Bài ca Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nguyễn Văn Cựu TP. Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 06:41 23/06/2016 Lượt xem: 437

       

 GIỚI THIỆU BÀI THƠ : BÀI CA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Của tác giả Nguyễn Văn Cựu - TP Hồ Chí Minh

 

 

          Ban biên tập Trang TT Trường Sơn vừa nhận được thư điện tử của đồng chí Nguyễn Văn Cựu đến từ Quận Thủ Đức – TP Hồ Chí Minh . Trong thư của mình đồng chí Nguyễn Văn Cựu giới thiệu đồng chí nguyên là nhân viên rồi Trợ lý Phòng tham mưu Công binh Sư đoàn 472 (1973-1975) Bộ đội Trường Sơn, nguyên Bí thư Đảng ủy, Uỷ viên Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, đã nghỉ hưu từ 2010; hiện là Hội viên Câu lạc bộ thơ Việt Nam với bút danh (Tú Hải).

 

         Đồng chí Nguyễn Văn Cựu chia sẻ : “ Tôi là bạn chiến đấu với Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Công binh - Gíám đốc Dự án 47 (Đường Tuần tra Biên giới) Bộ quốc phòng. Lần gặp mặt mới đây anh Kiền có tặng tôi cuốn Bản tin Trường Sơn số 04 và anh giới thiệu với tôi về Trang TT điện tử của Hội TT Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Qua tìm hiểu 2 ấn phẩm này tôi rất tâm đắc và vui mừng khi được biết về sự phát triển về hoạt động của Hội TT Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam; tâm đắc về thành công của 2 ấn phẩm (Bản tin Trường Sơn và Trang TT điện tử của Hội TT Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam). Nhân dịp này tôi xin gửi lời chào kính trọng nhất đến các đồng chí lãnh đạo và toàn thể anh chị em Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, đến Ban biên tập Trang TT và Bản tin Trường Sơn.”

 

         Trong niềm vui của mình – Niềm vui của một Cựu binh Trường Sơn, đồng chí Nguyễn Văn Cựu bảy tỏ : “…Tôi xin gửi đến Ban biên tập bài thơ BÀI CA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP. Bản thân tôi vinh dự 3 lần được gặp Đại tướng. Lần cuối cùng vào năm 1999, tôi thay mặt Lãnh đạo Tổng công ty cà phê Việt Nam đến báo cáo trực tiếp với Đại tướng về sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam – Trong sự phát triển đó không thể không nói đến sự đóng góp quan trọng của lực lượng Quân đội mà lòng cốt là Bộ đội Trường Sơn.

 

          Với tất cả lòng kính trọng, ngưỡng mộ và thương nhớ Người, tôi viết bài thơ dài 170 câu lục bát để khắc họa cuộc đời oanh liệt của Võ Đại tướng.”…

 

         Ban biên tập Trang TT Trường Sơn xin cảm ơn đồng chí Nguyễn Văn Cựu và xin trân trọng giới thiệu tới các đồng chí và bạn đọc bài thơ BÀI CA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP của đồng chí Nguyễn Văn Cựu.

 

 

BÀI CA ĐẠI TƯỚNG

VÕ NGUYÊN GIÁP

 

 

 

 

Quảng Bình – Lệ Thủy quê tôi

Trắng phau cồn cát, xanh đồi phi lao

Cuối xuân sấm chớp, mưa rào

Sang hè hun hút gió Lào từng cơn

Giữa thu bão lũ dập dồn

Đông về hụt bữa, khoai môn qua ngày

Dưới thời phong kiến, giặc Tây

Dân tình đói khổ, đọa đày, lầm than

Suốt đời chịu cảnh cơ hàn

Những mong dành lại giang san đất trời

Làng nghèo vẳng tiếng ru hời

Lẫn trong mưa gió như lời nước non:

“Ngủ ngon chóng lớn nghe con

Mai sau gánh việc giang sơn giúp đời”.(1)

*      *

*

Anh như cánh én giữa trời

Chao đôi cánh liệng tìm đời tự do

Tuổi mười ba đến Cố đô(2)

Ngày đêm lăn lộn lần dò đường đi

Bước qua cái tuổi thiếu nhi

Say sưa làm báo, nghỉ suy chín rồi

Tham gia chống Pháp ngay thôi

Theo cờ Xô - Viết rạng ngời niềm tin!

Lũ thực dân chẳng chịu im

Bủa vây lục lọi săn tìm bắt Anh

Hai mươi phới phới tuổi xuân

Nhà lao Thừa Phủ bạo hành khảo tra

Ai như Quang Thái(3)đó mà

Trong gian nan có cùng ta nghĩa tình?

Một ngày nắng tỏa rung rinh

Anh đi(4) mang cả bóng hình thân yêu.

