"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 03)
Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 03)
Bài số 4
NHỮNG CHUYẾN ĐI Ô TÔ ĐÁNG NHỚ SANG LÀO
( Viết nhân dịp Chủ Tịch Nguyễn Xuân Phúc thăm nước Lào)
CHUYẾN XE VƯỢT TRƯỜNG SƠN SANG LÀO
Chúng tôi nhập ngũ tháng 8 năm 1970, hơn 500 người phần lớn là thầy giáo cấp 1, cấp hai, một số học sinh cuối cấp và công nhân viên các ngành. Sau ba tháng huấn luyện Tiểu đoàn 605 - Trung đoàn 19 - Tỉnh đội Nam Hà lên đường vào chiến trường đánh Mỹ. Đi tàu hỏa, ô tô vào đến Nông trường Quyết Thắng của Vĩnh Linh dừng chân để vượt sông Bến Hải vào Nam, chờ mấy ngày chưa vượt sang được lại quay ra Cự Nẫm - Bố Trạch - Quảng Bình. Nằm lại đây mấy ngày mà nghe bao nhiêu câu chuyện vui về "quê Bọ". Nào là:
Chú đi vô hay đi ra?
Nếu đi vô, ba chú thế nào cũng có một chú chết, để lại cho Bọ một chiếc mũ cối!
Đi ra thì sẽ được phát mới, cho Bọ một chiếc.
Con không đi vô cũng không đi ra!
Thế đi đâu?
Con đi ngang.
Thế thì Bọ chịu rồi.
Chuyện quân ta bịa cho vui thế thôi, còn nhiều chuyện lắm, kể cả ngày chả hết. Chỉ thấy rằng người dân Quảng Bình thật là cách mạng, hết lòng che chở đùm bọc Bộ đội dừng chân nơi đây để vào chiến trường đánh Mỹ.
Chiều hôm ấy chúng tôi có lệnh đêm hành quân, trời mưa phùn, ra vườn xin Bọ được mớ rau lang luộc liên hoan để lên đường ra mặt trận. Tối hôm ấy Tiểu đoàn chúng tôi rời Cự Nẫm - Bố Trạch - Quảng Bình lên đường. Đoàn Ca nô chạy ngược nước về phía tây, lên Trường Sơn, sông sâu khá rộng, nhìn thấy làn nước trong xanh ngắt, không biết là sông gì, trời cuối năm mùa đông lạnh lẽo trăng khuất sau mây lờ mờ trong màn sương bao phủ. Mấy tiếng sau ca nô cập bến, xe ba cầu có mui đón, Trung đội lại lên xe, tiếp tục hành trình. Đi được mấy phút là xe bắt đầu lắc lư rồi nhảy lên dập xuống, nghiêng bên này ngả bên kia. Không thể tưởng tượng được sao nó lại xóc đến thế, đúng là xóc như xóc ốc. Do đường quân sự làm gấp, mưa dầm làm cho đất nhão ra thành bùn, các gốc cây trồi lên, các hòn đá hộc mấp mô lởm chởm, thế là chiếc xe cứ như cóc nhảy vậy.
Đồng đội trên xe bắt đầu say dần, nôn mửa dần, thế rồi nôn mửa ra xe hết, có người nôn ra mật xanh mật vàng. Một Trung đội ba chục người, mỗi người một chiếc ba lô to, súng đạn, lựu đạn, dao quắm, bao tượng gạo, xoong nồi nấu ăn theo Tiểu đội chia nhau mang, chật cứng xe, thế là cứ nôn vào lưng nhau thôi, mùi cơm đang lên men chua chua phả ra càng kích thích nôn, thật là ghê. May mắn sao cả xe chỉ có mình tôi không bị nôn, trời cho sức khỏe và tiền đình tốt. Chạy khoảng ba tiếng đồng hồ xe dừng bánh. Lệnh xuống xe, từng người tụt xuống mà toát hết mồ hôi hột ra giữa đêm đông lạnh giá mưa phùn trên núi rừng Trường Sơn. Giao liên đón dẫn đường thông báo, đây đã sang đến đất Lào Tây Trường Sơn. Trời mưa nhỏ, đường trơn nhầy nhụa, dép cao su cứ trầy trật ra. Cả Trung đội bám nhau hành quân theo ánh đèn pin leo lét. Khoảng hai tiếng sau đến trạm giao liên, già nửa đêm rồi, dưới tán rừng già, trời tối đen như mực. Chúng tôi mắc tăng võng, bẻ cành cây chùi chân chứ làm gì có nước để mà rửa, leo lên võng ngủ, một lát sau thấy lạnh trong đùi, cho tay vào quần móc ra một con vắt to no máu căng tròn, lần đầu tiên bị vắt cắn, chưa có kinh nghiệm, rất khó cầm máu. Đêm đầu tiên ngủ trên rừng Trường Sơn. Từ đây cuộc hành quân bộ vượt Trường Sơn bắt đầu.
