Lại vào "chiến trường" - Ký ức của Hoàng Kiền

Ngày đăng: 10:24 29/10/2021 Lượt xem: 363
CHUYẾN ĐI NHỚ MÃI
LẠI VÀO "CHIẾN TRƯỜNG"

        Từ Trường Sơn bên Lào về nước, được đi ôn thi đại học từ giữa tháng 4, ngày 13,14 tháng 7 năm 1976 thi đại học, chờ mãi đến đầu tháng 11 mới có thông báo đỗ điểm cao, được cử vào học tại Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự), hồi hộp, mừng lắm. Thế rồi cán bộ tuyển sinh nói hồ sơ đảng viên của tôi thiếu mẫu M3. Đây là một văn bản rất quan trọng không thể thiếu được. Vào năm 1973 khi phát hiện có kẻ phản bội đã leo đến cán bộ rất cao trong bộ máy của Đảng và nhà nước. Chương trình rà soát lại tất cả đảng viên trong toàn Đảng được tiến hành rất chặt chẽ bằng mẫu M3, được xác minh cụ thể. Tôi đã làm đầy đủ, không hiểu tại sao người làm hồ sơ lại bỏ sót trong túi hồ sơ dán kín. Suy nghĩ rồi tôi quyết định bỏ hồ sơ đảng viên, vào học sẽ phấn đấu lại, mình mới 26 tuổi vẫn còn nhiều thời gian. Tôi đề nghị với anh cán bộ tuyển sinh, xóa tên đảng viên. Anh ấy không đồng ý và nói yêu cầu vào bổ sung hồ sơ, nếu không sẽ trả về đơn vị cũ. Đành phải quay vào thôi.
       Tháng 4 năm 1976 từ Khe Sanh đi ôn thi, đến lúc này Sư đoàn Công binh 565 đã chuyển sang làm lâm nghiệp chưa biết ở đâu.
       Biết tin Đại tá Đào Kim Sơn, Tư lệnh Sư đoàn 565 đã chuyển về làm Chánh văn phòng Tổng cục xây dựng kinh tế, tôi tìm đến thăm thủ trưởng và hỏi đường về đơn vị. Ông nói Sư đoàn đã chuyển về Lâm trường Ba Rền, cứ vào Đồng Hới hỏi thăm, thế là yên tâm.

HÀNH TRÌNH ĐI TÀU GIAO LIÊN QUÂN SỰ VÀO ĐỒNG HỚI
       Về quê mẹ nấu cho hai nắm cơm nếp, luộc 5 quả trứng, lên trạm giao liên Nam Định đăng ký tàu giao liên vào Đồng Hới, ngồi trên tàu mà cứ nghĩ đến đường lên Ba Rền xa xăm mờ mịt.
       Trải qua chiến tranh ác liệt, đường sắt Bắc-Nam (Thống Nhất) bị hư hỏng nặng nề, nhất là tuyến chạy qua các tỉnh miền Trung hầu như bị “giày xéo” bởi bom đạn. Ngày 14-11-1975, Hội đồng Chính phủ ra quyết định khẩn trương khôi phục đường sắt Thống Nhất. Nhiệm vụ đặt ra là bằng mọi biện pháp khôi phục để thông tàu cuối năm 1976. Để hàn gắn đường sắt sau hơn 30 năm gián đoạn là nỗ lực của hơn 100.000 lao động trên công trường đường tàu thống nhất Bắc Nam. Đoạn Vinh - Quảng Trị dài 314km đã được khôi phục bước đầu, thế là có tàu vào Đồng Hới.
       Năm 1970 tôi vào chiến trường đánh Mỹ, đi tàu hoả từ Nam Hà vào đến Vinh là hết , nay đi tiếp vào đến Đồng Hới. Ngồi trên tàu có mấy người đi vào thôi, còn chủ yếu là tàu chở bộ đội từ miền Nam đi phép, ra quân, nhìn nét mặt họ ai cũng rạng rỡ tươi cười, chỉ có mình tôi là đăm chiêu thôi. Ngồi trên tàu nghĩ, thế là mình "đi chiến trường" lần thứ ba, thật lẻ loi, có một mình trong đội hình hành quân. Trên đường, công nhân giao thông đường sắt vẫn đang làm bổ sung một số công việc vì đường chưa hoàn chỉnh, nhiều đoạn tàu chạy rất chậm, lại càng sốt ruột.

 

