Mối tình bên dòng phù sa - Truyện ngắn của Phạm Tiến Đặng

Ngày đăng: 10:20 10/11/2015 Lượt xem: 580
Một câu truyện về mối tình kỳ lạ của một người lính Trường Sơn còn hơn cả "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài" xưa...

 

                  MỐI TÌNH BÊN DÒNG PHÙ SA

                                                   Truyện ngắn của Phạm Tiến Đặng.

                                                                             (Hội viên Trường Sơn F471)

 

       Ngày ấy...trong vô vàn khốc liệt, thiếu thốn ở đại ngàn Trường Sơn, cánh lính trẻ chúng tôi vẫn vô tư đùa vui trong những lúc rảnh rang được nghỉ. Cái tuổi đôi mươi, mười tám vô lo, vô nghĩ. Thôi thì đủ chuyện trên trời, dưới biển. Chuyện thật cũng có, chuyện bịa cũng nhiều...thằng bị chọc quê tức đến phùng mang, trợn mắt. Vậy mà chỉ mươi phút sau chúng tôi lại vui vẻ quây quần bên bình trà được gò từ ống pháo sáng chia nhau từng ngụm nước, điếu thuốc Trường Sơn...Tôi và Bình, hai thằng cùng hành quân vào Trường Sơn chiến đấu. Tôi quê Nam Định còn Bình ở Thái Bình. Con sông Hồng là ranh giới hai tỉnh. Chúng tôi tắm chung và uống cùng dòng nước phù xa ấy ! Trong đơn vị, tôi và Bình thân nhau như anh em ruột thịt. Có chút gì tụi tôi cũng chia xẻ cùng nhau. Bình đã có người yêu trước khi vào bộ đội. Người yêu nó là một thôn nữ nơi trồng dâu nuôi tằm, nhà ngay sát ven sông nơi mảnh đất phù xa quanh năm màu mỡ. Như lời nó kể thì người yêu nó dịu dàng và đẹp lắm ! Nó đưa tôi xem hình, quả thật người yêu nó rất đẹp ! Đẹp như cô Tấm trong truyện cổ tích ngày nào. Những bức thư tình hàng tháng người yêu nó gửi vào nó đều đọc cho tôi nghe cả. Phải thú thực trong tôi cũng ước ao sau này hết giặc, về quê cũng phải chọn cho được cô nào ngang bằng người yêu của nó. 

 

 

      Bẵng đi ba tháng chỉ có thư nó gửi về mà không có hồi âm. Bình bứt rứt như ngồi trên đống lửa. Thằng Triễu ác khẩu trêu : " Coi chừng con Nhung của thằng Bình ở nhà tham gia dân quân, du kích lại phải lòng thằng nào rồi đó"! Tôi và nó thì không bao giờ tin vậy. Đến tháng thứ ba, Bình nhận được lá thư không phải của Nhung mà từ người bố. Sau vài dòng ngắn gọn hỏi thăm sức khoẻ, thông báo chuyện nhà, ông cho con trai biết: Nhung đã hy sinh khi tham gia chiến đấu cùng tiểu đội du kích bắn máy bay giặc Mỹ. Nhận tin nó thẫn thờ...Tôi cũng bùi ngùi xót xa cho mối tình của nó !

      Giải phóng, Bình xin về phục viên. Còn tôi vẫn tiếp tục phục vụ trong quân ngũ. Hôm chia tay, tôi hỏi :" Mày về phục viên rồi tính làm gì ? Chừng nào có vợ nhớ báo tao về dự nhé" ! Bình bảo tôi:" Tao đã có dự tính trong đầu, phục viên tao sẽ về quê Nhung học tập, nghiên cứu triển khai nhân giống cây dâu và ươm tằm, sao cho năng suất và hiệu quả. Bởi đây là ước nguyện của nàng"..!

