“Mùi Hà Nội” – TG: Trương Ngọc Hùng

Ngày đăng: 07:42 04/07/2025 Lượt xem: 19
 
MÙI HÀ NỘI
          - Kính thưa quý khách. Máy bay của Hãng hàng không Air Vietnam vừa hạ cánh xuống phi trường Cù Hanh- Pleicu. Nhiệt độ ngoài trời 27 độ... Rất hân hạnh được phục vụ quý khách trong các chuyến bay sau.
 Tiếng phát thanh viên truyền qua loa rè rè, lẫn trong tiếng động cơ của chiếc DC- 3 đang nhỏ dần. Đoàn sinh viên đại học Văn khoa Sài Gòn trong trang phục áo dài trắng, khoác dải băng xanh được ưu tiên ra trước. Chiếc xe Zep quân sự trờ tới. Người sỹ quan đưa tay lên vành mũ đỏ- niềm kiêu hãnh của binh chủng dù:
          - Thay mặt các chiến hữu Việt Nam Cộng hòa hân hạnh được đón các em gái hậu phương lên úy lạo các chiến sỹ.
          Buổi đón tiếp có phần long trọng hơi thái quá, tôi tò mò nhiều hơn cảm kích...
***
         Tây Nguyên đón chúng tôi trong ngợp nắng, tưới vàng cả không gian xanh mướt.  Xe nhà binh đón đoàn sinh viên về bản doanh của Quân đoàn 2, Quân khu 2 của Tướng Phạm Văn Phú. Tôi được đặc cách ngồi riêng một xe do chính viên Đại úy cầm lái- người nhiều năm theo đuổi tôi và được ba mẹ tôi gửi gắm trong thời gian ở Tây Nguyên. Đưa mắt nhìn toàn cảnh căn cứ, màu xanh mát mắt của núi rừng, hoa cà phê phủ trắng, tỏa hương ngan ngát. Một đống lửa to được đốt lên giữa sân vận động. Những người lính Cộng hòa, quân phục rằn ri ngồi quanh. Xa xa, trên nóc các lô cốt xếp bằng bao cát, những bóng đen thẫm im lìm, chốc chốc lại lóe lên bởi đốm thuốc trên môi.
          - Thưa anh em binh sĩ, thưa các em gái Sài Gòn hoa lệ. Các binh sỹ anh hùng của chúng ta đã đẩy địch quân vào hang cùng ngõ hẻm của dãy Trường Sơn. Họ chiến đấu vì vinh quang của nền đệ nhị, vì sự bình yên của các em gái có mặt tại đây ngày hôm nay.... Gã sỹ quan tâm lý chiến nói lê rê từ chuyện nọ sang chuyện kia. Cuối cùng bản độc thoại cũng kết thúc sau vài tiếng vỗ tay lẹt đẹt.
          Một số “chiến binh anh hùng” đứng hàng ngang. Các “em gái hậu phương” quàng lên cổ họ những dây hoa nhiều màu sắc. Ánh đèn Flash chớp nhay nháy. Tâm hồn lãng mạn, bị tác động bởi những trang sách của Nguyễn Thị Hoàng, Quỳnh Dao cùng vẻ ma mị của đêm rừng núi làm tôi ngây ngất. Tôi như bay lên bởi những ảo ảnh lung linh. Kết thúc buổi lễ có phần trang trọng. Âm nhạc nổi lên, các “chiến binh oai hùng” ôm các thiếu nữ dìu dặt quanh lửa trại... Vui, vui hết mình, quên cả thời gian. Trời dần về khuya, đống lửa lụi tàn. Tôi được viên Đại úy đưa về căn nhà biệt lập phía sau.
          - Em ở đây. Chỗ này yên tĩnh, địa vị của em không thể ở cùng đoàn được. Tôi đã hứa “lấy mạng của mình để đảm bảo an toàn cho em.” Anh ta nói vẻ trịnh trọng cúi mình rất “tuồng”, lui bước.