 
LẠI "VƯỢT TRƯỜNG SƠN"
       Đến ga Đồng Hới là xuống, mang giấy giới thiệu vào trạm giao liên đăng ký để ngủ đêm. Sáng hôm sau tìm ra bến xe Đồng Hới hỏi, không có xe lên Ba Rền, lâm trường xa lắm, cách gần trăm cây số. Dân họ bảo lên đấy không có xe khách, thi thoảng có xe tải thôi. Tôi ra đường đón từ sáng đến tối vẫy xe, hàng chục cái mà không cái nào đi Ba Rền, tối lại về trạm giao liên xin ngủ đêm. Sáng hôm sau lại ra đón xe, suốt ngày mỏi mồm chùn chân mà không bắt được xe, thẫn thờ phờ phạc về trạm giao liên nghỉ tiếp. Cơm nếp mẹ gói cho, trứng mẹ luộc cho đã nặng m ùi, bóc ra rửa rồi ăn hết, quyết định đi bộ, cố gắng cả đi về 4 ngày. Vượt Trường Sơn lần thứ ba.
       Lần thứ nhất tháng 11 năm 1970 từ Quảng Bình đi bộ vượt Trường Sơn vào đến Đường 9 Nam Lào mất hơn một tháng. Lần thứ hai, tháng 1 năm 1976 đi phép vào, cũng không có xe ô tô, đi bộ vượt Trường Sơn từ Khe Sanh vào đến Sa la van Nam Lào hơn hai trăm cây số. Nay lần thứ ba " Vượt Trường Sơn ", phải quyết tâm thôi. Hôm ấy tôi dậy rất sớm, ăn sáng, mua bánh mì mang theo để hành quân bộ "vượt Trường Sơn", trên đường đi Ba Rền tôi lại rẽ qua bến xe Đồng Hới xem sao.
Bỗng có người gọi:
- Anh Kiền!
- Ôi anh An! Đại đội trưởng Đại đội xe tải của Sư đoàn bộ.
       Hai anh em chạy đến bắt tay nhau vui lắm.
- Anh Kiền đi đâu mà vào đây?
- Tôi lên Lâm Trường Ba Rền vào sư đoàn làm bổ sung hồ sơ đảng viên.
- Sao lại đi Ba Rền, sư đoàn ở trong Thác Cóc cơ mà, lên Ba Rền thì chết.
- Thủ trưởng Đào Kim Sơn chỉ thế mà!
- Đấy là kế hoạch cũ, thay đổi rồi.
- Thế anh An đi đâu?
- Tôi đi phép về quê ở Gia Lâm vào, cùng chú này là chiến sĩ Đại đội xe vận tải của Sư đoàn bộ 565 ta.
       May quá ba anh em xếp hàng mua vé ô tô vào thác Cóc. Xe chạy qua cầu Long Đại đi tiếp vào trong ngược lên Trường Sơn. Hết tiền xe, đi bộ chục cây số nữa mới vào đến Sư đoàn bộ. Trên đường đi anh An kể, tháng trước Hổ nó về đây vồ một cô gái 18 tuổi ăn thịt đấy, thật sợ. Nói thế là biết đây là rừng sâu miền Tây Quảng Bình chân dãy Trường Sơn.
       Vào đến Phòng Tham mưu sư đoàn, ai cũng hỏi thi trượt à....
      Tôi lên báo cáo Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó tư lệnh Sư đoàn, ông chỉ đạo cơ quan làm bổ sung mẫu M3 cho ngay. Phòng tham mưu tổ chức bữa liên hoan chúc mừng Thượng sĩ Hoàng Kiền - Trợ lý kế hoạch của Ban Công binh đã trúng tuyển vào Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự. Phó tư lệnh Nguyễn Đức Lợi dự liên hoan và nói, cứ bình tĩnh, ngày kia có xe con anh Kiên - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 39 ra Hà Nội tập huấn về Lâm nghiệp, tớ gửi đi nhờ . Thế là yên tâm ở lại thăm giao lưu với các cơ quan, nhưng cũng sốt ruột vì đi lâu quá.
       Hành trình ra Bắc, xe ô tô con Bắc kinh khởi hành từ Thác Cóc, đến thị xã Đồng Hới rẽ vào nhà anh Tửu, trợ lý của sư đoàn cùng đi dự tập huấn với anh Kiên. Ăn cơm trưa xong anh Kiên hô lên đường. Tôi nhìn nét mặt của chị vợ anh Tửu buồn rười rượi, tôi nói nhỏ với anh Kiên nên cho anh Tửu ở lại đêm nay với chị ấy. Một lát sau anh Kiên nói, thôi ở lại đây sáng mai đi sớm.
       Hôm sau tiếp tục hành trình về quê anh Kiên, nhà anh bên bờ sông Mã phía thượng lưu cầu Hàm Rồng, huyện Yên Định thì phải, nghỉ ở đây một ngày hôm sau nữa, tôi ra bờ sông Mã thăm phong cảnh thật đẹp mà ruột cứ nóng bừng bừng.
       Tiếp tục hành trình ra Hà Nội, tôi cám ơn anh Kiên, anh Tửu rồi lên Ô Cách - Gia Lâm nộp hồ sơ cho cán bộ tuyển sinh.
       Vào Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự cuối tháng 11 năm 1976, nộp giấy tờ.
      Cán bộ tuyển sinh thông báo: Anh đủ điềm đi học nước ngoài, nhưng lớp tiếng Nga đã học hơn một tháng rồi vào không theo được. Chỉ còn mỗi khoa Công Trình Quân sự là thiếu chỉ tiêu, chỉ còn lớp Công sự là thiếu học viên. Thế là nhận giấy về lớp " CÔNG SỰ : lớp Vai u thịt bắp mồ hôi dầu", Khoa CÔNG TRÌNH QUÂN SỰ : khoa "Nông dân" bắt đầu từ đây.
       Một hành trình đầy gian nan, nhưng cũng còn may, vẫn được "Trời thương"
Sáu năm gắn bó với Trường Sơn
Ba lần đi bộ vượt dặm trường
Gian nan muôn nẻo không nhụt trí
Còn may gặp bạn - được "Trời thương"
 
Hà Nội đêm 28 tháng 10 năm 2021
Hoàng Kiền
 

tin tức liên quan