      Chúng tôi chia tay, hàng tháng vẫn trao đổi tin tức cho nhau bằng những  cánh thư qua lại. Nó kể : "Về nhà sau khi nghe nó trình bày ước nguyện, bố mẹ nó và cả bố mẹ Nhung đều ủng hộ và chấp thuận. Thế là nó mang ba lô sang nhà  Nhung ở rể với người yêu trong mộng và hàng ngày cùng bố mẹ Nhung một nắng, hai sương với những nong kén, dâu tằm... Vừa làm vừa ôn tập, năm đó nó thi trúng vào đại học Nông nghiệp. Tốt nghiệp với tấm bằng ưu, nhà trường muốn giữ nó ở lại làm giáo viên và cho đi đào tạo chuyên sâu. Nhưng Bình cứ tha thiết xin về quê Nhung công tác. Bạn bè có đứa biết chuyện cho nó là thằng si tình, gàn dở. Thấy Bình đạo đức, tài năng bà con quê Nhung tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX. Thế là suốt ngày Bình vừa làm, vừa học.  Mày mò nghiên cứu chất đất và lai tạo giống cây, cách chăm sóc và thu hoạch con tằm để cho ra những kén tơ chất lượng và năng suất. Nhưng vào thời điểm đó nghề trồng dâu, nuôi tằm không có đất dụng võ. Giá cả bấp bênh, thu nhập và đời sống của bà con xã viên vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Thế là HTX phải giải thể. Nhìn những cánh đồng dâu ngút ngàn tầm mắt lá xanh mơn mởn phải phá bỏ, Bình sót xa đến nghẹn lòng...

      Sau nhiều đêm trằn trọc, nghĩ suy... Nó xin phép bố mẹ Nhung ba lô khăn gói đi tìm tòi học hỏi những mô hình làm ăn kinh tế mới. Sau hơn một tháng bươn chải khắp Bắc vào Nam. Nó trở về với một khối kinh nghiệm, phương án làm ăn được dự tính trong đầu... Bình trình bày với bố mẹ Nhung. Được ông bà hết lòng ủng hộ. Thế là ngay hôm sau, Bình rủ hai thằng bạn tâm huyết cùng bắt tay vào công việc. Hì hục ngày đêm, gần một tháng chiếc ao đã hoàn thiện. Sau khi xử lý kỹ thuật, Bình đi mua cá trắm cỏ, cá mè dinh, rô phi về thả. Sáu tháng miệt mài chăm sóc, vụ cá đầu tiên đã cho Bình có lãi hơn năm chục triệu đồng.  Có vốn, nó thuê người phụ giúp đào thêm một chiếc ao và nuôi thêm mười con heo nái. Đợt đó nó trúng đậm. Thấy con rể cô đơn chịu thương, chịu khó và có chí, bố mẹ Nhung giao hết cho Bình cả năm sào vườn toàn quyền đầu tư canh tác. Chọn mô hình VAC, Bình tập trung đầu tư khép kín. Mới hai năm mà nó đã có lưng vốn gần ba trăm triệu. Bình mua thêm đất của những hộ sát ranh không có khả năng đầu tư canh tác để mở rộng chăn nuôi, sản xuất. Nghe thông tin một số hộ nuôi cá trình nước ngọt thành đạt, nó tìm đến tận nơi học hỏi và nghiên cứu kỹ qui trình... Lứa đầu tiên nuôi thử nghiệm nó đã thu về hơn trăm triệu lãi ròng. Thế là Bình  mạnh dạn đầu tư chuyên sâu về “cá trình nước ngọt"...