          Nằm trên chiếc giường đệm lò xo, trải ga trắng muốt. Máy lạnh chạy vo vo, mùi nước hoa phảng phất. Lần đầu tiên vào trại lính, trực tiếp tiếp xúc với những người lính “kể ra cũng không đến nỗi nào, họ cũng lịch sự và chu đáo”. Ý nghĩ đó chìm vào giấc ngủ sau một ngày mệt nhọc. Sự bình yên của Cao nguyên hoang dã, sự tĩnh lặng của khu nhà tạo ra cảm giác an toàn. Tôi nằm im tận hưởng tất cả những cảm giác mới lạ đó, dù biết trời đã sáng từ lâu. Tiếng mở cửa lạch xạch cắt ngang dòng suy tưởng. Viên Đại úy bước vào:
- Helo tiểu thư, hy vọng chuyến đi này sẽ làm tiểu thư hài lòng.- Anh ta giơ tay làm động tác ra hiệu cho người lính đặt khay thức ăn trên bàn. - Hôm nay theo kế hoạch, sẽ đến thăm một đơn vị đóng quân ở thị xã An Khê. Mời tiểu thư dùng bữa sáng để kịp đi cùng đoàn. Nếu mệt, thì có thể ở lại, khám phá thành phố Cao nguyên cũng là ý tưởng không tồi. Ngày mai đoàn sẽ về Sài Gòn trong chuyến bay chiều.
          Tôi bị say xe nên rất sợ đi ô tô, nhất là trên bao cung đường đèo dốc, vả lại cũng muốn được một mình thả bộ trên những con đường đất đỏ Cao nguyên, nơi có bạt ngàn cây cao su xanh mướt, mang đầy mình vết sẹo ngoằn ngoèo. Rừng cà phê với những bông hoa trắng muốt tinh khôi, tỏa hương ngan ngát, thu hút đàn ong mật cần mẫn, hối hả vào ra trên những cánh hoa. “Đúng là một ý tưởng không tồi”. Tôi nhớ lại câu nói của viên Đại úy và tự chế nhạo mình, tôi ít khi để ý đến lời nói của một ai đó khác giới. Có thể khung cảnh nên thơ, đêm lửa trại hoành tráng có tác động ít nhiều đến suy nghĩ vốn không ưa những người mang quân phục. Đang thả hồn trên từng cung bậc của cánh rừng cuối xuân, chiếc xe Zép “lùn” cuốn bụi mịt mù, phanh kít:
          - Mời tiểu thư. Có biến. Sân bay đã bị pháo tầm xa khống chế. Mọi chuyến bay đều bị cắt. Rất có thể địch quân sẽ đánh chiếm nơi này. Các đơn vị được lệnh giới nghiêm. Tôi đang cố gắng để tiểu thư về Sài Gòn trên một chuyến xe nào đó. Nhưng thật lòng, độ an toàn rất thấp. Tôi sẽ cố gắng điện thoại với thân phụ của tiểu thư. Nhưng trước mắt, tiểu thư không được rời khỏi nhà.
          Vẻ lo lắng hiện trên khuôn mặt của viên Đại úy. Tôi chưa ý thức được sự nguy hiểm đang trực chờ nên dửng dưng, tiếng nói như trượt ra khỏi tâm trí. Cuộc sống bao năm qua của tôi luôn thuận lợi, mọi cái đều được sắp đặt hoàn hảo, không bao giờ nghĩ sẽ có lúc nào đó, một cái gì đó động chạm đến an nguy của bản thân.
          Chiếc xe vụt đi để lại lớp bụi mờ mờ cùng mùi xăng hăng hắc.
          Một ngày trôi qua. Tiếng súng rộ lên khắp nơi, ngày càng dữ dội, nghe ầm ì như tiếng sấm liên tục không dứt. Tôi sốt ruột nhìn qua ô cửa sổ, hàng cây xanh mướt chắn tầm mắt khiến tôi càng bức bối, cảm tưởng đang bị vây hãm trong cái lồng vô hình. Trệu trạo nhai mẩu bánh mì khô khỏng còn sót lại. Không có cảm giác gì, đầu óc đang mải nghĩ đâu đâu. Căn nhà nhỏ tôi đang ở đủ tiện nghi, tủ lạnh chật ních đồ tươi sống, bếp điện, bát đũa, bàn ăn sạch bóng. Nhưng tôi không biết dùng như thế nào. Từ bé tôi không phải động đến bất cứ việc gì, luôn có một “vú em” để tôi sai bảo, luôn có đầy đủ đồ ăn, thức uống được mang tới tận giường. Thậm chí chiếc bếp tròn méo thế nào, nhà ăn rộng hẹp bao nhiêu, tôi cũng không hề biết. Tôi bắt đầu lo, không biết những ngày tới sẽ thế nào nếu gã Đại úy và cậu lính hầu không quay lại. Sự lo lắng của tôi có lý khi chập tối người lính bước vào thông báo:
          - Thưa cô, tình hình rất xấu, Buôn Mê đã thất thủ. Trung đoàn của Đại úy đi ứng cứu không trở về, nghe nói đã bị đối phương tiêu diệt. Bên ngoài vô cùng hỗn loạn. Lính tráng cướp, hiếp tràn lan, dân tình gồng gánh chạy loạn về Tuy Hòa, Nha Trang, Quy Nhơn đặc kín đường. Cô không nên ra ngoài. Đại úy đi rồi, tôi cũng không được ở lại đây nữa. Có thể sẽ phải đến những nơi trận mạc. Cô bảo trọng. Tạm biệt cô.