Ngày 11 tháng 8 năm 2021
Ảnh minh họa
Bài số 5
NHỮNG CHUYẾN Ô TÔ ĐÁNG NHỚ BÊN LÀO
Chuyến Ô Tô đáng nhớ - Gặp chiến sĩ đảo ngũ ở Nam Lào .
Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. Mỹ ngừng ném bom trên toàn bộ chiến trường Đông Dương, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Ngày 5 tháng 3 năm 1973, Quân ủy Trung ương đã triệu tập Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Chính uỷ Đặng Tính ra Hà Nội giao nhiệm vụ xây dựng đường cơ bản chiến lược Đông Trường Sơn, chuẩn bi cho kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đảng ủy, BTL Trường Sơn quyết tâm tổ chức triển khai xây dựng ngay. Hai đoàn cán bộ được tổ chức đi thị sát tuyến. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên dẫn đầu đoàn đi tuyến phía Đông Trường Sơn. Chính ủy Đặng Tính dẫn đầu đoàn đi tuyến phía Tây Trường Sơn. Trên đường lên Pắc Sòong xe bị trúng mìn, đại tá Đặng Tính cùng 4 người hy sinh, thật là đau xót.
Chủ trương cải tạo đường Tây Trường Sơn vẫn được triển khai tích cực, do Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ đạo. Sư đoàn công binh 472 đảm nhiệm toàn bộ tuyến Tây Trường Sơn. Hướng tuyến từ Bản Đông đi theo đường 22 - nối qua đường ngang đến Sa Ra Van, theo đường 23 đến Thà Teng, Bản Phồn; theo đường 16 đến A Tô Pơ nối tiếp vào đường 24, đường 128 qua ngầm Sê Sụ đến Phi Hà ngã ba Đông Dương đến Tà Xẻng hết đất Lào, cắt qua mỏm Đông Bắc Campuchia - về Việt Nam.
Tháng 8 năm 1974, Sư đoàn 472 được lệnh rút khỏi nước bạn Lào bên Tây Trường Sơn chuyển sang làm đường cơ bản bên Đông Trường Sơn. Sư đoàn về nước để lại 9 người thành lập Ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây. Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó Tư lệnh Sư đoàn làm Trưởng ban, Trung tá Nguyễn Văn Hiểu - Phó Chính uỷ Sư đoàn làm "Chính uỷ", tôi là trợ lý Ban. Đơn vị có Trung đoàn Công binh 34 ở lại Tây Trường Sơn, tôi kiêm Trợ lý Kế hoạch của Trung đoàn, đơn vị đảm nhiệm cải tạo toàn bộ tuyến đường Tây Trường Sơn tiếp theo.
Hôm ấy giữa tháng 10 năm 1974, sau ảnh hưởng của cơn bão, mưa rất lớn, Ban chỉ đạo tổ chức đoàn đi kiểm tra đường, do Trung tá Nguyễn Đức Lợi trưởng đoàn, thượng sĩ Hoàng Kiền và thượng sỹ Kỹ sư Nguyễn Văn Tuý là hai trợ lý cùng đi. Qua Bản Phồn trên đường đi Át tô Pư gặp chiếc cầu gỗ đang thi công bị nước lũ xô nghiêng đi, đoàn dừng xe xuống kiểm tra. Tôi nhìn thấy đôi trai gái đang đi trên đường trước mặt quay lưng về phía chúng tôi, mỗi người có một con dao quắm dắt sau lưng, chắc là đang đi đào củ măng mùa mưa. Cô gái mặc áo váy hoa, người con trai mặc quần bộ đội cũ, nhận ra chiến sỹ đảo ngũ của Trung đoàn 34. Tôi quát to: Long!
