Giới thiệu tập thơ MÙA SAU của Đỗ Việt Dũng.

Ngày đăng: 09:25 26/06/2015 Lượt xem: 1.408

Giới thiệu tập thơ MÙA SAU của Đỗ Việt Dũng.

Tập thơ mang tâm hồn người lính.

 

             

                                                         Tác giả Đỗ Việt Dũng và bìa tập thơ Mùa sau

 

     Trưa ngày 25/6/2015, nhân buổi tiếp khách của CCB Trường Sơn Nguyễn Thanh Hà, nhà thơ Đỗ Việt Dũng tặng Hội Trường Sơn tập thơ MÙA SAU. Tập thơ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành tháng 1/2015. Tập thơ dày 260 trang, nhưng nội dung khá dày dặn gồm trên 100 bài thơ và hơn 20 bài bình của bạn bè, thi hữu.

      Về nhà, cả buổi tối đến đêm tôi đã đọc một mạch hết tập thơ. Tôi thích đọc thơ, nhưng không phải tập thơ nào cũng cuốn hút tôi như vậy. Ngày nay, xung quanh chúng ta có quá nhiều thơ, bề bộn là thơ. Có lúc tôi đã lầm tưởng: “Thơ cũng như mọi thứ vật chất khác, khi đã quá nhiều, quá dư thừa thì nó không còn quý nữa”. Đọc xong MÙA SAU, tôi đã thay đổi quan điểm: Tuy là nhiều, nhưng cái gì thật sự chất lượng, thật sự tinh túy vẫn xứng đáng chúng ta trân trọng và ngưỡng mộ.

Tác giả ( thứ 2 bên phải) tặng tập thơ "Mùa sau" cho Thiếu tướng Võ Sở- Chủ tịch Hội Trường Sơn.

 

     Thơ ông giàu chất lính, giàu hình tượng và có tính khái quát cao. Ông cảm phục, ca ngợi sự cống hiến và hi sinh cao cả của những người lính và thân nhân của họ. Quê hương, đất nước, gia đình  là máu thịt, là linh hồn trong thơ ông. Ông bộc bách: “ Thơ là nơi gửi gắm, nơi trú ngụ của lòng mình. Hoặc có lúc, thơ là nơi tôi tuyên chiến với các thói hư tật xấu của người đời, chứ thực tình tôi đâu có tham vọng để thành ông nọ, bà kia trong cái nghiệp văn chương khốn khó này”

      Nhà thơ Đỗ Việt Dũng sinh ra và lớn lên ở vũng chiêm trũng - thôn Đông Linh, xã Đại Thắng, Vụ Bản, Nam Định. Tháng 4/1970, ông nhập ngũ thành anh lính thông tin (C18, E48, F320). Sau khi bị thương trong chiến dịch Tây Nguyên, ông phục viên về quê làm Trưởng ban Văn hóa xã, Phó Bí thư xã đoàn, rồi đi học trường nghiệp vụ của Bộ Văn hóa ( nay là Đại học Văn hóa Hà Nội). Ra trường ông nhận công tác tại Sở Văn hóa thông tin Hà Bắc. Suốt cuộc đời lúc nào ông rất say mê làm thơ. Nay ông đã về nghỉ hưu tại phường Láng Thượng. Thật là oan trái, ông đã bị mắc bệnh hiểm nghèo, ông đang chạy đua với thời gian, cố trả thêm cho đời những vần thơ mà ông từng vương nợ.

 

                                                                                                               Hà Nội ngày 26/6/2015

                                                                                                                      Vũ Trình Tường

 

 

 

Chủ tịch Hội Trường Sơn trao giải khuyến khích cho bài thơ" Đổi chỗ" của Đỗ Việt Dũng.

 

 

Ban Biên tập xin giới thiệu 4 bài thơ của Đõ Việt Dũng trích trong tập MÙA SAU:

 

Đổi chỗ

Kính viếng hương hồn Liệt sĩ Nguyễn Duy Nghinh

( Bài thơ đã được giải khuyến khích trong đợt thi thơ “Ký ức Trường Sơn” năm 2014.

 

Bảo nhau đổi chỗ anh vào.

Cửa hầm hút điếu thuốc lào khoái hơn

Nào ngờ khói thuốc chưa tan

Mà căn hầm đã khói bom ngập tràn

Chỗ anh ngồi, máu đỏ loang

Mảnh bom thù đã chặt ngang cuộc đời

Vô tư đổi một chỗ ngồi

Mà thành đổi cả kiếp người tử sinh

Dẫu rằng là chuyện vô tình

Mà tôi vẫn thấy nợ anh kiếp này

Hoa thơm trái ngọt hôm nay

Nhờ cây bén rễ từ ngày hôm qua

 

Lễ dâng dù chỉ gọi là

Tri ân xin tạ người xa thuở nào

Chắc là đồng đội thương nhau

Nén hương thắp lửa bạc đầu rưng rưng.