          Nỗi trống vắng ghê sợ bao trùm. Hôm trước còn bật cười vì sự lo lắng của ba mẹ, giờ hiểu ra thì đã muộn. Là con gái út của một gia đình thương nhân giầu có. Anh chị đều có gia đình riêng, kinh doanh độc lập ở chợ Lớn. Sự cưng chiều biến tôi thành con bé cực đoan, luôn bắt mọi người phải thực hiện ý tất cả ý muốn của mình. Và đó là một trong những lí do tôi quyết đi chuyến này bằng được. Sự ương ngạnh bao giờ cũng phải trả một cái giá. Tôi chưa biết cái giá sẽ phải trả thế nào. Tôi hối hận, tiếc rằng... hối cũng không còn kịp nữa... Chốt chặt, cẩn thận kéo thêm chiếc bàn chèn cửa. Trùm chăn kín đầu nhưng vẫn không tài nào ngủ được, những ánh chớp vẫn lọt qua kẽ chăn cùng tiếng nổ đinh tai. Một đêm hỗn loạn bởi muôn vàn tiếng động cơ gầm rú. Cố thu nhỏ người lại, he hé mắt, đèn vẫn sáng, mọi vật vẫn y nguyên. “Ít nhất đến lúc này vẫn bình an”.- Tôi thầm nghĩ. Chưa lúc nào tôi thấy cô đơn như lúc này. Ước ao đến cháy bỏng là được chuyện trò cùng ai đó dù người đó có là kẻ thù hay là ác thú. “Một ý nghĩ quái gở”. Đúng lúc ấy cánh cửa bị xô đẩy, rung lắc, xê dịch. Tôi co rúm, hai tay ôm gối thu lu vào góc giường.
          - Cô làm gì mà gọi không mở cửa?- Viên Đại úy râu ria, mặt bạc phếch, bộ quân phục tơi tả đứng giữa nhà hầm hè.
          Tôi vùng dậy, lao đến ôm chặt lấy hắn. Sợ hãi, cô đơn, tuyệt vọng... nên sự xuất hiện của viên Đại úy được coi như thần hộ mạng, là chiếc phao cứu sinh giữa biển khơi bao la. Viên Đại úy có vẻ cảm động. Không cảm động sao được khi người con gái hắn đang ôm là mộng ước bao nhiêu năm nay, cô ta sẽ là tấm bình phong, là động cơ đưa hắn bước vào thế giới thượng lưu. Hắn vỗ vỗ, dìu tôi ngồi xuống đi văng:
          - Yên tâm đi em, có anh ở đây, em sẽ được an...
          Tiếng nổ khiến căn nhà rung lên, đất đá văng lên mái tôn rầm rầm cắt ngang lời viên Đại úy. Mắt hắn như lồi ra, cuống quýt. Hắn đẩy tôi, hé cửa nhìn: “Tan nát hết rồi, Tướng chạy trước lính, lính chạy trước dân, dân cuốn quanh lính thì còn đánh đấm gì nữa.” Hắn thở dài quay lại ghế. Lúc này, tôi mới có thời gian nhìn kĩ. Vẻ hào hoa, kiêu ngạo cùng chiếc mũ đỏ trên đầu biến mất thay vào đó là khuôn mặt dữ dằn, râu ria xồm xoàm và đôi mắt thất thần, hoang dại.
          - Ta đã thoát ra khỏi cái đống hỗn độn sặc mùi tử khí khi đổ quân trúng ổ phục kích một cách thần kì. Ta phải về đây, về để hoàn thành ước vọng là biến em thành vợ. Đêm nay sẽ là đêm tân hôn dù không có đám cưới khiến cả Sài Thành ngưỡng mộ. Người đẹp, đừng cưỡng lại ta, vô ích.