Hai người giật mình quay lại.
Đến đây ngay.
Long mặt tái xanh bước lại, trong xe không có dây, tôi lấy dao cắt dây rừng trói hai tay Long lại ngay và hô: chuẩn bị lên xe về nhà giam của Trung đoàn.
Trung tá Nguyễn Đức Lợi chưa hiểu gì, hỏi sao vậy?
Thưa thủ trưởng, đây là chiến sĩ Long ở Tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 71 của Trung đoàn 34, đảo ngũ ba lần, bắt về vẫn cứ trốn ra. Đêm hôm bắt được Long về lần thứ hai, tôi xuống công tác chứng kiến, giam Long trong một gian nhà ở, vì không có nhà giam giữ quân nhân vi phạm kỷ luật. Đêm chiến sỹ gác ngủ gật thế là Long lại trốn lần thứ ba, rồi mất hút, hôm nay bắt gặp cách đơn vị rất xa đến ba bốn chục cây số.
Tôi hỏi Long! Thế hiện nay cậu làm gì, ở đâu?
Báo cáo với thủ trưởng và hai anh, em quê ở miền Tây Nghệ An, người dân tộc Thái, em đi Bộ đội vào Trường Sơn năm năm rồi, bố mẹ em ở quê mới mất cả rồi, em không về quê nữa.
Thế cô gái kia là ai?
Thưa anh đấy là vợ em ạ.
Là người ở khu vực nào?
Thưa anh, vợ em là con gái của Bí thư huyện uỷ ở đây ạ, vợ em đã có thai ba tháng ạ.
Nghe Long nói thế chúng tôi cũng thương hoàn cảnh của cậu ta.
Cân nhắc một lát! Cậu ấy giờ là con rể đồng chí bí thư huyện ủy của Bạn, vợ lại đang mang thai, bắt về thì sẽ ra sao???
Tôi thưa với Trung tá Nguyễn Đức Lợi, cho Long ở lại đây thủ trưởng ạ.
Thủ trưởng Lợi gật đầu, cho nó đi.
Tôi cởi trói cho Long và dặn, về sống với gia đình, làm công dân nước Lào cho tốt nhé.
Long lễ phép đáp vâng ạ.
Tôi dẫn Long đến chỗ cô gái Lào giao cho cô ta.
Cô ta chắp tay nói:
Khốp chay lai lai pà hán Việt Nam
Khốp chay lai lai pha la ngan Việt Nam
Khốp chay lai lai cốp nhầy Việt Nam
(Cám ơn rất nhiều bộ đội Việt Nam, cám ơn rất nhiều cán bộ Việt, cám ơn rất nhiều cấp cao Việt Nam ).
Tôi nói : Pha xa xôn Lào - Việt xăm ma khi. Xam bai đi.
( Nhân dân Lào - Việt vui đoàn kết, chào tạm biệt ).
Hai vợ chồng Long chắp tay cúi đầu nói : xam bai đi (chào tạm biệt)
Chúng tôi chờ cho đôi vợ chồng trẻ Việt - Lào đi khuất theo con đường vào bản trong rừng sâu rồi tiếp tục hành quân.
Đã gần nửa thế kỷ qua, chắc Long cũng thành cán bộ của nước Lào, ít nhất cũng là Trưởng bản, chưa gặp lại, nhưng vẫn nhớ đến hai vợ chồng Việt - Lào tại Mường Phồn tỉnh Át tô Pư nước Lào.
Vẫn nhớ mãi chuyến ô tô kiểm tra đường bên Tây Trường Sơn Nam Lào tháng 10 năm 1974. Đại tá Nguyễn Đức Lợi đã đi xa, Thiếu tướng Hoàng Kiền và Trung tá Nguyễn Văn Tuý cùng Ban liên lạc Phòng Tham mưu Công binh Sư đoàn 472 thi thoảng gặp nhau vẫn nhắc lại câu chuyện chiến sĩ Long năm xưa.
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh Việt Nam
(Còn nữa)