      Sau chiến tranh biên giới Tây Nam, rồi chấm dứt cuộc chiến với kẻ thù phương Bắc, tôi được giải ngũ. Biết trong Nam đất rộng người thưa, tôi ba lô khăn gói lên đường vào tìm phương lập nghiệp. Hết làm thuê rồi làm chủ, vần vũ thoi đưa thời gian trôi qua như tày trong gang tấc. Hơn bốn mươi tuổi tôi mới lập gia đình. Tôi gọi điện báo tin vui và mời Bình vào dự. Nó sốt sắng nhận lời. Ngày cưới tôi không thấy nó. Điện hỏi ? Nó còn đang lo giăng lưới chống lụt tràn về, để giữ cho đàn cá trình không tràn ra sông Hồng trôi về biển cả. Xa quê lâu ngày nên tôi đã quên : mùa này ngoài quê đang là mùa mưa lũ ! Chỉ vài năm nó đã kiếm thêm tiền tỷ. Trang trại mở rộng. Nó thuê hẳn một người để sớm hôm phụng dưỡng bố mẹ Nhung thường xuyên đau yếu. Bà con làng trên, xóm dưới xa gần ai cũng tấm tắc khen và mừng cho ông bà ăn ở hiền lành, phước đức, ông Trời mới ban cho con rể thảo hiền như vậy ! Bẵng đi hơn mười năm lo bươn trải mưu sinh rày đây, mai đó...Tôi đã mất số điện thoại của Bình. Đầu năm ngoái vô tình trong buổi hội ngộ của lính Trường Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh. Hỏi thăm một đồng chí quê Thái Bình, tôi mới có được số điện thoại của thằng bạn từ thời để chỏm. Tôi điện cho Bình và hẹn sẽ sắp xếp ra thăm. Vào hạ, tôi về thăm quê và thăm luôn thằng bạn lính.  Tới đầu thôn hỏi thăm mới biết Bình đã trở thành một doanh nhân tên tuổi khắp vùng. Căn biệt thự bề thế khang trang ba tầng, quanh sân là những hàng cây cảnh, bôn sai vô cùng bắt mắt. Đang lui cui ngoài vườn, thấy tôi đến, Bình tất tả chạy ra sân đón. Tôi nhìn thằng bạn mấy chục năm không gặp, thấy nó phong sương và tóc đã bạc nhiều. Chỉ cái quần gabaddin lính bạc màu ống thấp, ống cao và cái nhìn ấm áp, cái miệng luôn vồn vã tươi cười như ngày còn ở Trường Sơn là không thay đổi. Nó kéo tay tôi lôi vào nhà, hối hả pha trà cười trách : Mày về quê đã mấy hôm rồi sao hôm nay mới qua thăm tao ? Cầu Tân Đệ, cầu Thái Bình đã làm xong từ lâu, đâu còn phải cởi truồng bơi qua sông như ngày xưa mà sang đây chậm vậy ? Nghe nó nhắc, tôi nhớ lại :" Ngày ấy...tụi tôi mười ba, mười bốn tuổi vào mùa nghỉ hè, hai bên rủ nhau bơi qua gặp nhau nơi cồn nổi giữa sông. Chúng tôi bày ra đủ trò đánh khăng, trận giả, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, thả diều...Có lần ham chơi quá, Bình để trâu ăn hết mấy chục cây ngô. Chủ ruộng bắt trâu dắt về mách...Thế là nó phải tự giác lên giường nằm úp, duỗi chân nhận vào cái mông cả chục roi của bố. Tôi cười trêu nó : Mày bỏ cái quần ra xem những vết roi ngày xưa có còn vết tích gì không ? Hai chúng tôi cười vang cả căn phòng. Bình đưa tôi đi thăm trang trại. Với cả chục chiếc hồ nuôi cá, được lắp hệ thống thông khí, sục nước. Những hàng dừa xiêm bên đường trĩu trái phủ che bóng mát. Bình gọi người công nhân lấy ít thức ăn ném xuống ao cho cá, để tôi được thưởng ngoạn tận mắt.

     Thoáng chốc từng đàn cá trình to bằng cổ tay nổi lên tranh nhau đớp mồi. Bình đưa tôi ra mảnh đất giữa khu hồ, có khoảng một sào cây dâu tằm lá to và xanh ngắt. Chỉ vào ngôi mộ khang trang, sạch sẽ được quét sơn màu hồng, nó bảo : Đây là nơi an nghỉ của Nhung ! Mai này khi tao nằm xuống, tao cũng sẽ nằm cạnh bên nàng…

     Chúng tôi cùng quay vào căn nhà làm việc ngay cạnh bên hồ. Bình dặn cậu thanh niên : Chiều nay chú có khách. Cháu bắt cho chú một con trắm cỏ và hai con cá trình to to nhé !

    Chiều. Tôi và Bình đang ngồi trong nhà đàm đạo, bỗng nghe tiếng còi xe hơi đầu ngõ, nó ríu rít : Hai đứa con tao nghe nói mày ghé thăm nó rủ nhau về chơi đấy ! Tôi ngỡ ngàng chưa kịp hỏi...Thì chiếc xe đã vào tới sân. Cửa mở, cô thanh nữ bước xuống dáng chuẩn như người mẫu, vội chạy thẳng về phía Bình rúc đầu vào ngực và ôm lấy nó nũng nịu... “Bố ơi con nhớ bố quá” ! Buông Bình ra cô gái nhìn nó săm soi từ đầu đến chân rồi tiếp : “Mới có hơn tháng mà bố gầy đi nhiều đấy” ! Bình xoa tóc con gái mắng yêu : “Con gái lớn rồi đã đi làm bác sỹ mà cứ còn như con nít”, rồi nhắc : “Không chào bác Thường đi con” ! Nghe bố nhắc, cô bác sỹ bẽn lẽn quay qua tôi vòng tay lễ phép : “Con chào bác Thường ạ” ! Cậu trai đô con tuổi chạc ba mươi sau khi khệ nệ mang đồ vào trong, ra cửa vòng tay : “Con chào bố, con chào bác tụi con mới về” !

