" Hai bác cháu cô gái bán hàng nước và cuốn Bản tin Trường Sơn " - Truyện ngắn của Phạm Sinh

Ngày đăng: 04:43 29/10/2015 Lượt xem: 468
Bản tin Trường Sơn ra đời - Không chỉ đơn thuần là chuyển tải thông tin hoạt động nội bộ của Hội, mà nó còn có tác dụng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các thế hệ ... Nó không dừng lại tác dụng tích cực cho xã hội như chức năng của Hội TT Trường Sơn ...

 

HAI BÁC CHÁU CÔ GÁI BÁN HÀNG NƯỚC

VÀ CUỐN BẢN TIN TRƯỜNG SƠN

 

Truyện ngắn của Phạm Sinh

 

 

          Tôi về Hải Phòng với chút công việc, sáng nay anh bạn tôi rủ ra thăm Chợ Sắt - Một chợ lớn nhất thành phố Hải Phòng . Dạo mấy vòng cùng anh bạn, tôi chẳng mua gì, mỏi chân quá tôi bảo bạn tôi “ ông cứ dạo đi, tôi ra cửa ngồi uống trà …” . Trước cửa chính của chợ có một quán nước bình dân, tôi ghé vào và được cô chủ quán kéo ghế mời ngồi… Chỉ với một cốc trà nóng trong khoảng thời gian chừng 15 phút tôi tiếp nhận được không ít thông tin cả thuận và trái chiều trong khoảng không gian ồn ã này.

            Một chú xe ôm kêu:

- Nửa buổi sáng rồi mà chưa được (cuốc) nào…

Một chú khác trong nhóm thì ra lời khen:

- Mấy ông lãnh đạo thành phố có tầm nhìn tuyệt thật, việc thành phố di rời bến xe Tam Bạc để làm công viên cây xanh vừa đẹp thành phố, vừa giảm mật độ xe cộ cho khu trung tâm là đáng ghi nhận …

            Còn anh đánh dầy thì ca cẩm rằng:

- Cả đêm không ngủ được bởi phải nghe tiếng trống kèn của một đám tang bố đẻ của một ông cán bộ phường … Mà sao ông ấy là cán bộ mà lại không chấp hành quy chế khu dân cư nhỉ, ma chay gì mà trống kèn ồn ã suốt đêm? nghe đâu ngày mai đám này có tới trên 20 xe ô tô tiễn đưa người quá cố về an táng dưới quê Vĩnh Bảo …

          Ù cả tai nhưng tôi vẫn phải ngồi chờ anh bạn, đang ngồi thì có một ông già chừng bảy mươi, bảy lăm tuổi đi đến. Qua câu chuyện giữa ông già và cô gái bán hàng tôi biết ông là bác ruột của cô gái. Rót cốc trà mời bác - Cô gái hỏi :

- Cháu nghe nói bác vừa đi thăm chiến trường xưa về, thế chuyến đi của các bác bao nhiêu ngày và đến những đâu? có vui không bác?

          Ông già trả lời:

- Bác đi tất cả 4 ngày 3 đêm - Hết toi một nửa tháng lương hưu đấy cháu, nhưng đổi lại thật là một chuyến đi đầy ý nghĩa với bác cháu ạ, nhiều người có tiền đống cũng không có được những chuyến đi như thế đâu cháu .

- Đoàn của bác đi toàn là lính bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm xưa nên mục đích chính là vào thăm lại Thành cổ và kết hợp thăm viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn; thăm viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Đường chín và đến cả Khe Sanh Ái Tử…, tất cả những nơi đoàn bác đến đều là những điểm nóng nhất của cuộc chiến tranh giải phóng Miền Nam năm xưa đấy cháu … Và trên đường ra các bác còn ghé thăm viếng khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình nữa đấy .

          Nghe ông bác kể đến đây, cô cháu gái như muốn được nghe giải thích kỹ mọi điều – Cô hỏi:

- Bác ơi ! Về Thành cổ Quảng Trị thì cháu được đọc trong cuốn sách của bác hôm trước rồi, nhưng hôm nay bác nói đến Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn thì cháu chưa được biết, bác có thể kể cho cháu nghe được không …  

          Cuộc trò chuyện của hai bác cháu cô bán hàng dài dài, vui vui, nó như có lực hút làm tôi “ không thể ngồi yên ”. Như đã trúng mánh - Tôi bắt đầu “vào cuộc” .

Tôi hỏi ông già:

- Bác tên gì và năm nay bác bao nhiêu tuổi ạ?

         Ông già trả lời:

- Tôi tên Lương, năm nay mới sáu mươi tám tuổi, nhìn tôi già quá phải không anh ? Mà còn sống được để trở về với quê hương gia đình là tốt lắm rồi, tưởng bỏ xác trên sông Thạch Hãn năm 1972 rồi chứ, tôi nghỉ hưu Quân đội lâu rồi, vừa Thương binh và cả nạn nhân chất độc da cam nữa, chẳng sung sướng gì khi được hưởng mấy chế độ ấy đâu anh …

          Tôi nói với bác Lương :

- Tôi vào Quân đội trước ngày giải phóng vài năm thôi và là lính Trường Sơn, mới  hồi tháng 7 vừa qua tôi cũng có chuyến thăm chiến trường xưa với các điểm di tích của đường Trường Sơn và có ghé thăm Thành cổ Quảng Trị nữa, thật may mắn tình cờ đoàn chúng tôi đến Thành cổ đúng vào ngày Tỉnh Quảng Trị kết hợp với Hội Phật giáo tỉnh và Hội các chiến sỹ bảo vệ Thành cổ tổ chức lễ cầu siêu cho các anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh để bảo vệ Thành cổ … Thật là xúc động quá bác ơi!