          Tôi trố mắt, tự giật tóc mình, đau điếng, chứng tỏ không nghe lầm. Tôi vội vã, bật khỏi ghế, thu lu vào góc phòng.
          - Cô em! Đừng sợ. Ngoan nào, ta sẽ không làm em đau. Chẳng lâu nữa, thành phố này sẽ tràn ngập địch quân. Chúng không lịch sự như ta đâu. Cô sẽ phải phục vụ cho một tập thể những tên người rừng.
           Nhìn vẻ mặt thất thần của tôi, hắn nhe răng cười hềnh hệch. Tôi liên tưởng đến hàm sói trong chuyện cổ tích. Hai tay hắn cầm hai vạt áo rằn ri giật mạnh, hàng cúc bay tứ tung. Hình con hổ được xăm trổ: mắt đỏ, mồm há ngoác, xòe vuốt vờn bộ lông trên ngực hắn, tôi như chết ngất. Và... trong tích tắc chiếc vạt áo ngủ cùng chiếc áo nịt ngực đã nằm gọn trong tay hắn. Cố thu hai tay che bộ ngực trắng như sứ, đang hồng lên trước ánh sáng của đèn nê ông màu. Trước khi nhắm mắt tôi còn nhìn thấy giọt nước dãi nhểu ra khoé miệng và cục uyết hầu đi lên đi xuống. Mùi hôi thối phụt ra từ miệng khi hắn cố áp vào môi tôi. Tôi cào cấu giãy giụa trước sức mạnh của cơn cuồng dâm. Xuôi tay, nước mắt tràn ra, tôi khẽ kêu: “Mẹ ơi.”
          Bốp. Huỵch. Tôi mở mắt, tên Đại úy nằm xõng xoài. Không xa, một người mặc trang phục màu xanh đang thong thả cởi nốt những khuy áo cuối cùng. “Thôi chết, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Tôi rên trong cổ họng, không thoát ra được nghe như tiếng kêu của mèo con bị bóp cổ. Cúi gập đầu xuống, vẫn nghe rõ bước chân đang tiến lại gần. “Không được! Thà chết, cũng không chịu nhục.” Tôi thè lưỡi, nghiến hai hàm răng. Đau điếng, vội thụt lại. Nước mắt ứa ra.
          - Cô cầm lấy. Mặc vào rồi đi theo tôi.- Một giọng miền Bắc.
          “Cô sẽ phải phục vụ cho một lũ người rừng”. Tiếng nói của viên Đại úy lướt trở lại. Tôi co rúm, rớt rãi nhểu ra từng giọt.
          - Mặc vào. Nhanh lên. Không còn thời gian nữa đâu.- Người đàn ông giục giã.
          - Xin ông tha cho tôi. Tôi cắn rơm cắn cỏ lạy ông. Tôi sẽ nói ba tôi mang tiền đến. Tôi nặng bao nhiêu ông sẽ có số vàng nặng bấy nhiêu.- Tôi quỳ xuống, hai tay chắp vào nhau, vái lia lịa, cặp vú không có gì che đỡ, rung rinh. Người lính- Đúng. Đó là người lính giải phóng, quay đi, cố tránh nhìn vào bộ ngực trần của tôi.
          - Ai làm gì cô? Mặc áo vào, thoát ra khỏi đây. Không kịp bây giờ.- Tiếng súng con nổ rộ vọng lại như minh chứng cho câu nói đó.
          Tôi líu ríu bám sau người lính, tiếng guốc gõ trên nền xi măng lộc cộc.
          - Bỏ guốc ra. Như thế khác gì gọi lính tới.- Vừa nói anh ta vừa cởi đôi dép cao su dưới chân đưa cho tôi.
          Lách qua vài ba tháp canh với những bao cát vây quanh. Khu nhà chìm trong vườn cây xanh mướt. Chủ nhân của ngôi nhà chắc đã di tản. Không dám bật điện, anh lính kiếm cây đèn cầy. Ánh sáng được vặn nhỏ nhưng cũng đủ cho tôi nhìn thấy một khuôn mặt còn khá trẻ. Đôi mắt sáng và nụ cười dễ mến. “Cô vào phòng trong, cố ngủ đi, trời cũng sắp sáng rồi”. “Ơ, sao gã không “làm” gì mình???”. Khổ thế. Cái tính đa nghi của con người thật kinh khủng. Khi nguy cấp thì cầu trời cho tai qua nạn khỏi, khi an toàn lại nghi ngờ “sao lại như thế?”.