*      *

*

        Hồ Gươm bóng ngã về chiều

Sóng xô mặt nước tựa triều đang lên

Rùa Vàng nào có linh thiêng

Trao gươm báu phá xích xiềng giặc Tây?

- Nguyễn Ái Quốc đã về đây

Phất cờ giải phóng dựng xây cơ đồ!

Theo Người, Anh chẳng đắn đo

Rời bục giảng(5), đứng dưới cờ Việt Minh.

Tân Trào nắng sớm lung linh

Oai nghiêm, dũng mãnh bóng hình anh Văn(6)         

Thời cơ khởi nghĩa đến gần

Mùa Thu vang khúc quân hành bay cao    

Qua rồi áp bức cần lao

Việt Nam độc lập cờ sao rợp trời.

Kiếp nô lệ trở thành người

Cuộc đời hạnh phúc rạng ngời niềm vui.

*      *

*

Qua bao cay đắng, ngọt bùi

Ước mơ chưa trọn, ngậm ngùi chia tay

Kẻ thù gây hấn từng ngày

Đưa quân dày xéo đất này lần hai(7)

- Hỡi đồng bào! Đứng dậy ngay

Công nhân, trí thức, dân cày vùng lên!

Gậy gộc, cuốc thuổng, cung tên

Hãy giành lấy thế đứng trên đầu thù(8)

Tin vui bay tới chiến khu

Khắp nơi đánh Pháp, tiễu trừ Việt gian

Thu Đông, Biên giới… rền vang

Quân thù khiếp sợ đầu hàng Việt Minh

Toàn dân vào cuộc trường chinh

Chiến công in đậm bóng hình của Anh.

*      *

*

Rừng Việt Bắc ngút ngàn xanh

Chim ca, vượn hót tiễn Anh lên đường

Hành quân thẳng tới chiến trường

Trong lòng mang nặng tình thương Bác Hồ

Đêm khuya dưới ánh đèn mờ

Chắc Người thao thức trông chờ tin vui? 

   Xa Người trong dạ bùi ngùi

Ghi sâu lời Bác như lời nước non.

Điện Biên trận chiến mất còn

Anh Văn quyết định ra đòn hiểm sâu

Rút pháo ra, lại kéo vào(9)

Nghi binh, mai phục, hầm hào trú quân

Dân công hỏa tuyến nhanh chân

Sư đoàn chủ lực hành quân đêm ngày

Quân ta siết chặt vòng vây

Sẳn sàng chờ đợi phút giây diệt thù!

*      *

*

Him Lam tĩnh mịch âm u

Chìm trong lửa, khói mịt mù bay lên(10)

Chiến trường tiếng súng vang rền

Quân ta chí dũng, gan bền tiến công

Bao vây cứ điểm bố phòng

Đập tan sào huyệt cuối cùng Mường Thanh

Tuân theo mệnh lệnh của Anh

Đánh cho giặc Pháp tan tành tả tơi

Tướng Đờ - Cát hết đường lui

Giờ cao cờ trắng ngậm ngùi đắng cay

Tin vui thắng trận ngất ngây

Quân reo vang dội rừng cây đại ngàn.

Từ đây gấm vóc giang san

Cơ đồ sự nghiệp trong bàn tay ta

Công Người năm tháng bôn ba

Chiến công kết những lãng hoa dâng Người

Điện Biên lừng lẫy tuyệt vời

Năm châu bốn biển rạng ngời tên Anh

Chín năm kháng chiến thánh thần

Giương cao khí phách Nhân dân Anh hùng!

 

 

*      *

*

Đây chưa phải trận cuối cùng

Miền Nam đang cảnh mịt mùng tối tăm

Dòng Bến Hải, khúc sông ngăn(11)

Vết thương chưa khỏi, tím bầm ruột gan

Căm quân Mỹ - ngụy hung tàn

Phải mau đứng dậy diệt tan quân thù!

Đồng bằng cho tới chiến khu

                     “Ấp chiến lược” đến ngục tù vùng lên                          

Hầm chông, bẫy đá, cung tên

Hòa cùng tiếng súng đảo điên kẻ thù

Trường Sơn giăng lớp sương mờ

Quân ta rầm rập tiến vô Sài Gòn

“Thần tốc hơn…”, “táo bạo hơn…”(12)

Nhanh như sấm giật, bão dồn phăng phăng

Mạnh hơn thác đổ, triều dâng

Miền Nam khí thế bừng bừng sục sôi

Ngày chiến thắng đã đến rồi

Tiến lên giải phóng đất trời của ta

Sài Gòn rợp đỏ cờ hoa

Việt Nam thống nhất bài ca khải hoàn

Tin vui thắng lợi truyền lan

Năm châu, bốn biển hân hoan chào mừng

Việt Nam dân tộc anh hùng

Chiến công chói lọi khắc cùng tên Anh.