          Tôi vừa dứt lời thì bác Lương nói :

- À tôi nhớ ra rồi - Năm 1972 đơn vị tôi bám sát Thành cổ Quảng Trị lúc ấy chúng tôi thiếu thốn đủ thứ, việc chi viện thì khó khăn vô cùng, khi ấy tuyến chi viện lương thực phẩm và vũ khí đạn dược phần lớn chúng tôi tiếp nhận vào ban đêm mà ngay trên sông Thạch Hãn mới kỳ lạ chứ, do bí mật quân sự nên chúng tôi chỉ biết nhận mà chẳng biết những thứ ấy ai mang từ đâu đến, mãi sau chúng tôi mới biết là một đơn vị vận tải thủy của Bộ đội Trường Sơn kết hợp với lực lượng du kích địa phương vận chuyển theo đường sông từ Cửa Việt qua Gio Mai Gio Linh đến … Ôi thật huyền thoại và tuyệt vời .

          Nói đoạn bác Lương quay sang phía cô cháu gái rồi nói:

- Đây, nếu cháu muốn tìm hiểu về Trường Sơn thì phải hỏi chú này …

           Như có một phản xạ nhanh, tôi chợt nhớ trong cặp của mình còn cuốn Bản tin Trường Sơn số 01 - Tôi lấy ra và đưa cho cô gái bán hàng và nói:

- Cháu có thể đọc cuốn sách này rồi cháu sẽ hiểu về Trường Sơn mà ngay bây giờ không cần chú kể .

          Nhận cuốn sách tôi đưa, cô gái bán hàng cắm cúi đọc đến mức sao nhãng cả việc bán hàng …

          Còn tôi và bác Lương - Hai người lại tiếp tục chủ đề “Trường Sơn” và “Thành cổ Quảng Trị” và chưa biết được điểm dừng sẽ vào giờ nào … Mấy chú xe ôm thấy chuyện trận mạc của tôi và bác Lương cũng mải nghe mà quên cả việc “chuyên môn” của mình.

 

Cô gái bán nước Chợ Sắt  Hải Phòng với cuốn Bản tin Trường Sơn

 

         Mặt trời đã đứng bóng, cây phượng già phía bên quán không còn che mát được chỗ tôi và bác Lương ngồi, đây cũng là lúc anh bạn tôi hoàn tất việc mua sắm trong chợ, anh ra cùng ngồi uống nước với chúng tôi - Tôi có ý xin phép tạm biệt bác Lương, xin địa chỉ và số điện thoại của bác rồi hẹn dịp ghé qua thăm bác và gia đình .

          Lúc này cô bán hàng đưa lại cuốn Bản tin Trường Sơn trả tôi, nhưng tôi bảo chú để lại tặng cho bác Lương đấy .

          Cô gái bán hàng vẻ mặt phấn khởi nói:

- Ồ hay quá thế thì cháu có cơ hội đọc hết cuốn sách này rồi, cháu cảm ơn chú nhiều.

          Và rồi tôi chẳng có ý hỏi cô gái về cảm nhận khi vừa xem qua một số bài trong cuốn bản tin thì cô gái đã nhanh miệng nói :

- Cháu đã đọc bài “Chuyện lạ Trường Sơn” của tác giả Hồng Châu - Thật ấn tượng và kỳ lạ về chuyện “Cây Bồ đề”; chuyện “Liệt sỹ Trường Sơn bảo vệ biên cương phía Bắc” và chuyện “Mưa thì tạnh, nắng thì râm” . Rồi bài “ Chuyện tình Lân Tôn” của tác giả Nguyễn Hoàng; Bài nói về Doanh nhân Trường Sơn Trần Thị Chung giàu lòng nhân ái… Mới đọc bấy nhiêu thôi mà cháu đã phần nào hiểu về Trường Sơn, hiểu, khâm phục và cả tự hào về lớp lớp những chàng trai cô gái trên con đường Trường Sơn huyền thoại …

- Chú ơi! Cháu cảm động và thương cảm quá với cô Đặng Thị Xơ và chú Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh thông qua bài thơ “Sáu ngày làm vợ” Ôi sự hy sinh đến tột cùng cho dân cho nước của thế hệ đi trước sao mà thiêng liêng đến thế ?

- Chú ơi! Trên thị trường sách bây giờ rất hiếm những loại sách tương tự này - Cháu muốn thường xuyên được đọc những cuốn bản tin Trường Sơn này thì làm cách nào hả chú ?

          Tôi bảo cháu:

- Cứ mỗi số phát hành Bản tin Trường Sơn chú sẽ gửi về biếu bác Lương 1 cuốn, cháu sẽ được đọc thông qua bác Lương .

          Chia tay bác Lương; chia tay cô gái bán hàng nước ở cửa Chợ Sắt Hải Phòng , tôi mừng lắm - Mừng vì có thêm một người bạn Cựu chiến binh tâm huyết với truyền thống hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam; Mừng vì mình đã tuyên truyền để ít nhất có thêm một người thuộc thế hệ con cháu hiểu về Trường Sơn, có cảm tình với Trường Sơn thông qua cuốn Bản tin Trường Sơn vừa mới ra đời ./.

 

 

tin tức liên quan