầm khá dài, có thể nói là điểm ác liệt bậc nhất trong toàn tuyến (trong những năm 1966-1968). Mỗi ngày địch đánh phá 19-20 đợt với hàng ngàn tấn bom đạn đủ các loại hố bom chồng lên nhau, bom phá, bom khoan, bom cháy, bom bi, bom lá cây, bom từ trường, bom nổ chậm, cây nhiệt đới…, và pháo sáng thả trắng đêm. Nhưng chưa bao giờ chúng đánh trúng ngầm. Đánh không trúng, chúng càng điên cuồn dùng nhiều thủ đoạn nham hiểm. Chúng đã 2 lần thả chất độc hoa học, mong huỷ diệt sự sống ở đây. Địch càng nham hiểm thì nhiệm vụ đảm bảo giao thông để ém hàng lên phía trước càng khẩn trương, quyết liệt vô cùng. Đơn vị hạ quyết tâm dù có phải hy sinh cũng sẵn sàng bám mặt đường, kiên cường chiến đấu vì huyết mạch của đất nước, với lời thề “giữ đường như giữ máu trong tim”.
Tháng 4/1966 đơn vị 168- 166 cũ của chúng tôi (lúc này gồm cả một trung đội quê Quảng Bình, nhập vào, gọi là đại đội 3) được giao nhiệm vụ bảo đảm giao thông và mở đường, từ km 52 đến km 62, đặc biệt là TNXP quê Nghệ An toàn nam giới, nên không những đảm nhiệm phần đường của mình mà luôn ứng cứu đơn vị bạn. Đơn vị 168 kết nghĩa với đại đội 1 (đội 23 TNXP Hà Tĩnh). Thời kỳ này anh Hồ Bá Thâm đã chuyển lên làm Trợ lý của Đội 23 đóng ở km 39 (rồi sau này mới chuyển sang làm Đại đội phó, kiêm Trạm trưởng Barie, rồi làm Chính trị viên của đại đội 1 TNXP Hà Tĩnh) đóng ở khu vực Kà Ròong). Sáng ngày 24 tháng 4 năm ấy, chúng tôi được lệnh khẩn cấp ửng cứu, khẩn trưởng vận chuyển hàng trăm khối đất đá lấp những hố bom ở đầu ngầm, phải thông đường trước 12h đêm, để giải phóng đoàn xe bị tắc trước khi trời sáng. Cứ 30 phút địch oanh tạc 1 lần, máy bay ràn rạt trên đầu, ca-nông-vanh, đạn phóng lửa xoèn xoẹt, Ngầm Kà Roòng vùi trong bom đạn. Lợi dụng khoảng trống giữa 2 trận đánh chúng tôi xông lên, nhiều đồng chí bị thương, thương vọng, bên đơn vị Nghệ An đã hy sinh 3, bị thương 8, trong số hy sinh có đồng chí Thanh lái máy ủi. Mặc dù chưa được học lái, nhưng đồng chí Đinh Bạt Tuyên nhảy lên xe tiếp tục làm nhiệm vụ, cho máy ủi ủi thành 1 vệt đường để đàn xe theo
đó vượt qua trọng điểm. Lúc lái máy Tuyên bị thương ở vai, đầu gối rồi ngất xỉu, đưa về trạm xá, Tuyên mới biết mình bị khâu 3 mũi. Bên đại đội Hà Tĩnh có đồng chí Nguyễn Văn Cẩn bị thương nặng trước khi hy
sinh còn hỏi: "Anh em Nghệ An bên nớ ai việc chi không". Nơi đây khi cán bộ Binh Trạm, hay của Bộ Giao thông đi qua đề nhận xét rằng, “chỉ cần ngồi lát đá ở đây một lần cũng xứng đáng là anh hùng rồi”.
 Sự ác liệt của bom đạn và sự anh hùng của TNXP nơi đây không có từ nào mô tả nổi. Bao nhiêu cán bộ đội viên đã dũng cảm hy sinh. Các o Liên, Lý, Thuý… bị bom bi găm vào đầu, vào ngực tắt thở trên tay những chàng trai Nghệ An. Có những trận máy bay địch tập kích bất ngờ, anh chị em hy sinh không phân biệt được là ai, chỉ nhặt được một ít thịt, chôn thành mộ tập thể. Chiến công thầm lặng, đau thương ngút trời.
TNXP Nghệ An, Hà Tĩnh sát cánh bên nhau, không ngại hy sinh, gian khổ kiên trì bám trụ mở đường, lấp hố bom giải phóng xe, không hề tiếc tuổi xuân, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Tôi còn nhớ các anh Khoái, Tiến (quê huyện Nghi Lộc), anh Tú đã có giấy gọi đi học chuyên nghiệp nhưng vẫn tình nguyện ở lại cùng anh em đơn vị bám đường đến cùng và đã các anh dũng hy sinh trong đợt ứng cứu cho đại đội 5 ở Cua chữ A. Nữa thế kỷ trôi qua, thi thoảng anh em đồng đội gặp nhau, những kỷ niệm Trường Sơn ùa về như có thể nhìn thấy được. Chúng tôi chỉ mong trên tuyến đường 20 – Quyết Thắng lịch sử ấy, hãy dựng lên những đài tưởng niệm ở những trọng điểm ác liệt, bởi ở đó đang có nhiều đồng đội, đồng chí đã hy sinh và có người chưa có điều kiện trở về với quê nhà.
        Trong tâm tưởng, ký ức những người đang sống như chúng tôi thì “Câu hò trên đỉnh Trường Sơn”… luôn luôn âm vang trong lòng với tất cả sự vui tươi, niềm tự hào và đầy thương nhớ của một thời không thể nào quên !

                                                                           Trần Quang Nhật                                                  

                                                                       Cựu TNXP đại đội 168

tin tức liên quan