          Thiếp đi trong ác mộng: Tôi bị lạc vào một khu rừng hoang không lương ăn, nước uống. Cái khát, cái đói giày vò, tôi lang thang giữa bầy thú đói nhe răng múa vuốt. “Cứu...cứu với”. Tôi gào lên. Giật mình tỉnh dậy, mồ hôi ướt đầm đìa, hầm hập nóng.
          - Cô kêu gì khiếp thế. Hình như cô bị sốt rồi.- Người lính đưa tay để lên trán tôi. Rồi quay ra lúi húi đun nấu cái gì đó trên chiếc bếp điện cuối phòng. Mùi thức ăn quẩn quanh, bụng tôi quặn lên, suốt ngày hôm qua chỉ có một mẩu bánh mì.
          - Nào, dậy, ăn đi cho nóng.
          Đỡ bát cháo, tay tôi run run xuýt rơi, người lính vội đỡ lấy, xúc từng muỗng, từng muỗng một. Tôi ứa nước mắt, nhớ đến mẹ, khi còn ở nhà mỗi khi bệnh hoặc muốn nũng mẹ. Tôi đều được bà bón, miệng chửi yêu: “Bố cô, bé lắm đấy”. Sau đó, tôi thường nằm khoanh tròn trong lòng bà.
          - Cô đắp chăn kín vào, ra mồ hôi sẽ khỏi.- Tiếng của người lính dứt tôi ra khỏi những liên tưởng ngọt ngào.
          Tôi ngủ li bì, không biết bao lâu. Tỉnh dậy, nhìn ra, ánh chiều chênh chếch chiếu qua cửa sổ. Bóng người lính ngoài phòng khách xoay lưng lại, đang hí húi làm gì đó, dải băng trắng xổ dài trên nền đất. Không kìm được tò mò, tôi nhẹ bước đến sau lưng. Một vết thương sâu hoắm, há miệng giữa lòng bàn chân vẫn còn rỉ máu, chắc do thủy tinh hoặc mảnh đạn cứa khi nhường dép cho tôi.
          - Để em băng lại cho.
          - Thôi, xong rồi. Có gì đâu.- Anh nói, không cảm thấy bất ngờ trước sự xuất hiện của tôi.
          - Anh ở đâu ngoài miền Bắc? Trước khi vào đây anh làm gì?
          - Tôi người Hà Nội. Sinh viên năm hai khoa Văn, Đại học Tổng hợp.
           - Anh cùng “nghề” với em rồi.- Tôi reo lên khe khẽ. - Em sinh ra ở “đất võ trời văn” nhưng cha em lại lập nghiệp ở Sài Gòn.
- Vậy hả, miền đất ấy sản sinh ra những con người tuyệt vời. Võ có tam Vương, văn có “Thành Bàn tứ hữu”. Tôi đã đọc rất nhiều. Trong hành trang vào Nam của người lính, trĩu nặng những vần thơ.
Anh không xứng là biển xanh
Nhưng muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê”
...
Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi.
Đã hôn rồi hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt...
          Đây là bài thơ tình hay nhất về biển của một trong những nhà thơ đã từng sinh sống và thành danh của đất Bình Định.- Anh nói tiếp.
          Gai người bởi lời và ý thơ, thú thật, tôi chưa một lần được đọc bài thơ ấy. Đặc biệt hơn là được nghe từ một người ở “phía bên kia”, một giọng đọc tình cảm yêu mến đối với quê hương. Những người thầy của tôi cũng chưa khi nào nói về biển và tình yêu nồng nàn như thế. Cứ thế, chúng tôi quên đi khoảng cách, quên không gian, thời gian.
          - “Cơm áo không đùa với khách thơ.” Xuân Diệu từng nói thế. Thơ không thay cơm được, giờ cô đi nấu, tôi ra vườn kiếm ít rau xanh.- Anh kéo tôi ra khỏi cuộc chuyện trò, văn chương mê mải.
          - Em không biết nấu.- Tôi lúng túng đỏ bừng mặt.