      Bữa cơm chiều được dọn lên. Món cá trắm gỏi được lọc hết xương thái mỏng, bên trên có lớp thính gạo tám rải đều. Bên cạnh đó là đĩa gia vị : Lá sung, búp ổi, lá đinh lăng và các loại rau thơm nhìn đã mê con mắt. Cầm chiếc bánh tráng gấp đôi nhúng nước, Bình gắp mấy miếng cá nhúng vào nồi nước dấm đang xôi đặt vào giữa bánh, rồi gắp thêm ít lá gia vị cuộn lại mời tôi : “Ăn đi Thường ! Tao nhớ hồi còn ở Bến Giàng, Trường Sơn mày khoái khẩu món này nhất mà”. Cô con gái cũng đã cuốn xong chiếc bánh đưa cho Bố : “Bố ăn với Bác đi”. Cô giục ! Để chiếc bánh vào bát tôi hỏi : “Bà xã mày đâu sao không mời lên dùng cơm luôn thể” ? Bình chưa kịp trả lời, thì hai đứa con đã cùng dơ tay chỉ lên bàn thờ : “Dạ mẹ chúng con cũng đang dùng cơm trên đó” ! Tôi xin phép bố con Bình đến bàn thờ thắp cho vợ nó nén nhang. Nhìn di ảnh phóng to đen trắng cô thôn nữ vận chiếc áo nâu, quần đen, dây nịt ngang hông gọn gàng. Khẩu súng trường khoác vai. Khuôn mặt trái xoan, cặp lông mày thanh tú, cái miệng rất duyên như đang sắp hé cười. Tôi nhận ngay ra Nhung, người yêu của Bình hơn bốn mươi năm về trước ! Tôi thoáng nghĩ : Ủa vậy chứ Vợ Bình là ai ? Hai đứa con nó..? Bởi với tuổi đời của chúng thì Nhung đã hy sinh từ mười mấy năm trước khi chúng cất tiếng khóc chào đời? Múc một chút nước chấm sệt sệt vô bát,  bắt đầu thưởng thức...Tôi nghĩ : Chà cái thằng chăn trâu ngày xưa nó học đâu mà chế món nước chấm vừa béo, vừa bùi lại thơm ngon quá vậy ? Lát sau. Người làm bê lên đĩa cá trình chiên vàng rộm, kèm theo tô cá trình om chuối chát xanh. Mùi lá ngổ, lá lốt, tía tô thơm nức mũi. Bữa cơm hải sản Bình đãi tôi thật là ngon miệng.

 

 

      Đêm hè, trời không mây trong mát. Trăng mười sáu đã chênh chếch mái nhà. Những hàng cây mờ hiện dưới trăng khung cảnh thật là thơ mộng. Hai chúng tôi ra bộ ghế đá ngoài sân uống trà tâm sự. Tôi hỏi Bình về những thắc mắc trong đầu...Bình trả lời : “Sau khi trang trại, cơ ngơi dần ổn định thì bố mẹ Nhung lần lượt qua đời. Bà mẹ trước khi nhắm mắt cứ nắm chặt tay nó mà dặn : "Bố mẹ rất vui và mãn nguyện vì có được đứa con chung tình, hiếu nghĩa như con. Bố đã đi trước giờ đến mẹ. Con không thể ở một mình cô đơn như vậy được. Phải kiếm người phụ nữ về để còn lo cơm cháo khi lúc yếu, lúc đau..." Bình khóc dạ, thưa để mẹ Nhung yên lòng nhắm mắt !

      Hơn năm sau. Bình nghe tin thằng Tuấn đồng đội xưa bị phơi nhiễm chất đôc gia cam mới mất. Vợ nó cũng có chút nhan sắc. Theo tiếng gọi của người tình Đại gia, bỏ hai đứa con thơ ở nhà cho ông bà nội. Vợ nó lên Hà Thành làm bà chủ mới.