                                                    ĐVD

                                                27/7/2009

 

 

Đỗ Việt Dũng đọc bài thơ: "Sống lại một thời"

 

Sống lại một thời

 

Bốn mươi năm sau chiến tranh.

Những người lính không còn trẻ nữa.

Quá khứ một thời máu lửa.

Ký ức Trường Sơn réo gọi các anh về.

 

Nhớ chiến trường như thương nhớ làng quê.

Vì ở đó còn bao nhiêu đồng đội.

Hiu hắt ngàn bia không tên, không tuổi.

Và bao linh hồn lưu lạc rừng xa…

 

Những ngày này nghĩa trang nhiều hoa.

Phần mộ nào cũng đầy hương khói.

Hàng liễu rủ, mái tóc thề mong đợi.

Dẫu muộn mằn vẫn cố xanh hơn.

 

Bao năm lần hồi manh áo, miếng cơm.

Nên bây giờ mới đi tìm đồng đội.

Biết có đốt cả một trời hương khói.

Vẫn day dứt không nguôi trước những nấm mồ.

 

Cắm thẻ hương giữa rừng núi vu vơ.

Bởi niềm tin đâu chả là đất Mẹ.

Dù lang thang chân trời góc bể.

Cảm lòng nhau chắc đồng đội vẫn về?

 

Còn đâu đó ngoài kia

Khẩu hiệu cờ hoa

Nhan nhản chương trình ca múa nhạc.

Rừng hát

Biển hát

Toàn ca sĩ lừng danh.

Có ngưới hát bài ca ngợi sự hy sinh của anh.

Cát xe còn cao hơn hồi vợ anh nhận tiền tử tuất.

Họ hát nghe cháy lòng.

Giọng điệu vô cùng chân thật.

Chắc nhờ thế mà thành danh ?

 

Bốn mươi năm sau chiến tranh.

Đường mòn ngày xưa đã mờ dấu tích.

Tuổi trẻ hôm nay đến Trường Sơn du lịch.

Chúng tôi đến Trường Sơn,

             để sống lại một thời.

                                                     ĐVD

 

Câu hát Trương Chi

 

Con sông Tiêu Tương

Giữa lòng quê hương

Xanh xanh màu cổ tích

Bóng đôi bờ thanh lịch

Thì thào câu hát Trương Chi

Sông ơi hãy kể ta nghe:

Đâu rồi lầu son, gác tía?

Đâu rồi Hăng Nga, Cung Quế ?

Câu hát chao nghiêng lá ngọc, cành vàng.

Trương Chi ơi!

Mỵ Nương ơi!

Giá như ngày ấy thành đôi

Chắc gì câu hát : “Người ơi” đã còn.

 

Con sông mỏi mòn

Lắng bồi trầm tích

Cho vùng Kinh Bắc

Ngọt ngào Quan Họ mênh mang.

Tiêu Tương ơi!

Giọt nào đa đoan ?

Giọt nào nhân gian ?

Giọt nào liền anh ?

Giọt nào liền chị ?

Giọt nào nhòa đi lầu son, gác tía ?

Để ướt đầm câu hát Trương Chi.

 

Lầu son, gác tía mất đi.

Chỉ riêng câu hát Trương Chi vẫn còn.

                                                  ĐVD

 

Phía ấy tôi đi

 

Tôi đi về phía ngày xưa

Gom từng vũng nắng, vạt mưa ngoài đồng.

Tôi đi về phía bão giông

Chung chiêng bảy sắc cầu vồng vắt ngang

Mãi chưa về đến đầu làng

Chỗ ngày xưa hóng nằng vàng heo may

Tre pheo gồng gánh tháng ngày

Đã cong cong dáng, đã gầy gầy thân

Đâu rồi bè bạn, cố nhân ?

Tuổi thơ vương vãi xa gần đâu đây.

Tôi đi dọc những luống cày

Hoàng hôn bạc phếch, đụn mây cuối trời.

Nồng nàn đất níu chân tôi.

Giữa mùi rơm rạ, lẫn mùi phân gio.

Đã bao giờ có xin, cho.

Bát mồ hôi đổi vài bò gạo quê.

Tôi đi từ tỉnh sang mê.

Vượt qua hạnh phúc, tìm về nỗi đau.

 

Xin người đừng nhận ra nhau

Kẻo tôi xấu hổ, đẩu đâu mới về.

                                             ĐVD

 

Tình yêu đôi bờ

         Kỷ niệm Kinh Bắc

 

…Nếu như đôi bờ gặp nhau

Hỏi làm gì còn sông nữa

Chúng mình mà sống gần nhau

Chắc gì đã nhiều mong nhớ

 

Xin đừng thành chồng , thành vợ

Cứ giữ là người yêu thôi

Như đôi bờ con sông ấy

Đắm đuối theo nhau suốt đời.

                              ĐVD

 

 

 

tin tức liên quan