          Anh như không để ý đến vẻ mặt của tôi, vừa nói anh vừa làm mẫu:
- Gạo của chúng tôi để lâu nên phải vo kĩ, chắt hết những hạt gạo mục hoặc bị mọt ăn. Đổ nước ngập gạo chừng nửa đốt ngón tay. Bắc lên bếp đun cạn, đánh đều, kê cao kẻo cháy. Khi nào có mùi thơm là cơm đã chín. Bây giờ đến việc làm thức ăn: Lấy một ít thịt hộp, xào lên cho rau vào sẽ có nồi canh hoặc rau xào thịt tùy thuộc cho hoặc không cho nước. Luộc thì càng dễ, cứ đun sôi nước, cho rau vào, chín là được.
Anh hướng dẫn rất kĩ. Lúc ấy, tôi chưa hiểu, anh đang chuẩn bị cho tôi bước vào cuộc sống tự lập trong những ngày tới. Không biết do đói hay cảm giác yên bình, bữa cơm qua đi rất vui, chưa khi nào tôi ăn bữa cơm ngon như thế.
          - Bây giờ cô vào ngủ đi, mới hết bệnh, thức khuya không lợi.
          Lưỡng lự bước vào. Thật lòng tôi muốn được ngồi, được cùng anh bàn luận văn chương và muốn nhiều hơn thế. Tôi những muốn ôm lấy anh, và muốn nhiều thứ nữa. Cuối cùng tôi vẫn chỉ là con bé ngốc nghếch, luôn mâu thuẫn. Chỉ hôm qua thôi, tôi đã từng cắn lưỡi tự tử khi thấy anh cởi áo. Hôm nay lại muốn... Thật là... Tôi không muốn nghĩ nữa nhưng con tim lại đập rộn, muốn cất tiếng: “Anh ơi...”. Từ ngày còn học phổ thông đã có rất nhiều những chàng trai vây quanh, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác lạ lùng như thế. Tôi mới gặp anh có mấy giờ đồng hồ??? Cứ thế tôi chìm vào giấc ngủ với những mơ ước ngọt ngào. Tỉnh dậy, căn nhà quạnh vắng, nồi cơm đã chín, hộp thịt, mớ rau, ruột tượng gạo gọn gàng trên bàn bếp. Trên bàn, mảnh giấy được chặn bởi chiếc ly thủy tinh: “Những ngày tới sẽ rất gay go, ác liệt và cực kì nguy hiểm. Em đừng ra ngoài, cố ăn uống điều độ, giữ gìn sức khỏe. Hãy tự chăm lo cho mình. “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”- Chế Lan Viên đã viết như thế. Có duyên sẽ có ngày gặp lại!” Kí tên Hoàng Huy.
          Tôi ôm bức thư vào ngực. Nước mắt rơi trên áo, hòa cùng mùi mồ hôi của anh xoắn xuýt.
***
          Tôi trở về sau 30 tháng tư. Hơi chậm một chút vì chùng chình chờ anh trở lại. Nấn ná gần tuần, tôi đáp chuyến xe đò về Sài Gòn khi trời đã nhá nhem. Căn biệt thự tối om, nhấn chuông mấy lần mới thấy vú em ra, lấm lét nhìn quanh rồi kéo tuột tôi vào trong.
          - Ông bà và các cô cậu di tản rồi, đi trước 30 tháng 4, sang Đài Loan. Cả nhà đều lo cho cô.- Vú nuôi thì thào.
          Cuộc sống biến động. Những người từng trải như có giác quan cảnh báo sớm, luôn đi trước một bước. Như vậy cũng tạm yên tâm về gia đình. Tôi cũng không phải lo lắng, ba mẹ để lại, đủ để sống sung túc. Sẵn có mối thiện cảm với Huy nên những người lính giải phóng không bị coi là xa lạ. Tôi tham gia công tác đường phố và đi học lại. Tốt nghiệp đại học, về công tác tại Trung tâm văn hóa quận.