      Bình tìm lên nhà Tuấn, nơi những đồi cọ chập trùng xanh mát. Thấy bố mẹ Tuấn già yếu, ốm o, lọ mọ. Lo cho mình còn chưa nổi, giờ lại phải cáng đáng chăm cho hai trẻ nhỏ. Thằng anh mới lên năm, con em mới lên hai. Thấy hai đứa ngoan ngoãn, dễ thương mặt mày sáng sủa, sau khi suy nghĩ...Bình quyết định xin bố mẹ Tuấn cho nhận chúng về nuôi…

      Nhấp miếng nước trà, kéo một hơi thuốc lào sòng sọc...Bình tiếp : “Mày thấy rồi đó ! Tao đâu có cô đơn. Hai đứa con tao ngoan lắm ! Tao ít chữ nghĩa. Chỉ biết dạy con cái tư cách, đạo đức ở đời. Anh, em nó bảo ban nhau tự giác phấn đấu học hành. Giờ thằng anh đã là Thạc sỹ. Cháu đang học thêm  để lấy bằng Tiến sỹ Sinh học. Con em mới ra trường chịu phấn đấu, chuyên môn giỏi. Mới hơn bốn năm đã được đề bạt làm Phó Chủ nhiệm khoa Nội trong bệnh viện có tên tuổi ở Hà Nội đấy mày ạ !

       Hai chúng tôi đang say xưa tâm sự...Cháu Hồng con gái của Bình nhẹ nhàng đi ra, cầm trên tay chiếc áo sơmi bảo Bố : “Khuya rồi trời lạnh. Anh Hùng bảo con cầm chiếc áo ra để bố mặc thêm vào không mai lại bệnh” ! Miệng nói tay Hồng khoác chiếc áo cho Bình. Thằng bạn tôi quay sang : “Con cứ làm như bố mày yếu lắm không bằng ấy ! Bác sỹ các con nhìn đâu cũng thấy bệnh. Đừng lo, cứ yên tâm phấn đấu cho giỏi là lúc nào bố cũng khoẻ con à” !

     ...Trường Sơn đang là mùa mưa. Mưa xối xả trút nước xuống mũ và những chiếc áo mưa khoác trên mình người lính. Bộ đội đang âm thầm dồn bước. Con đường giao liên ngoằn nghèo trơn trượt, lởm chởm đá tai mèo. Những tia chớp sáng loè rồi vụt tắt. Gió thổi mạnh. Khu rừng le ngả nghiêng, xào xạc... Những bày chim đang ngủ bị đánh thức dáo dác gọi bầy... Khẩu lệnh từ đầu đoàn quân truyền xuống : “Phía trước có địch. Bộ đội tản ra chuẩn bị đội hình chiến đấu. Tôi và Bình cùng tổ trinh sát được cử lên nắm tình hình địch. Tốp thám báo phát hiện ra tổ trinh sát chúng tôi. Cuộc đọ súng bắt đầu.  Sau nhũng tràng AK ròn tan, hoà vào tiếng AR 15 chát chúa, tốp thám báo địch bị diệt gọn. Phía ta Bình đã hy sinh. Dòng máu đỏ nơi ngực nó đang trào ra xối xả. Tôi ôm nó mà gào, mà khóc trong tiếng bom rơi và tiếng máy bay địch gầm rít trên đầu. Nghe bên tai có tiếng người lay, gọi. Tôi giật mình tỉnh giấc, mới biết mình vừa mơ một giấc mơ. Bình đứng bên cười. Hỏi : “Gớm mày mơ gì mà cứ ú ớ kêu tên tao nhiều thế”? Tôi kể cho nó nghe về giấc mơ...ở Trường Sơn ! Nó cười khà khà bảo tôi : Tao còn sống dai lắm ! Thôi mày đi đánh răng, rửa mặt rồi vào uống caphe, ăn sáng. Để các cháu còn quay về Hà Nội kịp làm việc buổi chiều.

      Chia tay Bình ! Tôi trở lại Sài Gòn với công việc thường ngày. Hai tháng trước đây vào ngày đầu xuân chúng tôi gọi điện cùng chúc phúc cho nhau...Nó cười khà khà vẫn khoẻ, vẫn khoẻ ! 