*      *

*

Võ Nguyên Giáp, tướng lừng danh

Tài ba, đức độ song hành bên nhau

Trải qua mưa nắng dãi dầu

Bom rơi đạn nổ trên đầu sá chi

Con đường Bác dẫn Anh đi

Niềm tin son sắt khắc ghi trong lòng

Hòa bình thống nhất non sông

Hoàn thành sứ mệnh Người mong mỏi hoài

Anh thao thức những đêm dài

Những mong dân tộc tới đài vinh quang

Dựng xây đất nước giàu sang

Tiến lên hiện đại sánh ngang bạn bầu

Con đường đi tới dài lâu

Muốn thành công phải nhớ câu: “Kết đoàn”

Đảng vạch lối, dân luận bàn

Dời non, lấp biển dân làm cũng xong.

*     *

*

Sáng xuân dạo bộ thong dong

Qua rồi những trận cuồng phong thét gào

Cuộc đời trong sáng, thanh cao

Kiên tâm chữ “Nhẫn” trước sau vẹn toàn.

Ba Đình nắng tỏa ngập tràn

Tâm hồn quyện giữa tiếng đàn du dương

Gửi lời trăm mến ngàn thương

Tình yêu, nỗi nhớ quê hương ân tình

Ngái xa lòng vẫn đinh ninh

Điệu hò khoan nhặt Quảng Bình nặng sâu

Vẳng nghe tiếng mẹ “à âu”

Trăm năm còn đó ngọt ngào lời ru.

*      *

*

Bầu trời An Xá chiều thu

Bỗng đâu phủ lớp mây mù tối đen

Mịt mùng mưa gió nỗi lên

Hung tin Vị tướng Tài - Hiền ra  đi

Chao ôi! Răng khổ như ri(13)

Bóng sông, bóng núi lâm ly nỗi buồn.

Cả đất trời lệ trào tuôn

Nghiêng mình tiễn biệt Người con Anh hùng!

Vũng Chùa – Đảo Yến rưng rưng(14)

Đón Người về lại vui cùng Tổ tiên

Người thỏa sức ngắm triều lên

Thảnh thơi dạo mát bên triền phi lao

Lặng nghe tiếng nói ngọt ngào

Hòa trong tiếng sóng rì rào biển khơi…

*      *

*

Nước non ghi nhớ ơn Người

Người là lẽ sống muôn đời cháu con!

 

 

 

 

Thành phố Hồ Chí Minh, 5/2014

TÚ HẢI

 

                                                               

  -----------------------------------------------------------------------------                               

CHÚ THÍCH:

1)Võ Nguyên Giáp (sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911) ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho.  

(2) Năm 1925, Võ Nguyên Giáp rời quê Quảng Bình vào Huế thi vào trường Quốc học Huế. Võ Nguyên Giáp bắt đầu học nghề làm báo, chuẩn bị cho giai đoạn hoạt động báo chí trong thời Mặt trận Bình dân Pháp.                                              

(3) Đầu tháng 10/1930, Võ Nguyên Giáp bị bắt và bị giam ở Nhà lao Thừa phủ (Huế), cùng với người yêu là Nguyễn Thị Quang Thái và một số nhà hoạt động cách mạng.

(4) Cuối năm 1931, Võ Nguyên Giáp được trả tự do. Ông ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut và đỗ. Ông nhận bằng cử nhân luật năm 1937.

(5) Tháng 5/1939, Võ Nguyên Giáp dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội. Ngày 3/5/1940, ông lên Cao Bằng rồi sang Trung Quốc để gặp Hồ Chí Minh. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và hoạt động trong Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội và mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng.

(6) Ngày 22/12/1944, theo hướng dẫn của Hồ Chí Minh, ông thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.        

(7) Ngày 19/12/1946, Chiến tranh Đông Dương chính thức bùng nổ. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, ông bắt đầu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống lại sự trở lại của người Pháp (1945-1954) trên cương vị Tổng chỉ huy và Tổng Chính ủy, từ năm 1949 đổi tên gọi là Tổng tư lệnh quân đội kiêm Bí thư Tổng Quân uỷ.

(8) Ngày 19/12/1946, chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Người nói: “...Ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước...”          

(9) Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, để giành thắng lợi quyết định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chuyển phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”.

(10) Trận đánh đồi Him Lam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

(11) Sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước ta chia làm hai miền Nam – Bắc lấy sông Bến Hải làm giới tuyến tạm thời.

(12) Mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. táo bạo táo bạo hơn nữa. Từng phút từng giờ tiến tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết giành toàn thắng!"

(13) Tiếng Quảng Bình: “Sao khổ như thế này”

(14) Vũng Chùa – Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

 

tin tức liên quan