           Tôi lấy chồng. Có yêu hay không, tôi cũng không biết, điều chắc chắn duy nhất: anh là người Hà Nội. Chồng tôi là bác sỹ ngoại. Có lẽ do nghề nghiệp, nên vô cùng sạch sẽ, lúc nào cũng láng coóng thoang thoảng mùi ete và thuốc sát trùng. Còn nữa, rất hay ghen, luôn tỏ ra khó chịu nếu tôi nói chuyện hay nhìn người khác giới. Biết thế, tôi cũng hy sinh nhiều thú vui của mình. Tôi giấu chiếc áo của Huy trong gối. Chồng tôi lần nào vào phòng cũng nói: “Trong nhà có mùi gì là lạ?” Tôi tảng lờ. Không thoải mái trong “quan hệ” vợ chồng, tôi chỉ cuồng nhiệt khi úp được chiếc gối có chiếc áo của Huy lên mặt. Một lần, tôi vắng mặt vài ngày do công việc của cơ quan. Lúc về chồng đã thu dọn giặt giũ tất cả chăn, màn, ga, gối. “Chiếc áo của em đâu rồi?”- Tôi thảng thốt. “Anh vứt đi rồi. Kinh khủng, toàn mùi mồ hôi và thuốc lào, thuốc lá. Thể nào cứ thấy mùi khai khai. Thế mà em cũng chịu được.” Tôi á khẩu. Từ đó bị chứng mất ngủ và hoàn toàn lãnh cảm. Tôi cố tránh nếu có thể, còn không thì nằm im “chịu trận”. Chồng tìm mọi cách để “chiều”, có biết đâu đó như đòn tra tấn. Có lần, không kìm được, tôi sẵng: “Làm nhanh đi, mai còn đi làm”. Chồng lăn ngang từ trên người tôi xuống giường, dọn ra phòng bên ngủ. Tôi cũng không mấy quan tâm. Những ngày ấy, gần như ngày nào tôi cũng mơ thấy Huy về nằm cạnh, nói chuyện, đọc thơ. Mà lạ lắm, đến sáng, chỗ giường bên cạnh như vẫn còn nóng ấm.
          - Anh biết em không yêu anh. Có thằng đàn ông nào chịu được khi vợ ngủ với chồng phải nhờ đến hình bóng của thằng khác? Anh đã nộp đơn xin ly hôn. Anh vào đây thế nào sẽ ra đi như thế.
          Chồng tôi là người tử tế và tự trọng. Thứ anh thiếu là tình yêu của tôi. Tôi cũng không ân hận hay tiếc nuối cuộc hôn nhân đó. Tôi thành người tự do, vui theo sở thích, chơi theo tùy hứng. Nhưng Huy “về” có vẻ thưa hơn: “Đường xa, tàu xe khó khăn...”.- Huy “phàn nàn”. Tôi đoán Huy đang ở trên thành phố cao nguyên nên khóa cửa nhờ vú trông coi rồi đi lên Playcu, đúng lúc chủ nhà muốn bán căn nhà- Cái nhà Huy và tôi đã tá túc năm xưa. Chủ nhà để lại toàn bộ vật dụng, tôi bài trí lại đúng như ngày trước. Đêm ấy anh lại về cười rất tươi, lần đầu tiên Huy “hôn” tôi... Một mùi hương rất lạ len vào phòng. Tôi chưa ngửi thấy mùi hương như thế bao giờ. “Đó là mùi hoa Sữa, cái cây mọc lên từ hạt em lấy trong túi áo anh ra ươm trồng ấy, và Huy đọc: Gió lạnh về rồi có kéo nổi mùa sang/Hay nuối tiếc thu dùng dằng chẳng dứt?/Hoa sữa rơi giữa hai miền hư thực/Níu được không tia nắng cuối trời xa?/Tháng mười một rồi, hoa sữa vẫn đơm hoa/ Ta mắc nợ mùa thu lời hẹn ước/... Hoa sữa ơi/ Nở hết/ Kẻo đông về...” (Hoa sữa nở muộn- Nguyễn Lan Hương). Sáng hôm sau nhìn ra, cái cây tôi trồng năm xưa đã cao gộc đơm đầy từng chùm hoa trắng, tỏa hương ngào ngạt.
          ...Tôi trở thành cư dân phố núi. Hàng ngày, vượt vài chục cây số vào bản dạy chữ cho con em đồng bào. Tôi vui với niềm vui thơ trẻ. Những khi rảnh rỗi, tôi thường dạo một mình trong rừng. Đi trong nắng sớm, đi trong chiều buông sắc tím rưng rưng. Những tiếng rì rào của gió lùa cành, tiếng róc rách của dòng suối luôn gợi nỗi nhớ mênh mang. Anh đã đến và đã đi. Tôi đã đi và trở lại... Mỗi khi ráng chiều buông xuống, tiếng nai tác vọng về xa xa. Tôi lại giật mình: Về thôi! Chắc Huy chờ cửa. “Người gì mà đoảng, cấm chịu mang chìa khóa bao giờ!”

Tháng 7 năm 2023
Trương Ngọc Hùng
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn tại Nam Định


 
tin tức liên quan