      Tôi đang say xưa ngủ, sau một đêm thức khuya làm việc để chuẩn bị thuyết trình dự án. Mới bốn giờ sáng chuông điện thoại đổ vang...uể oải cầm máy. Tôi alo ! Đầu dây bên kia là tiếng khóc nghẹn ngào, nức nở...Tôi định thần, tỉnh hẳn. Giọng cháu Hồng nghẹn ngào trong tiếng nấc... “Bác ơi ! Bố Bình con mới mất rồi”. Xúc động, choáng váng. Tôi gắng giữ giọng bình tĩnh để động viên con bé..! Tôi ra sân bay nhờ bạn bè xếp cho chuyến bay ra Nội Bài sớm nhất. Tới nơi, thấy bà con họ hàng, bạn bè của Bình đến chia buồn và sắp xếp lo tang lễ rất đông. Tôi len chân vào trong để được gần thằng bạn. Hai đứa con nó cứ ôm lấy cái thân thể đã lạnh giá của Bình mà khóc ngất..! Hỏi chuyện. mới biết : Bình bệnh đã cả tuần, cứ tưởng nhẹ nên chỉ uống thuốc sơ xài và tiếp tục lo công việc, không cho người làm báo tin cho con biết. Sợ anh em nó lo, đang ôn thi lại bỏ chạy về thăm bố. Bình bị đột quy.

     Giờ khâm niệm và trong suốt mấy ngày tang lễ cho đến hôm đưa đám, hai anh em Hùng, Hồng theo nguyện ước của bố đã nói dàn nhạc lễ chỉ chơi vui năm bài : Tiến quân ca, Chiếc gậy Trường Sơn, Tình cha, Một đời người một rừng cây và Gửi em ở cuối Sông Hồng.

      Giờ hạ huyệt. Cháu Hồng cứ lăn xả vào ôm lấy quan tài của Bình khóc ngất...Làm những người lớn như chúng tôi con tim đã chai sạn cũng không thể cầm lòng... Nắm đất cuối cùng đã đắp xong. Ngôi mộ Bình hoàn tất. Bỗng cháu Hồng nín bặt. Nhìn theo tay nó chỉ. Tôi thấy một cặp Bạch Hồng Điệp to bằng bàn tay lượn quanh trên mộ, rồi con trắng xà xuống đậu vào bát nhang của Nhung, con bướm Hồng cũng đỗ xuống bát nhang của Bình. Nhiều người thấy cảnh tượng lạ lấy máy hình ghi lại... Trở về nhà, mâm cơm cúng trên bàn thờ Binh, Nhung đã được dọn lên tươm tất. Hai anh em Hùng, Hồng vừa thắp nhang xong. Cặp Bạch Hồng Điệp khi nãy ở đâu lại bay về đậu vào hai di ảnh. Nghe các cụ lão niên trong làng bình luận, theo sách xưa để lại thì Bạch Hồng Điệp chỉ hiện hữu sánh đôi khi cặp trai gái còn trắng trong, tinh khiết yêu thương nhau son sắt, chung tình !

Trong nỗi đau mất bạn, tôi vẫn mừng thầm. Chắc giờ này Bình và Nhung đã được đoàn tụ ở cõi vĩnh hằng. Một mối tình thật kỳ lạ! Kỳ lạ mà có thật. Dù có trí tưởng tượng tới đâu tôi cũng không thể nghĩ mối tình của Bình và Nhung lại có kết cục như vậy? Một câu chuyện còn cảm động hơn cả chuyện “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài” ngày xưa!...

 

   

Lo đám Bình xong. Trước khi về tôi hỏi các con Bình : “Hai anh em con dự tính xử lý thế nào về cái trang trại của bố” ?

    Hùng thưa, mấy ngày qua anh em chúng con đã bàn tính kỹ với nhau. Em Hồng vẫn ở trên Hà Nội theo nghề Bác sỹ để trị bệnh cứu người. Còn con hai tháng nữa nhận được bằng Tiến sỹ. Con sẽ xin về quê để tiếp tục thực hiện ước mơ của bố ! Những kiến thức được học con sẽ đem ra áp dụng vào thực tiễn vừa làm giàu cho chính mình vừa tạo công ăn việc làm cho con em bạn bè đồng đội của bố và chung tay cùng bà con xây dựng nông thôn mới. Đó cũng là mong ước của bố chúng con trước lúc qua đời.

     Xe chạy trên cầu Thái Bình. Nhìn những thảm dâu xanh ngút ngàn tầm mắt...Tôi mừng cho cây dâu tằm sau thời gian vùi dập đã lại lên ngôi. Dòng sông Hồng đỏ quạch phù xa vẫn lặng lẽ đắp bồi cho những cánh đồng ven sông ngày càng phì nhiêu màu mỡ. Người tài xế mở nhạc. Giọng hát song ca tha thiết, mặn nồng : "Anh ở biên cương nơi con sông Hồng chảy về với biển.."!

   P.T.Đ

 

tin tức liên quan